0235.3867334
Hội chữ thập đỏ xã Điện Phước có 8 Chi hội thôn và 4 Chi hội trường học. Nhằm pháy huy vai trò, công tác Hội chữ thập đỏ của các Chi hội hoạt động ngày càng hiệu quả, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã đã cụ thể hoá chương trình, nhiệm vụ hằng năm, hướng dẫn các Chi hội chữ thập đỏ thực hiện theo chức năng, điều kiện thực tế của mình.
Xác định công tác tổ chức là yếu tố quyết định cho mọi sự thành công của phong trào, nên đối với các Chi hội thôn, khi tiến hành chuẩn bị nhân sự Đại hội, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ xã đã xin ý kiến lãnh đạo và được thống nhất với phương án, Trưởng ban công tác Mặt trận các khu dân cư kiêm vai trò Chi hội trưởng Chữ thập đỏ. Đây là một thuận lợi cho các công tác phối hợp cũng như thực hiện các nhiệm vụ mà Hội chữ thập đỏ xã đề ra, bởi khi Trưởng ban công tác mặt trận các khu dân cư kiêm vai trò Chi hội trưởng chữ thập đỏ sẽ thuận lợi trong việc vận động nguồn lực để thực hiện công tác nhân đạo từ thiện và khi thực hiện công tác hỗ trợ nhân đạo từ các chương trình khác nhau, Chi hội trưởng sẽ nắm rõ được đối tượng nào đã được chương trình nào hỗ trợ, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu công bằng.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã cũng không ngừng đổi mới nội dung hình thức hoạt động theo phương châm dựa vào cộng đồng, vì thế Hội chữ thập đỏ xã đã chỉ đạo cho các Chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo; đồng thời Hội còn hướng dẫn các chi hội thành lập các mô hình với phương châm vận động nguồn lực tại khu dân cư hỗ trợ khó khăn tại khu dân cư. Kết quả những năm gần đây, các chi hội đã vận động trên 70 triệu đồng để hỗ trợ các trường hợp khó khăn đột xuất khi qua đời, tai nạn thương tích. Hằng năm, các Chi hội vận động nguồn lực tại khu dân cư trao hơn 300 suất quà với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng.
Đối với các Chi hội trường học, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã xác định rõ nhiệm vụ của các Chi hội trường học là công tác hỗ trợ các trường hợp học sinh gặp khó khăn, công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh và trẻ em khi gặp tai nạn thương tích và công tác tham gia hiến máu tình nguyện. Trong đầu nhiệm kỳ, từ nguồn vận động của các mạnh thường quân và nguồn vận động đóng góp của giáo viên trong nhà trường, các chi hội đã trao trên 100 suất quà gồm đồng phục học sinh, dụng cụ học tập và một số nhu yếu phẩm khác cho các em học sinh khó khăn. Ngoài ra, các chi hội còn phối hợp vận động nhiều suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng để hỗ trợ cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia học tập.Hằng năm, các Chi hội vận động giáo viên tham gia các đợt hiến máu nhân đạo do Hội chữ thập đỏ thị xã tổ chức từ 6-8 đơn vị máu/1 chi Hội. Bên cạnh đó, các Chi hội đều cử học viên tham gia các lớp tập huấn sơ cấp cứu do Hội cấp trên tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.
Ngoài các công tác nói trên, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã Điện Phước còn đổi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng cách lập trang Fanpane của Hội, nhóm Zalo, qua đó việc trao đổi thông tin và triển khai các hoạt động của Hội được linh hoạt và kịp thời, việc đăng tải các hoạt động của Hội và các chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan để Nhân dân thuận tiện tiếp cận, khơi dậy lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Tào Ka
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi tổ hội vững mạnh”, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Hội LHPN xã Điện Phước đã thảo luận và thống nhất xây dựng chương trình toàn khoá nhằm xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh từ Hội đến từng chi, tổ; quan tâm chăm lo, bồi dưỡng cán bộ chi tổ hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu chính đáng của hội viên phụ nữ, thu hút đông đảo tầng lớp chị em tham gia phong trào công tác hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ xã Điện Phước lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội tổ chức kiện toàn củng cố nhân sự tại chi hội phụ nữ Nông Sơn 1, Nông Sơn 2, Hạ Nông Đông. Hằng năm, tổ chức từ 1 – 2 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho gần 50 chị là cán bộ chi, tổ; hướng dẫn cho chi hội kỹ năng điều hành sinh hoạt, kỹ năng vận động, sâu sát lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ; hướng dẫn các chi hội sử dụng các mạng xã hội: zalo, fb, thành lập các nhóm zalo phụ nữ thôn nhằm thực hiện tốt khâu đột phá ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, 100% chi hội thành lập và duy trì hoạt động mô hình “tập hợp, sinh hoạt HVPN trên không gian mạng”, “Tổ phụ nữ công nghệ số cộng đồng” và tổ chức chương trình giao lưu “Đồng hành gắn kết cùng chi, tổ” với các hoạt động tham quan dã ngoại, giao lưu văn hoá văn nghệ, lắng nghe những khó khăn chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào, công tác Hội.
Hội đã kết nạp 5 hội viên danh dự, phát triển được 219 hội viên mới. 100% các chi hội đều duy trì sinh hoạt thường xuyên. Nhiều phong trào, hoạt động thu hút đông đảo chị em hội viên phụ nữ tham gia, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Hầu hết các chị nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, gắn bó với phong trào hội. Các chị cũng đã làm tốt công tác phát hiện, tham gia giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho chị em phụ nữ, kịp thời nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng của hội viên phụ nữ.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận cán bộ chi, tổ hội hoạt động theo phong trào, thiếu kỹ năng vận động, thuyết phục hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động hội; chưa kịp thời tham mưu lãnh đạo chi uỷ, chi bộ dẫn đến phong trào chưa đồng bộ, rời rạc, thiếu bền vững. Vẫn còn một bộ phận chưa thực sự là cầu nối nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em tại địa phương, thiếu linh hoạt, đổi mới, sáng tạo tổ chức các hoạt động phù hợp nên không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống ngày càng cao hội viên, phụ nữ, do đó công tác tập hợp phụ nữ còn khó khăn. Một bộ phận không nhỏ các chị lớn tuổi, địa bàn rộng, hội viên phụ nữ đông, chị em đi làm công nhân nhiều nên việc quản lý, điều hành không thuận lợi. Một bộ phận chị em chưa am hiểu sử dụng công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động Hội, do đời sống khó khăn, chưa trang bị máy.
Nhằm đảm bảo hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thích ứng trong thời kỳ công nghệ số, Hội PN từ xã đến chi tổ đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác hội, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho CHT, CHP, thành viên tổ phụ nữ công nghệ số cộng đồng, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.
Các chi, tổ Hội phụ nữ tích cực tham gia nhóm zalo, Facebook, trang fanpage do Hội LHPN xã thành lập; kịp thời chuyển tải truyền thông các hoạt động, phong trào công tác Hội; vận động hội viên, phụ nữ tham gia sôi nổi nhiều hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội do Hội LHPN TW, tỉnh, thị xã, xã tổ chức như xây dựng các video clip truyền thông phòng chống dịch Covid-19; xây dựng video clip tuyên truyền trên mạng xã hội hưởng ứng Cuộc thi “Tuyến dường chi hội phụ nữ kiểu mẫu”; cuộc thi video online “Nét duyên áo dài Việt”, “Tuần lễ Áo dài Việt Nam”; cuộc thi ảnh “Gia đình yêu thương”, cuộc thi viết “Gia đình trong trái tim tôi” chào mừng kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về hôn nhân gia đình”, tổ chức “Hội chợ Xuân online"; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; livetream bán hàng... thu hút đông đảo tầng lớp hội viên, phụ nữ tham gia.
Hiện nay, Hội đã thành lập nhóm zalo BCH hội xã nhằm điều hành, quản lý, triển khai công tác Hội, duy trì hoạt động thường xuyên trang Facebook Phụ nữ Điện Phước với hơn 2400 người theo dõi nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện phong trào hội bằng hình ảnh, video hoạt động. Đây là một cách tuyên truyền có hiệu quả nhất, nhanh nhất đến với HVPN vì tỷ lệ phụ nữ, HVPN sử dụng trang mạng xã hội fb ngày càng nhiều. Qua đó, phụ nữ thấy được kết quả hoạt động của hội và thu hút được phụ nữ tham gia vào tổ chức hội hơn. 100% chi hội có nhóm zalo BCH chi hội, nhóm zalo “phụ nữ thôn” với để tập hợp, tổ chức sinh hoạt HVPN trên không gian mạng, tập hợp HVPN không có điều kiện tham gia thường xuyên với trên 780 thành viên, nhóm zalo phụ nữ thôn có nhiều thành viên nhất là thôn Nhị Dinh 1 với 106 thành viên. Có 3/8 chi hội thành lập trang fb của chi hội thôn, tổng số người tham gia trên 3 trang fb của 3 chi hội là 368 người. Ngoài ra, các chi hội còn có các nhóm zalo theo từng hoạt động như nhóm dân vũ, nhóm zalo theo từng tổ phụ nữ, nhóm phụ nữ nòng cốt của thôn, ….Số cán bộ chi tổ hội có sử dụng điện thoại thông minh là 48/54 chị, chiếm tỷ lệ 90,74%, 100% CHT sử dụng thành thạo các ứng dụng như zalo, fb. Số lượng HVPN có sử dụng điện thoại thông minh còn tương đối thấp, khoảng 40% vì đa phần HVPN có độ tuổi trung niên là chủ yếu. Phụ nữ trẻ thành thạo CNTT dưới 25 tuổi ít tham gia tổ chức hội do còn đi học, đi làm.
Có được kết quả này là các chi tổ phụ nữ trong thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Hội cấp trên, của Chi ủy, chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận và sự phối hợp của các chi hội đoàn thể thôn; các hoạt động của Hội được triển khai cụ thể đến các chi, tổ hội nên công tác triển khai thực hiện rất thuận lợi. Các chị trong BCH chi hội đã bám sát vào chương trình kế hoạch và nhiệm vụ chính trị của địa phương và tình hình đời sống, tư tưởng của phụ nữ để tổ chức hoạt động phù hợp có chất lượng và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù của từng chi hội, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội ngày càng được các chi hội chú trọng. Đội ngũ cán bộ chi tổ ngày càng được trẻ hoá, nhiệt huyết, trách nhiệm và đoàn kết từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác Hội, xây dựng lực lượng nòng cốt, xây dựng quỹ hội... ngày càng đi vào nề nếp. Đời sống vật chất của hầu hết cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng cao, do đó, bản thân đủ khả năng tự trang bị các thiết bị thông minh cũng như các trang thiết bị khác được đầy đủ hơn, vì vậy, rất thuận lợi trong công tác truyền thông của cấp Hội, đặc biệt là đã góp phần tạo nên các phương thức truyền thông với nhiều kênh khác nhau. Việc thành lập các nhóm Zalo trong hệ thống hội đã tạo sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, giữa tổ chức hội với hội viên và là cánh tay nối dài của tổ chức hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của Hội viên phụ nữ.
Bên cạnh những thuận lợi, Hội còn gặp không ít khó khăn. Phong trào phụ nữ ở một số chi, tổ chưa đồng đều. Hoạt động chi, tổ hội còn gặp khó khăn về kỹ năng tuyên truyền, vận động, công tác dân vận trong HVPN nói riêng, nhân dân nói chung. Đa số cán bộ chi tổ hội là làm theo phong trào chưa có kỹ năng trong việc tổ chức hay thực hiện nhiệm vụ công tác hội phụ nữ. Một số ít cán bộ chỉ tổ có đời sống vật chất khó khăn nên hạn chế về thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động, phong trào của Hội, còn hạn chế sử dụng công nghệ số ứng dụng trong hoạt động phong trào Hội vì chưa có điều kiện sắm điện thoại thông minh, trình độ về CNTT của HVPN còn nhiều hạn chế, sử dụng không thành thạo các ứng dụng công nghệ số vào công tác Hội. Hội viên phụ nữ là công nhân chiếm đại đa số, đây là nguồn lực chủ yếu để đẩy mạnh các phong trào của Hội nhưng rất khó khăn trong việc tập hợp vào các ngày trong tuần, chủ yếu tập hợp ngày chủ nhật. Kinh phí thực hiện chủ yếu là xã hội hoá, hoặc thông qua các mô hình hoạt động góp vốn xoay vòng trong chi, tổ, trong khi đó, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn nên việc tổ chức hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của HVPN. Cán bộ chỉ tổ (trừ chi hội trưởng) đều không có phụ cấp trong khi công tác, phong trào Hội đòi hỏi các chị tham gia rất nhiều nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả phong trào công tác Hội. Tổ công nghệ số cộng đồng ra mắt tuy nhiên chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động của tổ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Hội đề ra.
Để khắc phục những khó khăn, hướng đến giải pháp thực hiện khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi, tổ Hội vững mạnh”; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, vừa qua Hội LHPN xã đã tổ chức tọa đàm để các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, phân tích những tồn tại khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian đến, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Huyền Chi
Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và các nguồn hỗ trợ khác, phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn xã Điện Thọ, được sự quan tâm tham gia ủng hộ tích cực của xã hội đã giúp giấc mơ an cư của nhiều hộ nghèo trở thành hiện thực. Với họ, những ngôi nhà mới kiên cố không chỉ mang đến niềm vui, hạnh phúc mà còn là động lực để họ luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là nhiệm vụ mà Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” xã Điện Thọ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Bích, thôn Phong Thử 1 nhớ lại quãng thời gian sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, những hôm gió to, mưa lớn, bà lo sợ mái dột, ngói rơi thậm chí nguy cơ sập đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nên bà phải khăn gói đến ở nhờ nhà người thân.
Bà Nguyễn Thị Lân – Chủ tịch UBMT xã Điện Thọ chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của bà Bích, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” xã Điện Thọ đã vận động chùa Giác Hoa hỗ trợ 50 triệu đồng, Tổ chức CRS hỗ trợ 40 triệu đồng, bà Bích được người thân, hàng xóm cho vay thêm tiền và góp công sức để xây dựng ngôi nhà mới có diện tích 70m2, với giá trị gần 160 triệu đồng.
Sau hơn 3 tháng khởi công, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Bích đã hoàn thành. Trong niềm vui của ngày bàn giao nhà có lãnh đạo xã, thôn, đơn vị hỗ trợ là chùa Giác Hoa và người dân trong thôn, bà Bích xúc động cho biết bà không bao giờ dám tin mình có ngôi nhà mới bởi tuổi cao, đau yếu thường xuyên lại phải chăm lo cho 2 người con bị bệnh thần kinh. Nếu như không có sự quan tâm, giúp đỡ của UBMT và các đơn vị giúp đỡ cùng tình thương yêu của bà con trong thôn dành tặng thì không biết bao giờ bà mới thoát được tâm trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa bão.
Ngôi nhà mới khang trang, có phòng ngủ, phòng khách và phòng bếp. Tại lễ bàn giao ngôi nhà mới, không chỉ đến chung vui mà nhiều cá nhân, Ban trị sự Phật giáo Việt Nam thị xã Điện Bàn, Ủy ban mặt trận và các đoàn thể xã đã tặng thêm cho bà Bích một số đồ dùng thiết yếu.
Cũng như bà Bích, những ngày này gia đình bà Trần Thị Bốn, thôn Phong Thử 2, xã Điện Thọ đang chuẩn bị để chuyển đến ngôi nhà mới. Bà Bốn thuộc hộ cận nghèo của xã. Ở tuổi 80 tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, có con cháu phụng dưỡng bà nhưng hằng ngày bà vẫn đi nhặt ve chai kiếm kế sinh nhai. Bà sống cùng người con trai thiểu năng, người con gái và một cháu ngoại trong ngôi nhà cũ nát với diện tích 40 m2. Luôn mong ước có ngôi nhà mới để ở nhưng với người chạy gạo bữa như bà thì bao năm qua vẫn sống tạm bợ trong căn nhà dột nát. Từ nguồn hỗ trợ quỹ “Vì người nghèo” của xã 50 triệu đồng và 40 triệu đồng của Tổ chức CRS, sự hỗ trợ của các đoàn thể chính trị - xã hội, bà Bốn đã vay mượn thêm người thân và vay Ngân hàng CSXH cùng sự giúp đỡ về ngày công của những người dân trong thôn, bà đã xây dựng ngôi nhà kiên cố với tổng giá trị hơn 250 triệu đồng.
Năm 2024, UBMT vận động và trích Quỹ vận động “Vì người nghèo” xã hỗ trợ xây mới nhà đại đoàn kết cho 6 hộ với mức hỗ trợ từ 80 -100 triệu đồng/nhà, hỗ trợ sửa chữa nhà ĐĐK cho 6 hộ nghèo, khó khăn mức hỗ trợ 30-40 triệu đồng/nhà. Để nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, UBMT xã rà soát từng hộ nghèo, thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện kinh tế từng nhà để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ĐĐK được địa phương thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, UBMT cùng chính quyền địa phương còn tích cực vận động người thân, các đoàn thể, ban công tác mặt trận thôn và nhân dân cùng chung tay hỗ trợ tiền, ngày công để giúp các hộ nghèo làm nhà ở.
Những năm qua, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được UBMT xã Điện Thọ quan tâm triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Để triển khai có hiệu quả, Ban Thường trực UBMT xã và các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai tháng cao điểm “vVì người nghèo”, phối hợp rà soát các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn và vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ và ủng hộ xây dựng nhà ĐĐK. Từ đó đã khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, sự quan tâm, góp sức của cộng đồng xã hội thông qua mặt trận để xây dựng thêm nhiều ngôi nhà ĐĐK cho người nghèo, giúp nhiều gia đình có niềm tin vào tương lai, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, UBMT xã xác định xóa nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện thực hóa ước mơ an cư của người nghèo, vậy nên rất cần sự chung tay, hợp sức của nhiều tập thể và cá nhân.
Huyền Chi
Trong 9 tháng đầu năm, UBMTcác cấp trên địa bàn thị xã tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác theo chương trình phối hợp và thống nhất hành động đã đề ragắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt trận các cấp tập trung tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; vận động Nhân dân hiến đất, mở đường; tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; sử dụng nước sạch; phân loại rác thải tại nguồn, giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Việc nắm bắt tình hình Nhân dân và phản ánh ý kiến của Nhân dân đến các cơ quan Đảng, Nhà nướcđượcMặt trận thực hiện thường xuyên. Qua đó, tổng hợp được 27 ý kiến, kiến nghị và đã giải quyết được 9 ý kiến.Mặt trận từ thị xã đến xã, phường, thôn, khối phố đã tập trung tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáotreo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo vào các dịp lễ trọng, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và các sự kiện quan trọng của tổ chức tôn giáo; phát động, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm “Tôn giáo chung tay bảo vệ bảo vệ môi trường”, hưởng ứng thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và đã trao tặng 65 bình chữa cháy cho bà con đạo hữu; tổ chức gặp mặt và trao tặng 80 lá cờ Tổ quốc cho các cơ sở tôn giáo.
UBMT các xã, phường tiếp tục ra quân duy trì mô hình “KDC sáng - xanh - sạch - đẹp gắn với phong trào tình nguyện Nhân dân”, “Mỗi tháng dành một ngày vì môi trường nông thôn, đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp”, kết hợp với phong trào bảo trì đường giao thông nông thôn vào tháng 6 hằng năm... Thực hiện mô hình “Vườn ươm nông thôn mới”, Mặt trận các xã đã ươm và trồng trên 8.500 cây hoa các loại. Đồng thời triển khai lấy ý kiến đối với 12 thôn NTM kiểu mẫu. Qua đó, kịp thời báo cáo thẩm định xác nhận kết quả thực hiện tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu đối với các xã và các thôn theo quy định. Thực hiện công tác chung tay giảm nghèo bền vững năm 2024, các tổ chức chính trị - xã hội thị xã đã đăng ký giúp đỡ cho 7 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo với tổng số tiền đăng ký 74 triệu đồng. UBMT thị xã tổ chức chương trình “Xuân yêu thương - Tết sẻ chia”, bên cạnh đó, trên cơ sở vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức tôn giáo, kiều bào, trích Quỹ “Vì người nghèo” và từ ngân sách Nhà nước thị xã đã chăm lo, hỗ trợ Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn… tổng cộng 13.270 suất quà, trị giá 6,76 tỷ đồng. Trong 9 tháng, Quỹ “Vì người nghèo”thu được trên 1 tỷ đồng; Từ nguồn quỹ này, Mặt trận các cấp đã chi tặng 130 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trị giá 110 triệu đồng; Chi hỗ trợ 2 nhà đại đoàn kết tại huyệnĐông Giangvà1 nhà tại phường Điện Nam Trung. Về công tác vận động, cứu trợ do thiên taiđã vận động được trên 30 triệu đồng; chi hỗ trợ 4 trường hợp bị thương và đuối nước với số tiền 12 triệu đồng.
Ngoài ra, Mặt trận các cấp còn thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Trong 9 tháng, UBMT thị xã triển khai giám sát bằng hình thức nghiên cứu văn bản đối với 4 đơn vị về “thực hiện quy định của pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân” đối với UBND phường Điện Minh, Điện Ngọc, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam. Giám sát bằng đoàn giám sát 1 cuộcvề giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã. Tham mưu BTV Thị ủy tổ chức đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định số 217, 218của Bộ Chính trị đối với Đảng ủy và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Điện Dương; Phối hợp tham gia giám sát 2 cuộc việc tuân thủ pháp luật trong công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm và Thi hành án hình sự đối với 14 UBND xã, phường, tham gia 2 đoàn kiểm sát nhà tạm giam, tạm giữ Công an thị xã. UBMT các xã, phường đã tổ chức 8 cuộc giám sát chuyên đề với 16 đơn vị, 6 cuộc giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với 6 đơn vị, 10 cuộc giám sát của Ban Thanh tra nhân dânvà Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, kịp thời kiến nghị, khắc phục một số hạn chế, thiếu sót nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Điện Bàn sau kỳ họp 18 với cử tri 5 xã, phường, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với tỉnh một số vấn đề cử tri kiến nghị; tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với cử tri các phường Điện An, Điện Minh, Điện Phương, Vĩnh Điện sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ban Thường trực UBMT thị xã và xã, phường tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 2.800 người dự; Tham gia cùng với Ủy ban nhân dân cùng cấp đối thoại 9 cuộc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; tổ chức Đối thoại người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã với Nhân dân về xây dựng đô thị văn minh tại phường Điện Ngọc và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Điện Hòa. UBMT xã, phường chủ động phối hợp tổ chức 3 hội nghị “đối thoại trực tiếp” giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với Nhân dân địa phương; chủ trì tổ chức 4“Diễn đàn Nhân dân góp ý lực lượng Công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã”.
Với những kết quả đạt được của Mặt trận các cấp trên địa bàn thị xãtrong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển vững mạnh.
Trong thời gian đến, Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi các chương trình, cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mi Ni
Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển; nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, phường Điện Ngọc đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ để xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn phường bước đầu có những kết quả đáng trân trọng.
Để phục vụ chương trình chuyển đổi số, đến nay UBND phường đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng toàn cơ quan phường, đồng thời lắp đặt mạng Wifi tại nhà văn hoá 13/13 khối phố, bắt hệ thống camera an ninh trên các trục đường chính của phường. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ công chức, viên chức đã thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Phường đã ban hành Quyết định thành lập và thường xuyên củng cố Tổ công tác Đề án 06 về thực hiện: “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” và thành lập các Tổ công tác Tổ công nghệ cộng đồng để triển khai thực hiện Đề án 06 tại 13/13 khối phố đảm bảo theo các kế hoạch của ngành cấp trên. Xây dựng và triển khai kế hoạch về cải thiện, nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm, góp phần nâng cao thứ hạng và điểm chỉ số DTI của phường. Đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động người dân cài đặt định danh điện tử, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường sử dụng thẻ ngân hàng, mã QR trong buôn bán kinh doanh, không sử dụng tiền mặt.
Đến nay, việc sử dụng phần quản lý văn bản, điều hành, lưu thông văn bản và sử dụng hệ thống thư điện tử, chữ ký số trong trao đổi công việc của phường đã đi vào nề nếp, các văn bản được thực hiện ký số và chuyển qua trục liên thông tới các cơ quan đơn vị trong thị xã, tỉnh theo quy định.Tất cả cán bộ cơ quan và công chức chuyên môn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đều khai thác và sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý và điều hành công việc, phần mềm giám sát nhiệm vụ được giao, phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến.Văn bản đi ban hành có chữ ký số cá nhân và cơ quan đạt 75%. Trang thông tin điện tử và trang zalo OA của phường hoạt động đã dần vào nề nếp, việc đăng tin bài và đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng chính quyền địa phương được đăng tải để cán bộ và nhân dân được biết nắm bắt.
Việc trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử, tối thiểu 50% hồ sơ công việc phườngđược trao đổi dưới dạng điện tử, trên môi trường mạng; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt chỉ tiêu UBND Thịxãgiao;thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đảm bảo tiến độ theo quy định của thị xã.Việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến đạt 92,78%,tỷ lệ văn bản được số hóa đạt 50%. Tính đến 15/9/2024, bộ phận tiếp công dân của phường đã tiếp nhận qua cổng dịch vụ công trực tuyến: tổng số hồ sơ tiếp nhận:848 hồ sơ. Trong đó: Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến: 835 hồ sơ đạt tỷ lệ 98,47%,
Việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn phường Điện Ngọc đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa chính quyền với người dân, từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành của phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và quyết tâm cao nhất trong việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Tào Ka