0235.3867334

       Tôi thấy mình khá may mắn khi trong đời có duyên được gặp gỡ, quen biết với các anh chị đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn ngày xưa. Thật ngưỡng mộ và tự hào về thầy cô và các anh chị khi những tháng ngày cơm không đủ no, áo chẳng đủ ấm vẫn mang chuông đi đánh xứ người và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp.

       Anh Lê Văn Hiểu – thành viên đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn những năm 1980 kể lại, sau năm 1975, người dân Điện Bàn đi tản cư trong chiến tranh lại gồng gánh nhau về quê trong bối cảnh hoang tàn, đổ nát. Người lớn gầy dựng lại cuộc sống mới trong vô vàn gian khổ và không ít những thắc thỏm, âu lo vì bom mìn vẫn còn trong lòng đất nhưng cho trẻ nhỏ đi học mới là việc hàng đầu.

       Khi cuộc sống của người dân đã tạm ổn, ngành giáo dục Điện Bàn lúc bấy giờ lo tìm kiếm, bồi dưỡng học sinh giỏi. Đội tuyển học sinh giỏi những năm thập niên 80 tập trung về học tại Phòng Giáo dục, xã Điện Phương và chùa Từ Quang (xã Điện Thắng). Thầy cô gửi học trò của mình ở nhà dân để tiện cho việc học.

       Năm 1979, anh Lê Văn Hiểu được bồi dưỡng môn Toán để thi học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh và mục tiêu là tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc lần đầu tiên tổ chức. Vượt qua hai vòng thi huyện Điện Bàn, vòng đầu anh Phạm Trọng Đăng Sơn đứng nhất, kế đến là anh Hiểu nhì, vòng thứ hai anh Hiểu vượt lên nhất và anh Sơn nhì. Trong lớp các anh còn có các anh chị Lê Trung Hùng, Trần Thị Thuý, Nguyễn Hoà, Nguyễn Hữu Tới ngày ngày ôn luyện tại chùa Từ Quang.

       Trước khi tập trung học tại chùa, các anh chị cũng đã được học nhiều thầy cô giỏi ở trường cấp một về toán làm chung, toán giả sử, xếp bàn ghế, đồng tử, chia hết… nhưng đến khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Cúc, các anh chị mới thực sự thoả niềm đam mê với môn toán. Những bài toán và cách dạy của cô nhẹ nhàng nhưng tiếp cận đề nhanh và mau phát hiện mấu chốt của dạng toán là điểm sắc sảo của cô. Cô ở lại cùng học trò trong phòng học cũ kỹ, cửa còn không có, thời ấy còn chưa có điện. Học suốt ngày, ba bữa chia cơm ăn trên bàn học, tối kéo bàn lại ngủ trên những chiếc bàn ọp ẹp đó. Vừa bước qua tuổi đôi mươi, cô đã chăm sóc học trò từng tí như một người mẹ hiền.  Khi anh Lê Văn Hiểu gãy tay, cánh tay còn co ro ốm yếu, cô đã thức cả đêm canh chừng học trò ngủ khỏi té. Mấy mươi năm sau này, trong tâm tưởng học trò Hiểu vẫn vẹn nguyên những tình cảm thương nhớ dành cho cô giáo của mình.

       Sau đó, hai anh Hiểu và Trung Hùng của Điện Bàn lọt vào đội tuyển tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau kỳ thi tỉnh năm đó và cô Cúc cũng được Ty Giáo dục giao làm chủ nhiệm lớp. Những đứa trẻ đói ăn, đói sách, đói chữ đã cảm nhận được những tình yêu nguyên sơ cuộc sống, cảm nhận sự ấm áp khi được sống bên cô giáo của mình. Nhiều năm sau, sự dịu dàng của cô giáo khiến những đứa học trò ngây ngô có thêm tình yêu với môn toán và luôn tìm cách giải những bài toán lẽ phải của đời mình.

       Là người thành đạt nhưng anh Hiểu có lối sống giản dị, luôn trân quý những tình cảm gia đình, thầy trò và bằng hữu. Anh là người có ý tưởng hằng năm tổ chức các cuộc gặp mặt thầy cô và đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn ngày ấy như một sự tri ân đối với thầy cô và là dịp để các thế hệ học trò ngày ấy gặp gỡ, quan tâm đến nhau hơn.

       Anh Phạm Ngọc Sinh – cựu học sinh giỏi quốc gia, nay là Phó Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ Quảng Nam nhớ lại. Chùa Từ Quang là nơi được chọn rèn luyện nhiều khóa học sinh giỏi của Điện Bàn. Một buổi, các anh chị học phổ thông tại trường Nguyễn Văn Trỗi còn một buổi đến chùa ôn luyện. Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh Sinh và anh Nguyễn Cảnh, học sinh chuyên Toán 9, hiện đang làm việc tại Sở NN và PTNT Quảng Nam cứ nhắc mãi, bây giờ đi khắp nơi, thưởng thức biết bao món ngon vật lạ nhưng không gì ngon bằng nắm cơm dẻo của những nhà dân ngày đó. Các gia đình cho ở trọ đã dành những góc đẹp nhất, sạch nhất của gia đình để học sinh ở và học hành. Đêm đến, các cô chú lọ mọ nấu đậu phụng, khoai, sắn rồi sai con bưng lên mời các anh. 

       Các khóa học sinh giỏi được nuôi dưỡng, ươm mầm bằng những kiến thức và tâm huyết của thầy cô, bằng tình yêu thương, đùm bọc và cả mong mỏi của người dân quê vùng đất hiếu học và bằng cả niềm tin, khát vọng. Có những cô cậu học trò ngày xưa hỏi nhau vì sao chùa Từ Quang - nơi cửa Phật lại được chọn để tập trung ôn luyện thi học sinh giỏi. Và câu trả lời của thầy giáo Nguyễn Minh Hùng có lẽ được nhiều học trò nhớ mãi, rằng học nơi nào mà các em cảm thấy yên tĩnh nhất và được bồi đắp bởi niềm tin mạnh mẽ nhất, các em sẽ thành công. Kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực khi kết quả thi học sinh giỏi khóa 1982 – 1983, huyện Điện Bàn dẫn đầu cả tỉnh về số lượng, các môn Toán, Văn cả lớp 5 và lớp 9 đều đoạt giải cao cả thành tích cá nhân và đồng đội, xuất sắc nhất tỉnh giai đoạn 1981 – 1990. Sau đó, nhiều bạn tiếp tục đoạt giải quốc gia.

       Bây giờ, nhiều học sinh giỏi Điện Bàn học hành và thành đạt trên nhiều lĩnh vực, nhiều người trở thành nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, bác sĩ, nhà báo, doanh nhân nhưng hình ảnh các thầy, cô bồi dưỡng học sinh giỏi Điện Bàn ngày ấy vẫn còn in đậm trong trí nhớ: thầy Nguyễn Minh Hùng, thầy Nguyễn Hữu Kiềm, thầy Nguyễn Hàn Chung, thầy Lê Tự Khoái, cô Võ Thị Bích Hồng, cô Trần Thị Phương Hiền, cô Phạm Thị Nam Trân và còn nhiều thầy cô nữa. Ký ức đẹp đẽ về những năm tháng đời sống còn nhiều thiếu thốn, cực khổ nhưng thành tích học tập của bao thế hệ học sinh Điện Bàn thì rất đáng nể sẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức bao người.

Huyền Chi

     “Tấc đất, tấc vàng”, thế nhưng tại phường Điện Thắng Trung có rất nhiều gia đình tự nguyện viết đơn hiến hàng nghìn m2 đất, dịch chuyển tường rào để cùng với địa phương làm mới đường giao thông, hay nắn những con đường cong thành đường thẳng. Việc vận động Nhân dân đồng thuận hiến đất để mở rộng và nâng cấp công trình giao thông trên địa bàn là Mô hình “Dân vận khéo” tại khối phố Thanh Quýt 1 phường Điện Thắng Trung. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

     Nhiều năm qua, con đường nối từ nhà ông Lê Tự Kỳ đến Nguyễn Hữu Trình là con đường hẹp với nhiều khúc cua nhỏ và khuất. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư khối phố Thanh Quýt 1 đã đến từng nhà vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường giao thông. Sau thời gian vận động, đã có 55 hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 2.750 m2 đất. Theo đó, mặt đường được mở rộng từ 5m trở lên, đáp ứng nhu cầu đi lại cho bà con. Không chỉ vậy, người dân trong khối phố còn đồng lòng chung sức giúp các hộ hiến đất phá vỡ tường bao, chuẩn bị tốt cho công tác mở rộng đường.

      Là một trong những hộ tiên phong hưởng ứng phong trào mở rộng đường giao thông, khi phường có chủ trương bê tông hóa các tuyến đường, gia đình ông Nguyễn Hữu Anh, khối phố Thanh Quýt 1 đã tự nguyện hiến hơn 120 m2 đất ở với tổng trị giá trên 120 triệu đồng; Đồng thời, tự tháo dỡ tài sản và bỏ ra hàng chục triệu đồng xây dựng lại tường rào mà không đòi hỏi bất kỳ một quyền lợi nào.

      Toàn khối phố Thanh Quýt 1 có 390 hộ dân. Đến nay, Nhân dân khối phố đã tự nguyện hiến gần 4000 m2 đất vườn, đất ở và đất nông nghiệp. Hộ hiến nhiều nhất lên đến 500 m2, còn trung bình đều hơn 100 m2 và đóng góp từ 40 – 80 triệu đồng để làm đường. Nhờ đó, hiện tại khối phố đã bê tông hóa được 2,5 km đường nội thôn, với mặt đường rộng từ 5,5 – 7,5m. Các tuyến đường đều khang trang, sạch đẹp nên người dân rất phấn khởi.

      Bước đầu phong trào hiến đất mở rộng đường đã mang lại hiệu quả thiết thực, bởi khi tuyến đường mới hoàn thành không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

       Những con đường được mở rộng, khang trang được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương của người dân. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn phường Điện Thắng Trung. Đến nay, trên địa bàn phường đã có hơn 12.800 m2 đất được nhân dân hiến tặng được quy ra kinh phí gần 13 tỷ đồng.  Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt với tài “Dân vận khéo” của các cấp, các ngành nên phong trào hiến đất làm đường đã và đang phát triển rầm rộ, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó góp phần thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng khang trang, sạch đẹp.

      Có thể thấy, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân và việc hiến đất trở thành một phong trào tiêu biểu, sôi nổi; từ đó cùng chung tay góp sức xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn phường Điện Thắng Trung, với phương châm "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra và Dân hưởng thụ", góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Yến Nhi

      Chung tay hướng về đồng bào vùng lũ lụt phía Bắc, đông đảo người dân tại thị xã Điện Bàn đã quyên góp nhu yếu phẩm, áo phao, thuốc men và thành lập đoàn xe thiện nguyện đi hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên đang bị ảnh hưởng nặng nề sau bão Yagi.

      Những ngày qua, Hội chữ thập đỏ và Phòng GD&ĐT thị xã đã tích cực kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng phát huy truyền thống "tương thân, tương ái" "lá lành đùm lá rách", với tinh thần "nhường cơm sẻ áo" cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

     Cơn bão số 3 đi qua để lại hậu quả hết sức nặng nề cho nhiều tỉnh thành miền Bắc. Tại nhiều địa phương ở Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn... đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, sơ bộ thiệt hại tính đến 13h ngày 12/9, trên địa bàn Thái Nguyên đã có 4 người chết, thiệt hại về tài sản ước khoảng hơn 608 tỷ đồng.

       Với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", người dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về đồng bào tỉnh Thái Nguyên. Từ chiều ngày 11/9, Hội chữ thập đỏ và Phòng GD&ĐT thị xã đã tiếp nhận quyên góp nhu yếu phẩm để vận chuyển kịp thời ra tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ cho người dân khó khăn do bị ảnh hưởng mưa lũ sau cơn bão số 3. Trong đó, Hội chữ thập đỏ thị xã tiếp nhận hàng hoá từ nhân dân trong và ngoài thị xã đóng góp; Phòng GD&ĐT thị xã tiếp nhận hàng hoá do các cơ sở giáo dục, trường học đóng góp.

      Chỉ sau 3 ngày phát động của Hội chữ thập đỏ và phòng GD&ĐT thị xã đã quyên góp được hơn 20 tấn hàng hoá nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng bão số 3. Hàng hóa phần lớn là nhu yếu phẩm như mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai, sữa, đèn pin, áo quần… trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.

      Trong buổi sáng ngày 13/9, tất cả hàng hóa trên đã được chất lên xe container vận chuyển hỗ trợ người dân tỉnh Thái. Toàn bộ chi phí vận chuyển cũng được nhà hảo tâm tài trợ miễn phí. Được biết, Đại diện Hội chữ thập đỏ và phòng GD&ĐT thị xã sẽ trực tiếp đến tỉnh Thái Nguyên để bàn giao hàng hoá cho đơn vị chức năng có trách nhiệm chuyển hàng vào vùng bị cô lập.

Yến Nhi

       Chiều ngày 9/9, tại phòng hội trường, Đoàn trường THPT Hoàng Diệu tổ chức tập huấn phần mềm quản lý đoàn viên và thi trực tuyến kiểm tra đánh giá kết quả học tập chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.
 
Có 108 Đoàn viên là các cán bộ đoàn chủ chốt gồm bí thư, lớp trưởng, lớp phó học tập của 36 chi đoàn tham gia tập huấn
 
       Tại buổi tập huấn, 108 Đoàn viên là các cán bộ đoàn chủ chốt gồm bí thư, lớp trưởng, lớp phó học tập của 36 chi đoàn được báo cáo viên tập huấn phần mềm Quản lý đoàn viên; hướng dẫn cài và kích hoạt App Thanh niên Việt Nam; hướng dẫn thao tác cập nhật thông tin đoàn viên; thao tác đăng ký chương trình rèn luyện đoàn viên; thao tác đánh giá xếp loại đoàn viên; thao tác chuyển sinh hoạt cho đoàn viên đồng thời phát động tuần cao điểm thi kiểm tra đánh giá trực tuyến kết quả học tập chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ Đoàn, Đoàn viên, Thanh niên năm 2024. Tại đây, các đoàn viên tham gia làm bài kiểm tra trực tuyến với 20 câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng trong thời gian 15 phút. Các đoàn viên trả lời đúng 12/20 câu trở lên được cấp chứng chỉ. 
       Qua tập huấn nhằm trang bị cho cán bộ đoàn nắm vững kỹ năng về sử dụng phần mềm từ đó triển khai lại cho tất cả các đoàn viên trong chi đoàn.
Mi Ni

       Sáng ngày 8.9, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã phối hợp với Thị đoàn Điện Bàn tổ chức Ngày hội tư vấn giới thiệu học nghề, việc làm và xuất khẩu lao động năm 2024. Dự chương trình có ông Trần Ngọc Hưng - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội thị xã; anh Đinh Quang Vĩnh - Bí thư thị đoàn Điện Bàn.

Các bạn đoàn viên, thanh niên, người lao động được thông tin về thị trường việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động...

       Thời gian qua, từ những chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh; thị xã Điện Bàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể và địa phương phối hợp với các trường dạy nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài thị xã đẩy mạnh công tác tổ chức, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như: trên phương tiện thông tin đại chúng từ thị xã đến cơ sở; thường xuyên cập nhật các thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; định kỳ điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn về học nghề và việc làm…Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công ty xuất khẩu lao động đã chủ động phối hợp trực tiếp đến các trường THPT, THCS, các xã, phường trực tiếp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, người lao động.

       Tại Ngày hội tư vấn giới thiệu học nghề, việc làm và xuất khẩu lao động thị xã Điện Bàn năm 2024, hơn 250 bạn đoàn viên, thanh niên, người lao động được các đơn vị, doanh nghiệp trao đổi thông tin về thị trường việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động; quảng bá, giới thiệu về đơn vị, ngành nghề, hình thức đào tạo, tư vấn tuyển sinh.

                                                                                                        Thu Hằng 

       Tối ngày 7/9, CLB Thanh niên vận động hiến máu Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chương trình “Hành trình cuộc sống - Chia sẻ yêu thương” năm 2024 nhân dịp Tết Trung thu tại phường Điện Thắng Nam. 
 
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình "“Hành trình cuộc sống - Chia sẻ yêu thương” 
 
       Tại chương trình, CLB tổ chức các hoạt động rước đèn phá cỗ, giao lưu văn nghệ, múa lân. Ngoài các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi, để động viên các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, CLB đã trao tặng 10 suất học bổng, mỗi suất 500 ngàn đồng, đồng thời trao tặng 80 suất quà bánh trung thu cho các em thiếu nhi trên địa bàn phường. Tổng giá trị thực hiện chương trình trên 15 triệu đồng được trích từ nguồn quỹ của CLB, ngoài ra, CLB còn nhận được sự đồng hành hỗ trợ của Đội Lân Kỳ Lân Đường - Gia Đình Phật Tử Kỳ Viên tại Thành phố Đà Nẵng. 
       Chương trình nhằm mang đến cho các em thiếu nhi một sân chơi lành mạnh, vui tươi với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp các em có một tết trung thu đầm ấm.
Mi Ni
 

       Thời gian qua, tại chợ Thanh Quýt, phường Điện Thắng Trung thường xuyên xảy ra tình trạng người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân giải tỏa, xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

        Trong thời gian họp chợ từ 6 giờ đến 11h30 và 15h đến 17h30 hằng ngày, các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm đến quần áo, phụ kiện..., được người dân bày bán la liệt ngay trên lòng lề đường, vỉa hè, thậm chí các phương tiện xe gắn máy vẫn ngang nhiên dừng đỗ ngay giữa lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (ATGT).

       Để đảm bảo trật tự ATGT đô thị, UBND phường Điện Thắng Trung đã tổ chức 2 đợt ra quân lập lại trật tự khu vực chợ Thanh Quýt từ ngày 22 đến ngày 28/8, tổ kiểm tra quy tắc trật tự đô thị phường đã thu giữ nhiều hàng hóa do buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và liên tục nhắc nhở, phát loa yêu cầu dọn dẹp hàng hóa, dẹp gọn xe khi mua hàng, nhưng nhiều người vẫn đậu xe dưới lòng đường.

        Qua 2 đợt tuần tra, tổ quy tắt trật tự đô thị phường đã xử lý 47 trường hợp vi phạm, trong đó thu giữ: 5 chiếc xe gắn máy, 6 bảng hiệu, 20 thùng xốp chứa hàng; 3 ô dù; 3 sạp bán hàng hoá,... Ngoài ra, tổ quy tắt trật tự đô thị cũng đã yêu cầu người kinh doanh buôn bán tại chợ tháo dỡ nhiều vật dụng, biển hiệu, biển quảng cáo đặt, để không đúng quy định.

       Qua công tác tuyên truyền, vận động trong các đợt ra quân lập lại trật tự khu vực chợ Thanh Quýt, ý thức chấp hành của các hộ dân vi phạm đã được nâng cao. Đa số các hộ kinh doanh, buôn bán chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng chức năng trong việc tự giác tháo dỡ, trả lại vỉa hè, đất công cho chính quyền địa phương. Bên cạnh việc ra quân xử phạt, lực lượng chức năng sẽ vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về hành lang đường bộ, không sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán; đồng thời, tổ chức ký cam kết không tái phạm. Để chấm dứt tình trạng họp chợ lộn xộn như hiện nay, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, điều cần nhất là các tiểu thương cần nâng cao ý thức, cùng với đó là trách nhiệm, văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong việc mua sắm khi đi chợ, tự giác chấp hành quy định về hành lang an toàn giao thông.

       Có thể thấy, công tác đảm bảo trật tự đô thị là vấn đề cần thường xuyên được quan tâm. Với sự chung tay của các cơ quan chức năng cũng như nâng cao ý thức chấp hành của mỗi người dân, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường sẽ dần được kiểm soát triệt để, góp phần lập lại trật tự đô thị, tạo cho đường thông, hè thoáng và hạn chế tai nạn giao thông.

Yến Nhi

       Hiện nay, trên địa bàn phường Vĩnh Điện có 3 tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo và Tin Lành, có 5 cơ sở thờ tự với hơn 600 tín đồ và có gần 30 vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Nhìn chung, hoạt động tôn giáo trên địa bàn phường cơ bản ổn định và sinh hoạt thuần túy, các tôn giáo tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Nhiều điển hình tiêu biểu trong công tác nhân đạo từ thiện, khuyến học khuyến tài, các tôn giáo đã tích cực tham gia hỗ trợ kinh phí cho gia đình bị thiên tai, hoả hoạn, giúp đỡ người già yếu không nơi nương tựa, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” xây dựng nhà đại đoàn kết; hoạt động khuyến học khuyến tài tiếp bước cho em đến trường".

      Trong phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, các tôn giáo xây dựng các mô hình "Tổ phụ nữ Công giáo", "Tôn giáo chung tay Bảo vệ môi trường, nói không với tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông", mô hình "Gia đình Phật tử gương mẫu" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Đồng thời các tôn giáo tích cực hưởng ứng thực hiện mô hình “Nhà nhà lắp đặt camerra an ninh”, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” do địa phương phát động...

       Nhằm góp phần cùng với địa phương thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn phường đã vận động kinh phí trong các tín đồ, cải tạo, trùng tu sửa chữa cơ sở thờ tự đảm bảo khang trang, sạch đẹp để sinh hoạt, tu dưỡng, lễ bái. Trong các buổi lễ của tôn giáo, các chức sắc, chức việc đã tuyên truyền các tín đồ thực hiện nếp sống văn minh, tích cực thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tiêu biểu như Chùa Giác Quang đã tích cực hưởng ứng phong trào "hiến đất mở đường" , bàn giao mặt bằng để địa phương đầu tư thi công tuyến đường Phan Thành Tài nối dài…

       Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn phường còn thực hiện tốt việc treo cờ Tổ quốc trước cơ sở thờ tự nhân dịp lễ trọng của tôn giáo, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, đô thị” trên địa bàn phường

       Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy vai trò của UBMT phường Vĩnh Điện trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo trên địa bàn phường; thể hiện sự đoàn kết, chung tay của mọi tầng lớp Nhân dân, sự tham gia tích cực của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực, xây dựng được nhiều mô hình hay, nhiều hoạt động ý nghĩa,.. góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Mi Ni

      Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một nội dung của phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống chính trị, thời gian qua, phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn đã và đang chú trọng xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” tại địa phương. Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh.

      Là địa phương vừa được công nhận trở thành phường nên cơ sở hạ tầng ở Điện Minh phát triển chưa đồng bộ, thu nhập của đại bộ phận nhân dân còn thấp. Trong đó, nhiều tuyến đường ở các khu dân cư ở chưa được nâng cấp, mở rộng để xứng tầm là một phường trung tâm của đô thị Phương - An. Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Phong trào “Điện Minh chung sức xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng. 

      Tuyến đường giao thông trong khu dân cư ở khối phố Đồng Hạnh có chiều dài gần 1 km vừa được người dân bàn giao mặt bằng sạch để địa phương thảm bê tông. Còn nhớ, khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng, không ít những hộ dân tỏ ra lo ngại bởi nếu mặt đường mở rộng, họ phải chịu thiệt thòi khi phần lớn tường rào, cổng ngỏ  xây dựng  kiên cố của họ sẽ bị phá bỏ gây tốn kém về tiền của, chưa kể khi lòng lề đường mở rộng sẽ mất nhiều diện tích đất sản xuất, đất vườn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên qua công tác tuyên truyền, vận động của Khối dân vận phường Điện Minh cùng với chi bộ, ban nhân dân, Ban công tác mặt trận cùng các đoàn thể khối phố đã tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân trong việc hiến đất mở đường.

      Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, từ năm 2020 đến nay, phường Điện Minh đã vận động nhân dân ở các khối phố tự nguyện hiến trên 10.000 m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, cùng hàng nghìn ngày công, tháo dỡ, di dời hơn 800m tường rào, cổng ngõ để mở rộng mặt các tuyến đường, đồng thời xây dựng các thiết chế văn tạo nên diện mạo khang trang, mới mẻ bộ mặt của một phường.

      Đi đôi với việc đầu tư xây dựng đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, những năm qua, phường Điện Minh luôn quan tâm đến việc tìm kiếm, lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tế địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân. Là địa bàn thuần nông, diện tích canh tác chủ yếu cây lúa với trên 300 ha, những năm qua chính quyền của phường đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào dân vận khéo trong phát triển các mô hình kinh tế, tích cực vận động được người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật, thay đổi tư duy sản xuất. Từ đó, đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ và người dân. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại nuôi bò nhốt chồng, nuôi bò 3B, nuôi gà lấy thịt, nuôi cút đẻ trứng ..vv.. mang lại thu nhập cao cho gia đình.

      Riêng từ năm năm 2022, Hội Nông dân phường đã nhạy bén trong việc lựa chọn và tiếp nhận mô hình thí điểm sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ trên diện tích 3,2 ha tại cánh đồng khối phố Tân Mỹ. Nhằm thu hút hội viên, ngay từ đầu HND phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Thông qua mô hình không chỉ giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm gạo làm ra đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng mà giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần so với giống lúa khác hiện có tại địa phương. Đây là mô hình dân vận khéo được Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn tuyên khen thưởng trong năm 2023.

       Nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế ở Điện Minh đó là phong trào trồng rau màu, rau thực phẩm rất có hiệu quả. Dù diện tích đất canh tác không lớn như các địa phương khác trên địa bàn thị xã, nhưng nhờ tích cực vận động nhân dân thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhằm xây dựng một vùng sản xuất chuyên canh, đưa các loại cay trồng có hiệu quả kinh tế cao vào trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng rau má của ông Hà Ngọc Phi ở khối phố Trung Phú 2, với quy mô gần 1ha. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi năm mô hình này cho thu nhập từ 400 – 450 triệu đồng.

      Thông qua những mô hình Dân vận khéo ở Điện Minh còn xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như: Mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn tại Bãi bồi Khúc Lũy – Đồng Hạnh; Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng rau xà lách và rau răm của nông dân tại khối phố Tân Mỹ ..vv.. đã mang lại nguồn thu nhập rất cao, hằng năm cho thu nhập từ 300 -350 triệu đồng/ha/năm, cao rất nhiều lần so với sản xuất lúa.

      Với những kết quả đã đạt được, đến nay, đời sống kinh tế của người dân không ngừng được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,83 %. Điện Minh hôm nay đang thay đổi từng ngày với những gam màu tươi sáng. Những con đường giao thông thoáng rộng được bê tông hóa nối dài tít tắp từ trong làng, xóm chạy ra hun hút khắp các cánh đồng, biền bãi. Nhà cửa được quy hoạch tươm tất cùng bao cơ sở hạ tầng bề thế, khang trang đã và đang được đầu tư xây dựng. 

      Có thể nói, thông qua những mô hình “Dân vận khéo” mà phường Điện Minh thực hiện trong thời gian qua đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sức lan toả sâu rộng trong mọi các tầng lớp nhân dân. Từ đó, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây sẽ là động lực để cả hệ thống chính trị và Nhân dân của phường ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình dân vận khéo, tạo tiền đề vững chắc để Điện Minh vận dụng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phạm Lộc 

       Sáng ngày 5 tháng 9, Trường THCS Đinh Châu, phường Điện Nam Đônglong trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2024- 2025. Dự lễ khai giảng có Ông Huỳnh Quang Trung - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức thị uỷ.

Ông Huỳnh Quang Trung - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức thị uỷ tặng hoa chúc mừng nhà trường. Ảnh T.H

      Năm học qua, công tác phổ cập giáo dục - Trung học cơ sở được giữ vững mức độ 3. Về giáo dục hạnh kiểm: xếp loại Tốt, khá  đạt 100%. Về giáo dục văn hoá, xếp loại Học lực giỏi, khá đạt:  74,3%  cao hơn năm trước 4,8 %. Kết quả học sinh lên lớp đạt 100 %.

       Học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp đạt tỉ lệ 100%, Học sinh khối 9 xét tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 đạt 86,7 %,. Có 4 học sinh thi đỗ vào trường Trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông.

      Nhà trường đã có kế hoạch đầu tư cho phong trào Học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Kết quả năm học qua, về giải cá nhân, cấp thị xã: 36 giải; cấp Tỉnh:  03 giải. Giải tập thể: cấp thị xã đạt 13 giải đồng đội.

Hội LHPN phường tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh T.H

       Tại lễ khai giảng, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó hiệu trưởng nhà trường đọc thư của Chủ tịch nước Tô Lâmgửi các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới. Thầy giáo Trần Nghiệp, Bí thư Chi Bộ, Hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai giảng năm học mới 2024 - 2025 và đánh hồi trống khai trường.

       Dịp này, Hội LHPN phường Điện Nam Đông tặng quà cho 5 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng.

                                                                                                       Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019789398
Hôm nay
Hôm qua
5982
8578