0235.3867334

Với 20 điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách tại các xã, phường, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn đã và đang giúp người dân, các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay ưu đãi thuận lợi, để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Lịch giao dịch được triển khai từ ngày 09 đến ngày 21 hằng tháng, mỗi điểm sẻ có một ngày cố định. Đến những ngày đó, Tổ giao dịch chuẩn bị mọi nội dung công việc, phương tiện cần thiết một cách chính xác, hiệu quả như: máy tính, máy in, máy đếm tiền và các công cụ hỗ trợ khác. Khi đến địa điểm, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) thị xã sẻ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ; phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

 


   Đến với ngày giao dịch tại xã Điện Hòa, chị Đỗ Thị Xí - Tổ trưởng  Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn La Thọ 2 cho biết, Tổ có 60 tổ viên, với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Sự có mặt của điểm giao dịch Ngân hàng tại trung tâm xã đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các hộ vay vốn của tổ do mình quản lý nói riêng và tất cả các hộ vay nói chung về việc đi lại, nhận tiền vay, trả nợ gốc.... mọi người được cán bộ Ngân hàng hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và việc tích lũy tiết kiệm hằng tháng để dự phòng trả lãi, trả nợ gốc khi đến hạn. Chị Xí được ủy nhiệm thu tiền lãi và tiền tiết kiệm của tổ viên, nộp cho ngân hàng vào ngày giao dịch cố định của ngân hàng tại điểm giao dịch xã.

Tổng dư nợ do Hội đảm nhận là hơn 8,5 tỷ đồng, 4 tổ TK&VV với 148 hộ vay. Thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi sử dụng đúng mục đích, các hộ đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăn nuôi, cơ giới hóa, kinh doanh dịch vụ, mạnh dạn đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế góp phần đáng kể vào việc thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã, anh Trần Quang Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hòa chia sẻ.

 


   Theo anh Võ Tấn Lũy - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã, việc thực hiện giao dịch tại xã, phường được chấp hành nghiêm theo đúng quy định của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH. Các phiên giao dịch đều thực hiện đúng nội dung, quy trình giao dịch, tổ chức họp giao ban, công khai kịp thời các chính sách tín dụng, dư nợ tiền vay, số dư tiết kiệm,... chính vậy mà công tác tín dụng của Ngân hàng CSXH thị xã đã có được những kết quả khá quan trọng, chất lượng tín dụng được nâng lên, tăng khả năng thu nợ, giảm nợ quá hạn; chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ TK&VV được nâng cao; tổng dư nợ tính đến ngày 29/02/2024 là 542.470 triệu đồng (tăng so với 31/12/2023 là 11.854 triệu đồng) với 315 Tổ TK&VV.

Hoạt động tại điểm Giao dịch xã, phường đã đưa Ngân hàng CSXH thị xã về gần với người dân, tiết giảm chi phí đi lại cho bà con, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua đã được chính quyền địa phương ghi nhận và Nhân dân đồng tình ủng hộ.

                                                                                                                           Tào Ka

         Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội thị xã không đứng ngoài sự tác động khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. UBND thị xã đã xây dựng nhiều chương trình thu hút đầu tư, hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và 2045, thành lập 05 phường dọc QL1A, nâng tổng số đơn vị hành chính lên 12 phường, góp phần tăng tỷ lệ đô thị hoá thị xã trên 63%, tăng 21% so với năm 2022. Vừa ổn định nguồn lực lao động khu vực nông thôn hạn chế di dân di cư, vừa thu hút dân cư đến sinh sống ổn định tại các dự án đô thị, Điện Bàn đang là điểm sáng trong thu hút dân cư.

         Bức tranh đô thị Điện Bàn càng hình thành rõ nét với nhiều bước phát triển mới: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 31/3/2023; thành lập 5 phường theo Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của UBTVQH nâng số đơn vị hành chính lên 12 phường, tỷ lệ đô thị hoá trên 63%; tiếp tục hoàn chỉnh nội dung Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045.

         Trong năm qua, thị xã đã tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như: Trung tâm Thể dục - Thể thao Bắc Quảng Nam, Công viên Trung tâm, Công viên Mẹ Thứ, đường ven hồ Trung tâm hành chính, trụ sở Thị ủy, các tuyến ĐH…bên cạnh đó, các công trình trụ sở làm việc, trường lớp học được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công tác, học tập tại thị xã. Một số khu đô thị đã hoàn thiện hạ tầng, cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng cho hộ dân cư, tỷ lệ xây mới ở khu vực này tăng lên: KDC Phong Nhị, KDC Nam Dương, KDC Ân Phú – Điện An... Sự ra đời siêu thị đầu tiên khu vực Bắc Quảng Nam tại khu đô thị Phong Nhị, tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, là điểm sáng thu hút dân cư đến làm việc tại thị xã.

        Trong chương trình phát triển Điện Bàn đến năm 2030, với định hướng trở thành đô thị loại 3, Điện Bàn đang thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Đô thị hoá ở Điện Bàn có xu hướng tăng mạnh do những năm gần đây, cơ sở hạ tầng khu vực thành thị phát triển mạnh, nhiều dự án đầu tư bất động sản, khu dân cư, khu đô thị triển khai và hoàn thiện, tạo tiền đề thu hút dân cư các vùng đến sinh hoạt định cư tại đô thị.

         Trong năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các nơi ngày càng gặp nhiều khó khăn, lượng đơn hàng ít, giản giảm thời gian lao động nên ảnh hưởng chung đến thu nhập người lao động. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn bên cạnh nhiều khó khăn thách thức. Song, kết quảxuất tại KCN tập trung Điện Nam – Điện Ngọc vẫn được duy trì và có sự tăng trưởng, tăng 3%, tình hình sử dụng lao động trong KCN vẫn duy trì ổn định. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc: Thu hút 70 doanh nghiệp, tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2022, giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động. Các cụm công nghiệp thu hút được 84, tăng 01 dự án so với năm 2022 đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.985 lao động.

        Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hàng năm được quan tâm thực hiện thường xuyên, trong năm đã giải quyết việc làm cho 6.220 lao động. Bên cạnh chương trình phát triển đô thị, chương trình xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp địa phương. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ở bất cứ đâu người dân cũng có thể mua bán các sản phẩm. Nhờ vậy, đời sống thu nhập người dân nông thôn được nâng cao, góp phần ổn định nguồn lực lao động tại chỗ, hạn chế dân di cư.

         Với chính sách vừa phát triển đô thị thu hút dân cư, vừa nâng cao đời sống dân cư nông thôn thông qua chương trình MTQG xây dựng NTM hạn chế di cư. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào các Khu, cụm công nghiệp góp phần giải quyết việc làm tại chỗ. Các tiện ích về y tế, văn hoá, giáo dục tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Điện Bàn ngày càng thu hút dân cư đến sinh sống, học tập và làm việc.

         Quá trình đô thị hóa làm cho diện mạo đô thị Điện Bàn ngày càng thay đổi, tỷ lệ lấp đầy công trình nhà ở tại các khu dân cư, khu đô thị ngày càng tăng lên cho thấy mức độ di dân, di cư đến sinh sống học tập tại khu vực thành thị ngày càng nhiều. Bức tranh đô thị Điện Bàn đã hiện hữu rõ nét hơn, hướng tới thành phố trong tương lai không xa.

                                                                                                         Thu Hằng

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Nông dân thị xã đã tập trung xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Tham gia mô hình này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã biết liên kết làm ăn và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

 

Bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm quan mô hình Trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại phường Điện Minh

 

 

 

Vụ Đông Xuân này, Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn đã nâng diện tích trồng giống lúa ST 25 lên 9,5ha.  Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2022, khi đó, Hội Nông dân xã Điện Minh đã tiếp nhận mô hình thí điểm từ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam với diện tích sản xuất ban đầu là 3,2ha. Hội Nông dân phường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động hội viên Nông dân tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Qua công tác tuyên truyền, bà con nhân dân và hội viên Nông dân tại khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh đã tích cực tham gia. 

 

Sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ, các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm. Công ty trực tiếp hỗ trợ bà con nông dân các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học nhằm tăng cường phòng trừ sâu bệnh và hiệu quả cuối vụ. Đặc biệt, sản phẩm phân hữu cơ góp phần cải tạo đất, làm tăng độ mùn và kích thích hệ sinh thái phát triển, đồng thời giúp thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân theo hướng kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ông Phạm Tuấn, khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh, thành viên Tổ hội nghê nghiệp trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ chia sẻ: “Tham gia mô hình này,  người nông dân đã thay đổi được tập quán sản xuất, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vừa an toàn cho người sản xuất, đem lại sức khoẻ cho người sử dụng. Đồng thời, đây là giống lúa có phẩm chất gạo tốt, kinh tế mang lại cũng cao hơn những giống cũ”.

Ông Bùi Quốc Yên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, trung tâm bao tiêu sản phẩm cho tổ hội nghề nghiệp trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại phường Điện Minh. Giá thu mua vụ mùa vừa rồi là 11.500đồng/1kg đã qua sấy. Hiện trung tâm cũng đã xây dựng thương hiệu gạo Xứ Quảng sử dụng lúa ST25 sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón Quế Lâm”.

Đến nay, trên địa bàn thị xã đã thành lập được trên 50 Chi, Tổ hội nghề nghiệp với trên 500 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi…Cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân thị xã đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn vay Ngân hàng chính sách, các chương trình dự án khác…

Các chi, tổ hội nghề nghiệp đã có bước phát triển mới về số lượng cũng như chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như mô hình câu lạc bộ mai cảnh phường Điện Nam Trung, chăn nuôi bò Điện Thọ; dịch vụ nấu ăn thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ…

Qua thực tế hoạt động, các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động đã và đang tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển. Ông Nguyễn Chánh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho biết: “Có thể thấy, mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt truyền thống của tổ chức hội, làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết hợp tác nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững góp phần xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Từ hiệu quả bước đầu của các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân thị xã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nhân rộng mô hình qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.

 

                                                              Thu Hằng

 

     Ngày 24.2, tại thị xã Điện Bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.

     Trao đổi thẳng thắn về các khó khăn, vướng mắc gặp phải, đa số các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản cho rằng các khó khăn xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những khó khăn của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại.

     Ông Trần Xuân Đính – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2023-2024 doanh nghiệp gặp khó khăn trong cơ chế tín dụng, khi mà các ngân hàng không hỗ trợ cho vay. Nếu các ngân hàng cứ quyết giữ cơ chế như hiện nay, tỉnh Quảng Nam không có phương án tháo gỡ thì các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ lâm vào tình cảnh bế tắc. Ông Đính cũng đề cập đến vấn đề chậm giải quyết các thủ tục, hồ sơ và việc kiểm toán quy hoạch cũng gây tốn nhiều thời gian trong quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp.

      Ông Lê Tự Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng 501 - Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn cho hay, những khó khăn đã kéo dài từ giai đoạn sau Covid-19 đến nay chưa thể khắc phục, đến nay các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực từ thanh tra, kiểm tra. Riêng doanh nghiệp bất động sản gần 2 năm qua gần như bị ngừng trệ hoạt động. Tháng 5/2023, chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp nhưng cho đến nay, tổ công tác chưa giải quyết được điểm nghẽn nào cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp BĐS đã kiến nghị. Việc gia hạn tiến độ dự án đến nay chưa được cởi mở hơn với doanh nghiệp. Nếu tỉnh không có chủ trương gia hạn tiến độ, các ngân hàng sẽ không cho vay, nhiều doanh nghiệp trước đây đã vay tiền ngân hàng đóng vào ngân sách tỉnh rất nhiều, đến nay ngân hàng không cho vay nữa thì doanh nghiệp không có tiền trả lãi khiến ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nhóm nợ vốn. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vừa phải bỏ lượng tiền lớn ra để giải phóng mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí giải phóng mặt bằng. Đây thực sự là một gánh nặng lớn đối với các chủ đầu tư, đề nghị từ cấp xã lên huyện thành lập Hội đồng đôn đốc giải phóng mặt bằng để theo dõi bám sát.

     Việc áp giá bồi thường cũng gây ra khó khăn vì yêu cầu của người dân ngày càng thay đổi. Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Tâm cho rằng tỉnh Quảng Nam cần cho phép cấp 95% GCN QSDĐ của dự án, bởi hiện giữ lại 20% là quá nhiều, trong khi doanh nghiệp không có vốn để thực hiện. Lãnh đạo tỉnh cần làm việc với ngành thuế để giảm thuế từ 10% xuống 8% đối với bất động sản. Ngoài ra, vì vướng gia hạn tiến độ nên tiền nộp thuế không kịp, Cục thuế đã khoanh tài khoản, xử phạt doanh nghiệp chậm nộp thuế. Giá vật liệu xây dựng quá cao khiến doanh nghiệp lỗ ngay từ khâu đấu thầu. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ về mức giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

    Ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinaconex25 cho rằng, công tác đền bù cần bố trí cán bộ giỏi và cũng cần có những chính sách ưu tiên. Dự án mà doanh nghiệp đang làm đã vay 300 tỷ với lãi suất 12%, nếu dự án càng kéo dài thì doanh nghiệp càng lỗ, chưa kể người lao động không có việc làm cũng gặp nhiều khó khăn.

     Ông Trần Xuân Đính – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2023-2024 doanh nghiệp gặp khó khăn trong cơ chế tín dụng, khi mà các ngân hàng không hỗ trợ cho vay. Nếu các ngân hàng cứ quyết giữ cơ chế như hiện nay thì cộng đồng doanh nghiệp đi vào bế tắc. Vấn đề chậm giải quyết các thủ tục, hồ sơ và việc kiểm toán quy hoạch cũng gây tốn nhiều thời gian trong quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp.

     Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong thời gian qua các hoạt động kinh tế của địa phương trong đó có lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và lãnh đạo địa phương thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Về phía tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ vướng mắc để tạo động lực cho các dự án triển khai đúng tiến độ, đúng quy định. Nhiều khó khăn xuất phát từ hệ thống pháp luật, tỉnh có muốn cũng làm không được hoặc không thể làm nhanh để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục hiến kế để lĩnh vực bất động sản có những tiến triển tích cực, mở ra thời kỳ mới đưa kinh tế chung của địa phương tiếp tục đi lên. Trong khi chờ đời kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương dự kiến vào quý II năm nay, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch khắc phục các kết luận này và đang tiến hành bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kiểm tra và các Bộ, ngành Trung ương… Quan điểm của tỉnh là tháo gỡ được đến đâu sẽ tiến hành đến đó, nhanh chóng, kịp thời, để nhanh nhất có thể đủ cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp triển khai dự án, khắc phục các dự án đã và đang triển khai của giai đoạn hiện nay, ít nhất là cho đến cuối năm nay - trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực.

     Trong điều kiện thẩm quyền, lãnh đạo tỉnh sẽ vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, mức nào phân cấp được sẽ tiến hành giao cho các địa phương…Trên cơ sở nội dung cuộc đối thoại đầu năm này, tỉnh sẽ có phiên họp sớm tháo gỡ và cùng với cộng đồng doanh nghiệp và các Sở ngành liên quan xử lý. Mong các doanh nghiệp bình tĩnh cùng với địa phương tháo gỡ, có những cơ hội và hy vọng mới để vượt qua giai đoạn “giông bão” này, cùng nhau phát triển trong năm mới Giáp Thìn – 2024.

                                                          Huyền Chi

          Ngày 20.2, bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn và lãnh đạo các cơ quan Phòng kinh tế, Phòng TN – MT, Phòng LĐTBXH, Trung tâm VHTT – TTTH, văn phòng HĐND – UBND thị xã vừa đến thăm, chúc mừng năm mới các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị xã.

 

         

           Đến thăm các công ty CP TBS An Giang, TNHH MTV Bi Vi, TNHH Woochang Việt Nam, May Hoà Thọ Điện Bàn, TNHH Ninh Hoà, TNHH công nghệ vật liệu Thịnh Miền Trung và HTXNN Điện Phước 1, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Thị Minh Châu gửi lời chúc mừng năm mới đến lãnh đạo, nhân viên, người lao động, chúc các doanh nghiệp không ngừng phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, bảo đảm việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động; mong muốn sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp sẵn sàng ra quân sản xuất kinh doanh đầu năm, tạo khí thế, động lực cho một năm thành công, thắng lợi. Thị xã sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

          Lãnh đạo các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 và phương hướng, mục tiêu năm 2024, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của thị xã và quyết tâm đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

 

                                                                                Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
018792673
Hôm nay
Hôm qua
5010
8566