0235.3867334

        Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam.

        Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hoà bình, hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội chăm lo hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.

        Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động trong phạm vi cả nước, theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ Hội và 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.

        Tại thị xã Điện Bàn, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ đã có tổ chức sâu rộng ở 20/20 xã phường, các trường học, bệnh viện nhằm làm cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

        Các chương trình, hoạt động của Hội ngày càng được đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, với phương châm do Trung ương Hội Chữ thập đỏ đề ra, đó là “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”. Nhiều mô hình hay, cách làm mới được áp dụng nhằm thu hút, tập hợp hội viên, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện công tác nhân đạo. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cá nhân nước ngoài đã liên hệ để thực hiện các chương trình, dự án ngày càng đông, góp phần rất lớn thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn thị xã. Có thể kể đến như Bệnh viện chuyên khoa SC Đà Nẵng đã gắn bó và thông qua Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ cho thị xã Điện Bàn hàng chục năm qua với 43 ngôi nhà nhân ái, hàng ngàn suất quà cho học sinh nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hàng ngàn xe lăn cho người khuyết tật, hằng năm tổ chức các chương trình khám chữa bệnh nhân đạo lên đến hàng trăm triệu đồng. Các dự án phòng chống thiên tai, chăm sóc người khuyết tật, giáo dục hòa nhập cho học sinh với kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm… Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Hội được đẩy mạnh, từ việc quản lý hội viên, tình nguyện viên, quản lý các địa chỉ nhân đạo, các địa chỉ dễ bị tổn thương, các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn do thiên tai… đã được cập nhật quản lý bằng công nghệ số. Các hoạt động huy động nguồn lực cũng được thực hiện với các ứng dụng như Tài khoản nhân đạo, chương trình “Triệu bước chân nhân ái để tích điểm quy đổi thành tiền hỗ trợ công tác nhân đạo”…

        Việc huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn được thực hiện khá tốt, các nhà hảo tâm ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội Chữ thập đỏ, sẵn sàng đồng hành, giúp sức, để điều phối nguồn lực đến người dân một cách kịp thời, đúng đối tượng. Các cơ sở Hội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác nhân đạo trên địa bàn, Hội Chữ thập đỏ phường Điện Phương là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt công tác này. 

        Các chương trình nổi bật của Hội Chữ thập đỏ như “Tết nhân ái”, “Tháng nhân đạo”, công tác “Hiến máu tình nguyện” là những hoạt động tiêu biểu, với kết quả luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Hàng hàng người dân đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, hoạn nạn, hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đã ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân. 

        Có thể nói rằng, Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện và là điểm tựa để các hoàn cảnh khó khăn vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện nghiêm túc kết luận số 44 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 43 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, trong đó “Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh, tiến bộ xã hội của địa phương, đất nước”.

Thanh Tâm – Tào Ka

        Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ nào, phong trào ấy”câu nói đó luôn đúng với thực tế, nhất là đối với công tác phong trào tại khu dân cư. Bởi người đứng đầu là người đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi hội. Qua hoạt động của chi hội có thể thấy rõ nhất mối quan hệ giữa cán bộ với phong trào, ở đâu có phong trào mạnh ở đó có cán bộ giỏi. Một trong những cán bộ tiêu biểu, gương mẫu trong phong trào, công tác Hội của phường Điện Ngọc là Chị Đặng Thị Ngãi - chi hội trưởng Phụ Nữ khối phố Viêm Trung.

        Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, chị Đặng Thị Ngãi sinh năm 1956 luôn sống có lý tưởng và nổ lực không ngừng để cống hiến sức mình cho quê hương, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ ông cha, trong đó có người thân trong gia đình.

        Tham gia phong trào phụ nữ tại địa phương gần 25 năm nhưng ở cương vị nào chị Đặng Thị Ngãi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong quá trình làm chi hội trưởng Phụ nữ khối phố Viêm Trung chị đã có nhiều đổi mới và tiên phong trong nhiều hoạt động như: phong trào nuôi heo đất, phong trào góp vốn xoay vòng, thành lập CLB dân vũ, chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Mô hình “Ngôi nhà xanh” và gần đây nhất chị đã mạnh dạng vận động chị em tổ chức thành công chương trình Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Chung một tấm lòng” và bán nước gây nguồn quỹ. Tại chương trình đã trao tặng 20 Bảo hiểm An Bình Yên vui, trao thêm 1 em đỡ đầu số tiền 2 triệu, trao 12 suất quà tiếp sức học sinh đến trường, trao tặng 3 gia đình có người bệnh ung thư số tiền 17.900.000đ, tổng kinh phí trao tặng quà trong đêm văn nghệ 24.500.000đ. Đến nay, chi hội đã trao đỡ đầu 7 em mồ côi, trẻ em khó khăn tổng kinh phí 14.000.000đ. Ngoài ra, chị còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa “Nhà tôi đã phân loại rác”, chị vận động trao gần 200 thùng rác văn minh với tổng kinh phí 32.000.000đ, tất cả đã góp phần phát triển phong trào hội phụ nữ phường vững mạnh toàn diện trên tất cả các hoạt động phong trào.

        Chị Đặng Thị Ngãi chia sẻ: “Để phong trào chi hội Phụ Nữ ngày một phát triển vững mạnh, chi hội cần bám sát chương trình hoạt động của hội Phụ nữ phường, sự chỉ đạo của Chi ủy, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh thực tế tại địa phương từ đó đề ra kế hoạch hoạt động của chi hội. Đặc biệt, chi hội phải quan tâm đến đời sống hội viên, hiểu rõ hội viên từ đó giúp đỡ kịp thời, tạo niềm tin cho hội viên, cùng hội viên phát triển phong trào”.

        Với những cống hiến của mình chị Đặng Thị Ngãi vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung Ương Hội, Hội LHPN tỉnh, UBND thị xã, Hội LHPN thị xã, Hội LHPN Phường và nhiều bằng khen, giấy khen khác…

        Chị Đặng Thị Ngãi - Chi hội trưởng phụ nữ khối phố Viêm Trung, phường Điện Ngọc luôn là tấm gương sáng để chị em học hỏi và noi theo.

Huyền Chi

       Sáng ngày 15.11, UBND phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao công trình bể bơi phòng chống đuối nước trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống.

       Phường Điện Thắng Trung là vùng trũng thấp, hầu hết các tuyến giao thông đều ngập nước khi có lũ về, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của học sinh là rất lớn. Do đó, việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường là vô cùng quan trọng.

       Được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí của UBND thị xã, nguồn tài trợ Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ giúp đỡ địa phương xây dựng bể bơi trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống cùng với nguồn đối ứng của ngân sách phường. Trong đó, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ 700 triệu đồng.

       Công trình khởi công xây dựng từ tháng 5.2024 với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng 242 m2 với các hạng mục: Bể bơi chính gần 100m2, hệ thống nhà mái vòm, nhà tắm, phòng kỹ thuật, lối đi và sân khởi động.

       Công trình hoàn thành góp phần giúp nhà trường có điều kiện rèn luyện thể chất, nâng cao sức khoẻ, trang bị kỹ năng bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh.

                                                                                                          Thu Hằng

        Hằng năm vào những ngày đầu tháng 11, không khí sôi nổi của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thị xã Điện Bàn được lan tỏa đến 140 thôn, khối phố. Năm nay, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức khoa học, nhiều hoạt động của phần lễ và phần hội đổi mới, đảm bảo thiết thực, ngắn gọn thật sự là dịp để tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay diễn ra từ ngày 3 đến ngày 18/11, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lâp Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và gặp mặt thân mật tại các khu dân cư.

       Thời gian qua, công tác Mặt trận ngày càng được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thị xã được tăng cường và phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động và các chương trình phối hợp, liên tịch được triển khai đồng bộ, ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các hoạt động vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo được triển khai, bàn giao hơn 15 ngôi nhà đại đoàn kết, vận động giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hàng ngàn suất quà với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Quỹ người ngheo thị xã vận động được trên 1 tỷ đồng; vận động ủng hộ các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão số 3 trên 3 tỷ đồng.

        Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là dịp để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết trong mỗi địa bàn khu dân cư. Tại thôn, khối phố, tổ đoàn kết, đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam, đánh giá kết quả tự quản của cộng đồng và công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, kịp thời khích lệ, động viên nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng.

        Khối phố Tân Mỹ - phường Điện Minh là 1 trong 20 đơn vị được chọn chỉ đạo điểm của thị xã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay. Để Ngày hội được diễn ra thành công tốt đẹp, Ban công tác Mặt trận khối đã lên kế hoạch chuẩn bị cho phần hội và phần lễ chu đáo. Mặc dù thời điểm tổ chức ngày hội thời tiết không thuận lợi, mưa lớn nhưng không làm ảnh hưởng đến không khí của ngày hội, người dân khối phố tham dự đông đúc tạo thêm không khí vui tươi, đầm ấm. 

        Khu dân cư thôn Phú Văn - xã Điện Quang cũng là 1 trong những khu được chọn làm điểm để tiến hành tổ chức tại các khu dân cư còn lại. Không khí ngày hội càng trở nên khí thế và vui hơn khi thôn đạt nhiều thành tích cao sau 5 năm sáp nhập, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, bộ mặt khu dân cư ngày càng thay đổi và văn minh hơn.

        Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết là kết quả của sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác mặt trận ở mỗi địa bàn khu dân cư. Đây là cơ sở huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh. Mỗi năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có nhiều đổi mới, thiết thực, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

        Những hoạt động cụ thể của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, còn tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân. Để Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng hiệu quả, thiết thực, thời gian tới, Mặt trận các cấp trên địa bàn thị xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng tổ chức. Chú trọng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tự quản, vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Mi Ni

       Sáng ngày 15/11, tại Hội trường UBND phường Điện Phương, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
       Tham dự có bà Nguyễn Thị Minh Châu - TUV, Phó Chủ tịch UBND thị xã; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; ông Đặng Hữu Tú - TUV, Bí thư Đảng ủy phường Điện Phương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan.
 
 
       Trong thời gian qua, UBND thị xã Điện Bàn đã thực hiện triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến phụ nữ; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội; cung cấp cho Nhân dân kiến thức thi đua xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, không có tình trạng bạo lực gia đình. Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định không chỉ là trụ cột trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc mà còn giữ vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, câu lạc bộ, tổ hòa giải... về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới… là những yếu tố tích cực thúc đẩy công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng hiệu quả.
       Lễ phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" với chủ đề “ Đảm bảo an sinh xã hội, tăng  quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và  xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội chung tay xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới; tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng, qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
 
 
       Phát biểu phát động tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Minh Châu - TUV, Phó Chủ tịch UBND thị xã đề nghị các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể và các địa phương tiếp tục thực hiện việc: “huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cùng thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và tạo cơ hội để cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận. Nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, tập trung vào việc tăng cơ hội có việc làm, đặc biệt là lao động nữ; hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn … phát triển các dịch vụ bảo vệ và nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ các cấp khi phụ nữ bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành về thực hiện công tác bình đẳng giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em.”
       Dịp này, UBND thị xã đã tặng 10 suất quà cho các em gái có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã.                                                                                  
                                                                                                              Tào Ka

       Ngày 10.11, khu dân cư Thái Sơn (xã Điện Tiến) tổ chức Ngày hội đại đoàn kết.
       Đến dự có ông Lê Văn Dũng – Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQVN tỉnh; ông Phan Minh Dũng – Bí thư thị uỷ; ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thị xã; bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch UBMT thị xã; đại diện lãnh đạo các phòng ban thị xã, lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMT xã Điện Tiến cùng đông đảo bà con nhân dân thôn Thái Sơn. 
 
 
       Năm 2024, Ban công tác mặt trận thôn đã triển khai giải pháp thực hiện 6 chương trình trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá và 5 nội dung đổi mới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng với xã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ hộ nghèo của thôn Thái Sơn chỉ còn hơn 0,4%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn gần 2,1%. Toàn thôn có 95,3% hộ được công nhận gia đình văn hoá, 5 tổ đoàn kết xuất sắc và 16 gia đình xuất sắc tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng, 2 tộc họ đạt tộc họ văn hoá 3 năm liền... Người dân tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng làng quê văn minh, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn thôn.
       Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy cộng đồng dân cư Thái Sơn luôn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần ấy đã góp phần mạnh mẽ cho sự phát triển của địa phương những năm gần đây. Những nỗ lực của Chi uỷ, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận, các đoàn thể và bà con thôn Thái Sơn đã giữ gìn được bản sắc văn hoá, làng quê nông thôn ngày càng khởi sắc.
 
 
       Tại ngày hội, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng trao tặng 2 ngôi nhà đại đoàn kết (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng) cho 2 hộ đặc biệt khó khăn; Phó Chủ tịch thường trực UBMT tỉnh Nguyễn Phi Hùng trao 10 suất quà của lãnh đạo tỉnh cho các hộ nghèo. Bí thư thị uỷ Phan Minh Dũng trao giấy khen và tiền thưởng cho Ban công tác mặt trận thôn Thái Sơn. Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch UBMT thị xã trao quà của lãnh đạo thị xã cho 5 hộ đặc biệt khó khăn. Lãnh đạo xã Điện Tiến trao giấy khen và tiền thưởng cho các tổ đoàn kết, Hội đồng gia tộc, các gia đình xuất sắc tiêu biểu. Điểm sinh hoạt Phật giáo Pháp Vân tặng quà cho 13 hộ khó khăn.
                                                                                                       Huyền Chi 

       Ngày 10-11-2024, Khối phố Uất Lũy, phường Điện Minh tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2024. Đến dự có Ông Lê Tự Đợi, TUV, Bí thư đảng ủy phường.

       Trong ngày hội, Ban công tác mặt trận khối phố đã ôn lại kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống MTTQVN (18/11/1930-18/11/2024), báo cáo tổng kết cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh năm 2024. Trong năm qua, cán bộ và nhân dân khối luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Về kinh tế đạt trên 5,5 tỷ đồng, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét; các thiết chế văn hóa, đường làng ngỏ xóm luôn được quan tâm đầu tư, mở rộng… Đặc biệt, khối phố đã hưởng ứng và thực hiện khá tốt các cuộc vận động do cấp trên phát động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Gia đình học tập-Dòng họ học tập- Cộng đồng học tập; Bữa sáng san sẻ yêu thương; Xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo; Chăm lo chính sách, an sinh xã hội cho người có công, người khó khăn, yếu thế; Duy trì hoạt động của các tổ tự quản, tổ an ninh, các hội, câu lạc bộ do khối thành lập… đã tạo nên động lực, thống nhất trong khối thi đua hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đầu năm và giữ vững khối phố văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.

       Cũng tại ngày hội, UBND phường Điện Minh đã trao Quyết định công nhận 168 hộ của khối đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 86%) và khen thưởng 02 tổ đoàn kết. UBMT phường trao tặng 03 phần quà cho 03 hộ khó khăn và khen thưởng 4 cá nhân vì có thành tích đóng góp trong Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh năm 2024 trên địa bàn khối.

Chí Thành

 
 

       Điện Bàn là vùng đất địa linh nhân kiệt, là vùng đất học hàng đầu xứ Quảng. Nơi đây đã sản sinh ra bao người con làm rạng rỡ quê hương, sáng ngời trên trong sử vàng của xứ Quảng. Hơn 30 năm qua, kể từ ngày Hội khuyến học Điện Bàn được thành lập đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo trên quê hương Điện Bàn thân yêu. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Kế hoạch số 80 của Thị ủy về thực hiện Kết luận 49 của Ban bí thư và Chỉ thị số 46 của Tỉnh  ủy, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thị xã đã đạt nhiều thành tựu to lớn và thiết thực, đã khơi dậy được niềm tin rất lớn trong nhân dân và giúp mọi người dân nâng cao ý thức học tập- học tập suốt đời.

       Đến nay, Hội đã phát triển mạnh về tổ chức và phát triển hội viên từ thị xã đến tận cơ sở xã, phường, thôn, khối phố, khu dân cư, dòng họ, cơ quan, trường học, cơ sở tôn giáo, Tổ dân phố, tổ đoàn kết… với 1005 tổ chức, 51.396 hội viên, chiếm 22,22% so với dân số. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”,“Công  dân học tập” được phát triển rộng khắp, đến nay, toàn thị xã có  trên 45.000 hộ Gia đình; 525 Dòng tộc, 140 thôn, khối phố, 128 cơ quan đơn vị được công nhận các “Danh hiệu học tập”; 14/20 xã, phường được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã. Bênh cạnh đó, Hội Khuyến học thị xã đã chủ động phối hợp với ngành Giáo dục triển khai xây dựng “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; vận động học sinh ra lớp, hỗ trợ khó khăn, cấp học bổng, khen thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, hoàn cảnh khó khăn, đẩy mạnh phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

       Trong công tác xây dựng Quỹ Khuyến học: Hội đã vận động sự tự nguyện, hảo tâm của hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong nước và ở nước ngoài đã tài trợ, ủng hộ cho hội Khuyến học thị xã hơn 47 tỷ đồng; trao học bổng khuyến học, khuyến tài, thực hiện các Chương trình nhận “Đỡ đầu học tập”, “Ươm mầm tài năng”, “Tiếp sức em đến trường”; Trao giải thưởng Phạm Phú Thứ cho 196 Học sinh sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi của tỉnh và quốc gia gần 1tỷ đồng; động viên khen thưởng cho hàng ngàn em học sinh, sinh viên của thị xã chăm học, vượt khó, học giỏi, xuất sắc; tặng quà cho các lớp học tình thương; các trường học ở vùng sâu, vùng xa; cho các thầy cô giáo dạy giỏi, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn 151.869 xuất, gần 48 tỷ đồng. Phối hợp với ngành Giáo dục tuyển chọn học sinh THCS tham gia Chương trình học bổng SEED (Vòng tay thái bình) tài trợ thường xuyên cho 13 em, kinh phí hơn 100 triệu đồng…Chính  nhờ sự giúp đỡ này mà nhiều học sinh, sinh viên có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường; nhiều sinh viên ra trường có việc làm ổn định quay trở lại đóng góp xây dựng quê hương, trong đó có công tác khuyến học.

       Từ các hoạt động thực tiễn này đã xây dựng được những mô hình hay ở các địa phương gắn với tổ chức phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập có chất lượng, hiệu quả; đến nay rất nhiều địa phương trên địa bàn thị xã học tập kinh nghiệm, làm theo. Nổi bật trong phong trào thi đua Khuyến học của thị xã trong thời gian qua là Hội khuyến học các xã, phường Điện Minh, Điện Trung, Vĩnh Điện, Điện Phước, Điện Thọ….; các Chi hội khuyến học tiêu biểu, xuất sắc như: Chi hội khuyến học Khối 5 phường Vĩnh Điện; khối phố Tân Mỹ phường Điện Minh; thôn Nam Hà xã Điện Trung; thôn Nhị Dinh 1 xã Điện Phước; thôn Châu Thuỷ xã Điện Thọ; thôn Hoà An xã Điện Hồng. Tộc Đinh Công xã Điện Phước, Lê Viết, phường Điện An; Trương Công (Điện Thắng), Đặng Hữu, phường Điện Nam Trung; Tộc Phạm La Qua (Điện Minh). Về cá nhân nổi bật nhất là ông Nguyễn Văn Thừa - Chủ tịch Hội khuyến học Phường Điện Minh, mỗi năm huy đông quỹ khuyến học gần nữa tỷ đồng, xây dựng Nhà truyền thống Khuyến học gần 600 triệu đồng để vinh danh các Tiến sỹ và các nhà tài trợ, hay ông Đặng Kim Danh,bà Nguyễn Thị Trang, ông Huỳnh Tấn Long và nhiều cá nhân khác…. luôn hết mình vì sự nghiệp ươm mầm cho thế hệ tương lai.

       Với những kết quả nổi bật trong hoạt động, Hội khuyến học Điện Bàn nhiều năm liền, đặc biệt giai đoạn 2019-2024 được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen, Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc; được Thị ủy, UBND thị xã đánh giá cao. Đây là tiền đề quan trọng, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, hội viên hội khuyến học toàn thị xã nỗ lực phấn đấu, chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2030.

Thu Hằng

 

       Thời gian qua, để thực hiện tốt mô hình xây dựng trường học hạnh phúc - lấy trẻ làm trung tâm, tạo môi trường học tập lý tưởng cho trẻ, BGH nhà trường Mẫu giáo Điện Minh đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo phương châm “Rõ người, rõ việc, đúng quy trình, đúng trách nhiệm, đạt hiệu quả cao” phát huy tính sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Đồng thời, kết hợp xây dựng “Trường học hạnh phúc” với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và chủ đề của năm học. Vì vậy nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi CBGVNV và tuyên truyền để Cha mẹ trẻ cùng phối hợp với giáo viên, tạo điều kiện để thực hiện tốt “Xây dựng trường học hạnh phúc - lấy trẻ làm trung tâm”. Phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên liệu phế thải; xây dựng môi trường bên trong, bên ngoài đẹp, thân thiện, an toàn, đa dạng, phong phú theo hướng mở, phù hợp theo độ tuổi, kích thích tư duy, sự tập trung, chú ý quan sát và phát triển các cảm xúc tích cực cho trẻ em. Chủ trương của nhà trường là thực hiện mục tiêu kép “bốn trong một” có nghĩa là: Phải kết hợp việc xây dựng trường học hạnh phúc với việc xây dựng môi trường Lấy trẻ làm trung tâm, gắn với mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng trường học đạt Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 và chuẩn quốc gia mức độ 2. 

       Nhà trường đã tập trung xây dựng trường lớp hạnh phúc, nâng cao kỹ năng sư phạm, ý thức đạo đức nghề nghiệp, để giáo viên và trẻ biết lắng nghe, thấu hiểu, biết chia sẻ biết tôn trọng. Ban Giám hiệu nhà trường đã kịp thời phát hiện biểu dương, khen thưởng và lan tỏa trong toàn trường những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, chủ động làm việc với các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân nhằm huy động mọi nguồn lực (cả về nhân lực, tài lực, vật lực); phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ trẻ và các ban ngành của địa phương tổ chức tốt các Hội thi, tổ chức công diễn văn nghệ nhằm tuyên truyền đến cha mẹ trẻ và cộng đồng về nội dung chương trình giáo dục mầm non và tạo nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động của trẻ cũng như xây dựng môi trường giáo dục xanh - an toàn và thân thiện. Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp như Ngày hội đến trường của bé, Ngày tết trung thu, tổ chức các hội thi: Bé khoẻ bé thông minh, Bé khéo tay; Bé tập làm nội trợ, tăng cường các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh, bồi dưỡng năng khiếu, phát triển vận động nhảy erobic,... để giúp trẻ phát triển toàn diện.

       Với những việc làm cụ thể, đến nay 100% các lớp đạt các tiêu chí“Xây dựng trường học hạnh phúc - Lấy trẻ làm trung tâm” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo độ tuổi. Cảnh quan sư phạm nhà trường xanh - an toàn - thân thiện, được phụ huynh tin tưởng, phấn khởi gửi con đến trường ngày càng tăng. Toàn trường có 10 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thị xã và 01 giáo viên đạt giải ba trong “Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã”. Nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, lao động xuất sắc. Chi bộ đạt tiêu chuẩn Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt Chi bộ Bốn tốt. Công đoàn cơ sở Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen và nhiều kết quả khen thưởng khác.

       Có thể nói, xây dựng trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm sẽ tạo cơ hội để trẻ được tự do khám phá, hòa mình vào các tiết học thực hành, từ đó trẻ sẽ tự tin hơn. Với mục tiêu đó, xây dựng trường học hạnh phúc sẽ góp phần đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước đủ thể lực, trí lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tào Ka

        Câu chuyện vọc đất của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ - khối Đông Khương 1, phường Điện Phương bắt đầu từ người cha của anh – ông Lê Tuất, cậu bé mê vọc đất thuở thiếu thời và là chàng trai đầy lý tưởng cách mạng. Năm 1930 vừa tròn 20 tuổi, ông đã là bí thư chi bộ đầu tiên của huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Giặc Pháp bắt ông ngay trên bục giảng, bỏ lại đám học trò ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Ông bị đày đi nhà tù Lao Bảo, nơi đây đã hun đúc và hình thành cho ông một ý tưởng sau này. Ra tù, ông đã cùng các đồng chí của mình như Huỳnh Lắm, Lê Văn Hiến, đọc, dịch sách Pháp, rồi mò mẫm trên những đồi núi Quảng Nam tìm mỏ đất cao lanh để làm lò chén. Lò chén Việt Quảng - cơ sở tài chính của xứ ủy Trung kỳ đã ra đời như thế và đã hoạt động bí mật nhiều năm mãi đến 1945. Ông là người Việt đầu tiên đã biết làm sứ trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ. Qua nhiều năm thăng trầm của chiến tranh, lò chén thuyên chuyển nhiều nơi mãi đến năm 1960 ông lại vào tù và ngọn lửa lò cũng chính thức tắt lịm theo bom đạn của Mỹ Diệm.

        Lê Đức Hạ sinh ra và sống cùng ba mẹ bên bờ sông Thu Bồn, làm nông và vọc đất cùng cha những ngày tháng nông nhàn, cho đến khi quê hương giải phóng. Năm 1976, huyện Tiên Phước có ý định khôi phục lò chén ở xã Tiên Sơn, người cha của Hạ đồng ý và  háo hức bắt tay vào làm. Hai năm chuẩn bị là những ngày anh làm quen với khái niệm về đất và lửa, làm quen với bàn xoay và khuôn đất sét. Ngày 2 tháng 9 năm 1978, Hạ tham gia cùng các anh đốt lại lò sau hơn 18 năm chiến tranh tắt lửa thì gần hai năm sau chiến trường Tây Nam sôi sục, anh vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.

        Năm 1982, Lê Đức Hạ trở lại quê nhà với 27% thương tật. Hợp tác xã ở Tiên Sơn tan rã, cha của anh về giúp cho xí nghiệp sành sứ Thăng Bình tạo hình mỹ nghệ. Đó là những ngày Hạ tập tò học nghề và nghe cha nói chuyện về nghề, về đời, chuyện tạo dáng, tạo hình, chuyện đất làm men, đất khuôn, những địa danh, những mỏ đất sét, cao lanh, cả về chuyện lửa lò và cây thử mà chỉ người làm nghề mới hiểu. Khao khát một điều rất nhỏ, chỉ ước mơ có vài nghìn đồng đủ để xây một cái lò hộp ở trên quê hương mình nhưng rồi không kịp thực hiện, năm 1984 người cha của Hạ qua đời. Khi những người bạn của cha ông vào viếng, ông Lê Văn Hiến, ông Huỳnh Lắm, ông Trịnh Quang Xuân - những lão thành cách mạng, những người cùng ông Lê Tuất làm nên lò chén Việt Quảng đã hỏi người vợ tào khang của ông, câu hỏi đã làm thay đổi cuộc đời nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ sau này “Con anh Tuất có cháu nào kế nghiệp không chị?”. Toàn bộ hồ sơ đi xuất khẩu lao động, xin việc ở thành phố, Hạ bỏ hết quyết định thay cha làm mẫu mỹ nghệ ở xí nghiệp sành sứ Thăng Bình. Tại đây Hạ gặp được người cha thứ hai, một người thầy đáng kính, đó là thầy Lê Phi Hùng - tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật nhà máy sứ Hải Dương, Giám đốc xí nghiệp. Đảm nhận tổ trưởng tổ mỹ nghệ, Hạ được cử đi học, tham quan ở Quảng Ninh, Hà Bắc, Hải Dương, Đà Lạt, được nghe  kể về nhiều chuyện nghề trên khắp mọi miền đất nước.

        Về sau, kinh tế thị trường mở ra, các xí nghiệp thời bao cấp bắt đầu tan rã, những ngày cuối năm  1989, Hạ dắt vợ con về quê xưa làm đủ nghề để mưu sinh, xin ra phố chụp ảnh dạo, sang ảnh màu…, nhưng rồi thèm vọc đất nên vợ anh phải chạy chợ nuôi chồng vọc đất. Những buổi chiều, Hạ có thói quen đạp xe lang thang và rồi một lần đạp xe hơn 50 km đến thăm ông Lê Văn Chỉnh, người cán bộ bảo tàng đã nghỉ hưu với niềm đam mê văn hóa Chăm pa bất tận. Những kiến thức về kiến trúc Chăm pa, nghệ thuật Chăm pa, những viên gạch và tượng trang trí bằng đất nung đã làm Hạ mê mẩn, lẽo đẽo theo người anh để được nhận nguồn năng lượng và cùng lang thang ở những ngôi tháp cổ để nghiên cứu về cách xây tháp không vửa của người Chăm xưa. Đây là giai đoạn quyết định cho những suy nghĩ về con đường đi của chàng trai 30 tuổi với nhiều khát khao và nỗi gian truân. Hạ không tiếp tục nghiên cứu về những viên gạch cổ và những vết mài muôn thuở ở những viên gạch Chăm mà chỉ thích những hoa văn và màu thời gian rêu phong trên tượng. Và rồi sau nhiều đêm trăn trở khi đã biết về men trắng và màu vẽ trên men ở sứ Hải Dương, biết về sứ vẽ màu lam (cô ban) ở Bát tràng, tô men khắc vạch ở Sông Bé, Hạ quyết định cho mình con đường đi tuy hẹp nhưng gần gũi quê hương mình, chọn một cái tên không hoa mỹ ĐẤT NUNG mặc cho bao người gọi là gốm đỏ, gốm màu.

        Cuối năm 1990, Hạ bắt đầu làm những bức tượng Chăm đầu tiên, nung trấu rồi hun khói bạc hà rất đẹp gởi bán ở bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), bán cho những cửa hàng lưu niệm đầu tiên ở Hội An trước chùa Phước Kiến. Nào nung đỏ, hun khói thành đen, rồi nhụ đồng, thậm chí có sản phẩm phải sơn trắng giả thạch cao để bán nhưng thành công nhất là khi quyết định sơn màu cho bộ thầy trò Đường Tam tạng thỉnh kinh, Hạ không còn nhớ là bao nhiêu ngàn bộ, chỉ nhớ rằng đã sống được bằng nghề từ đó. Hội An đã bắt đầu có nhiều cửa hàng lưu niệm mà bắt đầu cũng chỉ bằng tượng đất nung của Hạ trong những năm 1991-1992, khi mà mọi người còn xa lạ, chưa có một khái niệm đất nung trong đời sống tinh thần của mọi người.

        Một sự thay đổi lớn trong cuộc đời làm nghề của Hạ, xưởng quá nhỏ để sản xuất nhưng thay vào đó suốt một thời gian dài anh ngày đêm làm mẫu đổ khuôn cho các đơn vị sản xuất, chuyển từ tượng qua tượng, từ tranh ảnh qua mẫu rồi thành khuôn thạch cao. Đây là quãng thời gian anh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, từ Châu Mỹ đến Châu Âu, từ Ai Cập đến La Mã. Thời cao điểm xưởng có đến 30 công nhân sản xuất, sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới. Những ngày xuất khẩu rộn ràng anh vẫn duy trì làm hàng mỹ nghệ, bởi tiêu chí anh đặt ra là văn hóa, cái còn lại sau cùng của thời gian là văn hóa. Thật vậy, khi thị trường xuất khẩu khó khăn và bế tắc, khách hàng nước ngoài bỏ đi thì tất cả những xưởng làm gốm trong khu vực từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam đều phá sản và bỏ nghề, hoặc chuyển qua làm gạch thì duy nhất chỉ còn xưởng đất nung Lê Đức Hạ tồn tại với thị trường du lịch và nội địa. Bắt đầu từ những năm 2003 trở đi, khi đã dừng hàng xuất khẩu, anh đã dồn tâm huyết cho hàng nội địa, từ lọ hoa, chậu trồng cây cho đến một dòng sản phẩm khác, từ cái đèn áp tường đầu tiên đến đèn treo, đèn trụ và hàng rào, là người khởi xướng cho người chơi đèn và bán đèn trong cả nước. Từ chỗ chỉ  có tượng đá, gốm, gỗ, đồng, người chơi có thêm tượng đất nung trang trí từ ngoài vườn cho đến trong nhà, tượng từ 10 phân đến hơn cả mét, tượng tròn đến phù điêu và tranh các loại. Khái niệm hàng đất nung để chơi và trang trí đã bắt đầu hình thành trong ý nghĩ của nhiều người, từ một xưởng nhỏ của vợ chồnganhvới hơn 20 công nhân làm hàng nội địa, sản phẩm lan tỏa đến hơn 20 cửa hàng bán đất nung trên cả nước, nhiều quán cà phê, nhà vườn trang trí hàng đất nung của xưởng. Và cũng từ đây, tỉnh bắt đầu quan tâm hơn về các làng nghề, những chuyến mang chuông đi đánh xứ người, những cuộc triển lãm hội chợ,giao lưu công thương của các tỉnh nhiều hơn, sản phẩm đất nung của Hạ có mặt hầu hết các hội chợ ở Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, các tỉnh xa như Lào Cai, Nam Định, Kon Tum.

        Luôn tâm huyết một điều là không bao giờ tách rời chuyện mưu sinh và gìn giữ văn hóa của quê hương, ngày càng tự hào về nền văn hóa Chăm pa trên quê hương Quảng Nam, Hạ càng thấy trách nhiệm nhiều hơn của một người làm nghề. Làm đất nung Chăm pa không đơn giản, phải dành nhiều thời gian đi tìm ở các bảo tàng và phế tích, cẩn thận nhặt nhạnh những hoa văn đẹp, những mặt kala giấu trong nền tháp và biến tấu để trở thành một vật dụng thường ngày, một tác phẩm trang trí trong vườn, trong nhà, trong các khách sạn, nhiều khu nghỉ dưỡng lớn trong cả nước. Hạ đã đem những tác phẩm của người Chăm xưa trên vách tháp xuống đời thường gắn cho nó một số phận, một đời sống riêng rồi hòa vào cuộc đời và làm sống lại phần nào nền văn hóa lớn bị chôn lấp trong lớp bụi của thời gian.

        Miền Trung không có truyền thống của đất và lửa, không có những làng nghề truyền thống lâu đời như ở hai miền Nam Bắc, không có những cơ sở lớn, những làng nghề mới mọc lên cũng mai một trong cơn bão kinh tế thị trường thì với Hạ tất cả đều như mới bắt đầu, không còn cơ hội ăn may của hàng xuất khẩu mà phải tồn tại thực chất bằng khả năng mình, bằng tình yêu nghề, bằng sự kiên trì, cần cù cộng chút thông minh. Anh hoàn toàn có thể tồn tại tốt hơn bằng một ngành nghề khác nhưng sự lựa chọn đã được thế chấp bằng cuộc đời, và là người lính trở về anh nghĩ mình không có quyền dừng lại và nghĩ khác. Đã có nhiều người khuyên anh trở lại làm sứ hoặc gốm men nhưng anh biết chắc là sứ thì không bằng phía Bắc, tô men khắc vạch thì không bằng phương Nam, anh vẫn chọn con đường cũ là làm đất nung thấp nhiệt, bởi đất sét quê anh không giống ở hai miền, miền Bắc thì sậm màu mà cao nhiệt, miền Nam bạc phếch mà kém dẻo, đất quê anh đỏ au một màu, vừa dẻo, đủ kết khối mà vẫn giữ được màu đỏ tươi hấp dẫn. Một vị khách nước ngoài khi đi hết dọc dài Việt Nam, ông đã kết luận không đâu làm đất nung tốt bằng Quảng Nam, ở đâu có nhiều ngọn tháp Chăm là ở đó sẽ làm đất nung tốt nhất.

        Hạ từng nghĩ, quê hương đã để dành cho con cháu những trầm tích quí giá, những vỉa đất sét  nhiều người mong muốn mà chúng ta không biết sử dụng, phát huy thì thật có lỗi với Mẹ quê hương. Hạ lại tiếp tục mò mẫm hết những thí nghiệm này đến thí nghiệm khác chỉ để tìm ra một qui luật chung của lửa. Từ lửa của trấu, của củi, của than đá, của ga và Hạ đã tìm ra cho mình một con đường riêng, một lối nhỏ,đó là cuộc chơi màu sắc trên đất mà không dùng hóa chất, sự tung hứng của đất và lửa, những gam màu biết nói, những gam màu hoả biến tự sinh, tự chuyển hóa rồi nằm lại ở một nhiệt độ nhất định. Những kết quả làm thỏa mãn sự đam mê của nghề và gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho khách tìm đến. Màu sắc là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa đất và lửa, mỗi lần ra lò là hồi hộp bởi kết quả bí ẩn bất ngờ này không có ở những mặt hàng gốm sứ nhiệt độ cao.Con đường nhỏ đạp mãi rồi sẽ lớn lên, xưởng đất nung tự tin bước vào cuộc chơi lớn của thị trường hàng mỹ nghệ bằng những bước chân chậm chạp mà chắc chắn. Anh bắt đầu tham gia vào những cuộc hội ngộ lớn, 6 lần tham gia cùng Huế trong festival làng nghề, được tôn vinh ở festival Gốm sứ Việt nam lần thứ nhất ở Bình Dương 2010. Trong ngày hội chuẩn bị đón Ngàn năm Thăng long ở công viên Bách Thảo (Hà Nội) 2010, anh đã tặng hai bức phù điêu Vũ nữ Trà kiệu cao 80 cm cho thành phố.

        Năm 2013 Lê Đức Hạ vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong anh nhiều trăn trở. Tìm cách phá vỡ mọi ngõ ngách để chui ra ngoài biển lớn, không dừng và dậm chân tại chỗ. Xu thế chung của xã hội, của các làng nghề là làm du lịch, đó là cánh cửa hé ra cho ai có quyết tâm thì đẩy cửa bước vào. Năm 2015 một ngôi nhà độc đáo bằng đất xuất hiện, Hạ chọn  những sản phẩm độc bản và nung độc bản để trưng bày. Những chiếc lọ bằng đất sét dẻo mềm rồi tung hứng trên đó những câu chuyện, những khuôn mặt,những chân dung và cá tính. Hơn hai mươi tờ báo lớn của thế giới đăng hình và giới thiệu, nhiều hạng mục của kiến trúc châu Âu, châu Á được trao về cho ngôi nhà, đạt 1 trong 10 kiến trúc đẹp nhất thế giới năm 2016, chứa đựng trong đó là những tác phẩm đất nung.

        Những kiến thức của cậu con trai hơn mười lăm năm làm hướng dẫn viên, cô con dâu học ở Úc về dạy trường du lịch và cô con gái tốt nghiệp khoa Maketting của Đại học Rmit Sài Gòn, tất cả đồng lòng cho cuộc chơi lớn của gia đình nghệ nhân. TIỆM ĐẤT NUNGở 23 Phan Châu Trinh - Hội An ra đời chỉ để bán và giới thiệu với thế giới sản phẩm được làm ra từ làng nghề Quảng Nam. Người bán hạnh phúc vì được giới thiệu văn hóa của quê mình, dân tộc mình, những kiến trúc của Hội An, của nền nghệ thuật Chăm pa,tất cả hiện hữu trên những sản phẩm đất nung nhỏ gọn và xinh đẹp, văn hóa của cả thế giới cũng được thu nhỏ ở đây để làm quà. Tiệm Đất nung ra đời không chỉ để tiêu thụ hàng cho xưởng hay bán để kiếm tiền mà là sự khẳng định của nghệ nhân xứ Quảng tại một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là cửa ngỏ để tên tuổi của làng nghề Quảng Nam đi ra. Tiệm mang đến cho khách sự tin tưởng khi mua một sản phẩm mang về, họ biết chắc rằng đã mang đi tình yêu nơi mà họ tới, nhiều khách hàng đã sung sướng ra mặt khi đã có cơ hội đến đây, được cầm nắm một sản phẩm rất Quảng Nam mà họ không tìm thấy ở một nơi nào khác. Và các con của anh, những công dân của thời đại số biết bỏ phố về quê cùng ba trả nghĩa cho quê hương.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019364923
Hôm nay
Hôm qua
6960
8294