0235.3867334
Người thanh niên yêu nước
Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Lê Ngọc Giá tham gia Hội Nông dân cứu quốc, được nhân dân cử làm Thôn trưởng thôn Hà Gia (Hà Lộc - Gia Lộc). Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng, lần lượt làm tổ trưởng đến Chi ủy viên Chi bộ Hồ Quang Ngự.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông tích cực trong mọi lĩnh vực công tác, từ việc vận động nhân dân tham gia Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, hũ gạo kháng chiến, tăng gia sản xuất đến phong trào bố phòng xây dựng làng kháng chiến, động viên thanh niên tham gia dân quân du kích, tòng quân giết giặc.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông được cấp trên chỉ định ở lại hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.
Nhằm phá âm mưu, vạch trần trò hề “trưng cầu dân ý” của chính quyền Ngô Đình Diệm vào tháng 10/1955, Lê Ngọc Giá cùng Nguyễn Chung, Lê Khế lãnh đạo cơ sở vận động quần chúng, biến cuộc trưng cầu dân ý tại Hà My thành cuộc biểu dương sức mạnh của nhân dân.
Cuộc bầu cử của địch bị thất bại, ông cùng chi ủy kịp thời chỉ đạo tiếp tục đấu tranh, khiêng người bị thương xuống đòi địch cứu chữa. Hơn 100 người già, phụ nữ, trẻ em kéo xuống Hội An đòi gặp Tỉnh trưởng Lê Khương giải quyết, kiến nghị Ủy ban Quốc tế can thiệp vụ việc.
Mặc dù hoảng hốt nhưng với bản chất tàn bạo, địch đã dùng trực thăng rà thấp uy hiếp; đồng thời tung bọn cảnh sát, công an mật vụ và một đại đội lính tỏa ra các ngả đường ngăn chặn và giải tán đoàn biểu tình.
Bà con bị đánh đập, chặn bắt nhưng đã tỏa đi các ngả đường la ó, hô khẩu hiệu, kích động, làm cho cả Hội An náo động. Trời càng về chiều, cuộc đấu tranh phải ngưng, địch bắn chết 3 người và một số bị thương, bắt giam 200 người. Ngày 25/10/1955, bọn công an mật vụ có lính hỗ trợ đã trở lại Điện Dương bắt Lê Ngọc Giá cùng một số cán bộ địa phương.
Gan dạ nơi ngục tù
Ở trong tù, bị địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng Lê Ngọc Giá không khai báo về cơ sở, về tổ chức. Vì vậy, chúng liệt ông vào loại “đầu sỏ, cộng sản gộc”. Ông bị chúng còng hai chân, hai tay, chỉ khi nào ăn mới mở còng.
Ban đêm, chúng tập hợp số tù nhân loại “đặc biệt nguy hiểm” lại bắt học tập “tố cộng” và “sám hối”. Đói khát, mỏi mệt, ông bị ngã, chúng cho là chống đối, là giả vờ nên xúm lại đánh đá và đưa đi biệt giam.
Quá căm giận, ông đã chửi lại chúng và nhảy lên xé cờ địch, đá đổ đèn, miệng hô khẩu hiệu “Đả đảo bọn tay sai bán nước”. Bọn chúng ùa vào bắt ông, đánh đá hội đồng. Đến khi ông ngất đi, chúng lôi ra, dội nước lạnh cho ông tỉnh lại. Chúng cắt hai nhượng chân ông. Đau đớn, bất tỉnh, tưởng ông đã chết, chúng cho lính chở ông lên bãi cát Cẩm Hà vứt xác ở gò hoang.
Qua dò la tin tức, cơ sở của ta đã tìm cách khiêng ông về nhà ở Hà Gia. Khi địch bắt giam ông ở Nhà lao Thông Đăng Hội An, nhằm gây chia rẽ, nghi ngờ trong nhân dân, chúng đã xuyên tạc, phao tin ông khai báo cơ sở, tổ chức.
Lúc đầu, nhân dân còn phân vân, bán tín bán nghi, nhưng tấm gương trung kiên, bất khuất của Lê Ngọc Giá dần dần được chứng minh, tạo niềm tin trong quần chúng.
Khi ông về đến nhà, vợ đau yếu, các con còn dại, kinh tế rất khó khăn, ông phải bán mấy sào ruộng hương hỏa để chạy chữa. Hai chân ông bị bại liệt, phải đi bằng hai tay, hai chân phải cột vào hai chiếc guốc, lê từng bước một.
Người chiến sĩ kiên trung
Dần dà, sức khỏe được hồi phục, Lê Ngọc Giá tiếp tục bí mật lãnh đạo phong trào cách mạng. Thời kỳ này chính quyền ngụy âm mưu “tố cộng”, lập “ấp chiến lược” rất ác liệt. Bọn ác ôn ngày ngày hoành hành, kìm kẹp nhân dân, rình rập, đàn áp phong trào. Nhiều địa phương bị đứt liên lạc. Tuy nhiên, ở Điện Dương, cơ sở vẫn tồn tại, phong trào được duy trì nhờ sự năng nổ, tận tụy của ông.
Tháng 8/1964, trước khí thế cách mạng lên cao, phong trào diệt ác, phá kèm diễn ra sôi sục. Khi có quyết định cấp trên cho Điện Dương tiến hành đồng khởi, các đồng chí lãnh đạo xã, chủ chốt là Lê Ngọc Giá đã khéo léo qua cơ sở nội ứng điều 2 trung đội dân vệ đi qua địa phương khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho toàn xã vùng lên cướp chính quyền. Khi thành lập UBND tự quản xã, ông được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã.
Cùng với toàn huyện Điện Bàn, Điện Dương bước vào cuộc chiến đấu mới, trực tiếp đương đầu với lính thủy đánh bộ Mỹ thiện chiến được trang bị đầy đủ vũ khí. Điện Dương lập làng chiến đấu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, nhất là xây dựng thế trận lòng dân vừa đấu tranh chính trị hợp pháp vừa đấu tranh binh địch vận.
Thời điểm này, Lê Ngọc Giá lãnh đạo quân dân trong xã kiên cường bám trụ, chống càn, quyết tâm đánh thắng trận đầu tại Cồn Chờ. Lê Ngọc Giá cũng đã động viên 3 con trai và 1 con gái lần lượt thoát ly tham gia kháng chiến. Lê Ngọc Diện, Lê Ngọc Tửu vào bộ đội, Lê Ngọc Trúc vào lực lượng thanh niên xung phong, Lê Thị Sửu vào Tiểu đoàn vận tải Bà Thao.
Những người con của ông tham gia kháng chiến lần lượt hy sinh. Vợ ông tham gia công tác Hội Phụ nữ giải phóng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội du kích. Gia đình ông còn có tài sản gì cũng đều cống hiến để nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội hoạt động.
Đầu năm 1968, Lê Ngọc Giá lên huyện Điện Bàn dự họp, khi trở về đến địa phương, những vết thương tái phát hành hạ, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở căn hầm bí mật, trong một trận càn dài ngày của lính Mỹ, để lại nhiều tiếc thương cho đồng chí, đồng bào quê nhà. Ghi nhận những công lao đóng góp của ông đối với phong trào cách mạng ở Điện Dương, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Ngọc Giá.
Ngày nay, mỗi lần nhắc đến anh hùng liệt sĩ Lê Ngọc Giá, người dân Điện Dương đều ca ngợi tấm gương kiên trung, bất khuất với một niềm kính trọng. Hài cốt của ông sau giải phóng, năm 1975 được bà con phát hiện đưa về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Dương.
Qua hai cuộc kháng chiến, gia đình Lê Ngọc Giá có 5 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhằm ghi nhớ công lao của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con trung hiếu của quê hương Điện Dương, tên ông đã được đặt cho Trường THCS Lê Ngọc Giá ở khối phố Hà My Trung, Điện Dương.
Ngày 4.7, UBND thị xã Điện Bàn, chính quyền địa phương và dòng tộc Trương Công làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung) làm lễ tưởng niệm và húy kỵ 215 năm ngày mất Thượng thư Trương Công Hy tại lăng mộ của ngài - di tích lịch sử cấp quốc gia - trên địa bàn. Bài học ông để lại cho đời sau vẫn là: Vì dân và được sống trong lòng dân…
Lễ công bố di tích lịch sử quốc gia Lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy. |
Thượng thư Trương Công Hy (1727-1800) tước hiệu Đặc tấn Kim tử Vinh lộc thượng đại phu, Binh bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư Thùy ân hầu dưới hai triều chúa Nguyễn và Tây Sơn. Là một vị đại quan về yên nghỉ ở quê nhà đến nay tròn 215 năm. Lăng mộ của ông được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng triều Tây Sơn, từng trải qua nhiều cơn binh lửa và được chính người dân quê hương ngài bảo vệ cho đến nay, trước khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia…
Ông là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, được trọng dụng và có nhiều công trạng trong hai triều đại nhà Tây Sơn (Quang Trung và Cảnh Thịnh). Theo sử liệu và phả tộc, Thượng thư Trương Công Hy là con trưởng cụ tổ đời thứ 6 của Nội bộ Toàn Nhị thuyền Ngũ trưởng Tân Đức Bá Trương Công Kỳ, một vị tướng hải quân dưới triều hậu Lê, nhờ vậy đã được đưa ra kinh đô học hành chu đáo từ nhỏ. Ông thi đỗ Nhiêu học rồi Hương Cống, tương đương cử nhân ngày nay dưới triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và được bổ làm huấn đạo, ra kinh làm thầy dạy cho các ấu chúa nhà Nguyễn, trong đó có chúa Nguyễn Phúc Dương. Khi nhà Tây Sơn chấp chính, nhờ đức độ hơn người, có khả năng thu phục nhân tâm và có nhìn thấy chính nghĩa, ông lại được tin dùng và lần lượt được Nguyễn Nhạc bổ làm Tri phủ Điện Bàn, Khâm sai Quảng Nam trấn. Khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, ông được phong Binh bộ Thượng thư, tổ chức binh lương sẵn sàng cho tiền tuyến và ổn định đời sống của người dân. Trong suốt sự nghiệp của mình, ngài Trương Công Hy luôn là một vị quan thanh liêm, chính trực, biết lo cho dân, cho sự nghiệp thống nhất đất nước ở thời điểm đó. Trong bút tích ngài để lại đến ngày nay, vẫn cho thấy một vị quan đại thần lúc về an trí ở quê nhà, vẫn chỉ có vài mẫu ruộng hương hỏa của cha ông để lại và dành chia cho các con, dành xây dựng từ đường để thờ phụng tổ tiên…
Tương truyền, ông được nhà vua cấp cho 500 mẫu ruộng ở gần dinh trấn Thanh Chiêm, nhưng sau khi nhận đã phân phát lại cho dân địa phương canh tác. Ngày nay, người dân xã Điện Phương vẫn còn gọi cánh đồng kéo dài đến Lai Nghi, Cẩm Hà là “đồng Quan Thượng”. Khi ông mất vào ngày 17 tháng 5 năm 1800, triều đình nhà Tây Sơn đã cấp một khu đất rộng hơn 4.000 mét vuông và xây dựng lăng mộ với phong cách kiến trúc độc đáo để ghi nhận công lao đóng góp to lớn cho đại nghiệp và truy tặng cho ngài chức Hình bộ Thượng thư. Chính vậy, mà có danh xưng đầy tôn kính là “Lưỡng bộ Thượng thư”.
Trong các bài văn tưởng tiếc ông lúc nào cũng mở đầu bằng câu “Thượng thư Nội vụ kiêm sung lưỡng bộ, quyền chưởng thư nhất phương, Khâm sai đại thần Quảng Nam trấn...”. Bài văn tế này do cụ tú Nguyễn Hữu Học biên soạn từ rất lâu, nay vẫn còn lưu truyền và được đông đảo cháu con dòng tộc Trương Công ghi nhớ. Lăng mộ của ngài ngày nay tọa lạc bên con đường rộng 33 mét nối từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn đến Cụm công nghiệp Trảng Nhật vẫn còn hai câu đối ghi nhớ công trạng và đức độ của ngài:
Hạc phi Bắc lĩnh cơ sở tráng; Long tụ Đông hoàn dẫn nguyên trường (dịch ý: Chim hạc bay về núi Bắc làm cho cơ sở hùng mạnh; Long mạch tụ ở phía Đông để cho con cháu đông đúc).
Và:
Chánh tích vạn niên thùy vũ trụ; Nhân ân thiên tải dĩ tôn chi (dịch ý: Công trạng ngàn năm còn mãi với đất trời; Nhân đức ấy cháu con về sau sẽ được hưởng).
Những câu đối thể hiện lòng ngưỡng mộ một vị quan vì dân vì nước còn lưu dấu ở quê nhà cho đến ngày nay.
Theo truyền ngôn suốt hơn 200 năm qua, tang lễ của ngài kéo dài cả tháng và tấp nập người dân khắp nơi đến viếng, tiễn đưa. Con đường dẫn từ đầu làng vào nhà thờ tộc Trương Công (mà ông lúc đó là trưởng nam và di chúc để lại để xây dựng từ đường) đã được người dân đặt cho cái tên giản dị nhưng đầy tình yêu thương là “Ngõ Quan Thượng” vẫn tồn tại đến nay trong dân chúng…
Trở lại với lăng mộ của Lưỡng bộ Thượng thư. Đó là một kiến trúc được coi là to lớn, bên ngoài có nhà lễ với cột đứng đá hình lục giác, hai bên cổng có tượng lính hầu và hình hai linh vật chầu hầu uy nghi bên trong. Khi nhà Nguyễn Gia Long chấp chính đã thực hiện nhiều chính sách thù địch đối với triều đại Tây Sơn, nhưng nhờ uy tín, đức độ của ông lúc sinh thời, lại có sự bảo vệ của nhân dân, nơi yên nghỉ của ông vẫn được gìn giữ nguyên vẹn...
Theo lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng, trong cuộc kháng chiến vừa qua, chính danh tiếng của ngài và giá trị lịch sử của khu lăng mộ này đã trở thành vũ khí quan trọng ngăn cản ý đồ cày ủi làng xóm, xây dựng hàng rào điện tử phòng vệ ở cửa ngõ phía nam thành phố Đà Nẵng của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng, ông Nguyễn Hữu Bì kể rằng người dân địa phương đã mang rơm, nằm dài trước đầu xe bọc thép, xe ủi để chống lại việc cày ủi… “Không ai được đụng đến mộ của Quan Thượng! Chúng tao sẽ liều chết, đốt xe nếu chạy qua đây!”. Ông Bì kể lại… Đó là một bằng chứng nữa để thấy rằng khi sống ngài đã hết lòng vì dân vì nước, lúc yên nghỉ anh linh của ngài vẫn mãi ở trong lòng dân, cho dù lúc yên bình hay ly loạn…
Kỷ niệm 215 năm ngày Quan Thượng qua đời, chúng ta ghi nhớ mãi công trạng vì nước vì dân và đức thanh liêm sáng ngời của ngài. Bài học lớn nhất của ông để lại cho hậu thế chính là đức chí công vô tư, một lòng vì đại cuộc, vì dân. Cho dù quyền cao chức trọng nhưng lòng ngài vẫn thanh thản quay về làng trí sĩ những năm cuối đời với phương châm rạch ròi “tấn vi quan, thoái vi dân” trong truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, cho dù vật đổi sao dời, Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy vẫn được nhân dân tôn kính và bảo vệ. Bài học đó, đến nay vẫn đầy tính thời sự và các thế hệ con cháu, trước anh linh của ngài, nguyện chí noi theo để gìn giữ thanh danh của một dòng tộc…
Mọi người dân đều tham gia cách mạng
Vừa dẫn chúng tôi ra khu di tích xóm Chín Chủ, ông Lê Văn Nuôi, Bí thư, kiêm trưởng thôn Đông Hồ (ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn) vừa kể về những năm tháng hào hùng mà 9 hộ dân xóm này giúp cách mạng, đánh thắng giặc Mỹ. Ngày ấy, xóm Chín Chủ nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của con sông La Thọ và Cổ Cò, được bao bọc bởi lũy tre dày. Cả xóm có 9 gia đình sinh sống nên được gọi là xóm Chín Chủ. Do địa thế hiểm yếu nên xóm trở thành địa bàn chiến lược của cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con xóm Chín Chủ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, du kích, bộ đội với hàng chục căn hầm bí mật trong vườn nhà và dưới các lũy tre ven sông.
Ông Nuôi bảo, một thời, xóm Chín Chủ nổi tiếng về lòng gan dạ, dũng cảm của người dân. Ở Đông Hồ, nhất là xóm Chín Chủ, người dân nào địch cũng cho là “Việt Cộng” nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay. Những người đi trước ngã xuống, thì lớp con cháu kế cận lại đứng lên, càng thêm vững vàng, kiên cường trước sự hung bạo.
“Xóm Chín Chủ là địa bàn địch tập trung đánh phá ác liệt. Nhiều lần địch bắt vào các khu đồn, nhưng bà con đã kiên cường đấu tranh, cùng với du kích, bộ đội đánh trả kiên cường các cuộc càn quét, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt, trận càn 21 ngày đêm vào tháng 10/1968 địch đánh các vùng A, B Điện Bàn, bà con nơi đây đã chăm sóc, bảo vệ hàng chục thương binh an toàn. Tuy địch tàn phá, xóm làng bị cày xới, nhà cửa bị sập, nhiều người bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng bà con vẫn không khai báo, đảm bảo bí mật, an toàn cho cán bộ, du kích hoạt động, động viên người dân tham gia kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến, tuy chỉ có 9 hộ gia đình nhưng có 17 người con hy sinh, 7 thương binh, có 9 Bà Mẹ VNAH, 100% gia đình có công cách mạng…”, ông Nuôi kể lại.
Còn ông Lê Văn Cúc (SN 1945, là chiến sỹ Biệt động Đà Nẵng được người dân xóm Chín Chủ nuôi trong kháng chiến) thì cho hay, sở dĩ xóm nhỏ này được chọn làm căn cứ cách mạng là vì địa thế hiểm trở, gần đường Quốc lộ 1, dễ dàng ngăn chặn quân địch vận chuyển quân, lương thực... Không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là trạm kết nối các đầu mối của huyện Điện Bàn và Đà Nẵng, các chuyến hàng phục vụ cho hoạt động của một vùng cách mạng rộng lớn. Trong chiến tranh, nơi đây trở thành điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt như đồng chí Hồ Nghinh, Tấn Hưng, Hồng Thắng, Năm Dừa… đã từng ở đây chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm gian khổ, ác liệt.
Gặp lại những người ở xóm Chín Chủ
Sau giải phóng, do xóm Chín Chủ là vùng thấp trũng nên địa phương quyết định đưa 9 hộ gia đình lên khu đất cao của thôn Đông Hồ sinh sống cho đến ngày nay. Xóm Chín Chủ bây giờ trở thành di tích của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân, 3 bia tưởng niệm tại xóm Chín Chủ được xây dựng khang trang, uy nghiêm để đón mọi người gần xa đến thăm viếng, cũng là để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống nơi mảnh đất huyền thoại này…
Dẫn chúng tôi đi tới những hộ gia đình sinh sống ở xóm Chín Chủ ngày xưa, ông Lê Văn Nuôi cho biết, giờ tìm những “nhân chứng” rất hiếm vì đa phần đều tuổi đã cao không còn minh mẫn. Sau khoảng 15 phút tìm đường, chúng tôi tới được nhà bà Phan Thị Mai (72 tuổi), là một người dân thuộc xóm Chín Chủ bám trụ, làm du kích. Bà Mai kể, trong chiến tranh, bà về làm dâu của gia đình ông Hai Rựa vào năm 1962, tham gia đưa bộ đội sang sông. Năm 1967, chồng bà, du kích Lê Văn Ba (SN 1937) cùng với du kích Đào Văn Giảng (nay còn sống tại Gia Lai) dùng súng AK bắn rơi máy bay HU1A ngay tại lũy tre của làng. Do gần đồn bốt của địch nên sau đó, quân địch đã cử thêm máy bay trực thăng đến tiếp ứng, “câu” phi công đem về đồn Trãng Nhật cứu chữa. Chồng bà Mai hy sinh năm 1969.
Bản thân bà Mai, năm 1971, có tên chiêu hồi dẫn địch về phục kích, chúng bắn nhiều du kích của ta hy sinh, còn bà Mai bị chúng bắn đứt chân phải. Quân địch đòi đưa bà Mai đi chữa trị để sau này khai thác nhưng bà cương quyết không, người dân phản đối “bắn vào dân thường” không cho đi, nên người dân đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu mới cứu được mạng sống. Giờ bản thân bà là thương binh. Mẹ chồng và bà nội đều là Bà Mẹ VNAH.
Chúng tôi cũng ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Hoành (SN 1934, người dân của xóm Chín Chủ). Vừa bước vào nhà đã thấy những dãy huân, huy chương, bằng ghi công treo dày nhiều lớp trên tường nhà. Ông Nuôi cho biết, ông Hoành là con ruột của mẹ Trần Thị Lưỡng và ông Nguyễn Mộc, có bốn con trai hy sinh trong chiến tranh. Ông Mộc là cán bộ dân chính tập kết ra Bắc. Ở nhà, các con mẹ Lưỡng lớn lên theo cách mạng, người thì đi bộ đội, người làm du kích. Ông Nguyễn Văn Trung, thuộc đội du kích địa phương, đi đặt mìn ở Đồng Trãng, hy sinh vào năm 1969. Ông Nguyễn Văn Tâm đi bộ đội, hy sinh năm 1971. Ông Nguyễn Văn Đó, cán bộ binh địch vận cũng hy sinh trong chiến tranh. Bà Nguyễn Thị Thôi, du kích xã Điện An, hy sinh năm 1968. Ngoài ra, bản thân ông Hoành là bộ đội, thương binh, hai người em của ông cũng tham gia cách mạng, gia đình có 7 đảng viên. Mẹ Lưỡng (mất năm 1968) là người nuôi giấu cán bộ, là cơ sở cách mạng kiên cường. Năm 1994, mẹ Lưỡng được công nhận Bà Mẹ VNAH đợt đầu tiên…
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, một người con của xóm Chín Chủ hết sức tự hào về gia đình mình cũng như xóm Chín Chủ để tiếp nối những truyền thống vẻ vang đó, cũng như kết nối, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay noi gương thế hệ cha anh để góp phần dựng xây đất nước…
Khi Việt Nam và Mỹ lập lại quan hệ ngoại giao, vào năm 1995, tổng thống Mỹ Bush (cha) đã về xóm Chín Chủ gần một tuần lập lán trại để tìm thi thể lính Mỹ mất tích trong chiến tranh…
Những ngôi làng thinh lặng, nép mình ở các vùng ven đô thị, một thời và mãi mãi là nơi chở nặng các trang sử vàng.
Tôi hình dung, nếu ngày giải phóng ở các đô thị được chọn làm những mốc trọng đại, thì các ngôi làng ven đô đóng vai trò “dọn đường” để làm quang rạng con đường tổng tiến công tròn 40 mùa xuân trước. Bây giờ, những “cánh đồng chết” đã phủ màu sự sống, xanh tơ, vàng ươm. Lớp người tận tay chèo đò đưa cán bộ về thị xã Hội An, lớp người sẵn sàng bươn mình ra để che giấu cho cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà thời ấy, đã về với đất mẹ gần hết. Người còn sống, thì nói, chắc sẽ không bao giờ quên, mọi chuyện còn như mồn một trong ký ức. “Mỗi năm, kề ngày giải phóng thành phố, chúng tôi lại họp mặt. Gặp để nhìn nhau cười mà nếp nhăn đã phủ hết mặt. Gặp để nhớ một thời chúng tôi đã được người dân ven đô hết lòng giúp sức. Gặp để còn biết dù có nói bao nhiêu lời vẫn không hết được những ân tình mà người dân Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà… dành cho chúng tôi” - ông Nguyễn Hưng, nguyên Trưởng ban An ninh thị xã Hội An năm 1973, đến năm 1987 là Bí thư Thị ủy Hội An, chia sẻ. Còn ông Nguyễn Hữu Bì, bà Nguyễn Thị Nhi, những người trực tiếp nằm ở vùng ven đô thị Đà Nẵng, trực tiếp chiến đấu tại xã Điện Thắng (Điện Bàn) - nơi làm bàn đạp để quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng, bây giờ, trong lòng, trong giọng nói, vẫn còn ngọn sóng của những ngày oanh liệt.
Đình làng Thanh Quýt - một trong những nơi phát lệnh tiến công giải phóng Đà Nẵng.Ảnh: SONG ANH |
Mắt xích Cẩm Thanh
Quá khứ và hiện tại. Chiến tranh và hòa bình. Bom đạn và thơ nhạc… Ở những vùng đất anh hùng của xứ Quảng, những thứ tưởng chừng trái ngược nhau, lại cùng nhau tồn tại, hiển hiện. Huyền thoại xứ sở dựng nên từ những con người bình dị, lành như đất. Ông Lê Văn Giảng - nguyên Chủ tịch UBND TP. Hội An nói rằng vùng đô thị này “như vươn tới ôm trọn vào mình những tận cùng sông nước của Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc… và cả TP.Đà Nẵng”. Phải vậy nên, vùng đất này, từ trong chinh chiến lẫn hòa bình, là nơi tụ hội của những linh khí, những con người với trái tim và trí óc bằng sắt, bằng đồng. Nghe ông Nguyễn Hưng kể những câu chuyện đấu tranh ngoan cường để giành giật lại toàn bộ vùng đô thị cổ, mới thấy rằng, bình yên, tĩnh lặng của Hội An hôm nay, phải đổi bằng bao nhiêu gian nan, xương máu. Ông Hưng nói, nếu không có sự ngoan cường, kiên gan đến trơ lỳ của người dân vùng ven thì vùng nội thị Hội An - với sự tập trung của các cơ quan đầu não ngụy quân, ngụy quyền bấy giờ, rất khó có cơ hội để đánh sập một lúc như vậy. “Từ năm 1964 đến 1972, chúng ta mất Cẩm Thanh. Nhưng cái đất thật lạ, giặc chiếm vùng cửa ngõ thì dân ta ở vòng trong, vẫn ngày đêm nuôi giấu cán bộ và làm cách mạng. Từ 1967 cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh là nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của thị xã Hội An, là bàn đạp quan trọng ở phía đông thị xã để ta xuất kích, tiến đánh nội ô Hội An. Cán bộ chúng tôi ở Cẩm Thanh nhưng hoạt động trong lòng thị xã” - ông Hưng tiếp chuyện.
Đội thiếu niên anh hùng xã Cẩm Thanh. |
Cẩm Thanh - nơi được mệnh danh vùng đất thép. Trong suốt chuỗi dài lịch sử, từ lúc hình thành với cái tên tổng Thanh Châu thời phong kiến, đến khu Thanh Hiệp, khu Hội Hải, khu Đông thời kháng chiến chống Pháp và tên gọi Cẩm Thanh thời chống Mỹ cho đến ngày nay, người dân vùng này vẫn giữ trọn truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, rất đỗi kiên gan trong đấu tranh với kẻ thù. Ở đây còn lưu truyền câu ca: “Sông sâu, bót giặc, khu dồn/ Rừng dừa Bảy Mẫu và Cồn Kiện xưa”. Cồn Kiện - Thuận Tình - bến sông Gò Hý, là những địa danh gợi nhớ về những trận chiến quyết liệt của cư dân vùng sông nước hạ du. Sông ngòi và các rừng dừa nước bao bọc là thế mạnh để cán bộ, lực lượng vũ trang cách mạng làm nơi đóng chân. Từ đây, khơi mở những trận đánh xuất sắc vào nội ô tiêu diệt tiền đồn Cẩm Phô nam, giải phóng nhà lao Thông Đăng, bắt tỉnh trưởng bù nhìn… Cẩm Thanh còn là mắt xích quan trọng của “con đường Hồ Chí Minh trên sông” - tên gọi của con đường huyết mạch nối bờ nam sông Thu Bồn với các vùng bị tạm chiếm phía bờ bắc sông Thu. Hàng hóa, lương thực, thuốc men… từ vùng tự do chuyển vào tiếp tế cho vùng tạm chiếm, đều đi qua con đường này.
Thuyền của người dân Cẩm Thanh tham gia đưa đón cán bộ.Ảnh tư liệu |
Một chiều tháng 3, sau 40 năm hòa bình, những ngày người dân bờ nam và bắc sông Thu náo nức chờ sự kiện hợp long cây cầu Cửa Đại, có người đàn ông ngồi phía bờ sông Cẩm Thanh, dõi mắt ngóng về phía cầu xa xa. Những ngày đạn pháo ác liệt, bao nhiêu chuyến đò đưa người sang bờ nam Duy Xuyên và ngược về bờ bắc Hội An, bao trận phục kích của Biên đội hải thuyền ngụy đóng tại đồn Cửa Đại bắn phá tan tành, khí thế của đêm 26.3.1975, khi hàng chục chiếc thuyền bí mật chở quân từ căn cứ Xuyên Tân (Duy Xuyên) về giải phóng Hội An. Những hồi ức dồn dập đổ về trong mắt người già. Ông nói, Cẩm Thanh là con đường hành lang, là bàn đạp xung yếu của phong trào cách mạng Hội An. Đêm 26.3 của 40 năm về trước, chính ông lão nay đã ngoài bát tuần - Trần Văn Xe là người trực tiếp chỉ huy, tổ chức đoàn thuyền 51 chiếc lên căn cứ Xuyên Tân, Xuyên Thái đón cán bộ, bộ đội về giải phóng hoàn toàn thị xã Hội An vào ngày 28.3.1975. Thế là niềm vui, nỗi chờ đợi đã đủ vỡ òa. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, mảnh đất Cẩm Thanh anh hùng có 719 liệt sĩ, hơn 180 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cẩm Thanh cũng là xã đầu tiên của TP.Hội An được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Rào chắn”
Con đường Bắc - Nam ngày một đầy đặn. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tô thêm cho trang đời những hình ảnh mới. Nhưng với bà Nguyễn Thị Nhi, người nữ du kích tham gia cách mạng khi tuổi chỉ mới 15, vẫn đau đáu những ngày làng quê Thanh Quýt, những xóm Chay, xóm Rừng… trong cơn đạn bom ác liệt nhất, vẫn quyết bảo vệ người cán bộ cách mạng đến cùng. Những người cùng lứa với bà, đã ghi tên mình vào lịch sử. Người dân Điện Thắng (huyện Điện Bàn) khi ấy cùng một lựa chọn, cùng một quyết định. Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng ghi lại, một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Thắng là bảo vệ hành lang đưa đón cán bộ ra - vào vùng địch. Đó là con đường đi từ vùng A - vùng căn cứ cách mạng, qua vùng B - vùng Điện Thắng, đến vùng K - vùng cát Điện Ngọc, Điện Nam… Trên đường hành lang đó, Điện Thắng nằm ở vị trí xung yếu, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của con đường nối liền vùng giải phóng, vùng tranh chấp với vùng địch kiểm soát. Người dân dùng tre gai để lấp đường. Hoặc khi vác cuốc ra đồng, cuốc ở vai trái là có địch, vai phải thì không. Rồi khi thắp hương ngoài đồng, bên đường hàng lang, 7 cây là có địch, 3 cây nghĩa là an toàn… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bất khả kháng, để bảo vệ hành lang, nhiều người đã ngã xuống. Nhưng, điều cơ bản nhất là tính mạng của bộ đội, cán bộ, đảng viên đi trên đường hành lang an toàn.
Về Điện Thắng, hỏi người làm cách mạng gan lỳ nhất thời chống Mỹ, người dân kể ra không biết bao nhiêu cái tên. Nhưng nói về người vinh dự cùng đồng chí Võ Chí Công đề ra các vị trí trọng yếu ở Điện Thắng để đưa lực lượng tham gia mũi tiến quân giải phóng Đà Nẵng thì người ta nghĩ tới ông Nguyễn Hữu Bì - nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Thắng. Tuổi đã ngoại bát tuần, ông Bì tham gia chống Mỹ, rồi lại tiếp tục góp sức vào công cuộc cải tổ, hồi sinh vùng đất ngoại ô sau giải phóng. Ông kể, ở đất Điện Thắng này, đã từng vinh dự là nơi đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân… trú chân để phát lệnh giải phóng Đà Nẵng. Ông Bì kể thêm rằng, các đơn vị quân đội, bảo vệ đóng quân trong đình làng Thanh Quýt, khu vực cây chim chim cổ thụ và các nhà dân lân cận. Từ đây, những mũi quân tiến công giải phóng Đà Nẵng bắt đầu. Riêng tại Điện Thắng khi ấy, ngày 26.3.1975, các đoàn thể quần chúng đều ở trong tư thế sẵn sàng đứng lên nổi dậy giành chính quyền. Nhờ vậy, ngày 27.3.1975, khi Huyện ủy Điện Bàn phát đi mệnh lệnh khởi nghĩa, gần 7.000 bà con Điện Thắng đồng loạt xuống đường.
Hồi sinh
Ở Cẩm Thanh, những hố bom sâu hoắm trong chiến tranh nay đã được lấp đầy bởi màu xanh của khóm dừa đang vươn lên mạnh mẽ. Một bức tranh nông thôn mới, bức tranh của làng quê sinh thái yên bình đầy sức quyến rũ đang hiện rõ nét. Những cây dừa chở che bộ đội năm xưa nay qua bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân trở thành nguyên liệu cho nghề dựng nhà vườn bằng tre và lá dừa với doanh thu hàng năm toàn xã đạt hơn 8 tỷ đồng. Cùng với đó, những mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách trải nghiệm cuộc sống trong rừng dừa cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Cẩm Thanh hiện đạt 23 triệu đồng/năm và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, khu rừng dừa Bảy Mẫu có một sức sống kỳ diệu, là biểu tượng cho tinh thần cách mạng bất khuất của người dân Cẩm Thanh. Chính phủ đang giao cho tỉnh lập quy hoạch bảo tồn khu rừng dừa ngập mặn này. Xã cũng đã có chủ trương khôi phục lại những công trình phòng thủ, chiến đấu năm xưa tại rừng dừa Bảy Mẫu.
Đất anh hùng Điện Thắng, sau 40 năm giải phóng, đã đi từ vùng đất thuần nông sang phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Đất đã hồi sinh từ những hố bom. Về với đời thường, người dân Điện Thắng, bây giờ là 3 xã Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, với những tên đất tên người đi vào lịch sử, tiếp tục bản lĩnh của một thời “rào chắn đạn bom”, để xây dựng quê hương. Ngang qua Điện Thắng, trên dọc tuyến quốc lộ, hẳn ít ai ngờ rằng, tròn 40 năm trước, đây từng là vùng đất chết, bởi đụng đâu cũng thấy bom mìn. Nay, nhà cửa đã mọc lên san sát, như phố phường…
1. Theo các tài liệu còn lưu lại thì thôn Phong Ngũ, nay thuộc xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn được hình thành từ khá lâu, cách nay cũng gần 500 năm. Danh xưng đầu tiên của Phong Ngũ là Phong Niên. Cũng như nhiều làng xã khác, tên làng sau đó được đổi đi đổi lại nhiều lần, từ Phong Niên đổi sang Ngũ Giáp. Cuối thế kỷ XVIII, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn chép Ngũ Giáp và Lục Giáp là tên của hai thôn thuộc xã Châu Phong. Đến đời vua Bảo Đại năm 1937, thôn Ngũ Giáp được đổi sang thôn Phong Ngũ. Tiếp đến, Phong Ngũ được chia làm hai thôn là Phong Ngũ Tây và Phong Ngũ Đông. Dù chia tách nhưng nhân dân hai thôn vẫn xem mình cùng một làng, một thôn. Phong Ngũ còn có tên nôm là Ngũ Giáp, Giáp Năm. Điều đáng chú ý là danh xưng Ngũ Giáp, Giáp Năm xuất hiện nhiều trong dòng văn học dân gian thông qua những câu ca dao, hò vè, mang nặng tình yêu đôi lứa “Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu/ Ngó lên đường cái thấy cầu Giáp Năm/ Bây chừ thiếp viếng chàng thăm/ Ở cho trọn nghĩa cắn tăm nằm chờ”. Hay “Ai về Ngũ Giáp, cho mình ráp một đôi/ Đi qua quán Thoại quán Tôi/ Ăn mì chung một bát đũa chia đôi mới về”. Qua đó, có thể thấy danh xưng dân dã Giáp Năm, Ngũ Giáp đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân địa phương. Và, ở Phong Ngũ, không chỉ có những câu ca dao, hò vè mà còn có di tích lịch sử đình làng Phong Ngũ, có Âm linh tự, có chùa Châu Phong với nhiều câu chuyện kể khá thú vị.
Đình làng Phong Ngũ.Ảnh: P.H.Đ.ĐẠT |
2. Làng Phong Ngũ có nhà khoa bảng đầu tiên là cử nhân Hà Đức Ý, sinh năm Tân Mão 1837. Sinh ra trong một gia đình có cha xuất thân nho học, lại hành nghề thầy thuốc, từ nhỏ, ông Hà Đức Ý tỏ ra sáng dạ, học đâu nhớ đó. Nhờ vậy, ở khoa thi năm Đinh Mão 1867, đời vua Tự Đức thứ 20, ông đỗ cử nhân ở trường thi Thừa Thiên. Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi: “Hà Đức Ý, người xã Châu Phong, huyện Diên Phước. Làm quan tới chức Lang trung bộ Lại”. Ông đứng thứ 17 trong tổng số 32 thí sinh đỗ khoa thi năm ấy. Có thể nói, lúc bấy giờ tình hình đất nước rối ren. Thực dân Pháp đánh chiếm nhiều tỉnh ở miền Nam, bước đầu đặt nền bảo hộ. Và, cuộc đời làm quan của ông cũng không ít thăng trầm, trải qua các đời vua từ Tự Đức đến Kiến Phúc, Hàm Nghi với nhiều chức vụ khác nhau. Hàm lớn nhất của ông là Chánh ngũ phẩm, chức vụ cao nhất là Chưởng ấn Hình khoa kiêm Công khoa (một chức quan nằm trong Đô sát viện, cơ quan giám sát trung ương của nhà Nguyễn). Năm 1886, ông cáo quan về nghỉ ở quê nhà và mất vào ngày 2 tháng 3 năm Đinh Hợi 1887, tức vào đời vua Đồng Khánh thứ 2. Có thể nói, dù đỗ đạt cao, làm quan trải qua nhiều đời vua, nhưng trong thời loạn lạc, ông Hà Đức Ý không để lại công nghiệp gì nhiều. Tuy nhiên, sự chăm học, học giỏi, đỗ đạt cao của ông trở thành tấm gương con cháu đời sau noi theo.
3. Làng Phong Ngũ còn có nhân vật khá nổi tiếng khác. Đó là ông Hà Đức Tân, sinh ngày 15.2 năm Canh Thân 1860, trong một gia đình nho học. Tuy học giỏi, tỏ ra thông minh hơn người nhưng ông không màng công danh mà ra sức luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ giúp nước. Năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, tiến sĩ Trần Văn Dư, phó bảng Nguyễn Duy Hiệu cùng cử nhân Phan Bá Phiến thành lập Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, Hà Đức Tân hăng hái tham gia nghĩa quân. Tháng 5.1886, ông được phái về quê nhà tiêu diệt bọn lính Pháp đang kéo đường dây thép trên tuyến đường thiên lý, tức quốc lộ 1 ngày nay, qua địa bàn Gò Phật, thôn Viêm Minh Tây. Bằng những thế võ dân tộc độc đáo, với vũ khí thô sơ, ông cùng nghĩa quân đã khống chế được hai tên lính Pháp, bắt giải về căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc. Qua chiến công này, ông được phong làm Quản cơ. Từ đó, ông tích cực tuyển mộ thêm nghĩa quân, đánh nhiều trận làm kẻ thù khiếp sợ khi nhắc đến hai tiếng Quản Tân. Cuối cùng, khi đi làm nhiệm vụ ở thôn Thanh Quýt, ông bị chúng phục bắt, giam vào nhà giam tỉnh thành La Qua. Biết không thể dụ dỗ, mua chuộc được, kẻ thù hành hình ông tại Bến Thuế, thị trấn Vĩnh Điện, vào ngày 5.9 năm Bính Tuất 1886, để lại cho nhân dân làng Phong Ngũ nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung lòng tiếc thương vô hạn.
4. Nhưng nhân vật nổi tiếng nhất ở làng Phong Ngũ là cụ Đốc học Hà Đằng. Cụ sinh năm Bính Tý 1876 trong một gia đình nghèo. Cụ đỗ cử nhân khoa thi năm Quý Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 15, tức năm 1903, tại trường thi Thừa Thiên. Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục chép: “Hà Đằng, người xã Châu Phong huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam. Đậu năm 28 tuổi. Hiện làm giáo thụ Tuy An”. Giáo thụ chỉ là chức vụ khi mới đỗ đạt. Sau này, cụ được bổ nhiệm làm đốc học Quảng Nam, đốc học Thanh Hóa. Tháng Giêng năm Khải Định thứ 5, tức năm 1920, cụ xin nghỉ hưu, được thăng Thị giảng Học sĩ. Năm 1936, cụ Hà Đằng được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Sinh thời, cụ có nhiều cảm tình với cách mạng. Chuyện kể rằng cụ từng can thiệp với lý trưởng để đồng chí Trịnh Quang Xuân không phải ra ngủ ở xích hậu Ông Chạy, có tuần đinh canh gác. Chưa kể việc cụ chọn đọc bài diễn văn trước kỳ họp Viện Dân biểu Trung kỳ do những người cộng sản Quảng Nam soạn sẵn thay vì bài của hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Khôi. Và, trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng, cụ Hà Đằng hết lòng vì dân, đấu tranh cho dân, chống lại âm mưu biến Viện Dân biểu Trung kỳ thành công cụ tay sai của thực dân Pháp… Đáng chú ý nhất là năm 1938, cụ Hà Đằng ủng hộ Phan Thanh đấu tranh chống lại dự luật tăng thuế của thực dân Pháp. Thông qua lý lẽ sắc bén, đanh thép, Phan Thanh hùng hồn bác bỏ tất cả chứng lý nhằm tăng thuế. Cuối cùng, việc Viện Dân biểu Trung kỳ bác dự luật này. Điều đó không chỉ là thắng lợi chung của phong trào đấu tranh của nhân dân lúc bấy giờ mà còn nhờ vào tài hùng biện của Phan Thanh và vai trò không nhỏ của cụ Hà Đằng.
Phan Khôi, một nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đương thời đã dành nhiều cảm tình lẫn sự kính phục với cụ Hà Đằng. Theo Phan Khôi: “Hà Đằng với Nguyễn Trác, thì hai ông cũng đồng là người có duyệt lịch, mà ông Nguyễn là duyệt lịch trong quan trường, còn ông Hà là duyệt lịch ngoài thảo dã, giữa đám dân sự. Xem đó biết ông Hà có cả đức lẫn tài, mà cái đức và tài ấy có thể làm được việc, chứ không phải chỉ để cho người ta ngắm” … Xem thế, đủ biết, không chỉ cụ Phan Khôi mà giới trí thức bấy giờ rất kính phục cái tâm và tầm, cũng như đức độ, tinh thần hết lòng vì dân vì nước của cụ Hà Đằng.
Thế nhưng, xóm nhỏ chỉ 9 hộ dân sinh sống này lại có một lịch sử lẫy lừng khi có đến 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ, 7 thương binh...
Ông Lê Văn Nuôi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Hồ, cho biết vì cả xóm chỉ có 9 hộ dân nên mới mang tên là Chín Chủ. Thật ra, sau ngày đất nước thống nhất, người dân Chín Chủ đã dời đến khu vực cao ráo hơn, cách nơi cũ chừng 400 m.
Khu Di tích lịch sử tại xóm Chín Chủ Ảnh: QUỲNH CHÂU
Theo nữ thương binh Lê Thị Mai ở xóm Chín Chủ, người dân nơi đây dù không phải bà con họ hàng nhưng sống với nhau rất gắn bó, nghĩa tình. Cả 3 thế hệ trong suốt 2 cuộc kháng chiến ở xóm “nấu cơm chung, ăn chung” để bám trụ, quyết giữ đất. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương từng đứng chân ở đây để chỉ đạo phong trào cách mạng.
“Chín Chủ chỉ rộng khoảng 1,5 km2 nhưng bị bao vây bởi 10 đồn địch, ngày đêm bị đánh phá ác liệt. Xóm làng bị bom cày đạn xới, người dân bị bắt bớ tù đày nhưng 9 gia đình vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”. Ngay cả bọn trẻ 10-12 tuổi cũng tập hợp thành đội du kích vừa chăn trâu vừa đánh giặc” - bà Mai nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Tân, nguyên Phó Ban Binh vận xã Điện Thắng (cũ), khẳng định với người dân Chín Chủ nào địch cũng cho là Việt Cộng nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay. “Nhưng người đi trước ngã xuống thì lớp con cháu lại đứng lên, càng thêm vững vàng, kiên cường. Bà con Chín Chủ đã rút ra bài học “2 chung, 1 riêng” để tồn tại. Đó là ăn cơm chung, đấu tranh chung nhưng ngủ riêng để tránh tổn thất nhiều khi bị địch tấn công” - bà Tân kể.
Ông Nguyễn Duy Hưng - nguyên Thường vụ Đặc ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư quận Nhất, TP Đà Nẵng - xúc động: “Vùng đất máu lửa này đã cưu mang tôi và nhiều anh chị em trong những ngày chiến tranh ác liệt. Nếu không có bà con Chín Chủ thì chúng tôi khó mà sống sót được trước kẻ địch”.
Với ông Bùi Hồng Khanh - nguyên Trưởng Ban Quân sự quận 4, TP Đà Nẵng; nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - trong quãng thời gian sát cánh cùng người dân Chín Chủ, có những câu chuyện về sự mưu trí của bà con mà ông nhớ mãi. Một hôm, địch kéo về xóm bắt dân đánh đập dã man nhưng bà con vẫn một mực không khai gì. Đến ngày thứ 3, chúng cho một bộ phận rút lui, còn bọn ác ôn và lính quận ở lại phục kích. Lúc này, ở bên kia sông La Thọ, anh em du kích thấy địch rút thì đợi trời tối kéo vào xóm. Để cứu nguy, bà con liền lùa trâu bò ra rồi thắp đuốc đi tìm và lu loa: “Mấy ông mang súng ống lỉnh kỉnh làm trâu bò sợ, sổng chuồng chạy mất rồi”. Lực lượng du kích bị đánh động đã thoát được trận địa phục kích của địch.
Lần khác, ông Bùi Hồng Khanh và một cán bộ núp dưới hầm bí mật ở bụi chuối sau nhà mẹ Trần Thị Môn. 12 giờ, địch kéo vào phục kích ngay trên miệng hầm. “Trước tình thế nguy cấp, mẹ Môn bày kế đến gặp tên thông dịch viên, bảo cần đốn cây chuối trên miệng hầm để băm cho heo ăn, nhờ nói 3 lính Mỹ đi chỗ khác. Thế là mẹ Môn vừa đốn chuối vừa dậm lên miệng hầm báo hiệu cho chúng tôi có địch” - ông Khanh cảm phục.
Đại tá Võ Kế - nguyên TRƯỞNG CÔNG an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng - tâm sự: “Gia đình chị A, anh Cồn, anh Xoài... ở gần sông, nhà cửa bị đốt phá phải ở dưới hầm. Tài sản của họ chỉ còn những chiếc ghe nhỏ thủng lỗ chỗ do đạn địch bắn, thế mà đêm đêm vẫn đưa cán bộ, thương binh qua sông. Cả xóm đều nhường phần hầm trú ẩn bom đạn cho bộ đội khi dừng chân chuẩn bị những trận đánh. Nhờ người dân Chín Chủ mà lực lượng cách mạng đã có những chiến thắng oanh liệt tại mảnh đất này”.
Theo ông Lê Văn Nuôi, lẽ ra Chín Chủ có đến 10 mẹ Việt Nam anh hùng chứ không phải 9. “Lúc đó, gia đình mẹ Nguyễn Thị Giao cũng về sống nhờ nhà người dân xóm Chín Chủ trong suốt 2 cuộc kháng chiến để hoạt động cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mẹ Giao mới dời ra ở riêng” - ông giải thích.
Trong số các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xóm Chín Chủ trước đây, duy nhất mẹ Nguyễn Thị Giao hiện còn sống. Đã bước sang tuổi 94 nhưng khi nhắc lại xóm nhỏ vang danh này, người mẹ của 4 liệt sĩ vẫn kể rành rọt nhiều câu chuyện thời lửa đạn. Dù 4 người con đã hy sinh nhưng mẹ Giao vẫn tiếp tục động viên 5 con còn lại lên đường chiến đấu.
Ông Lê Văn Nuôi cho hay năm 2013, nhiều cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm đã góp sức xây dựng Khu Di tích lịch sử tại xóm Chín Chủ. “Đây là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho hôm nay và con cháu mai sau” - ông nhấn mạnh.
Những năm 1960, mảnh đất xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn sục sôi phong trào góp gạo nuôi quân, che giấu cán bộ, du kích địa phương để tấn công diệt ác, trừ gian. Xác định đây là địa bàn trọng điểm của Việt cộng nên ngày đêm địch mở các đợt lùng sục, tiến hành chiến dịch bình định “ba sạch”, tức là diệt sạch, đốt sạch và phá sạch. Nhà cửa, ruộng vườn nơi đây bị đạn bom cày xới, tiếng pháo của địch từ căn cứ núi Bồ Bồ suốt ngày gầm rú, đe dọa, hủy diệt màu xanh ở Điện Tiến. Máu của đồng bào, chiến sĩ nơi đây tuôn chảy bởi súng đạn kẻ thù. Để uy hiếp lực lượng cách mạng, có lúc chúng tăng cường lên cứ điểm Bồ Bồ hàng nghìn quân, chủ yếu là bộ binh và pháo binh để càn quét, bắn phá. Mới 9 tuổi, cô bé Hồ Thị Phương đã chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương của những cơ sở cách mạng, sự hy sinh của 3 người chú ruột và người anh trai là Hồ Công Châu. Hồ Thị Phương dồn nén nỗi đau, nuôi quyết tâm một ngày nào đó được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù cho quê hương, người thân. Trong một đêm giữa mùa lũ năm 1966, đang nằm ngủ cạnh mẹ là bà Nguyễn Thị Cẩn, Phương thỏ thẻ hỏi: “Cha con đi đâu hả mẹ? Các chú, các bác của xã mình tập trung đánh giặc đông lắm mà không thấy ba?”. “Suỵt, có im cái miệng đi không. Bọn mật báo nó rình nghe được thì mẹ con mình bị chúng bắt tra tấn, con chịu được không?” - bà Cẩn ấn tay vào trán Phương thì thầm.
Bia di tích ghi lại nội dung chiến công tiêu diệt địch của nữ chiến sĩ Hồ Thị Phương tại ngã tư Chợ Cồn TP.Đà Nẵng. Ảnh: THÁI MỸ |
Dứt lời, bà Cẩn ngồi dậy, nhẹ nhàng bước ra phía trước đẩy tấm cửa phên căng mắt xem có kẻ xấu nào rình mò, dòm ngó không. Ngoài trời mưa rả rích, ở phía núi Bồ Bồ thỉnh thoảng vọng về những tiếng ì ầm và vụt lên cao những quả pháo sáng của địch để bảo vệ căn cứ rồi bóng đêm lại bao phủ đặc quánh. Biết không có kẻ xấu rình rập, bà quay vào ngồi xuống chiếc chõng tre nói đủ để cho Phương nghe: “Hồi trước cha con tham gia đánh Pháp. Năm 1954 ổng tập kết ra Bắc. Trước khi đi, cha con nói với mẹ là 2 năm nữa sẽ quay về, thế mà 12 năm rồi chẳng nghe tin tức chi. Thôi kệ, mẹ con mình cứ theo cách mạng rồi sẽ có ngày đất nước thống nhất. Mẹ nuôi giấu bộ đội, du kích còn con theo dõi địch để báo cho các chú, các bác biết. Rứa là được rồi”. Khi Hồ Thị Phương tròn 12 tuổi đã dắt trâu ra đồng chăn để có điều kiện theo dõi tình hình của địch rồi bí mật báo cho du kích xã. Từ những thông tin Phương cung cấp, du kích xã và bộ đội huyện đã phối hợp tổ chức đánh bất ngờ hàng chục trận, tiêu diệt nhiều binh lính, làm cho địch hoang mang, khiếp sợ.
Một ngày đầu năm 1968, bước sang tuổi 17, Hồ Thị Phương tìm gặp ông Trí - Bí thư Đảng ủy xã Điện Tiến nài nỉ: “Bác Trí ơi! Bác cho con thoát ly cầm súng để trả thù cho đồng bào mình, góp công sức với các chú, các bác giải phóng quê hương”. “Thì từ trước đến nay con cũng tham gia cách mạng rồi đó. Mỗi người có nhiệm vụ riêng mà cháu. Từ từ cái đã, vội chi” - ông Trí nhìn Phương buông giọng.
Hàng ngày cứ gặp ông Trí là Hồ Thị Phương xin thoát ly và không bao lâu sau ông cũng chiều theo ý chị. Thấy Hồ Thị Phương là cô gái mới lớn ở nông thôn nhưng da dẻ trắng trẻo, ăn nói dịu dàng lại thông minh, lanh lợi nên lãnh đạo Ban An ninh đặc khu Quảng Đà đã bố trí chị vào lực lượng trinh sát của Ban An ninh quận 3, Đà Nẵng. Phương vô cùng phấn khởi, bởi từ đây chị đã có thể thực hiện được những hoài bão, ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình. Là một chiến sĩ an ninh, chị hoạt động bí mật nhưng cũng có khi hóa trang dưới nhiều dạng và hoạt động ngay trước mặt quân thù. Có lúc chị giả dạng làm người “đi ở” cho một gia đình khá giả để theo dõi mạng lưới mật vụ, thám báo tại địa bàn quận 3, nắm chắc quy luật hoạt động của chúng rồi báo cáo với lãnh đạo tìm cơ hội tấn công. Chính vì vậy, Hồ Thị Phương thường xuyên ra vùng của cách mạng kiểm soát để nhận chỉ thị của cấp trên rồi lại lọt sâu vào hang ổ sào huyệt của địch trong nội thành. Qua công tác nắm tình hình và thu thập được nhiều thông tin tuyệt mật của địch, chị cùng với các trinh sát tổ chức đánh táo bạo, bất ngờ 6 trận, tiêu diệt 9 tên ác ôn nguy hiểm ngay trong thành phố. Trong đó có trận đánh “huyền thoại” tại ngã tư Chợ Cồn vào chiều ngày 9.2.1971 tiêu diệt tên Trưởng ban mật vụ Nha Cảnh sát Vùng I chiến thuật và 2 sĩ quan an ninh ngụy.
Bị thiệt hại nặng nề, địch nghi có trinh sát an ninh được cài cắm từ bên trong nên tung lực lượng vây ráp. Cuối cùng chúng cũng có thông tin về lai lịch Hồ Thị Phương nhưng không thể biết mặt mũi chị thế nào. Vào buổi sáng sau một trận đánh vang dội 3 ngày, lực lượng cảnh sát ập vào ngôi nhà chị đang ở giúp việc tại khu An Cư 3, phường An Hải Đông bắt chị đẩy lên xe đưa về Ty Cảnh sát Gia Long tra tấn, xét hỏi. Một tên cảnh sát giận dữ, quát tháo: “Mày tên gì? Có phải Hồ Thị Phương không?”. “Dạ, Phương mô em đâu có biết. Em tên là Phấn mà”. Chị bình tĩnh trả lời rồi chìa tấm thẻ căn cước có in sờ sờ ảnh mình. Viên cảnh sát hết nhìn ảnh trong thẻ rồi nhìn vào mặt chị, sau đó phải thả về. Hóa ra, trước khi được cắm vào nội thành, Ban An ninh quận 3 đã làm giả cho chị tấm thẻ căn cước với cái tên Hồ Thị Phấn để đối phó với kẻ thù khi lâm vào tình huống khó khăn.
Thấy có nguy cơ bị lộ nên lãnh đạo ban sau đó quyết định rút Phương ra tuyến ngoài. Một thời gian sau, người con gái đầy mưu trí, sáng tạo và giàu lòng yêu nước của thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến đã vĩnh viễn chia xa gia đình, đồng đội trong một trận đánh tại vùng B Đại Lộc vào tháng 6.1972. Máu của chị đã hòa cùng dòng máu đỏ tươi của dân tộc để ươm mầm xanh độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.
Điểm đặc biệt của tháp Bằng An (Điện Bàn – Quảng Nam) nói riêng và các tháp Chăm nói chung là kỹ thuật xây dựng. Trong đó, các viên gạch xây tháp liên kết với nhau gần như liền một khối, giữa chúng không xuất hiện lớp vữa liên kết.
Ngoài ra, giữa kỹ thuật xây dựng và hình thức điêu khắc, trang trí trên các tháp có sự đồng điệu gần như tuyệt đối và tính thẩm mỹ cao khi chúng ta không tìm thấy bất kỳ một dấu tích của sự gọt đẽo, sự vụn gãy trên bề mặt gạch. Tháp có độ bền vững cao trước tác động khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và khu vực. Đây là những “ẩn số” chưa có lời giải chính thức.
Từ truyền thuyết…
Cha tôi là một người sinh ra và lớn lên tại làng Uất Lũy thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam (Uất Lũ và Hoa Trà là hai địa danh cổ mang tên hai vị phúc thần của người Chăm). Ông cố của cha tôi là Hồ Công Tạo, nguyên là quan Phòng thành trông coi việc phòng thủ và xây dựng tu sửa Dinh trấn Thanh Chiêm dưới thời Chúa Nguyễn. Thuở nhỏ, chiều chiều cha tôi cùng các bạn đồng lứa xuống sông Vĩnh Điện tắm rồi bơi qua sông bắt chim, nô đùa, rượt đuổi nhau cho đến mệt thì kéo nhau vô trong ngôi tháp Bằng An ngồi nghỉ xong lại bơi qua sông trở về. Sau mỗi lần như thế, cha tôi thường bị ông cố rầy la và ngăn cấm không cho tắm sông cũng như không cho đến gần ngôi tháp Hời (người Việt ngày xưa thường gọi người Chăm là người Hời). Nhân dịp đó, ông kể lại cho cha nghe nào là chuyện ma Hời, vàng Hời, việc người Việt và Hời thi đốt tháp và việc người Hời xây tháp như thế nào.
Tháp Bằng An
Truyền thuyết xây tháp và đốt tháp được ông cố của cha tôi kể lại rằng, vào những năm đầu thế kỷ 15, mặc dầu Chiêm Thành (tức Champa) phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ cho nước Đại Việt, nhưng dân Chiêm Thành vẫn còn sống chung với người Kinh Việt. Buổi đầu tiếp xúc, hai phía Việt và Chiêm thường có những cuộc tranh tài và tranh chấp về đất đai, trong đó cuộc tranh tài về ngành xây dựng. Có cuộc người Chiêm Thành đề nghị người Việt thi xây tháp. Mỗi bên sẽ xây một ngôi tháp trơn theo kiểu mẫu, kích thước, với một đội thi công đã được qui định. Nếu người Việt xây tháp xong trước sẽ được xem là thắng cuộc và người Chiêm Thành sẽ rời bỏ ngay vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi để giao lại cho người Việt ở.
Trong buổi giao thời, người Chiêm Thành chưa biết rằng người Việt xây bằng gạch đã nung sẵn, liên kết với nhau bằng hồ vữa, còn người Chiêm Thành thì xây bằng gạch mộc (gạch chưa nung) nhúng nước, xây xong rồi mới nung sau, nên qua cuộc thi đó, người Chiêm Thành bị thua. Ngôi tháp của người Việt xây bằng hồ vữa chính là ngôi tháp có màu vôi trắng ở cạnh bến đò Hoa Trà thuộc huyện Điện Bàn. (Vào những năm đầu của thế kỷ 20, đoàn khảo sát người Pháp đã đến điều tra về công trình được gọi là ngôi tháp màu trắng này, nhưng rất tiếc là sau một trận lũ lớn, ngôi tháp đã bị vùi lấp dưới sông Thu Bồn.)
Nhưng người Chiêm Thành chưa chịu phục, cho rằng tháp là nơi để thờ thần linh, đất làm gạch được lấy từ dưới đất mà lên, còn lửa từ trên trời do thần linh đưa xuống. Do đó, ngôi tháp phải được xây bằng gạch mộc từ dưới lên rồi mới được nung sau từ trên xuống. Nếu người Việt đồng ý dự thi xây tháp theo cách thức đó mà thắng được, người Chiêm Thành sẽ chịu phục và tức khắc rời khỏi đất Chiêm Động và Cổ Lũy ngay.
Người Việt đồng ý, nhưng biết rằng, nếu xây tháp theo cách thức đó thì chưa chắc thắng được người Chiêm Thành, nên đã tương kế tựu kế: vừa giả vờ xây ngôi tháp bằng gạch mộc ở phía trước, đồng thời bí mật làm một ngôi tháp bằng tre và giấy ở phía sau, dùng màu vẽ và tô lên trông y hệt như một ngôi tháp Chiêm Thành. Khi tháp bằng giấy vừa xây xong, đêm đó người Việt cho dỡ và thu gọn phần tháp đã xây dang dở bằng gạch mộc ở phía trước để lộ ra một ngôi tháp đỏ sừng sững uy nghi như ngôi tháp thật.
Sáng hôm sau, người Việt tuyên bố đã xây xong tháp, trong lúc đó, người Chiêm Thành xây chưa xong đành phải chịu thua, nhưng sợ rằng người Chiêm Thành sớm muộn sẽ phát hiện ra tháp làm bằng tre và giấy nên người Việt đã ra đề nghị, nếu bên nào đốt ngôi tháp cháy trước thì bên đó sẽ thắng. Tất nhiên, một lần nữa người Việt đã thắng cuộc, còn ngôi tháp của người Chiêm Thành vẫn tiếp tục được ngọn lửa đốt nóng đến mấy mươi ngày, nhưng tháp chỉ đỏ lên chứ không sao cháy được. Đó chính là ngôi tháp Bằng An hiện nay vậy.
Kể xong truyền thuyết trên, ông cố của cha tôi còn đưa ra một nhận định: Không có cuộc thi xây tháp nào cả, nhưng tục ngữ từng nói: “Có lửa mới có khói”. Ngôi tháp màu trắng ở bến đò Hoa Trà chỉ là một vật có hình dạng giống ngôi tháp mà thôi. Tương truyền, trước đây, nơi đó có một cây duối trắng rất lớn (nay vẫn thấy còn mọc nhiều ở vùng Thăng Bình, Quảng Nam. Có nơi gọi là cây Ruối, tên khoa học là Streblus Asper Lour, cây khá phổ biến ở Ấn Độ), là vật trấn quốc giữ nước của Chiêm Thành. Khi vua Chiêm là Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt về làm vợ, có lần Huyền Trân bị bệnh chữa mãi không khỏi, có người mới bảo Chế Mân chặt bỏ cây duối trắng đi, thì bệnh của Huyền Trân mới lành. Sau nhiều lần do dự do quần thần can ngăn, cuối cùng Chế Mân cũng đã ra lệnh quân sĩ chặt bỏ cây duối trắng. Khi bị chặt, thân cây chảy ra một loại nước màu đỏ trông như máu đến mấy ngày mới hết. Từ đó, nước Chiêm Thành bị suy vi. Chế Mân hối hận, mới cho người xây tại nơi đó một cây duối trắng to và cao bằng cây duối thật, bên trong có chứa tượng thần và đồ thờ cúng bằng vàng bạc, mong rằng cây đó sẽ phù trợ cho đất nước lâu bền và phồn vinh.
Cũng không có việc người Chiêm Thành thi đốt tháp với người Việt, vì nếu tháp được xây bằng gạch làm bằng đất sét thì làm sao mà đốt cho cháy được. Người Chiêm Thành chỉ dùng cây khô để đốt nung ngôi tháp được xây bằng gạch mộc cho chín đỏ mà thôi, nhưng ở trường hợp này cũng vậy: “Có lửa mới có khói”!. Qua những lần thấy cách nung tháp mới lạ này, một số người Kinh Việt giàu óc tưởng tượng mới thêu dệt nên câu chuyện thi đốt tháp như trên, về sau phổ biến rộng trong dân chúng…
… đến hình dung cách xây tháp
Những câu chuyện và những nhận định trên liệu có thể cho phép chúng ta ban đầu hình dung về mô hình xây dựng các tháp của người Chăm xưa mà với nó có thể phù hợp ở các mặt kiến trúc, điêu khắc; các yếu tố lịch sử, tâm linh và với những gì còn để lại trên các tháp cho tới ngày nay chăng? Tôi xin đưa ra mấy giả thuyết:
Tháp có thể được người ta xây bằng gạch mộc - tức những viên gạch còn ướt, được phơi qua vài ngày cho se lại, sau đó nhúng nước, xát và ép để viên này dính sát với viên kia, chồng lên và sole mí với nhau. Cách xây và nung tháp của người Chiêm Thành phải theo trình tự bắt buộc: Xây từ dưới lên trên và nung từ trên xuống dưới. Bởi lẽ, vì xây bằng gạch mộc chưa nung, tức là dùng những viên gạch còn sống nhúng nước rồi xát và ép chặt vào nhau để kết dính nên tháp dễ đổ, vì vậy người Chiêm Thành phải xây tường tháp rất dày từ 1m đến gần 2m. Các cửa ra vào được xây theo lối giật cấp, sau có thể được gia cường thêm bằng các lanh-tô đá. Phần đỉnh tháp thì luôn được xây nhỏ hơn phần đế và thân tháp để trọng tâm khó đổ ra ngoài. Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững.
Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững, đồng thời để người thợ có điều kiện làm việc dễ dàng trong lúc xây và chạm khắc. Đây cũng chính là một loại, vừa giàn giáo, vừa cốp pha (Scaffold and framework) trong ngành xây dựng, nhưng ngày nay thì người ta làm bằng gỗ và sắt.
Khi tháp xây lên tới đỉnh xong rồi lúc đó đỉnh tháp vẫn chừa lỗ trống chưa gắn vật trang trí vào. Người Chiêm Thành để như vậy vài ngày cho gạch khô, đoạn bới dần đất ở phần đỉnh tháp ra, chất cây khô chung quanh đốt cháy lên để nung phần đỉnh tháp cho chín đỏ. Khi phần đỉnh tháp đã được nung xong thì người ta bới đất để đốt lửa nung phần tháp tiếp theo ở dưới. Cứ thế, người ta đốt lửa nung dần từng phần cho đến hết phần chân tháp. Đến đây, tháp đã khá vững chắc, người ta bới đất ở trong tháp ra để chất củi đốt lên nung thêm ở phần trong cho hoàn chỉnh, kết thúc công đoạn nung tháp.
Những công đoạn như trên là sự hình dung từ sự thu thập, khảo sát, tổng hợp ban đầu nhưng có thể cho một sự khái quát về mô hình xây tháp và có thể lý giải một số vấn đề nhất định. Đó là việc tạo ra một hình thức liên kết toàn khối - đồng nhất, đảm bảo tính bền vững theo thời gian dưới tác động môi trường; Tháp ít xuất hiện tình trạng rêu mốc trên mặt Tháp (do không chứa các thành phần tạp chất từ vật liệu kết dính); thực hiện được việc điêu khắc – trang trí một cách hài hòa trên tháp mà không bị sứt mẻ và đảm bảo được các ý nghĩa tâm linh – tôn giáo,…
Hình dung thì vẫn là… hình dung thôi. Giả thuyết của tôi nêu ra có thể giống như…một truyền thuyết lý thú mà thôi (!) bởi không có “chiếc máy thời gian” nào kỳ diệu đưa ta trở lại được ngày xưa để biết đích xác người Chiêm Thành xây tháp bằng cách nào. Song, trong một chừng mực nào đó, giả thuyết trên là sự gợi mở cho một hướng nghiên cứu.