0235.3867334

       Tiếp nối hiệu quả sản xuất giống Hương Xuân trên đồng đất Điện Bàn từ vụ Hè Thu trước, Vụ Đông Xuân này, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn giống cây trồng miền Trung đã hỗ trợ lúa giống thuần Hương Xuân cho  9 hộ dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Trung sản xuất với quy mô  7 ha.

       Hương Xuân là giống lúa thuần do Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung chọn tạo từ lúa Jasmine 85, lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 90-105 ngày. Là giống lúa cứng cây, ít bị đổ ngã và có khả năng chịu nóng, chịu lạnh khá và chịu phèn tốt. Lúa Hương Xuân có hạt gạo dài đẹp, trong suốt, ít bị bạc bụng, cơm ngon, có vị đậm, mềm, đặc biệt khi nấu để nguội vẫn mềm, có hương thơm đặc trưng. Giống lúa này đã được Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung phối hợp phường Điện Minh sản xuất với quy mô 7 ha trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025.

       Qua quá trình trồng khảo nghiệm, đến nay, giống lúa Hương Xuân được đánh giá có khả năng đẻ nhánh khoẻ, tập trung, độ tàn lá muộn. Cây cứng, chống đổ ngã tốt, ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại, thích hợp với chân ruộng và thời tiết tại thị xã Điện Bàn. Lúa Hương Xuân có hạt gạo dài, đẹp, trong, không bọc bụng…Dự kiến năng suất đạt khoảng 75 tạ/ha.

       Qua tham quan thực tế ruộng lúa và so sánh với nhiều giống lúa đang sản xuất tại địa phương, nhiều nông dân và các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp thị xã đánh giá cao giống lúa này có khả năng chống chịu tốt với nhiều yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời, chất lượng gạo của loại lúa này khá ngon, có tiềm năng trong phát triển sản xuất các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo sạch, gạo hữu cơ để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với giá cao.

       Đông Xuân được đánh giá là vụ sản xuất lúa có thời tiết khá khắc nghiệt và nhiều loại sâu bệnh cũng dễ bùng phát. Do vậy, hằng năm trong vụ lúa Đông Xuân, nông dân rất ngại sản xuất các loại lúa thơm vì sợ thời tiết bất lợi làm chất lượng lúa gạo không đảm bảo, khó bán được giá cao và lúa thơm cũng dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh làm tăng chi phí sản xuất. Việc sản xuất thành công loại lúa Hương Xuân này tại phường Điện Minh trong vụ Đông Xuân đã mở ra nhiều triển vọng nâng cao thu nhập cho nông dân…

Thu Hằng 

 

       Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương Quảng Nam vừa tổ chức buổi thăm đồng, đánh giá các mô hình sản xuất hai giống lúa thuần ĐB18 và VNR20 vụ hè thu năm 2025 tại xã Điện Thọ; đây là bộ giống có những đặc điểm nổi trội, nănng suất và chất lượng cao.

       Thời điểm này, cánh đồng lúa tại thôn La Huân, xã Điện Thọ đang vào vụ thu hoạch. Trong đó, thu hút sự chú ý của người dân là ruộng lúa gieo sạ giống lúa ĐB18 với những bông lúa to dài, chắc hạt, xếp thành từng lớp cùng bộ lá đòng xanh mượt.

       ĐB18 có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân từ 110-115 ngày, vụ hè thu từ 95-98 ngày, có tính thích ứng rộng, trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, số hạt trên bông nhiều, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất trung bình đạt 75-85 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt  trên 90 tạ/ha; chất lượng gạo tốt, hạt gạo trắng trong, không bạc bụng, tỷ lệ xay xát đạt 70%. Giống chịu nóng tốt, thích hợp nhiều chân đất khác nhau. Giống ĐB18 chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại chính.

       Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Thọ 1 còn đưa vào triển khai sản xuất đại trà giống lúa VNR20 trên diện tích 8ha tại thôn Đông Đức. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân từ 115 – 120 ngày; vụ Hè Thu 95 – 100 ngày. Cây đẻ nhánh khoẻ, tập trung, bông dạng chùm, số hạt trên  bông cao. Giống thích hợp các chân đất trống. Qua thực tế tại cánh đồng, các giống lúa của Vinaseed đều cho kết quả vượt trội về năng suất và khả năng chống chịu so với nhiều giống lúa khác đang sản xuất tại địa phương. Năng suất trung bình đạt từ 75- 85 tạ/ha. Hạt gạo thon dài, không bạc bụng, cơm mềm, có vị đậm, ngon cơm.

       Với nhiều ưu điểm vượt trội, nhiều bà con nông dân tham gia mô hình sản xuất thử nghiệm tại cánh đồng Hợp tác xã nông nghiệp Điện Thọ 1 bày tỏ mong muốn các ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với Vinaseed Group, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất đại trà giống lúa ĐB18 trong thời gian tới. Qua đó giúp nông dân địa phương có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống tốt hơn nhờ giống lúa mới.                         

Thu Hằng

          Sáng ngày 24.4, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn giống cây trồng miền Trung tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa thuần Hương Xuân tại phường Điện Minh. Dự hội thảo có ông Hồ Công Long, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Điện Bàn.

 

          Vụ Đông Xuân này, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn giống cây trồng miền Trung đã hỗ trợ lúa giống thuần Hương Xuân cho 9 hộ dân ở khối phố Bồng Lai, phường Điện Minh sản xuất với quy mô 7000 m2.

 

          Qua quá trình trồng khảo nghiệm, đến nay, giống lúa Hương Xuân được đánh giá có khả năng đẻ nhánh khoẻ, tập trung, độ tàn lá muộn. Cây cứng, chống đổ ngã tốt, ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại, thích hợp với chân ruộng và thời tiết tại thị xã Điện Bàn. Lúa Hương Xuân có hạt gạo dài, đẹp, trong, không bọc bụng…Dự kiến năng suất đạt khoảng 75 tạ/ha.

 

          Đây là giống lúa này có khả năng chống chịu tốt với nhiều yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời, chất lượng gạo của loại lúa này khá ngon, có tiềm năng trong phát triển sản xuất các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo sạch, gạo hữu cơ để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với giá cao.

 

                                                                          Thu Hằng

 

 

Sáng ngày 28/2 tại phường Điện Nam Đông, Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng Lai Nghi. Ông Trần Nam Hưng, PCT UBND tỉnh; ông Trần Úc, Nguyên PBT thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; ông Nguyễn Minh Hiếu, PBT Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã, Ông Nguyễn Xuân Hà, UVBTV, Phó chủ tịch Ubnd thị xã dự buổi lễ.

 

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư và dịch vụ cầu Hưng Lai Nghi được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 1442/QĐ-UBND ngày 23/4/2025 tại phường Điện Nam Đông. Quy mô 102 héc-ta với tính chất là khu dân cư và dịch vụ, quy mô dân số 10.000 người, trong đó dân số hiện trạng 2.190 người.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư xây dựng khu vực chợ Lai Nghi và khu vực tái định cư dự án đường ĐT 608 với diện tích 18,7 héc-ta, quy mô dân số 2.000 người, với đầu tư 366 tỷ, trong đó nộp thuế đất 167 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 xây dựng khu vực ở mới nằm phía Bắc khu quy hoạch với diện tích 44,66 ha; quy mô dân số 6.000 người với tổng chi phí đầu tư 1.422 tỷ. Giai đoạn 3 xây dựng khu vực còn lại với tổng diện tích 45,64 ha; quy mô dân số khoảng: 2000 người; tổng chi phí đầu tự dự kiến: 600 tỷ.

Hoàn thành giai đoạn 1, chợ Lai Nghi được đưa vào hoạt động phục vụ tái định cư đường ĐT 608; tạo điều kiện xây mới gần 500 ngôi nhà, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

 

                                                                      Thu Hằng

 

       Tết đến – Xuân về mang theo bao ước vọng về một năm mới đủ đầy, sung túc. Với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều cách làm giàu khác nhau nhưng đặc điểm nổi bật ở họ là sự nỗ lực, chăm chỉ, biết tận dụng thời cơ và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm.

       Thôn Hà Đông, xã Điện Hòa được biết đến là vựa hoa của thị xã Điện Bàn với khoảng 28 hộ trồng hoa, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 30 nghìn chậu hoa các loại.

       Mặc dù trồng hoa tết không phải nghề truyền thống của thôn Hà Đông nhưng vài năm gần đây đã được nhiều người biết đến như là vựa hoa của thị xã. Những ngày giáp tết về Hà Đông dạo quanh làng đâu cũng thấy cảnh nhân công tất bật chăm sóc cây.

       Tết năm nay, gia đình ông Đỗ Tấn Dương, thôn Hà Đông, xã Điện Hoà trồng khoảng 2000 chậu cúc đại đoá, pha lê. Bắt đầu trồng hoa từ 6 năm nay, mỗi năm, kinh nghiệm tích luỹ thêm thì ông cũng nâng số lượng hoa trồng qua mỗi vụ. Từ những năm đầu chỉ 300 chậu đến nay số lượng đã gấp 7 lần.

       Để hoa cúc kịp khoe sắc đúng vào dịp Tết, nhiều công đoạn được ông Dương cùng các thành viên trong gia đình tỉ mẫn thực hiện như:  tỉa cành, chong đèn, . Kỹ thuật chong đèn vào ban đêm cho hoa cúc không chỉ giúp cây hoa nở đúng vụ, còn mang lại khung cảnh lung linh đẹp mắt tại làng hoa mỗi khi đêm về.

       Ông Dương chia sẻ, khoảng giữa tháng 7 âm lịch bắt đầu xuống giống hoa cúc. Trước đó, từ thàng 4 âm lịch, ông Dương đã bắt đầu mua giống, tự dâm cành, ngắt nhánh… Để hoa cúc nở to, đều và đẹp, bên cạnh nhân công của gia đình ông cũng thuê nhiều nhân công “ngắt nụ, tuyển hoa”. Công việc nhẹ nhàng, tiền công trả theo ngày… nên nhiều lao động thời vụ tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, góp cho cái Tết đủ đầy.

       Theo ông Dương, ngắt nụ kịp thời, hoa sẽ nở đồng đều hơn, mật độ phân nhánh cũng tốt hơn, hoa to hơn. Tuy nhiên, việc canh thời gian ngắt nụ sẽ tùy thuộc vào kích thước của nụ hoa. Nếu nụ hoa đã to thì thời gian ngắt sẽ muộn hơn để tránh trường hợp hoa nở trước Tết, nếu nụ hoa còn nhỏ thì sẽ ngắt sớm hơn. Thời gian cúc kết nụ và cho hoa khoảng 25 ngày, nên các việc “ngắt nụ, tuyển hoa” phải làm nhanh để cây tập trung dưỡng chất nuôi một bông hoa còn lại, nên dịp này cũng là lúc những lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập từ nghề "hot" này. Bình quân, mỗi nhà vườn thuê từ 3 - 5 lao động để thực hiện công việc ngắt nụ.

       Hoa cúc vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì màu hoa vàng tươi, các chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê, tượng trưng cho sự tròn đầy trong ngày Tết. Đến thời điểm rằm tháng chạp thì 90% cúc chậu của gia đình ông Dương đã được thương lái từ Đà Nẵng, Hội An, Huế…đặt cọc, thu mua. Ông Dương chia sẻ, với mức giá bán tại vườn hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng khoảng 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn làm thêm dịch vụ máy gặt, máy cày, hai dịch vụ này mỗi năm ông thu thêm gần 150 triệu lãi ròng. Như vậy, gia đình ông mỗi năm thu được gần 400 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. Ba năm liên tục, ông Đỗ Tấn Dương được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh daonh giỏi cấp thị xã.

       Trên địa bàn thị xã, nhiều mô hình trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả. Trong đó, nổi bật hiện nay là mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá tại diện tích 1 ha tại cánh đồng mẫu tại thôn Đông Đức, xã Điện Thọ của gia đình bí thư chi bộ thôn, ông Phan Thành Châu. Theo ông Châu, việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn; việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác. Khi nuôi cá trong ruộng lúa, đầu tiên là phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng; chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau; phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt cá thơm ngon, bán được giá. Hiện tại ông Châu đang nuôi ba loại cá chính là cá diếc, trắm cỏ, cá diêu hồng. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Với giá bán hiện tại cá diêu hồng, cá trắm cỏ là 60 nghìn đồng/ký; cá diếc 180 đến 250 nghìn đồng/kg, thì mỗi năm gia đình ông Châu thu được lãi ròng khoảng trên 150 triệu đồng. Cùng với đó, ông Châu cũng kết hợp trồng chuối trên các bờ thửa giữa ao nuôi cá và ruộng lúa, cho thu nhập mỗi năm 40 triệu đồng. Lúa thu hoạch được từ mô hình, ông thu lãi ròng 15 triệu đồng. Như vậy mô hình cho thu nhập ổn định hằng năm trên 200 triệu đồng. Mô hình của ông Châu đã mang lại kết quả rất khả quan, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thêm thu nhập nhằm cải thiện đời sống cho nông dân giúp họ làm giàu trên mảnh đất của mình một cách bền vững.

       Trong những năm qua, Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở thị xã Điện Bàn ngày càng phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam, không những vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH của địa phương. 

       Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thị xã. Được xác định là một trong 3 phong trào lớn của Hội, trong những năm qua, Phong trào nông dân thi đua SXKDG được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hàng năm, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, động viên hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình. Năm 2024, toàn thị xã có 9.649 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ 172,1% vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao.

       Với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mùa Xuân mới sẽ là mùa vàng, mùa ấm no. Bao dự định sẽ được thực hiện thành công trong năm mới bởi những bàn tay cần cù, chịu khó và những khối óc dám nghĩ, dám làm, tự lực vươn lên và đứng vững trước những khó khăn, thử thách.

       Với họ, mùa Xuân luôn rộng mở, con đường phía trước sẵn sàng chào đón bởi họ đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019944986
Hôm nay
Hôm qua
6709
7784