0235.3867334

(QNO) - Ngày 2/2, Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn phối hợp với BHXH và Hội Khuyến học thị xã trao thẻ BHYT cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

z5128798152382_b82b9cce0770fc1d765bc21fa5b33f70(1).jpg
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT và BHXH thị xã Điện Bàn trao thẻ BHYT cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Y.NHI

Với tinh thần tương thân tương ái, tất cả vì học sinh thân yêu và mang Tết ấm đến với người nghèo xuân Giáp Thìn 2024, Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn phối hợp với BHXH và Hội Khuyến học thị xã trao thẻ BHYT cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn với tổng giá trị trên 20 triệu đồng.

Nguồn kinh phí được huy động đóng góp từ cán bộ, viên chức, người lao động Phòng GD-ĐT thị xã, BHXH thị xã từ quỹ của Hội Khuyến học thị xã.

                                                                                    Yến Nhi

(QNO) - Nằm trong chuỗi các hoạt động đón xuân Giáp Thìn 2024, chiều ngày 3/2, Đảng uỷ - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) tổ chức chương trình "Xuân gắn kết – Tết yêu thương" trao tặng quà tết cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường.

z5133091493936_fee797eb42f6cfe38c055cba39f89ed4(1).jpg
Ông Thân Ngọc Ánh - người con xa quê trao quà cho các gia đình khó khăn tại phường Điện Nam Đông.

Tại chương trình, 200 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) đã được trao tặng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường. Tổng kinh phí thực hiện chương trình 200 triệu đồng, do gia đình ông Thân Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất sắt thép Ánh Hòa tài trợ.

z5133098524896_04e21a0c7390d2c3ead3aeb522e54528(1).jpg
Các hộ gia đình khó khăn tại phường Điện Nam Đông vui mừng khi nhận được phần quà từ ông Thân Ngọc Ánh - người con Điện Bàn xa quê.

Được biết, đây là hoạt động thường niên của gia đình ông Thân Ngọc Ánh nhằm giúp đỡ hộ nghèo ở phường Điện Nam Đông bớt khó khăn nhân dịp tết đến, xuân về.

                                                  Yến Nhi

Giáp tết năm nào, văn nghệ sĩ Quảng Nam cũng đến viếng hương mộ phần các nhà văn, nghệ sĩ nằm lại trên đất Quảng.

hinh-3.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh viếng hương mộ liệt sĩ - nhà thơ Ngọc Anh. Ảnh: Q.H

Chúng tôi tìm tới Nghĩa trang thị xã Điện Bàn - nơi có tới 3 văn nghệ sĩ nằm lại, là nhà văn Nguyễn Hồng, nghệ sĩ múa Phương Thảo và nhà thơ “Bóng cây Kơ-nia” - Ngọc Anh. Những khóm hoa đặt trên mộ vừa được thay mới.

Lúc chúng tôi đến, thật trùng hợp lại gặp người thân nhà văn Nguyễn Hồng từ Hà Tĩnh vào hương khói cho ông. Em trai nhà văn Nguyễn Hồng nói, vì anh đã chọn nằm lại đất Quảng với đồng đội mình, nên mộ phần ông, gia đình vẫn để lại Quảng Nam.

Hành trình thăm viếng mộ phần các anh những ngày cuối năm, gần như ai cũng mang những cảm xúc đặc biệt. Ở khu tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, chúng tôi gặp con trai ông Văn Công Mịch - người hiện thay cha mình thờ cúng nhà văn Chu Cẩm Phong. Trong nhà, bàn thờ nhà văn Chu Cẩm Phong với di ảnh thời thanh xuân của ông, hương khói trầm ấm.

Câu chuyện về những văn nghệ sĩ nằm lại chiến trường Quảng Nam đều có những điều đặc biệt. Nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo có 2 ngôi mộ.

Năm nào Hội VHNT tỉnh sau khi viếng hương chị ở Nghĩa trang Điện Bàn cũng đến thắp hương nơi chị được nhân dân chôn cất ban đầu, chính là khu vườn ông Văn Công Ba (La Tháp, Duy Xuyên).

Người dân La Tháp đã luôn hương khói và gìn giữ mộ phần của chị hơn 40 năm qua, mặc dù gia đình đã đưa chị vào nghĩa trang. Nhưng bà con La Tháp nói, họ vẫn để ngôi mộ gió tưởng niệm chị.

Ở nơi chị Dương Thị Xuân Quý nằm lại, những khóm hoa đang khoe đủ sắc màu. Nhà văn Bùi Minh Quốc - chồng chị, đã tôn tạo lại mộ và khắc dòng chữ “nơi đây yên nghỉ một con người trọn đời vì nhân dân quên mình chiến đấu cho TỔ QUỐC và TỰ DO - Nhà văn Dương Thị Xuân Quý 1941 -1969”. Mộ chị nằm trong khuôn viên gia đình ông bà Võ Bắc được trồng rất nhiều hoa. Cạnh đó, cây mai vàng đang trĩu hoa...

Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT nói, đi đến bất cứ nghĩa trang liệt sĩ nào, hay các phần mộ nằm trong khu vườn của người dân, đâu cũng thấy khang trang, sạch đẹp.

Và đặc biệt, những văn nghệ sĩ nằm lại với đất lành Quảng Nam, họ đều ở độ tuổi trẻ. Phải chăng thế mà trong những mộ phần, luôn có màu xanh của cây cỏ, như tượng trưng cho màu của tuổi trẻ.

Hình ảnh nhiều nhất trong hành trình ngày giáp tết chúng tôi gặp, là hoạt động vệ sinh không gian nghĩa trang từ màu áo xanh. Bất giác, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp...

(QNO) - Đồn Biên phòng Cửa Đại (đóng tại TP.Hội An) vừa phối hợp tổ chức chương trình “Tết yêu thương - Thắm tình quân dân” Xuân Giáp Thìn 2024.

dsc08886-1-.jpg
Đồn Biên phòng Cửa Đại phối hợp trao quà tết cho gia đình khó khăn. Ảnh: PHAN SƠN

Chương trình trao 150 suất quà tết gồm tiền mặt, bánh tét, quà bánh tặng gia đình khó khăn trên địa bàn các xã, phường Điện Ngọc, Điện Dương (thị xã Điện Bàn), Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và Cẩm An, Cửa Đại (TP.Hội An) với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

z5135168078937_331d270ee78b2d7a0832e18c2f7ebe70.jpg
Gói và nấu bánh tét tại Đồn Biên phòng Cửa Đại trao tặng gia đình khó khăn. Ảnh: PHAN SƠN

Thiếu tá Văn Thanh Lộc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết, chương trình “Tết yêu thương - Thắm tình quân dân” được đơn vị phối hợp phường Cửa Đại tổ chức 3 năm nay. Chương trình cũng thu hút sự tham gia hưởng ứng, đồng hành của nhiều cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp.

* Cũng tại Đồn Biên phòng Cửa Đại, đơn vị vừa phối hợp Tập đoàn Karma tổ chức chương trình “Mùa xuân cho em” Tết Giáp Thìn 2024.

z5133732088718_fb4ff6dd7127240048c2d2abfadde64a.jpg
Chương trình “Mùa xuân cho em” với nhiều hoạt động thú vị. Ảnh: PHAN SƠN

Tham gia chương trình có 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), phường Điện Dương, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) và phường Cẩm An, Cửa Đại (TP.Hội An). Các em được gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và tham gia trò chơi nhỏ.

Dịp này, Tập đoàn Karma tặng 60 suất quà (mỗi suất 400 nghìn đồng) cho trẻ em tham gia chương trình.

Bên cạnh nguồn kinh phí trực tiếp của chương trình nông thôn mới, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương linh hoạt lồng ghép một số kênh vốn khác để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây mới, nâng cấp hệ thống chợ, điện nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: PV
Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: PV

Xây dựng hạ tầng thủy lợi

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hằng năm nông dân trên địa bàn canh tác hơn 20.070ha cây trồng các loại. Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương của Điện Bàn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

“Riêng năm 2023, ngoài việc chi 3 tỷ đồng xây dựng công trình đập ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện để chủ động cung ứng nước tưới cho hơn 1.800ha đất lúa thì Điện Bàn còn hỗ trợ các xã, phường gần 3,1 tỷ đồng để bê tông hóa hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng” - ông Chơi nói.

Hơn 1.297 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn

Nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, thời gian qua Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, đảm bảo mỹ quan.

Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong 3 năm 2021 - 2023, bằng nhiều nguồn vốn huy động, toàn tỉnh đã đầu tư thi công 654km đường dây hạ thế, 432km đường dây trung thế, xây dựng 429 trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 1.297 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay cả tỉnh đã có 188/193 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (chiếm tỷ lệ 97,4%), tăng 4 xã so với năm 2020.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho hay, giai đoạn 2021 - 2023 Quảng Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi - phòng chống thiên tai cấp xã, huyện đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba năm qua, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM, cả tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 217 công trình thủy lợi các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 100km kênh mương được bê tông hóa.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 03 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”, trong 3 năm qua ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã lồng ghép đầu tư thêm 91,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi.

Theo đó, đối với hệ thống thủy lợi nhỏ, đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình thủy lợi hóa đất màu, 47 công trình trạm bơm và đập dâng... phục vụ tưới cho hơn 1.028ha đất sản xuất.

Đối với hệ thống thủy lợi nội đồng, tiến hành kiên cố hóa 78 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 64,7km phục vụ nước tưới cho hơn 2.200ha. Ngoài ra, còn xây dựng 2 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

“Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 185/193 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai (chiếm tỷ lệ 95,9%), tăng 16 xã so với năm 2020” - ông Ngô Tấn nói.

Xây mới, nâng cấp chợ nông thôn

Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp (Quế Sơn) cho biết, trước tình trạng chợ Sơn Trung xuống cấp nghiêm trọng, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình NTM, năm 2021 chính quyền địa phương đầu tư 1,1 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục của ngôi chợ này.

“Chợ Sơn Trung được nâng cấp khang trang không chỉ đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương mà còn giúp Quế Hiệp thực hiện hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn để được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2022” - ông Toàn nói.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 160 chợ. Trong đó, có 2 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2 và 145 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23 nghìn hộ, gồm 14 nghìn hộ kinh doanh cố định và 9 nghìn hộ kinh doanh không thường xuyên.

Tuy nhiên, phần lớn chợ nông thôn (chợ hạng 3) trên địa bàn tỉnh được hình thành từ lâu nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp; một số công trình thiết yếu tại chợ chưa đảm bảo như nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, điện, nước, phòng cháy chữa cháy… Nhiều chợ nằm ở vùng nông thôn, miền núi, mãi lực mua bán tại chợ rất thấp; thời gian họp chợ ngắn, có những chợ chỉ họp 2 giờ mỗi ngày.

Ông Ngô Tấn cho biết, trong 3 năm 2021 - 2023 toàn tỉnh có 20 chợ được đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 191/193 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ 99%), tăng 8 xã so với năm 2020.

“Thời gian qua, khó khăn đối với việc thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn ở các địa phương của Quảng Nam là xây dựng các chợ an toàn thực phẩm cấp xã có nhiều chỉ tiêu mới nên cần nguồn lực đầu tư lớn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm một số chợ để nhân rộng” - ông Tấn nói.

 MAI NHI

Sáng qua 25/01, Ban đại diện Ngân hàng chính sáchthị xãtổ chức hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – TUV, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban đại diện, chủ trì Hội nghị.

 

Trong năm 2023, Phòng giao dịch ngân hàng chính sách thị xã đã hoàn thành tốt chương trình nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.Theo đó, tổng nguồn vốn được giao đến 31/12/2023 là: 622 tỷ 260 triệu đồng, tăng 77 tỷ đồng so với 2022; tỷ lệ tăng là 17,2%. Trong đó: nguồn vốn TWlà495 tỷ 206 triệu đồng, chiếm 79,5%; nguồn vốn địa phươnglà29 tỷ 743 triệu đồng chiếm 4,8%; nguồn vốn huy động đạt97 tỷ 311 triệu đồng, chiếm 15,6%tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ thực hiện  đến 31/12/2023 là 530 tỷ 616 triệu đồng tăng so với đầu năm  là: 76 tỷ 663 triệu đồng, tỉ lệ tăng 16,8% đạt 99,8 % so với kế hoạch. Công tác huy động vốn ủy thác địa phương là 7 tỷ 325 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh là 21 tỷ 718 triệu đồngvà  nguồn vốn huy động đạt 97 tỷ 311 triệu đồng, chiếm 15,6%/tổng nguồn vốn. Trong năm, Phòng giao dịch đã kiểm tra 100% hồ sơ, chứng từ phát sinh và kiểm tra đối chiếu được 20 xã, phường, với 62 lượt Hội cấp xã, 66 Tổ  tiết kiệm vay vốn và trên 660 lượt hộ vay.

 

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của Phòng giao dịch, các điểm giao dịch được giữ vững. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 688 hộ thoát nghèo và 239 hộ thoát cận nghèo; 1.158 học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 3.437 công trình nước sạch, vệ sinh được xây dựng

 

Hội nghị thảo luận đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Tại hội nghị, UBND thị xã đã khen thưởng cho 15 tập thể và 10 cá nhâncó thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng năm 2023.

                                                                                                             Mi ni - Tào Ka

Phát triển du lịch trên toàn tuyến sông Cổ Cò vẫn còn là viễn cảnh nhưng khai thác tiềm năng du lịch đoạn qua Hội An của con sông này là điều khả thi.
Nét đẹp lao động trong khai thác thủy sản trên dòng Cổ Cò có thể gắn với hoạt động trải nghiệm của du khách. Ảnh: H.S
Nét đẹp lao động trong khai thác thủy sản trên dòng Cổ Cò có thể gắn với hoạt động trải nghiệm của du khách. Ảnh: H.S

Dư địa mới của du lịch Hội An

Sông Cổ Cò phần chảy qua thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, trong đó đoạn chảy qua TP.Hội An ít bị bồi lấp và thời gian qua cũng đã cơ bản hoàn thành việc khơi thông. Đây có thể xem là đoạn tuyến thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động du lịch đường sông với dòng Cổ Cò trước khi nghĩ đến việc khai thác toàn tuyến từ Đà Nẵng vào Quảng Nam.

Không chỉ là “dòng sông ký ức” chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử - văn hóa đặc sắc, đoạn sông Cổ Cò qua Hội An (thường gọi là Đế Võng) hiện sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng cùng vị trí khá đắc địa để thu hút du khách, khai mở sản phẩm du lịch.

Các khu rừng dừa nước hiện mọc rải rác trên các quãng sông. Hai bên bờ sông có nhiều điểm đến đã định vị được dấu ấn với du khách như làng rau Trà Quế, làng chài Tân Thành… Xung quanh dòng sông có nhiều khu lưu trú cao cấp, từ dòng Cổ Cò cũng dễ dàng kết nối đến khu vực Nam Hội An bởi khoảng cách rất gần.

Ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV tư vấn lễ hội và sự kiện An Bàng cho rằng: “Hệ sinh thái dịch vụ ở khu vực ven sông Cổ Cò còn quá đơn điệu, rất khó thu hút khách. Con đường hoa giấy mà các doanh nghiệp đang chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy du lịch ven sông Cổ Cò.

Dư địa phát triển du lịch 10 năm tới ở khu vực phía đông Hội An chính là dòng sông Cổ Cò. Hy vọng cộng đồng và những người làm du lịch sẽ gặt hái được thành quả trong tương lai với bức tranh du lịch cân đối, đa sắc màu hơn”.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, Đề án phát triển du lịch Hội An thời kỳ mới xác định 6 không gian phát triển du lịch, trong đó có 2 không gian ưu tiên là du lịch đường thủy và kinh tế đêm.

Có thể thấy, việc phát triển du lịch đường sông Cổ Cò sẽ kết hợp cả 2 yếu tố này. Dọc theo sông Cổ Cò trong tương lai sẽ hình thành hệ thống công viên công cộng từ cầu An Bàng xuống đến Cửa Đại để tạo ra không gian du lịch mới và mở cho du lịch Hội An.

Đánh thức dòng sông huyền thoại

Cuối năm 2023, Đà Nẵng đã lập đề án phát triển du lịch đường thủy, trong đó có kết nối chặt chẽ, lấy ý kiến với phía Quảng Nam để đầu tư, nâng cấp, khai thác toàn diện các tuyến chủ lực, nhất là sông Hàn đi sông Cổ Cò trong giai đoạn 2025 - 2030.

Hội An cần tận dụng cơ hội này để khai mở chuỗi sản phẩm, dịch vụ trên sông Đế Võng trước khi “hợp lưu” với hệ sinh thái du lịch toàn tuyến Cổ Cò một khi sông được khai thông toàn bộ.

Ở góc độ kinh doanh, phát triển sản phẩm du lịch, một số doanh nghiệp gắn bó lâu năm với sự phát triển của du lịch địa phương nhìn thấy cơ hội để làm “thức giấc” dòng sông huyền thoại này.

Ông Lê Ngọc Thuận đề xuất, với hệ sinh thái sông Cổ Cò đoạn qua Hội An cần sớm xúc tiến việc xây dựng con đường nghệ thuật, tổ chức lễ hội sự kiện để cộng đồng tham gia xây dựng chuỗi dịch vụ ăn uống - mua sắm, tạo nên không gian mua bán, kéo du khách đến lưu trú, sử dụng dịch vụ.

Theo ông Lê Quốc Việt - Tổng Giám đốc Santa Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), có rất nhiều ý tưởng để thúc đẩy du lịch đường sông Cổ Cò với tính khả thi cao vì dựa trên nền tảng bản địa chứ không tiêu tốn nhiều nguồn lực.

 “Gắn với sông Cổ Cò có thể hình thành tour 3 làng (làng rau Trà Quế - làng lúa An Mỹ - làng chài Tân Thành) kết nối bằng cầu tre hoặc thuyền. Qua đó tạo vùng kinh tế đêm, khai thác mặt nước, tổ chức chợ nổi trên sông, thiết kế vật liệu tre làm điểm nhấn.

Nếu thành hiện thực thì một số hạng mục cần được đầu tư sẽ là khu đón tiếp, cầu tre, đài vọng cảnh bằng tre, điểm bán hàng OCOP… Ước tính sẽ tạo thêm 300 - 500 cơ hội việc làm cho cư dân bản địa gắn với du lịch” - ông Việt nói.

Ông Việt cho biết thêm, đề án tour 3 làng nêu trên đã trình bày với chính quyền TP.Hội An và hy vọng sẽ có những chuyển động tích cực trong thời gian tới.

 HÀ SẤU

Trong các loại hình dịch vụ, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực trọng yếu của đời sống, nhận được sự quan tâm hàng đầu. Hiện nay, khu vực y tế tư nhân đang phát triển khá sôi động tại Quảng Nam, đây là tín hiệu vui khi y tế công - tư song hành để mang lại dịch vụ y tế đa dạng cho người dân...

Trung tâm cấp cứu tim mạch và đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức trang bị hệ thống máy móc hiện đại. Ảnh: H.D

Trung tâm cấp cứu tim mạch và đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức trang bị hệ thống máy móc hiện đại. Ảnh: H.D

Đa dạng tiếp cận

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, Trung tâm cấp cứu tim mạch và đột quỵ với trang thiết bị hiện đại, quy mô đầu tư gần 200 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) trở thành nơi lựa chọn của đông đảo người dân khu vực miền Trung.

Được đầu tư xây dựng theo quy trình cấp cứu, quản lý các yếu tố nguy cơ đến can thiệp, phục hồi chức năng, đây là trung tâm đầu tiên của Quảng Nam chuyên về tầm soát, cấp cứu tim mạch và đột quỵ.

Cùng với việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, hiện tại, tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế và liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với Bảo hiểm y tế và phần mềm hệ thống hồ sơ sức khỏe.

Ông Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức chia sẻ, trung tâm thực hiện được hầu hết kỹ thuật can thiệp cũng như chẩn đoán và điều trị các tổn thương liên quan đến tim mạch, sọ não, kể cả việc đặt stent đối với các tổn thương hẹp động mạch trong và ngoài sọ...

“Việc tầm soát sớm đột quỵ cũng như cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng” rất quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng mỗi người.

Với mục tiêu đáp ứng nhanh, hiệu quả các yêu cầu liên quan đến tầm soát, cấp cứu và can thiệp bệnh lý tim mạch và đột quỵ, chúng tôi đi đến quyết định đầu tư trang thiết bị để thành lập Trung tâm Cấp cứu tim mạch và đột quỵ” - ông Trần Công Ân nói.

Cùng với Trung tâm cấp cứu tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức hiện nay được nhận định là cơ sở y tế tư nhân có hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung. 

Quảng Nam hiện nay có đến 7 bệnh viện đa khoa tư nhân đóng chân trên địa bàn, thực hiện được hầu hết kỹ thuật can thiệp trong công tác khám và điều trị. Tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển cũng là một trong những định hướng chiến lược của Quảng Nam để phát triển sự nghiệp y tế chất lượng cao.

Đại diện Sở Y tế cho biết, hệ thống y tế tư nhân đã góp phần giảm tải rất nhiều cho hệ thống y tế công lập. Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân có sự chuyển mình về chất lượng, chú trọng phát triển y tế chuyên sâu.

Tại Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cũng như phát triển mạng lưới cơ sở y tế, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Trong khi đó, định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân cũng như mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân. 

Đầu tư mạnh cho công lập

Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trang bị hệ thống ECMO - một kỹ thuật hồi sức đặc biệt, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân. Kỹ thuật này đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân tổn thương chức năng phổi hoặc tim nặng do nhiều bệnh lý khác nhau.

BS.CKII Lê Văn Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, ECMO là kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức trong cấp cứu người bệnh, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có trình độ tay nghề, chuyên môn cao và máy móc trang thiết bị hiện đại.

Khoa ICU của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã từng ngày đưa kỹ thuật này trở thành hoạt động thường quy để cấp cứu và cứu sống những bệnh nhân nặng và nguy kịch.

HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết số 51 đầu tư 210 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân...

Trước đó, cùng với Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã được trang bị máy móc và thiết bị y tế kỹ thuật cao, hiện đại từ nhiều nguồn khác nhau.

Người dân trên địa bàn tỉnh không cần phải đến các bệnh viện trung ương ngoại tỉnh để khám, tầm soát hoặc can thiệp các kỹ thuật chuyên sâu bởi hệ thống y tế tuyến tỉnh hiện nay được trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại...

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị và đầu tư sửa chữa, mở rộng các cơ sở y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cũng là điều kiện để nâng tầm các dịch vụ y tế, chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho người dân.

 LÊ QUÂN

https://vneconomy.vn/ Qua rà soát pháp lý của Dự án khu dân cư Làng chài Điện Dương, chủ đầu tư nhận thấy, trình tự thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất chưa đảm bảo quy định pháp luật vì vậy sẽ trả lại dự án, với điều kiện UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết hoàn chi phí hơn 54 tỷ đồng…

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa nhận được Công văn số 01.2023/CV-BC của Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon về việc trả lại Dự án khu dân cư Làng chài Điện Dương tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.

Văn phòng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn Công ty thực hiện các hồ sơ, thủ tục và tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định. Còn Công ty phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tham mưu giải quyết.

Trước đó, tại Công văn số 01.2023/CV-BC của Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon cho biết, sau khi được chấp thuận đầu tư, Công ty đã thực hiện các thủ tục đầu tư và chi phí những khoản liên quan là hơn 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát pháp lý của dự án lại nhận thấy trình tự thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất chưa đảm bảo quy định pháp luật, cụ thể chưa đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn để thực hiện thủ tục pháp lý dự án đúng quy định, cũng như đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp mà Công ty đã bỏ công sức và chi phí thực hiện dự án thời gian qua. Công ty sẽ trả lại Dự án khu dân cư Làng chài Điện Dương để đấu thầu, hoặc đấu giá theo quy định pháp luật, với điều kiện UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận, giải quyết trả lại toàn bộ chi phí mà Công ty chi trả thời gian qua.

Được biết, Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon (trước đây là Công ty cổ phần Beton 6 Miền Trung) được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư Dự án khu dân cư Làng chài Điện Dương, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn tại Văn bản số 1125/UBND-KTN ngày 24/3/2015 và Văn bản chấp thuận đầu tư dự án số 1170/UBND-KTN ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Liên quan đến các dự án, thị xã Điện Bàn vừa báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư và số liệu ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.

Tính đến tháng 2/2023, trên địa bàn thị xã có 120 dự án đầu tư xây dựng nhà ở (khu dân cư, khu đô thị). Cụ thể gồm: 82 dự án trong đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; 9 dự án tại khu vực ven biển, từ ranh giới phía Đông của đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đến biển Đông; 29 dự án nằm tại các khu vực còn lại. Ngoài ra còn có 55 dự án sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp.

Thị xã cho biết, việc quản lý thực hiện công tác ký quỹ đảm bảo đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thị xã do sở chuyên ngành tỉnh Quảng Nam đảm nhiệm. Tuy nhiên, Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bàn giao về thị xã Điện Bàn quản lý từ thời điểm ngày 1/8/2017, nên UBND thị xã đã thực hiện công tác quản lý số tiền ký quỹ của 51 dự án.

Theo thị xã, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn được triển khai việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định. Thị xã Điện Bàn hoàn trả toàn bộ tiền ký quỹ cho 1 dự án; hoàn trả 50% tiền ký quỹ cho 12 dự án khác... Bên cạnh đó, với dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, sau khi rà soát tình hình thực hiện, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã thì: tổng số tiền phải ký quỹ (36 dự án) là gần 37,5 tỷ đồng; tổng số tiền đã thực hiện ký quỹ (34 dự án) là 29,5 tỷ đồng; số tiền đã hoàn trả đến ngày 20/2/2023 là gần 9,2 tỷ đồng.

                                                                                    Thanh Xuân

Liên quan đến việc cầu Câu Lâu cũ (nối giữa thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị đứt gãy lan can, tạo khoảng trống lớn trên thành cầu, gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, ngày 15-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã ban hành Công văn số 2914 gửi địa phương cùng các ngành chức năng về việc tổ chức giao thông, sửa chữa, kiểm định và thử tải đảm bảo an toàn lưu thông trên cầu Câu Lâu cũ.
Lan can thành cầu đứt gẫy, ngã đổ do cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.
Lan can thành cầu đứt gẫy, ngã đổ do cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

 

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục sửa chữa, kiểm định, thử tải cầu Câu Lâu cũ, để hạn chế tác động làm cầu tiếp tục hư hỏng, đảm bảo an toàn cho cầu và các phương tiện, UBND tỉnh giao UBND huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn khẩn trương điều chỉnh giới hạn tải trọng qua cầu Câu Lâu cũ từ 10 tấn xuống dưới 5 tấn; tổ chức cắm biển tại hiện trường, có giải pháp rào chắn an toàn ngay đoạn gãy trụ lan can tay vịn nhịp cầu thứ 27 (tính từ Bắc vào Nam) và tiếp tục khảo sát các đoạn khác trên toàn bộ công trình nếu có nguy cơ gãy đổ thì có giải pháp khẩn cấp để xử lý. Cùng với đó, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức và nhân dân được biết, có kế hoạch vận chuyển, đi lại phù hợp; bố trí lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên để xử lý vi phạm (nếu có).

UBND tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất chủ trương và giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm định, thử tải để xác định tải trọng giới hạn thông xe; đồng thời, khảo sát, thiết kế sửa chữa lan can, lề bộ hành; sửa chữa hệ liên kết ngang để khắc phục vết nứt dọc tim cầu và các nội dung sửa chữa, khắc phục khác sau khi có kết quả kiểm định, thử tải để xác định tải trọng giới hạn thông xe… Cùng với đó, đề nghị Khu Quản lý đường bộ III phối hợp, có phương án điều chỉnh kế hoạch phân luồng giao thông khi sửa chữa cầu Câu Lâu mới, đảm bảo không để các xe có tải trọng trên 5 tấn và xe khách trên 30 chỗ lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ.

Trước đó ngày 12-5, các phương tiện lưu thông trên cầu Câu Lâu cũ hốt hoảng khi thấy một đoạn lan can bị đứt gẫy, tạo khoảng trống lớn trên thành cầu, gây nguy hiểm cho người đi đường. Ngay sau đó, các ngành chức năng đã dựng rào chắn, cảnh báo nguy hiểm.

Trần Tân

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019449843
Hôm nay
Hôm qua
6945
8022