0235.3867334

       Sáng ngày 10/5, UBND xã Điện Phong tổ chức hội nghị sơ kết tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2024. Ông Phan Phước Hải - PCT UBND xã chủ trì hội nghị.
 
 
       Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn xã đã gieo trồng 708 ha, đạt gần 57% so với kế hoạch năm 2024, trong đó cây lúa diện tích sản xuất 164ha đạt 49% kế hoạch năm, năng suất bình quân ước đạt 70 tạ/ha tăng 5 tạ so với cùng kỳ năm trước, sản lượng đạt 1.150 tấn, đạt 57% kế hoạch. Cây ngô: Diện tích sản xuất 130ha, đạt 42% kế hạch năm, năng suất đạt 55 tạ/ha bằng cùng kỳ năm trước, sản lượng đạt 715 tấn. Nhìn chung năng suất và sản lượng đạt so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch hại trên đồng ruộng được kiểm soát, năng suất cây trồng được mùa, tuy nhiên giá cả thấp hơn so với các năm. Đàn vật nuôi được duy trì mức tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra và có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và đã triển khai tiêm phòng dịch bệnh đợt 1 trên đàn vật nuôi.
       Hội nghị thảo luận kết quả đạt được trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, triển khai thực hiện sản xuất vụ Hè Thu 2024. Toàn xã phấn đấu gieo trồng 170ha lúa, 180ha ngô, 38ha đậu các loại, 80ha rau, 60ha cỏ chăn nuôi và chỉ gieo sạ giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày; thời gian gieo sạ từ ngày 20/5 đến ngày 5/6 với các giống chủ lực như: Hòa phát 3, TBR225, ĐT100, BC15, Bắc Thịnh và các giống bổ sung như Hương Châu 6, VNR 10, HN6, TBR97.
Mi Ni
 

       Sáng ngày 8/5, HĐND thị xã Điện Bàn khoá XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 19, kỳ họp chuyên đề. Dự kỳ họp có ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị uỷ; ông Trần Úc - PBT Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; ông Phan Ngọc Hải – UV BTV Thị uỷ, Chủ tịch Uỷ Ban MTTQ Việt Nam thị xã.
       Ông Trần Hải Vân – Phó Bí thư TT Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã và ông Ngô Văn Trịnh – UV.BTV, Phó Chủ tịch HĐND thị xã chủ toạ kỳ họp.
 
Quan cảnh kỳ họp thứ 19
 
       Tại kỳ họp, UBND thị xã đã trình bày 21 tờ trình thuộc các nhóm lĩnh vực: nông nghiệp, tài chính – ngân sách, đầu tư công, quốc phòng - an ninh,... Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và bổ sung danh mục đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: 5 dự án Đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã Điện Hồng; xã Điện Phước, xã Điện Thọ, xã Điện Hòa, phường Điện Nam Bắc; 4 dự án Di tích dựng bia lịch sử sử dụng vốn đầu tư công triển khai trong năm 2024 của thị xã Điện Bàn; 5 dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an, ninh địa phương: Dự án: Cơ quan Quân sự thị xã Điện Bàn; Khu sơ tán Ban CHQS thị xã Điện Bàn; Xây dựng Trụ sở Công an xã Điện Phước, xã Điện Phong và phường Điện Minh; đồng thời xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng mới Trụ sở làm việc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn.
 
Ông Trần Hải Vân và ông Ngô Văn Trịnh chủ toạ kỳ họp
 
       Ngoài ra, tại kỳ họp còn xem xét, quyết định bổ sung danh mục dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 thị xã Điện Bàn; điều chỉnh Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và thông qua kinh phí đảm bảo cho lực lượng DQTV trực sẵn sàng chiến đấu và động viên QNDB (HSQ-BS) thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
       Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, 100% đại biểu HĐND thị xã đã thống nhất biểu quyết thông qua 20 Nghị quyết tại kỳ họp.
Yến Nhi

       Ngày 6/4/2024, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Điện Phước II tổ chức Đại hội đại biểu thành viên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có ông Hồ Dậy - Phó Trưởng ban phụ trách cơ quan thường trực VCA khu vực miền Trung - Tây Nguyên thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam; ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng Phòng kinh tế; lãnh đạo xã Điện Phước, nguyên Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán, kế hoạch HTX qua các thời kỳ; 107 đại biểu đại diện cho 1.071 hộ thành viên HTX.
 
 
       Hợp tác xã hiện có 1.071 hộ cổ phần, tổng vốn điều lệ HTX là 568 triệu đồng, tài sản cố định là 20,2 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, HTX đã cung ứng cho xã viên hàng trăm tấn vật tư nông nghiệp các loại và thuốc bảo vệ thực vật trên 3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho xã viên thâm canh, chăm bón. Hợp tác xã đã liên kết các công ty giống sản xuất giống để bố trí sản xuất và thu mua tất cả các loại nông sản của xã viên trên 24 tỷ đồng. Tổng giá trị xây dựng cơ bản 5 năm qua của HTX là 13 tỷ 107 triệu đồng trong đó xây dựng mới các trạm bơm Bình Trị Hạ, Đồng Thộn, Miếu Thành Hoàng, bê tông 3.860m kênh tưới tiêu. Đầu tư máy gặt đập liên hợp 595 triệu đồng và 3 lò sấy lúa mỗi năm sấy cho các công ty và bà con Nhân dân gần 600 tấn, cho thuê mặt bằng được 159 triệu đồng. Qua 5 năm hoạt động, tổng doanh thu của HTX là 30 tỷ 398 triệu đồng. HTX chi các hoạt động hỗ trợ người có cổ phần khi qua đời, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam 236 triệu đồng. Các quỹ phát triển sản xuất, phúc lợi, dự phòng, khen thưởng đảm bảo hoạt động. 
 
 
       Đại hội đã nêu ra những khó khăn, kiến nghị, đề xuất và bàn phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII (2024 - 2029), bầu Hội đồng quản trị, kiểm soát. Ông Đinh Văn Tấn được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
 
 
       Dịp này, Liên minh HTX Quảng Nam tặng giấy khen và tiền thưởng cho HTX Nông nghiệp Điện Phước II về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Hội đồng quản trị HTXNN II Điện Phước tặng giấy khen và tiền thưởng cho 2 tập thể và 18 cá nhân.
                                                                                  Huyền Chi

Xã Điện Thọ có diện tích gieo trồng 850 ha trong đó diện tích lúa 530 ha. Nông dân trên địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp, ngoài ra phát triển các dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong đó, phát triển nhất là dịch vụ dựng rạp, nấu ăn với trên 300 hộ, giải quyết trên 1000 lao động nông nhàn. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 60,65 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,99%, cận nghèo giảm còn 1,22%.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Điện Thọ đã có sức lan toả rộng khắp trên địa bàn 9 thôn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với nông dân. Thông qua phong trào, Hội đã phối hợp với các ngành liên quan trong công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp đào tạo nghề… Từ đó các mô hình kinh tế, dịch vụ, gia trại, trang trại ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trình độ sản xuất hằng hoá theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn thực phẩm, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và xã hội. Qua rà soát, bình xét phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2023, toàn xã Điện Thọ có 540 hộ đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp xã 360 hộ, cấp thị xã 143 hộ, cấp tỉnh 31 hộ, cấp trung ương 5 hộ. Những hộ nông dân này luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

          Hằng năm, Hội nông dân xã Điện Thọ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật như các lớp: quy trình ủ thức ăn xanh cho trâu bò, ủ phân vi sinh, quy trình sử dụng phân bón trên các loại cây trồng…hướng dẫn các hộ tham gia ký cam kết an toàn thực phẩm.

          Dịch vụ phân bón trả chậm của Hội nông dân tỉnh, Hội đã triển khai đến các chi hội đăng ký và cung cấp  cho hội viên nông dân 90 tấn phân, tạo điều kiện cho hộ nông dân được sử dụng phân ngay từ đầu vụ đến cuối vụ mới thu hồi, giảm việc hộ thiếu vốn phải mua với giá cao. Hiện nay, hội ký uỷ thác với các ngân hàng để hỗ trợ cho gia đình hội viên khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát cận nghèo vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ, đầu tư chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Hội quản lý dư nợ ngân hàng chính sách xã hội thị xã 29 tỷ đồng. Trong năm cũng đã giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân các cấp 600 triệu đồng; quỹ hỗ trợ nông dân của xã 63 triệu đồng; Ngân hàng Liên việt 2 tổ vay vốn với dư nợ 400 triệu đồng. Hội giải quyết cho vay và quản lý các nguồn thu gốc, lãi đảm bảo đúng quy định, không có nợ xấu, quản lý nguồn uỷ thác chặt chẽ đúng quy định.

          Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hội nông dân xã đã phối hợp vận động nông dân tham gia sản xuất cánh đồng mẫu theo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của thị xã Điện Bàn. Hằng năm, Hội và hội viên nông dân ký hợp đồng với hợp tác xã, công ty giống sản xuất DT 200 với 220 ha, chiếm 20% diện tích lúa toàn xã. Góp phần bao tiêu sản phẩm từ 1300 đến 1400 tấn giống, giá trị sản xuất lúa giống cao hơn lúa thương phẩm từ 12 đến 15%.

Từ những chương trình này, Hội nông dân xã Điện Thọ thật sự trở thành bà đỡ cho hội viên nông dân, từ đó giúp đỡ nhiều hội viên thiếu vốn sản xuất có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao thu nhập, phát triển ngành nghề. Bên cạnh đó, Hội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong năm, Hội nông dân xã Điện Thọ trao phương tiện sinh kế cho hộ cận nghèo, thoát nghèo bền vững kinh phí 12 triệu đồng; hỗ trợ sữa chữa nhà ở cho 2 hộ khó khăn với tổng số tiền 25 triệu đồng; trao khuyến học cho con em hội viên nông dân khó khăn, vượt khó học giỏi gần 5 triệu đồng.

Những kết quả đạt được trong năm qua đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp hội từ xã đến các thôn. Năm 2023, Hội nông dân xã Điện Thọ được Hội nông dân thị xã Điện Bàn khen thưởng, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân. Đây chính là động lực giúp hội viên nông dân toàn xã tiếp tục phấn đấu, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu và nhiệm vụ trong thời gian đến.

                                                                  Thu Hằng 

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn xã Điện Phước được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hồng, thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước trước đây là một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ hội nông dân xã, ông đã vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất với mô hình nuôi thỏ thịt và heo thịt. Cách đây 2 năm, hội nông dân xã đã hỗ trợ ông hai con heo giống cho vay số tiền 22 triệu đồng đầu tư chuồng trại, con giống. Từ hai con heo giống ban đầu, hiện nay, quy mô chăn nuôi gia đình ông đã có 4 heo nái, hai đàn heo con và vài chục con heo thịt được nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Đàn thỏ nhà ông lên đến 200 đến 300 con. Ông cho biết: hiện đầu ra heo và thỏ thịt của gia đình đã ổn định, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, ba năm liền ông được công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã. 

Ba năm trước Gia đình anh Mai Đức Dũng, hiện là chi hội trưởng nghề nghiệp chăn nuôi bò xã Điện Phước đã mạnh dạn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng cùng với các hộ khác trong thôn triển khai mô hình chăn nuôi bò 3B. Từ hai con bò ban đầu, đến nay đàn bò nhà anh đã phát triển lên trên 10 con bò thịt và bê con. Nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân anh cũng đã hoàn trả lại, tạo điều kiện cho các hộ khác được thụ hưởng, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Để phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Hội Nông dân xã Điện Phước đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ. Đồng thời, huy động từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân và tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. 

Ông Đào Quốc - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Phước cho biết: “Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành cấp trên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả”. 

Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

 

                                                                Thu Hằng 

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019431598
Hôm nay
Hôm qua
6263
8877