Du lịch trải nghiệm ở nông thôn đang là xu hướng được du khách quan tâm, cũng là điều nhiều người làm du lịch đang hướng tới và một trong những hình thức du lịch nông thôn phổ biến là du lịch cộng đồng. Để những vùng quê vốn yên bình trở thành điểm đến thu hút không đơn giản và có thành công hay không thì sự quyết định là chủ thể - người dân ở đó. Tại một số địa phương ở Điện Bàn, những người nông dân xưa nay chỉ gắn bó với đồng ruộng, quanh năm trông chờ vào thu nhập từ cây lúa, cây rau giờ đây đã bắt đầu làm du lịch, bắt đầu từ những gì vốn có của vùng đất họ sinh ra và lớn lên.
Đã mấy năm nay, người dân xã Điện Phong đã quá quen thuộc hình ảnh những vị khách nước ngoài đạp xe trên những con đường làng và cùng làm những công việc của nhà nông tại nhà anh Nguyễn Tấn Pháp ở thôn Tân Thành.
Những vị khách đến từ nhiều nước luôn tỏ ra thích thú khi trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Người nông dân Nguyễn Tấn Pháp trong vai trò hướng dẫn viên du lịch đã đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi cùng anh trải nghiệm những hoạt động của nhà nông.
Sinh ra từ làng quê, từ nhỏ đã chứng kiến sự nghèo khó, vất vả của ba mẹ và bà con trong làng, phơi mình giữa nắng trưa hè hay tê tái buốt lạnh khi dầm mình dưới nước trong những ngày đông lạnh giá, Pháp thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề nông. Và càng gắn bó với người nông dân, Pháp nhận ra mình yêu cuộc sống nông thôn này quá đỗi. Với mong muốn làm ra sản phẩm tự nhiên, không dùng bất cứ loại phân hóa học nào trong nông nghiệp, ban đầu anh cùng các bạn của mình trồng rau hữu cơ cung cấp cho bà con trong vùng và các thành phố Đà Nẵng, Hội An. Công việc này đã mang lại cho anh lợi nhuận không nhỏ bởi dùng thực phẩm sạch đang là nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng. Nhưng rồi cơ duyên đã đưa anh đến với du lịch làng quê từ những buổi chiều anh lang thang đạp xe ở Hội An sau ngày dài lao động mệt mỏi. Pháp biết rất rõ thành phố này có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng quê anh lại có những nét đẹp rất riêng mà nơi khác không có, tại sao lại không làm du lịch từ những sản phẩm của địa phương? Và anh mạnh dạn rẽ sang con đường mới.
Đầu tiên, Pháp thuyết phục ba mẹ cho phép việc chọn ngôi nhà nhỏ và khu vườn của mình làm điểm du lịch, giữ nguyên vẹn những gì vốn có của ngôi nhà như tường xây không quét nước vôi, nền đất, hiên nhà được lợp bằng tranh rạ. Dành khoảng đất trống trong vườn chia thành luống để khách trải nghiệm một ngày làm nông dân. Du khách tỏ ra thích thú khi được khoác lên mình bộ bà ba, đội nón lá và làm vườn. Chái hiên là những phên tre và bên trên lợp bằng rơm rạ, Pháp bố trí bếp, chén bát và các nguyên liệu sẵn có của mình để khách tự tay nấu những món ăn của địa phương. Những buổi chiều gió lộng, Pháp đưa khách đạp xe quanh làng rồi ra bến đò xuống ghe để thả lưới bắt cá, sản phẩm thu được mang lên bờ nhóm lửa nướng thơm lừng để khách và chủ nhà cùng thưởng thức. Khách đến đây không chỉ học làm vườn, tham gia trải nghiệm cuộc sống miền quê mà muốn nghe câu chuyện về một chàng trai làm du lịch khi không hề có chút kiến thức về du lịch và gặp không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ. Pháp đã làm du lịch bằng một tình yêu dành cho làng quê của mình, đó là mái tranh rơm rạ, là mái chèo khua nước bên bến sông, là không gian nhà yên tĩnh.
Và một tin vui đến với người dân làng Cẩm Phú (xã Điện Phong) đó là cuối năm 2024, UBND thị xã Điện Bàn ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại làng Cẩm Phú – Gò Nổi” giai đoạn 2024 – 2025 với hơn 1tỷ đồng hỗ trợ người dân Cẩm Phú tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch. Dự án được Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình thị xã Điện Bàn triển khai thực hiện vào cuối năm 2024 và 2025. Các hoạt động được người dân háo hức đón nhận, khai thác giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch tại làng, các kiến thức, kỹ năng về ẩm thực và pha chế nhằm phục vụ khách du lịch, toạ đàm, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú không rác thải nhựa…, đến tổ chức famtrip, kết nối doanh nghiệp đầu tư, đưa khách về…Người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng hô hát bài chòi, các làn điệu dân ca, cách thức tổ chức trò chơi bài chòi, phương pháp tổ chức, duy trì hoạt động CLB/ Nhóm bài chòi dân gian. Ban ngày vất vả với công việc đồng áng thế nhưng đêm xuống những người dân Cẩm Phú tập trung tại nhà sinh hoạt tập luyện đàn hát dân ca, không khí nhộn nhịp, vui vẻ.
Về phía địa phương, lãnh đạo xã Điện Phong rất phấn khởi khi các hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian gần đây được Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã tổ chức thường xuyên tại làng Cẩm Phú. Chính Chủ tịch UBND xã Dương Hiển Công và Phó Chủ tịch Phan Phước Trung là những hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhất với mong muốn người dân tiếp cận và đồng hành, tìm ra chất liệu tốt nhất để làm nên sự khác biệt của sản phẩm, thuyết minh cho du khách giá trị sản phẩm của mình. Đó cũng là cách để sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của người nông dân được đánh giá cao.
Tại Triêm Tây (phường Điện Phương), du khách mỗi khi đến đây mê mẩn vẻ đẹp dân dã của làng và càng ấn tượng với cô hướng dẫn viên nhỏ nhắn, nhanh nhẹn Đỗ Thị Thiện Chơn mà khách thường gọi bằng tên thân mật: Út Chơn. Là người bản địa, am hiểu quê mình, lại sẵn tính thật thà, mến khách, những câu chuyện của Út Chơn mộc mạc, chân tình mang đến cảm giác bình yên và thú vị cho du khách.
Những người dân quê đã và đang cùng nhau làm du lịch, dựa vào sự bình yên vốn có của làng quê, vào những giá trị văn hóa được hun đúc, giữ gìn qua nhiều thế hệ với mong muốn mỗi nông dân đều là một hướng dẫn viên giới thiệu vẻ đẹp quê hương với du khách và chính người dân được hưởng lợi từ du lịch. Khi chính nông dân tổ chức các chương trình trải nghiệm thì rất cuốn hút vì du khách được tiếp cận gần nhất với đời sống nông thôn, nông dân địa phương, cảm nhận được những nét đẹp đời thường của văn hóa bản địa.
Huyền Chi
Tin mới
Các tin khác
- Bài viết: Nhớ tết quê xưa - 03/02/2025 04:09
- Bài viết: Quê hương trong tâm hồn người xa xứ - 03/02/2025 03:58
- Bài viết: Sắc Xuân trên quê hương Điện Quang - 03/02/2025 03:14
- Bài viết: Ấm áp những ngôi nhà đại đoàn kết tại xã Điện Trung - 03/02/2025 03:01
- Bài viết: Hội đua thuyền Câu An Vạn ngày ấy - 03/02/2025 02:57