0235.3867334

Bài viết: Kiến trúc sư Dương Văn Việt – Người luôn hướng về quê nhà

Sinh ra và lớn lên ở Điện Phương, nơi có những tư liệu văn hoá - lịch sử lớn, chính tình yêu quê hương cùng với tình yêu nghệ thuật, kiến trúc sư Dương Văn Việt dù xa quê vào nam lập nghiệp đã gần 30 năm, góp công vào nhiều công trình văn hoá ở khắp nơi nhưng anh vẫn đau đáu nỗi niềm phải làm điều gì đó cho quê nhà.

        Những lần theo mẹ đi bán mỳ Phú Chiêm ở Hội An, cậu bé Dương Văn Việt say sưa ngắm nhìn những mảng tường đầy rêu. Những lần đi dọc ven sông Hoài, anh luôn tự hỏi “Sao mấy trăm năm trước, người ta có thẻ làm nên những công trình kiến trúc như vậy?”. Thích thú với lối kiến trúc truyền thống, nên tới những nơi đình, chùa, miếu, tự... anh đều mải mê ngắm nhìn. Sau này đi học, Việt cũng dành đam mê cho những môn liên quan tới hình học, vật lý, hội hoạ... Năm 1996, Dương Văn Việt thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra định hướng nghệ thuật cho anh đến bây giờ.

       Dương Văn Việt kể, lúc anh cầm giấy báo trên tay cũng chính là lúc cha anh phải cầm sổ đỏ lấy tiền cho anh ăn học. Đặt chân đến TPHCM, anh làm không từ việc gì, từ dạy kèm, vẽ thuê cho đến chạy bàn trong nhà hàng tiệc cưới. Hơn 5 năm ở giảng đường, anh chưa từng có bữa ăn sáng. Thậm chí có lúc anh phải bán cả cây angten cầm 10 ngàn đồng đi mua thức ăn bởi gạo đã có ba mẹ ở quê gửi vào. Khó khăn nhiều nhưng học đúng ngành đam mê nên ngoài giờ lên lớp, anh còn chủ động tìm tài liệu, đi thực tế nhiều nơi có kiến trúc độc đáo, riêng biệt.

         Trong quãng thời gian này, anh được biết đến nhiều dạng không gian mà trước đây anh biết khá mơ hồ. Không những tiếp thu kiến thức về kiến trúc truyền thống của Việt Nam và thế giới, anh còn được tiếp cận với kiến trúc đương đại - phong cách sử dụng hình khối, tối giản họa tiết, hoa văn; kiến trúc hữu cơ - sử dụng vật liệu tự nhiên để tạo nên không gian sống gần gũi. Từ đó, anh bắt đầu tham gia thử sức, kiến tập ở nhiều công trình lớn để cọ xát thực tế.

         Trong vai trò là Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng Sông Hoài, anh đã góp phần không nhỏ vào dựng xây các công trình văn hóa tâm linh lớn ở Miền Nam như chùa Kỳ Viên (quận 3, TP.Hồ Chí Minh) mang phong cách Myanmar; chùa Linh Sơn (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) mang phong cách Nhật Bản... Anh chia sẻ, khó khăn nhất trong thiết kế kiến trúc truyền thống là khâu sử dụng các họa tiết và hình khối sao cho thật tinh tế, tránh sự lặp lại, khó phân biệt nét riêng.

         Nhận thấy miền nam là miền đất hứa nên anh chọn nơi đây để lập nghiệp nhưng anh luôn hướng về quê nhà. Mong ước lớn nhất của anh là tham gia thực hiện đồ án kiến trúc thiết kế dự án Khu di tích Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ. Khi biết thông tin tỉnh Quảng Nam có kế hoạch xây dựng công trình "Khu di tích Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ" và thị xã Điện Bàn tổ chức cuộc thi thiết kế về dự án, anh Việt phấn khởi không hẳn trên vai trò là một đơn vị tư vấn thiết kế, mà còn tự hào vì những giá trị văn hoá của quê hương sắp được lan tỏa, lưu chứng bằng những công trình cụ thể. Thời điểm này, tư liệu về di tích Dinh trấn Thanh Chiêm còn rời rạc, mơ hồ, nên khi tìm hiểu để tham gia thiết kế công trình này, anh Việt tìm đến nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện bằng tâm huyết của một người con quê hương. Trước khi hình thành ý tưởng, Dương Văn Việt cùng nhóm nghiên cứu của mình ngoài tra cứu tài liệu cũng đã tìm gặp những người lớn tuổi ở Điện Phương, xin thêm tư liệu và góc nhìn về Dinh trấn Thanh Chiêm trước đây để hạn chế tối thiểu phần sai lệch trong thiết kế, ngày đêm nghiên cứu các cứ liệu lịch sử, giai đoạn Chúa Nguyễn mở cõi vào phương Nam, chọn nơi để tạo lập Dinh trấn đóng quân, bảo vệ chủ quyền xứ Đàng trong với mong ước báo đáp tiền nhân, thực hiện sứ mệnh của ông cha ngày trước và để lại cho mai sau.

         Trong quá trình tìm hiểu nét đặc trưng của kiến trúc Dinh trấn Thanh Chiêm, kiến trúc sư Dương Văn Việt đã đến những nơi có bề dày văn hoá ở làng đúc đồng Phước Kiều, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Đông Khương, đình làng Thanh Chiêm nhưng không tìm thấy cứ liệu nào đặc biệt. Những tưởng đã nản lòng nhưng rồi anh để ý trong làng của anh có một loại gạch ở giếng làng, miếu mà người dân địa phương hay gọi là viên gạch Thành Tĩnh. Một KTS chuyên về kiến trúc truyền thống như anh dễ dàng chắt lọc và kết hợp câu chuyện lịch sử và văn hoá địa phương để cho ra một tác phẩm mới mà vẫn đảm bảo các yếu tố riêng có. Đối với quê cha đất tổ, anh cũng đã góp phần thiết kế và xây dựng mới ngôi nhà thờ tộc họ như là sự báo đáp hiếu nghĩa với tổ tiên, giáo dục thế hệ mai sau. Bằng kiến thức của mình và sự nghiêp túc, tỉ mẩn, phải hơn 1 năm công trình mới hoàn thành trong sự ngưỡng mộ của biết bao người con trong tộc họ.

         Với những đóng góp tích cực của mình, anh được tín nhiệm và đang giữ vai trò là Chủ tịch hội đồng hương phường Điện Phương phía Nam, gắn kết và xây dựng cộng đồng đồng hương giúp nhau làm giàu, chia sẻ những khó khăn nơi đất khách. Còn nhớ trong đợt dịch Covid19, anh không ngại có thể lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, dùng ô tô của mình chở gạo, củ quả đến từng ngõ hẽm để hỗ trợ bà con. Hình ảnh anh mang theo bình nước sôi chế mỳ tôm dọc đường ăn lót dạ và tiếp tục rong ruổi hành trình giúp người của mình đã làm lay động biết bao trái tim người con quê hương đang gồng mình chống dịch. Anh còn thường xuyên kết nối với quê nhà để tài trợ học sinh nghèo vượt khó, trao tặng các thiết bị hỗ trợ học tập và hệ thống máy lọc nước cho các trường học và hỗ trợ tích cực cho các sinh viên xa nhà đang học tập tại thành phố.

         Người con quê hương Điện Phương – KTS Dương Văn Việt là niềm tự hào của người dân địa phương bởi anh đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về nghị lực, bản lĩnh khi đối đầu với nhiều khó khăn trên con đường học tập và lập nghiệp.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019081533
Hôm nay
Hôm qua
6471
7331