0235.3867334

       Sáng ngày 15/5/2025, Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập năm học 2024 - 2025Dự chương trình có các ông Nguyễn Văn Long – PCT Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam; ông Lê Văn Quang – Phó Bí thư thường trực thị uỷ; ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã.

       Tại chương trình, 281 học sinh nghèo vượt khó được nhận học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng. Trong đó, Hội Khuyến học tỉnh trao 20 suất, các nhà tài trợ trao 60 suất, quỹ Hội khuyến học thị xã 201 suất. Tổng giá trị thực hiện chương trình 281 triệu đồng.

       Đây là những món quà, việc làm nhân văn sâu sắc, nhằm động viên, khuyến khích tinh thần các em học sinh, tiếp thêm động lực cho những học sinh nghèo, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập tiếp tục phấn đấu trên hành trình chinh phục tri thức, thể hiện sự chăm lo, động viên của Đảng, chính quyền, Nhân dân, của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; góp phần vào sự nghiệp trồng người “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho quê hương đất nước.

       Những năm qua, Hội Khuyến học các cấp thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa; trong đó có công tác phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài và trao học bổng cho học sinh. Các cấp hội khuyến học thị xã đã tích cực phối hợp trao tặng hàng nghìn suất học bổng cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, Hội Khuyến học thị xã đã vận động hàng chục tỷ đồng để trao tặng học bổng cho các em. Qua đó, góp phần lan tỏa, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Điện Bàn.

       Dịp này, Hội Khuyến học thị xã trao hoa và bảng ghi nhận cho các đơn vị tài trợ.

Mi Ni

 

        Sáng ngày 14/5/2025, UBND thị xã tổ chức cuộc họp để nghe các cơ quan chuyên môn, các địa phương báo cáo tình hình quản lý trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn thị xã thời gian qua và triển khai, quán triệt, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai tại các địa phương thời gian đến. Ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó bí thư, Chủ tịch UBND thị xã chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có ông Lê Văn Quang – Phó Bí thư thường trực thị uỷ; bà Trần Kim Thoa – UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận thị uỷ; bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - PCT UBMT thị xã.

        Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và môi trường thị xã, từ đầu năm 2025 đến nay trên địa bàn thị xã đã phát hiện 8 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại phường Điện Ngọc và đã ban hành quyết định xử phạt 6 trường hợp với số tiền 48 triệu đồng. Trong đó có 5 trường hợp chấp hành nộp phạt số tiền 40 triệu đồng. Các trường hợp phường phát hiện đề nghị nhưng chưa hoặc không ban hành quyết định xử phạt 2 trường hợp. Số trường hợp được chọn để tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là 11 trường hợp. Trong đó: 1 trường hợp đã hoàn thiện phương án cưỡng chế, ban cưỡng chế tổ chức vận động trước khi cưỡng chế được người vi phạm chấp hành tháo dỡ 2/3 công trình vi phạm; 4 trường hợp đã thành lập ban cưỡng chế và trình phương án cưỡng chế để UBND thị xã phê duyệt; 1 trường hợp không ban hành quyết định cưỡng chế do địa phương vận động người dân tự tháo dỡ; 3 trường hợp trình quyết định thành lập ban cưỡng chế nhưng chưa ban hành; 1 trường hợp trình quyết định cưỡng chế nhưng chưa ban hành và 1 trường hợp điah phương chưa đề nghị ban hành quyết định.

        Tại cuộc họp các địa phương cũng nêu lên những khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện nhất là trong giai đoạn sáp nhập.

        Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó bí thư, Chủ tịch UBND thị xã đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là hành vi xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; tiếp tục xây dựng phương án quản lý tốt tài nguyên khoáng sản; nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ về quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn thời gian đến.

Mi Ni 

 

        Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn đã và đang phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thị xã.

        Được Hội nông dân xã Điện Thọ đứng ra tín chấp nguồn vốn vay với ngân hàng chính sách xã hội Điện bàn với nguồn vốn hơn 100 triệu đồng, cộng với số tiền tích góp được, từ nhiều năm nay, ông Phan Thành Châu ở thôn Đông Đức, xã Điện Thọ mạnh dạn quy hoạch diện tích ao trên 9000 m2 để nuôi cá nước ngọt. Trong đó, 3000 m2 mặt nước nuôi cá kết hợp trồng lúa và 6000 m2 ao mặt nước nuôi cá chuyên canh với các loại cá như Diêu hồng xen canh cá Trắm cỏ, Mè, Trôi vv…Thu hoạch từ lúa và cá, trừ các khoản chi phí hằng năm cho thu nhập đáng kể, vừa giúp gia đình ông trả xong nợ vay của ngân hàng, vừa ổn định kinh tế gia đình.

      Cũng chính từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp cho nhiều thanh niên khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Trường hợp của anh Trần Vũ Long ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Quang là một điển hình. Vốn xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch nên đồng lương thu nhập thất thường, Năm 2018, anh quyết định chung vốn với người anh trai chuyển sang mô hình nuôi Ốc bưu đen. Được Hội Nông dân xã Điện Quang và NHCSXH tạo điều kiện cho vay gần 100 triệu đồng xây hồ nuôi ốc, Đến nay mô hình của anh đã mở rộng quy mô hơn 2500 m2, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi ròng xấp xỉ gần 200 triệu đồng. Theo anh Long - nếu không có nguồn vốn của NHCSXH thị xã Điện Bàn cho vay thì khó có được mô hình chăn nuôi ổn định như hôm nay.

        Với vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, ngân hàng chính sách xã hội thị xã Điện bàn đã giải quyết cho trên 15 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, và các đối tượng chính sách khác vay với tổng dư nợ trên 594 tỷ 360 triệu đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng làm ăn có hiệu quả. Góp phần rất quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn thị xã.

        Qua thực tế ở thị xã Điện Bàn, vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương. Vốn tín dụng chính sách đã gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, tạo việc làm và giảm hộ nghèo trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội. Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Điện Bàn thật sự xứng đáng là “Bà đỡ” người bạn tận tụy cùng người dân nghèo vươn lên ấm no, hạnh phúc. /.

 

Tào Ka

           Chiều  ngày 12.5, Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam tổ chức  Hội thi “Điều dưỡng trưởng - Hộ sinh trưởng giỏi” năm 2025.

 

        Tại hội thi các Điều dưỡng trưởng, Hộ sinh trưởng các khoa lâm sàng trong bệnh viện trải qua hai phần thi: lý thuyết và phần thi thuyết trình. Ở nội dung thi lý thuyết, các thí sinh trả lời 40 câu trắc nghiệm trong thời gian 35 phút qua ứng dụng Google form với các nội dung liên quan như: Luật khám bệnh, chữa bệnh; Quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện; Quy định hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ; hướng dẫn hoạt động truyền máu…Ở phần thi thuyết trình qua video: thí sinh thuyết trình bằng video với chủ đề “Tôi là Điều dưỡng trưởng khoa!”, Thời gian thuyết trình từ 2-3 phút.

 

          Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, giải Nhất phần thi lý thuyết và giải Nhất phần thi thuyết trình cho các thí sinh đạt giải. Trong đó, giải nhất được trao cho thí sinh: Nguyễn Thị Kim Xuyến - Khoa Nội cơ xương khớp.

 

                                                                 Thu Hằng

Phường Điện Dương vừa tổ chức Lễ hội cầu Ngư và Phát động ra quân đánh bắt vụ cá Nam. Dự lễ hội có bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã.

       Từ sáng sớm, đông đảo người dân đã tập trung về bãi biển Thống Nhất, bày biện lễ vật dâng lên các vị thần Nam Hải gửi gắm khát vọng về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, vụ mùa bội thu.

       Nhiều năm qua, Lễ hội cầu ngư trở thành hoạt động văn hóa tâm linh thường niên của ngư dân Điện Dương nhằm tạ ơn các vị thần biển đã phù hộ làng chài được mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng; đồng thời cũng là dịp động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển.

       Cũng như các địa phương khác, lễ hội Cầu ngư ở Điện Dương được ngư dân duy trì lâu nay. Thời gian diễn ra lễ hội trong 2 ngày; từ ngày mồng 10 đến ngày 12.4 âm lịch. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo Lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển và có sự đan xen trong thời gian hành lễ của ngày đầu tiên và thứ hai. Đầu tiên là lễ vọng, lễ nghinh Ông, tiếp theo là lễ cúng Tiền hiền và lễ tế Cá Ông. Lễ Vọng được tiến hành vào lúc sáng sớm tại Lăng Ông với ý nghĩa cáo giỗ và xin thần linh báo cho làng những điềm lành, dữ trong năm. Lễ Nghinh Ông là lễ rước hồn Cá Ông. Lễ cúng Tiền hiền là mời các vị thần linh, các “Cô - Bác”, các âm hồn ngự tại đình, lăng, miếu trong vạn chài về Lăng Ông phụ hưởng. Cuối cùng, lễ tế Cá Ông là nghi lễ chính với các nghi thức dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, hóa văn tế. Ngư dân chuẩn bị lễ vật ở nhà rồi đem ra bày trên hương án để làm lễ tế. Lễ vật thường là các loại bánh làm bằng ngũ cốc, tuyệt đối không được dùng hải sản vì dân gian cho rằng Cá Ông không bao giờ hại sinh linh hoặc các loài động vật biển khác.

       Điện Dương có 7km bờ biển, 6/10 khối phố ven biển với hơn 650 hộ ngư dân tham gia đánh bắt hải sản. Trên địa bàn phường có 3 vạn chài đó là Vạn Hà My, Vạn Nam Hà Quảng và Vạn Bắc Hà Quảng. Lễ hội cầu Ngư thể hiện đức tin và tôn kính vị thần Nam Hải, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

       Việc tổ chức Lễ hội cầu Ngư và Phát động ra quân đánh bắt vụ cá Nam nhằm khích lệ tinh thần cho ngư dân quyết tâm ra sức sản xuất, nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống cho ngư dân.

       Hiện nay, toàn phường có 167 phương tiện tàu thuyền khai thác trên biển với tổng công suất 9000CV. Thời gian qua, địa phương đã vận động ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn, cải tiến phương tiện đánh bắt nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất, vì vậy sản lượng khai thác luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm qua, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản phường Điện Dương đạt 1.885 tấn, đạt trên 125% kế hoạch.

       Lễ hội Cầu Ngư ở Điện Dương là nơi lưu giữ tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

       Việc tổ chức Lễ cầu ngư và ra quân phát động đánh bắt vụ cá Nam năm 2025 bên cạnh yếu tố tâm linh còn nhằm khích lệ tinh thần cho ngư dân ven biển, thể hiện tinh thần thống nhất cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm ra sức sản xuất, phấn đấu nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống cho ngư dân trên địa bàn.

 

Thu Hằng

      Ngày 6.5.2025, Phòng GD – ĐT thị xã Điện Bàn tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025.

      Dự hội nghị có bà Trần Thị Thanh Vân – Thị uỷ viên - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, các thầy cô chuyên viên Phòng GD – ĐT, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên mầm non cốt cán các trường mầm non, mẫu giáo.

      Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, 51/51 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thị xã đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng được cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp đảm bảo theo các tiêu chí xây trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng mở tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi trải nghiệm hàng ngày, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trẻ hoạt động ngoài trời và phòng lớp, thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, đầu tư mua sắm trang thiết bị. Công tác bồi dưỡng, hỗ trợ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có nội dung bồi dưỡng và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng phát triển năng lực cho đội ngũ, chất lượng hoạt động của mạng lưới chuyên môn trong việc chia sẻ kinh nghiệm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, tập huấn, bồi dưỡng, hội thi hơn 41 tỷ đồng. Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động giáo dục.

      Qúa trình thực hiện chuyên đề, các trường đã tạo niềm tin cho phụ huynh, trẻ được bảo vệ an toàn về mặt tâm lý, không xảy ra tình trạng bạo hành, trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với cô giáo và những người xung quanh.

      Đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của Hiệu trưởng trường mẫu giáo Điện An, trường mầm non tư thục Thần Đồng và cô giáo Nguyễn Thị Lệ Quyên - giáo viên trường mẫu giáo Điện Phước về thực hiện chuyên đề.

      Tại hội nghị, Phòng GD – ĐT thị xã đã tặng giấy khen và tiền thưởng cho 16 cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện chuyên đề và các tập thể có thành tích xuất sắc, trong đó trường mẫu giáo Điện An và mầm non tư thục Thần Đồng giải nhất, trường mẫu giáo Điện Phước, Điện Minh, mầm non tư thục Thanh Nga, Khai Minh giải nhì, các trường mẫu giáo Vĩnh Điện, Điện Nam Đông, Chim Yến, Hoạ Mi, Sky-Line Hill giải ba.

Huyền Chi

 

                  Nằm ở vị trí giữa hai nhánh của sông Thu Bồn, làng Bảo An đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Ngày trước dân gian thường truyền tụng câu ca dao: “Cây da mô cao bằng cây da Bàn Lãnh. Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”. Bảo An cũng là làng văn vật hàng đầu của Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có 2 phó bảng, 16 cử nhân và 27 tú tài. Đây cũng là quê hương của các danh nhân như: Phan Thành Tài, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Bôi vv… Nơi có di tích lịch sử cấp Tỉnh: Đình Làng Bảo An. Trong hai cuộc kháng chiến, quê hương Gò Nổi, trong đó có Bảo An được biết đến là cái nôi của phong trào cách mạng Khu V. Như một cách diễn đạt sự khốc liệt của cuộc chiến, người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi”, để nói phẩm chất anh hùng của những người con quyết một lòng phụng sự Tổ quốc, non sông, “một tấc không đi, một ly không rời”…

                   Bước ra từ đổ nát của chiến tranh, với sự đoàn kết một lòng của tập thể lãnh đạo, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân Điện Quang nói chung, thôn Bảo An nói riêng đã thật sự hồi sinh thành vùng nông thôn trù phú. Đặc biệt, kể từ khi có chủ trương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đây là một cuộc cách mạng mới đối với Bảo An. Không chỉ làm thay đổi hình thức sản xuất, đem lại đời sống ấm no, cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu vực nông thôn, nông thôn mới đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân, khẳng định vai trò chủ thể của họ.

          Đổi thay của thôn Bảo An hôm nay, đó chính là diện mạo, làng quê kiểu mẫu đáng sống, khi nhà cửa cùng cơ sở hạ tầng được quy hoạch đầu tư xây dựng khá bài bản. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân cùng chung tay thực hiện việc xây dựng nông thôn mới nên chỉ trong thời gian ngắn địa phương đã chỉnh trang hơn 6.000 mét đường giao thông nông thôn, đường số 2 nền đường 5m mở rộng thành 8m, bê tông 3m thành 5,5m, giải tỏa di dời 357 tường rào, trong đó có 197 tường rào kiên cố, 3 môn quan từ đường, hơn 50 bụi tre, nhân dân hiến 11.080 m2 đất để mở rộng giao thông, ước tính tổng trị giá nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng, bao gồm phần đất đai và vật kiến trúc.

Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, nhân dân thôn Bảo An triển khai việc “Dồn điền đổi thửa” gắn quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giao thông, xây dựng cánh đồng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Cạnh đó, chương trình điện thuỷ lợi hoá đất màu đã phủ kín trên các biền bãi, nên cây trồng xanh tốt quanh năm, góp phần đưa năng suất cây trồng ở Bảo An luôn đạt rất cao. Và niềm vui mừng hơn, khi năm 2009, bà con trong thôn cũng đã góp công, góp của và vận động những người con xa quê và sự hỗ trợ của cấp trên đóng góp 250 triệu đồng xây dựng cầu dân sinh Bến Đường, giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng nông sản thuận lợi, bớt nguy hiểm và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cho người dân.

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của nhân dân, việc chăm lo về đời sống tinh thần và văn hóa tâm linh cũng được lãnh đạo thôn đặc biệt chú trọng. Hằng năm, vào ngày 12 và 13 tháng Giêng, tại ngôi đình Làng Bảo An hơn 300 tuổi, nhân dân trong làng lại tụ hội về đây để tổ chức lễ hội kỳ yên. Phần lễ được tiến hành nghiêm trang với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống. Qua đó, tưởng nhớ công đức các bậc tiền hiền, các tộc họ có công khai khẩn miền đất này; đồng thời cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Phần hội với các hoạt động trò chơi dân gian sôi nổi, tạo nên không khí vui tươi trước lễ hội và trước mùa xuân mới. Đặc biệt, trước đây khu vực Bàu Đình trước đình làng Bảo An tre nứa mọc um tùm, các loại rác thải tập kết ở khu vực này, gây nên tình trạng ô uế, làm mất mỹ quan ngôi đình làng. Trước thực trạng này, địa phương đã vận động bà con nhân dân đóng góp cả tỷ đồng để chỉnh trang, cải tạo xây dựng công viên Bàu Đình trở thành không gian xanh sạch đẹp.

Nổi bật trong việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở Bảo An đó là xây dựng nghĩa trang theo mô hình nghĩa trang văn minh, tiết kiệm. Theo đó, Tất cả phần mộ đều chôn theo một hướng và theo một trật tự.Thôn có cảnh quan, không gian sáng – xanh – sạch – đẹp, không có các hoạt động suy giảm môi trường, giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp trên địa bàn thôn;100% hộ dân tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường; tham gia dịch vụ thu gom rác thải; có ý thức và tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường.

          Từ trong gian khó, Bảo An hôm nay đã vững bước đi lên. Nhìn lại những thành quả đạt được của Bảo An hôm nay, đó là sự nỗ lực và nhất quán trong chủ trương và hành động cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và những người con xa quê góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều đổi thay tích cực và đang khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trở thành “một miền quê đáng sống” trên quê hương Gò Nổi Anh hùng. Đất và người Bảo An đã hoà quyện theo dòng chảy văn hoá, lịch sử của quá khứ, hiện tại và tương lai cho muôn đời sau.

                                                                   Phạm Lộc 

           Tổng số nhân lực của Trạm Y tế xã Điện Thọ là 6 viên chức, gồm: 03 y sĩ, 01 dược sĩ, 01 nữ hộ sinh và 01 dân số viên. Có 9 nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em, đảm bảo là “cánh tay nối dài” của ngành y tế tại 9 thôn trên địa bàn xã. Là đơn vị y tế nằm không xa Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, bệnh viện Đa khoa khu vực và các phòng khám tư nhân, tuy nhiên, xác định rõ Trạm Y tế là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất, vì vậy Trạm Y tế xã Điện Thọ đã không ngừng nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

          Trong những năm qua, Trạm Y tế luôn bám sát các nội dụng hoạt động của ngành y tế và tình hình thực tế của địa phương để chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân xã ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể của xã triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển, thực hiện cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến kỹ thuật. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế, phòng chống dịch bệnh tại địa phương như: Tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm…

          Trong quá trình triển khai hoạt động, Trạm Y tế thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng viên chức của Trạm. Duy trì việc giao ban định kỳ hằng tuần, hàng tháng để kịp thời phát hiện và đề ra giải pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân; lập danh sách quản lý người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/ năm cho người cao tuổi; quản lý chặt chẽ bệnh không lây nhiễm. Duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ.

 Trong năm 2024, khắc phục điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp đang trong giai đoạn được tu sửa, cơ sở làm viêc tạm bợ nhưng với tinh thần quyết tâm, đoàn kết hết lòng phục vụ nhân dân, Trạm Y tế đã triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân với tổng số 9.430 lượt khám. Thực hiện tốt quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Những ca bệnh thông thường được chẩn đoán, xử lý nhanh tại Trạm, các ca bệnh phức tạp, vượt quá khả năng chuyên môn được chuyển tuyến trên kịp thời, không để xảy ra sai sót chuyên môn. Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Các chương trình y tế quốc gia được chú trọng thực hiện, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu giao như: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Trạm Y tế thường xuyên phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của xã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, định kỳ mỗi tháng 1 lần. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa đài về an toàn vệ sinh thực phẩm trước trong sau tết nguyên đán, tết trung thu và các ngày lễ lớn.

Công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn tiêm, không có trường hợp tai biến trong tiêm chủng. Tổ chức thực hành dinh dưỡng, bổ sung vi chất cho trẻ nhỏ, bà mẹ mang thai và cho con bú, thực hiện cân đo cho trẻ em; quản lý điều trị bệnh xã hội…

          Trong công tác phòng, chống dịch, Trạm Y tế xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, dự phòng phương án phòng, chống dịch theo từng loại dịch bệnh. Phân công cán bộ y tế của Trạm, đồng thời hướng dẫn nhân viên y tế thôn thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện thăm hộ gia đình để kịp thời giám sát và phát hiện nguy cơ mắc hoặc mắc dịch bệnh để có phương án phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Thông qua đội ngũ nhân viên y tế của từng thôn để thực hiện tuyên truyền cho người dân những kiến thức về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh không lây nhiễm khác, an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ đó trong nhiều năm gần đây trên địa bàn xã không có dịch bệnh bùng phát và ngộ độc thực phẩm xảy ra.

          Bên cạnh đó, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Trạm Y tế chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền thông qua Đài phát thanh xã; tổ chức các buổi truyền thông tư vấn tại trường học, tư vấn cộng đồng; in ấn panoo, áp phích, tờ rơi; thực hiện ứng dụng công nghệ thông, mạng internet xây dựng trang Fanpage của Trạm thu hút đông đảo lượt theo dõi của nhân dân để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, dân số và phát triển…Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn xã về công tác chăm sóc sức khỏe.

          Phát huy kết quả đã đạt được tập thể cán bộ, viên chức Trạm Y tế xã Điện Thọ vẫn đang ngày đêm cố gắng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành y tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt hơn cho nhân dân trên địa bàn xã, góp phần thắng lợi của công tác y tế trên địa bàn thị xã Điện Bàn.

                                                               Tào Ka               

 

         Nâng cao đời sống tinh thần đoàn viên công đoàn qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao là nhu cầu rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Công đoàn cơ sở Phường Vĩnh Điện đãthực hiện quả phong trào thi đua chuyên đề “văn hóa, thể thao”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, CĐCS phường Vĩnh Điện đã phát động, tổ chức tốt các phong trào thi đua thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐCS phường đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao.

Công đoàn đã tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống chào mừng kỷ niệm ngày Lễ lớn như: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ... thăm các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thăm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được CĐCS hưởng ứng tích cực. Hưởng ứng công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn phường, Công đoàn phường đã nhận đỡ đầu 01 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 2 triệu đồng/năm.

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong công nhân viên chức lao động ngày càng sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực, tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong CB, CC, NLĐ, nhất là chị em phụ nữ cơ quan. Tổ nữ công thường xuyên tổ chức tập luyện dân vũ vào các giờ giải lao, ngoài giờ, xây dựng video với các ca khúc ngợi ca Đảng, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời tham gia các tiết mục giao lưu tại các hoạt động, sự kiện của địa phương ...

         Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể dục thể thao được quan tâm thực hiện; sân cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn được xây dựng để tạo điều kiện cho cán bộ cơ quan tập luyện, nâng cao sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng tham gia các giải TDTT do cấp trên cũng như địa phương tổ chức. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi, giao lưu nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, những sự kiện trọng đại của địa phương như: Tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ với CĐCS khối Đảng Thị uỷ Điện Bàn nhân kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 có sự tham gia của hơn 60 công đoàn viên với nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi giao lưu tạo sự đoàn kết, sẻ chia giữa 2 đơn vị; Tổ chức giải Cầu lông nhân kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); Tổ chức giao lưu Bóng đá tứ hùng nhân kỉ niệm ngày Đại đoàn kết toàn Dân tộc 18/11. Thông qua các hoạt động đã tạo điều kiện cho công đoàn viên có cơ hội được rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể chất. Trong năm 2024, công đoàn phường đã đạt giải nhất toàn đoàn tại Hội thi thiếng hát CNVCLĐ do Liên đoàn lao động thị xã tổ chức.

Bên cạnh đó, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, kịp thời động viên khen thưởng cũng được Công đoàn phường quan tâm thường xuyên. Có bảng cấm hút thuốc lá tại nhiều điểm trong cơ quan, cán bộ cơ quan không uống rượu, bia trong giờ làm việc, trang phục gọn gàng, lịch sự, giao tiếp có văn hóa, đúng chức trách. Công đoàn đã hỗ trợ đoàn viên kinh phí trong các diệp Lễ, Tết; Tổ chức khám sức khoẻ cho đoàn viên công đoàn tại Phòng khám đa khoa Trí Tâm; Tổ chức thăm hỏi, động viên người thân và bản thân đoàn viên lúc ốm đau, ma chay, hiếu hỉ hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống; Tổ chức cho con em CNVCLĐ giao lưu gặp mặt nhân kỉ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6; Tết Trung thu với nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi, đồng thời khen tặng những em có thành tích cao trong học tập, thu hút sự tham gia đông đủ của con em công đoàn viên.

         Anh Phan Ngọc Tiến - Chủ tịch Công đoàn phường Vĩnh Điện Cho biết: “Thời gian qua, Công đoàn phường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến các bài hát về công nhân, công đoàn, các hình thức thể dục hàng ngày nâng cao sức khỏe cho CNVCLĐ; tích cực hưởng ứng các phong trào và các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do cấp trên, địa phương tổ chức;xây dựng, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, Công đoàn đã có được những thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào văn hóa, thể thao của ngành, địa phương, đạt thành tích cao trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do cấp trên tổ chức”.

Với những hoạt động hiệu quả mà Ban Chấp hành Công đoàn phường mang đến, đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ trong cơ quan phường, được các cấp, các ngành đánh giá, ghi nhận. Công đoàn phường Vĩnh Điện vinh dự là 1 trong 3 đơn vị được nhận bằng khen chuyên đề “Văn hóa, thể thao” của BCH Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

         Việc chăm lo việc làm, thu nhập, ổn định cho người lao động là nhiệm vụ hàng đầu, tuy nhiên việc quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động cũng vô cùng ý nghĩa đối với sự ổn định và phát triển của cơ quan, đơn vị, vì vậy việc người đứng đầu đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của công đoàn là việc làm đúng đắn, vì công đoàn luôn đồng hành chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động. Việc duy trì và phát triển phong trào này đã và đang góp phần quan trọng để xây dựng nét đẹp văn hóa, tác phong làm việc, hình ảnh thân thiện, gần gũi của người cán bộ, CNVCLĐ trong thời kỳ mới.

                                                                             Tào Ka

          Tháng 2/2025, xã Điện Phong được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hoá. Đây là những kết quả đáng phấn khởi, tự hào của hành trình “không có điểm dừng” trong thực hiện chương trình xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây, sửa khang trang, tiện nghi; những tuyến đường được đổ bê tông rộng rãi, có điện chiếu sáng ban đêm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch đẹp như ở đô thị.

          Từ nhận thức “Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đoàn kết, đồng lòng, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm hoàn thành từng tiêu chí theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng Ban, Chủ tịch UBND xã là Phó Ban chỉ đạo và các thành viên; UBND xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đồng thời phân công cán bộ, công chức phụ trách các tiêu chí trực tiếp làm hồ sơ, tổ chức thực hiện các công trình thực địa đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng. Trong đó tập trung quán triệt quan điểm, chủ trương chỉ đạo của cấp trên và của xã cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân. Trong quá trình tuyên truyền gắn với phát động phong trào thi đua tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; vận động các nhà hảo tâm, con em đang sinh sống công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung sức với địa phương để xây dựng NTM. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương những tấm gương điển hình về tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để động viên, khích lệ mọi người làm theo… Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn đào tạo do tỉnh, thị xã tổ chức về công tác xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; các lớp tập huấn về: chuyển đổi số, việc phân loại rác thải tại nguồn, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý HTX... Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng và duy trì kết quả các tiêu chí, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu.

          Để tạo nguồn lực cho xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, giá trị cao; tập trungđầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở ngoài cánh đồng được triển khai đồng bộ, đồng thờiquan tâm đến phát triển sản xuất trong xây dựng Nông thôn mớigắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài diện tích cây lúa, Điện Phong có phong trào trồng rau màu, rau thực phẩm khá mạnh. Tận dụng vùng đất màu mở, kết hợp với chương trình thủy lợi hóa đất màu xây dựng thành công nhiều cánh đồng chuyên canh cho thu nhập từ 130-150 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, phong trào chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, nuôi bò 3B đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Với nguồn cỏ dồi dào và các phụ phẩm từ nông nghiệp làm ra, nhiều năm qua người dân Gò Nổi nói chung, xã Điện Phong nói riêng mạnh dạn đầu tư chuồng trại tập trung chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Hiện đàn bò toàn xã dao động hằng năm có trên 5000 con. Sau khi nuôi vỗ béo từ 8-10 tháng xuất chuồng, trừ chi phí người chăn nuôi thu lãi khá cao.

          Ngoài ra, xã còn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư, phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương và đã giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/ tháng. góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Hiện nay, xã có nhiều sản phẩm của công ty gỗ nghệ thuật Âu lạc được công nhận Ocop. Nhờ đó, năm 2024 thu nhập bình quân của xã đạt 67,3trđồng/người/năm.

          Kinh tế phát triển, nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM được nâng cao nên phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu của Điện Phong phát triển khá đồng đều ở các khu dân cư. Cùng với nguồn lực tại chỗ, xã đã huy động được nhiều nguồn lực, nhất là người con quê hương đang sinh sống, làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay góp sức xây dựng NTM kiểu mẫu. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, địa phương đã huy động hơn 84 tỷ đồng  đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, thiết chế văn hóa nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồngphục vụ chương trình xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, xã đã hoàn thành việc lập các quy hoạch; 100% tuyến đường  đã được bê tông hoá và có hệ thống chiếu sáng vào ban đêm. Xã triển khai lắp đặt các bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại nhà văn hóa thôn. Các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên. Nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống, xây dựng cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp, thân thiện”, vào mỗi chủ nhật đầu tháng, xã phát động làm tổng vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải để xử lý tập trung; vận động các trường học, thôn trồng các loại hoa, cây bóng mát, xây dựng các tuyến đường tự quản, đường cây xanh, đường hoa kiểu mẫu…

          Lựa chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu nổi trội về văn hoá, Điện Phong vốn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, với những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị và nhiều danh nhân qua các thời kỳ. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử văn hoá cách mạng được địa phương quan tâm đầu tư, tôn tạo bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó có khu di tích lịch sử cấp tỉnh Đền thờ tưởng niệm 76 Hải Đà, Đình Làng Cẩm Lậu, Vườn Biện Hoà, và Vườn Tố. Đây là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của địa phương. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ toàn xã có 7/7 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục trong 5 năm, 100% cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn xã đạt chuẩn văn hóa. 100% thôn có nhà văn hóa được xây dựng đảm bảo quy mô chỗ ngồi, có kết nối internet. Toàn xã hiện đã thành lập được 7 Câu lạc bộ Thể dục nhịp điệu và Câu lạc bộ Dưỡng sinh thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt, tập luyện, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào thể dục thể thao ngày còn phát triển xứng tầm với khu vực, những môn thể thao thế mạnh của địa phương như môn bóng chuyền, điền kinh, đua thuyền… trong đó câu lạc bộ đua thuyền xã đã thi đấu và đạt nhiều giải vô địch trong và ngoài thị xã. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay trên 95% số hộ gia đình thực hiện phong trào này, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đặc biệt, Lễ hội Tịch Điền của địa phương được diễn ra vào đầu vụ Đông Xuân hằng tại miếu Thần Nông, thôn Thi Phương đã được địa phương khôi phục và tổ chức khá quy mô trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua đó nhằm quảng bá những đặc trưng văn hóa của địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, từng bước đưa Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng của địa phương.

          Những thành quả đạt được trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu ở  Điện Phong là động lực, tiền đề quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

                                                                   Mi Ni

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019943306
Hôm nay
Hôm qua
5029
7323