Tối ngày 20.7.2023, tại Quảng trường thị xã Điện Bàn, Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã Điện Bàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa Hoằng Hóa – Điện Bàn (20/7/1963 – 20/7/2023). Dự lễ kỷ niệm có Mẹ VNAH Đỗ Thị Xuân; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân: Đặng Thị Én. Đại biểu tỉnh Quảng Nam, có Đ/c Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đ/c Nguyễn Văn Sỹ, nguyên Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Đ/c Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đ/c Lê Minh Ánh, nguyên PBT tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Đ/c Đinh Văn Thu, nguyên PBT tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Đ/c Trần Xuân Vinh- UVBTV Tỉnh ủy, PCT Thường trực HĐND tỉnh; Đ/c Võ Hồng- nguyên UVBTV Tỉnh ủy, nguyên PCT HĐND tỉnh; Đ/c Võ Xuân Ca- UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cùng các đồng chí UV BTV Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam. Đại biểu huyện Hoằng Hóa, có Đ/c Đoàn Thị Hải, PBT TT Huyện ủy Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Đ/c Lê Huy Lượng, UVBTV Huyện ủy, PCT HĐND huyện; Đ/c Lê Văn Phúc, UVBTV Huyện ủy, PCT UBND huyện; Đ/c Trịnh Thị Quế, UVBTV Huyện ủy, CT UBMTTQVN huyện. Đ/c Đỗ Tài – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, Đ/c Hà Quốc Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ở thị xã có Đ/c Phan Minh Dũng, Bí thư Thị ủy; Đ/c Trần Hải Vân - Phó bí thư Thường Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; Đ/c Trần Úc - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã; Đ/c Phan Ngọc Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Thị uỷ - Chủ tịch UBMTTQVN thị xã. Cùng các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư thị xã qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban thường vụ Thị uỷ, thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã, các đồng chí đại biểu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể của thị xã.
Tại chương trình, các đại biểu đã ôn lại chặng đường khó khăn, gian khổ mà oanh liệt, hào hùng, thắm đượm tình cảm thủy chung, son sắt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai đơn vị Hoằng Hóa và Điện Bàn trong 60 năm qua. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam - Bắc; ngày 20/7/1963, tại huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ kết nghĩa Hoằng Hóa Điện Bàn. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, khởi đầu cho mối lương duyên son sắt nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân 02 địa phương suốt 60 năm qua, từ trong chiến tranh đến hòa bình, thống nhất, xây dựng và phát triển hôm nay. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Điện Bàn trở thành vùng trọng điểm “tố cộng”, “diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam. Hướng về “miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, vì Điện Bàn thân yêu, Hoằng Hóa đã có nhiều hoạt động, phong trào rất thiết thực như “Nhớ miền Nam, xây dựng miền Bắc”, “Phụ nữ Điện Bàn đấu tranh chống Mỹ - phụ nữ Hoằng Hóa cấy nhanh, cấy khéo”,... Từ các phong trào, nhiều nhà máy, xí nghiệp, những cánh đồng năm tấn, những đồi cây, vườn cây, những công trình thuỷ lợi,công trình văn Hóa xã hội mang tên Điện Bàn đã xuất hiện như: “Cánh đồng Điện Bàn”, “Vườn cây Điện Bàn”,“Đội cấy Điện Bàn”, “Công trình Điện Bàn”... và hàng vạn thanh niên Hoằng Hóa đã hăng hái, xung phong lên đường vào chi viện cho chiến trường miền Nam, cho Điện Bàn đầy máu lửa. Được tiếp thêm sức mạnh từ Hoằng Hóa anh em, cùng với lòng yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự do, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đồng bào và chiến sĩ Điện Bàn kiên cường bám trụ nơi tuyến lửa, đánh địch mọi lúc, mọi nơi với nhiều trận đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống yêu nước của cha ông, góp phần tô thắm tám chữ vàng Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Chia lửa với miền Nam và Điện Bàn ruột thịt, phát huy hào khí con cháu bà Trưng, bà Triệu, Hoằng Hóa đã lập nên những chiến công hiển hách, làm nức lòng quân, dân cả nước, như: Chiến công của các cụ lão dân quân Hoằng Trường anh hùng bắn rơi 02 máy bay “thần sấm”, “con ma” của Mỹ bằng súng bộ binh; 75 dũng sĩ Yên Vực đội mưa bom, bão đạn của kẻ thù băng qua sông tải đạn, góp phần làm nên chiến thắng Nam Ngạn-Hàm Rồng; các trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải bắn rơi máy bay Mỹ... Những thắng lợi vẻ vang ấy hai địa phương đã góp phần vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối “Núi liền núi, sông liền sông”, Bắc Nam sum họp, Hoằng Hoá - Điện Bàn là anh em một nhà. Kết thúc chiến tranh, trong bối cảnh Điện Bàn với bộn bề những khó khăn, chịu hậu quả hết sức nặng nề: đất đai bị hoang hoá, đầy rẫy bom mìn; thôn xóm bị cày ủi trắng, làng xóm điêu tàn, hàng vạn người chết, thương tật… Với những kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng bộ Thanh Hóa đã điều động nhiều cán bộ, đảng viên vào Quảng Nam công tác, trong đó có những người con của Hoằng Hóa được phân công về Điện Bàn để đảm nhiệm các cương vị trên hầu hết các lĩnh vực, chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi; các trang thiết bị, sách, văn hóa phẩm…, góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân Điện Bàn nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục lại quê hương, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Điện Bàn có những chuyển biến khởi sắc, dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển này là, năm 2005, Điện Bàn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Hơn 10 năm trở lại đây, Điện Bàn có những bước tiến vượt bậc trên con đường phát triển. Năm 2015 Điện Bàn trở thành thị xã với 07 phường nội thị và năm 2016 về đích thị xã nông thôn mới. Từ năm 2017, Điện Bàn là địa phương tự cân đối về thu chi ngân sách. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc. Phấn khởi hơn nữa khi ngày 13/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH về thành lập 05 phường thuộc thị xã Điện Bàn (nâng tổng số lên 12 phường) và ngày 31/3/2023, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Quảng Nam; là sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Điện Bàn. Khu vực ngoại thị với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả quan trọng. Thị xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới và đang nâng cao chất lượng để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực. Có thể nói, trong mỗi thắng lợi của quân dân Điện Bàn trong kháng chiến cũng như những kết quả lớn mà Điện Bàn đạt được hôm nay luôn có sức cổ vũ, động viên, chi viện vô cùng to lớn của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Hoằng Hóa kết nghĩa keo sơn.
.
Với Hoằng Hóa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp, ngành nghề. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở nhịp độ cao. Năm 2019, Hoằng Hóa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn mới ở khắp các thôn, làng; điện chiếu sáng đến tận đường làng, ngõ xóm; đường đi, lối lại đều được bê tông hóa, nhựa hóa… Một bức tranh Hoằng Hóa “Sáng - xanh - sạch - đẹp” đã và đang hiện hữu. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 20.318 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,2 triệu đồng/năm. Các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động và thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm năng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại tạo động lực để phát triển kinh tế. Khu du lịch Hải Tiến ngày càng khang trang, hiện đại, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với huyện Hoằng Hóa. Các hoạt động giáo dục, y tế, thể dục thể thao luôn duy trì tốp đầu trong tỉnh. Các công trình văn hóa, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức sôi động, ấm cúng. Nhân dân đồng thuận, phấn khởi; “một miền quê đáng sống” là cảm nhận của những người con xa quê và du khách khi đặt chân về Hoằng Hóa yêu thương hôm nay. Kỷ niệm 60 năm Hoằng Hóa Điện Bàn kết nghĩa, không chỉ là dịp để tri ân những hy sinh mất mát của quân và dân hai địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; sự đồng hành, giúp đỡ, động viên nhau trong thời bình, trong quá trình xây dựng, phát triển mà còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân hai địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực; chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội; cùng nhau thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đối ngoại Nhân dân và hướng đến hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực… để tình cảm ngày càng bền chặt, cùng nhau vun đắp tương lai
.
Dịp này, thị xã Điện Bàn cũng trao giải cho các cá nhân đạt giải cuộc thi Tìm hiểu 60 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn - Nghĩa nặng tình sâu”.
Sau phần lễ là Chương trình nghệ thuật “60 năm Hoằng Hóa – Điện Bàn – Nghĩa nặng tình sâu” với hình thức sân khấu hoá, được dàn dựng công phu. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1, bài ca thống nhất; chương 2: son sắt nghĩa tình và chương 3: Hướng đến tương lai.
THU HẰNG