0235.3867334

Bài viết: Hội đua thuyền Câu An Vạn ngày ấy

       Hình ảnh con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ xa xưa, đua thuyền luôn được xem là một trong những hoạt động khai xuân, mang theo nhiều mong ước của người dân về một năm mới suôn sẻ, an lành, mưa thuận gió hòa. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, một số địa phương đã tổ chức hội đua thuyền. Đây không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, tạo khí thế sôi nổi trong những ngày đầu năm, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng sông nước. 

       Khối phố Câu Nhi (phường Điện An) những ngày giáp Tết, tôi ghé đến xóm vạn chài, bà con nông dân ven sông vẫn ra biền bãi trong cái lạnh cuối năm. Trò chuyện với tôi, cụ ông Lê Viết Nhì - trưởng xóm Trung Hòa (khối phố Câu Nhi) kể về đội đua ngày ấy. Cụ Ngô Tâm gần 20 năm làm Hội trưởng Hội đua thuyền của thôn cùng cụ Nguyễn Nhuận, cụ Phạm Hiên và những người khác cùng thời là những tay chèo, tay bơi đua kỳ cựu từ khi mới thành lập Hội đua thuyền Câu An Vạn khoảng năm 1945 dến 1947. Lúc bấy giờ có hơn 30 hộ gia đình sinh sống ở xóm vạn chài này. Chủ cái của Hội đua thuyền thời đó là các cụ Trần Thọ, Trần Quyên, Phạm Toàn và những cụ khác, nay các cụ cũng đã quy tiên. Ngày đó, những gia đình này chủ yếu làm nghề đánh bắt cá như chài lưới, đi rớ, thả câu, thả đăng dọc sông Thu Bồn và sông Câu Nhi để lo cho cuộc sống gia đình. Việc thành lập Hội đua thuyền hồi đó cũng chỉ để gây dựng phong trào, cổ vũ những thanh niên trai tráng trong xóm vạn chài thường xuyên rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai thích nghi môi trường sông nước và mưu kế sinh nhai trên sông, dưới bến nhưng khi đã đua thì các con bơi nhoài mình vươn sức chèo lái con thuyền theo nhịp đếm dứt khoát xen kẽ những tiếng thở gấp gáp, ai cũng cố hết sức và có chiến lược bơi làm sao để qua tiêu chiến thắng đội bạn mà không va chạm giữa các thuyền với nhau. Tiếng cổ vũ vang trời như tiếp thêm sức mạnh cho các con bơi về đích.

       Bắt đầu từ năm 1954, Hội mới được tổ chức tham dự các giải đua thuyền truyền thống theo thông lệ của làng xã hoặc các lễ hội trong vùng với các thuyền đua ở Thi Lai-Cẩm Lậu (xã Điện Phong), Tư Phú- Kỳ Lam (xã Điện Thọ). Thời đó còn nghèo, các con bơi ăn uống rất kham khổ, chỉ có canh bầu, canh rau lang chan với cơm ghế khoai, sắn mà 7 phần ghế 3 phần cơm. Thuyền bơi đua thì thuyền nan tre nên bơi rất nhọc. Ai được chọn bơi đua phải khổ luyện mới đi đua. Trận lũ lịch sử năm Thìn 1964 làm chiếc thuyền đua của Hội trôi theo dòng lũ dữ. Rồi chiến tranh, bà con ở xóm vạn phải đi lánh nạn, người xuống Vĩnh Điện, người ra tận Đà Nẵng và có cả những người theo Cách mạng.

       Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (1975), bà con mới tìm về bến đậu xưa kia và tạo dựng cuộc sống mới ở dọc bờ sông Câu Nhi đến bây giờ, không còn cảnh rày đây, mai đó trên chiếc thuyền nan xuôi ngược. Hội đua thuyền được bà con trong xóm vạn nhen nhóm khôi phục lại. Những năm 1976, 1977, việc thành lập Hội đua thuyền rất khó khăn do điều kiện kinh tế bà con còn eo hẹp, những người từng tham gia đua thuyền trước kia đã luống tuổi, lớp trẻ thì đông nhưng không được tập luyện bài bản để đua và thuyền đua cũng không có nhưng đời sống sông nước vốn đã gắn bó với bà con, niềm đam mê đua thuyền của bà con khu vạn vẫn còn nguyên vẹn. Vậy là các gia đình trong khu vạn tự nguyện đóng góp kẻ ít người nhiều, chính quyền, các đoàn thể, HTX NN I Điện An hỗ trợ một ít lúa để bán đóng thuyền. Những cụ có kinh nghiệm đua thuyền thì luyện tập cho số thanh niên về kỹ thuật bơi, kỹ thuật chèo xeo. Người tặng vài lon gạo, người hái rau bí trong vườn đem đến cho các tay bơi bồi dưỡng chuẩn bị tham gia đua thuyền truyền thống. Hội đua thuyền của thôn gồm 2 đội nam, nữ nhiều lần tham dự giải đua truyền thống ở huyện và Đà Nẵng được mọi người ngưỡng mộ và khâm phục.

       Theo gương các cụ cao niên, các thế hệ sau cũng đã giữ gìn và phát huy phong trào đua thuyền truyền thống của người xứ vạn. Không như các môn thể thao khác, đua thuyền là môn thể thao có tính tập thể và tính cộng đồng cao. Người xóm vạn ai muốn tham gia và có sức khỏe, bơi tốt đều được chọn vào đội đua. Trong các gia đình tham gia môn đua thuyền có lẽ phải kể đến các gia đình ông Ngô Tâm, ông Phạm Xáng, ông Lê Tam, ông Phạm Hiên đều có 2-3 thế hệ vào đội đua thuyền, là những người bơi chính trong đội đua thuyền nam và đội thuyền nữ như anh Ngô Chựng, chị Ngô Thị Luận, mỗi lần tham dự giải dù bận đến mấy đều phải tham gia bởi các anh, các chị - những tay chèo có kinh nghiệm nhất được anh em trong đội tin tưởng. Tuy nhiên, khi đua còn phụ thuộc vào chiếc thuyền đua, thuyền có nhẹ, có rẽ nước vượt lên theo ý của người bơi hay không cũng là chuyện mà mỗi Hội đua thuyền cần phải cân nhắc tính toán. Sau năm 2000, thể lệ thi đấu thay đổi nên các thuyền đua của Câu Nhi Đông cũng không được sử dụng do không phù hợp. Hiện nay khi tham gia lễ hội đua thuyền thường phải đi thuê thuyền nơi khác. Nay cụ ông Ngô Tâm đã vắng xa, chỉ còn vợ là cụ bà Phạm Thị Tráng năm nay đã hơn 90 nhưng có ai nhắc đến đội đua là cụ lại nhớ từng chi tiết.

       Anh Nguyễn Bảy - đội trưởng đội đua thuyền Câu Nhi cho biết, ngày trước, đội đua thuyền Câu Nhi Đông thường lấy tên Đội đua thuyền Điện An để tham dự các lễ hội đua thuyền trong tỉnh và thành phố Đà Nẵng, các đội bạn nghe thuyền Điện An là khớp vì luôn giành giải cao. Về sau, khi cuộc sống dần thay đổi, người dân vạn chài không còn gần gũi với sông nước như xưa, không còn cảnh sáng chèo thuyền đi, tối chèo về mà phải lên bờ tìm việc làm với bao lo toan cơm áo, gạo, tiền. Việc Hội đua thuyền Câu Nhi Đông giữ được các đội đua cũng đã là sự cố gắng lắm bởi phải tổ chức tập luyện cho con bơi, phải có kinh phí bồi dưỡng, rồi thuê thuyền đua, thuê thêm con bơi cho đủ số lượng bởi con bơi của Câu Nhi Đông bây giờ đã giảm do lớn tuổi hoặc đi làm ăn xa.

       Ngày xưa, ý nghĩa của lễ hội đua thuyền như một lễ cầu may, hé mở những điều an lành trong năm mới. Là một hoạt động văn hóa và đồng thời là tín ngưỡng linh thiêng, lễ hội đua thuyền không chỉ là cuộc thi, mà còn là cơ hội để mọi người tận hưởng niềm vui, gần gũi nhau hơn, đi vào tiềm thức của bao cư dân vùng sông nước và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số thuyền đua nức tiếng một thời nay chỉ còn trong ký ức trong đó có đội thuyền đua Câu An Vạn. Ước mơ được gìn giữ những giá trị truyền thống của bà con xóm vạn Câu Nhi Đông (nay là Câu Nhi, phường Điện An) không dễ có được nhưng bà con vẫn hy vọng sẽ có ngày tên gọi thuyền đua được hô vang ở lễ hội đua thuyền như những năm về trước.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019572373
Hôm nay
Hôm qua
6596
7395