Tháng Giêng bắt đầu bằng chút tiếc nuối, hụt hẫng khi mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh. Ai cũng còn cảm giác lâng lâng khó tả, lãng đãng bỏ lại sau lưng chút dư vị của 3 ngày Tết. Tháng Giêng cũng là tháng bao cảm xúc ùa về khi những đứa con khăn gói lên đường học hành, mưu sinh.
Không kể những lần Tết hay giỗ chạp, chị Lê Kim Thoa, người con Điện An đang sinh sống ở TP.HCM, mỗi lần nhận điện thoại từ quê nhà mẹ ốm thì chị bỏ hết công việc, chồng con xách ba lô mà về Quảng Nam. Bao lần mấy anh chị em dỗ dành mẹ sống cùng con cháu để tiện chăm sóc nhưng người già mấy ai chịu theo con cái ra phố, chỉ mong muốn ở trong chính căn nhà xưa để hương khói ông bà nên những đứa con xa đành chiều theo ý mẹ mà ruột gan bời bời nỗi lo.
Cùng tâm trạng với chị Vân, anh Lê Thạnh (quê Điện Phương) cũng có cha, mẹ già yếu ở quê. Nhà cửa, công việc ổn định trong nam, con cái đều học hành ở phố không thể bỏ hết về chăm cha mẹ nên năm lần, bảy lượt anh nhẫn nại năn nỉ cha mẹ vào sống cùng con cháu nhưng không cách gì thuyết phục được. Người già như chuối chín cây, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà nên có lúc anh phải nghỉ việc hằng tháng trời để về quê chăm cha mẹ. Khi cha mẹ khoẻ hơn, anh lại vội vã ra đi, mang theo bao nỗi lo và cha mẹ anh thì ngày đêm thương nhớ.
Trong 12 tháng thì tháng Chạp và tháng Giêng đặc biệt nhất. Trong không gian, thời gian ấy, giúp ta nhận ra nhiều thứ, là những gì đã đánh mất, những gì đã lãng quên, những gì đang trân quý. Tháng Giêng cứ thế đến và đi đong đầy những hơi ấm của người thân dù ngoài trời có chút lạnh của những cơn mưa xuân.
Không còn những rạo rực nồng nàn của những ngày cận Tết, tháng Giêng vội vã đến như những ngày cuối Chạp vội đi. Vài giọt nắng rơi khẽ sau chái bếp, chỗ mẹ hay ngồi vo gạo. Chưa kịp ôm mẹ ngủ tròn giấc bởi bao bận rộn lo toan, những đứa con lại phải khăn gói vào nam, ra bắc học hành hoặc mưu sinh. Những cuộc ra đi mà ai cũng mong chờ mau đến Tết để được trở vể. Dáng tất tả chạy theo của cha, ánh mắt mẹ nhìn theo nhạt nhoà nước mắt, nắng đã lên cao vẫn không đủ sưởi ấm lòng mẹ khiến những đứa con xa muốn bỏ hết hành trang quay lại căn bếp ấm nhưng rồi vẫn đành đoạn bước đi vì tương lai còn phía trước.
Hành trang cho những đứa con, mẹ gói kỹ mấy đòn bánh tét, lá chưa kịp trở màu để con mình mang theo bếp lửa ấm nồng ba ngày Tết. Chỉ vài ngày trước, mẹ còn hì hụi băm củ hành tím ướp thịt, chờ than hừng, nóng vỉ, nướng thịt ba chỉ con ăn. Những đứa con dù đã trưởng thành nhưng vẫn bé bỏng trong mắt mẹ ngồi chồm hổm quanh bếp than hồng bốc lát thịt nướng thổi phù phù trong cái se lạnh những ngày đầu Xuân. Hình ảnh ấy đã làm mẹ tìm về ký ức, những ngày tháng vất vả trăm bề mà đến Tết vẫn thiếu thốn, con trẻ kéo ống quần mẹ đòi mẹ mua bánh kẹo, áo mới.
Mẹ bước chậm ra sau hè. Đám con lại tíu tít chạy theo, con thích món cải ngọt nấu chua, con thích rau sống có lá tỏi. Mẹ bảo canh chua mẹ nấu có thể thiếu bạc hà, me hay ngò tàu nhưng nhất định không thiếu cay nồng của cải. Thành phố nơi các con ở có thiếu món nào đâu nhưng các con hay mơ về khóm rau mẹ chăm sóc, chỉ có cải của mẹ thả vào nồi canh chua mới ngon. Món canh lõng bõng con húp mỗi ngày nơi xa lạnh như hơi thở người dưng. Cải của mẹ, cải của lưng còng bao ngày ngồi xổm trên đất tỉa từng lá sâu, phẩy từng giọt nước mát, làm dịu hơi nắng cuối tháng Chạp, mới thật đậm đà. Mẹ chăm chút từng cây nhỏ, gửi hết thương yêu, trông đợi, nhắc nhớ để con về, sà vào vườn rau mà nghe cải rủ rỉ, rù rì. Ra đời, đứa nào đứa nấy chịu nhiều áp lực, va vấp, ưu phiền đến bải hoải nhưng chỉ cần nghe mùi rau cỏ trong vườn mẹ thì tất cả đều tan biến.
Rồi những ngày xuân sà trên lộc biếc, không muốn đi đâu, gặp ai, chỉ muốn sà vào lòng mẹ mà ôm, mà hít hương thơm bồ kết trong tóc mẹ. Trong giấc mơ của con, buổi sớm mai theo mẹ ra chợ bán vạn thọ và cúc, có cả những đứa bé ra canh chừng cho ba mẹ về ăn cơm. Mấy chậu vạn thọ, cúc đại đoá che cả người những đứa trẻ, chỉ lộ ra gương mặt bầu bĩnh, ánh mắt trong veo và nụ cười hiền lành.
Thoắt đã hết Tết, cứ trông mong thời gian chậm lại cho những đứa con xa gần mẹ cha thêm chút nữa, bếp lửa cũng không còn nồng, mấy que củi cháy dở vùi trong đống tro từ hôm qua.
Bao nhiêu năm rồi, những đứa con xa vẫn cứ thủ vai người ra đi trong bộ phim “Đi, ở, nhớ, về” chưa có tập cuối. Còn mẹ, đằng đẵng bên kia con dốc đời. Mỗi năm, mỗi Tết. Một lần Tết, vài ngày mà tưởng như có hai mùa đi qua trên mái tóc mẹ. Mùa Trở về và Mùa Ra đi. Ngày về, mẹ mừng vui gỡ ba lô trên vai con và chỉ sau vài ngày lại lủi thủi sửa soạn hành lý cho con lên phố. Hễ thêm “hai mùa” đi qua, tóc mẹ thêm bạc. Nhìn mẹ vo những sợi rụng mà rối cả lòng con.
Hết Tết, những đứa con xa lại í ới hỏi nhau ngày nào đi, lòng mẹ cha trĩu nặng bao nhiêu thì lòng con rối bời bấy nhiêu. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, đành gạt nước mắt mà đi, ráng cày cuốc để Tết sau trở về.
Ngày con đi, ngồng cải đã vươn dài, xanh xao, bịn rịn rướn theo bóng con, mẹ cha bần thần đứng giữa lam chiều quay quắt nhớ. Nắng tháng Giêng rọi xuống thềm nhà nhưng không thể nào sưởi ấm lòng mẹ cha, chỉ còn biết mong chờ ngày tháng trôi mau để con cái trở về quây quần quanh nồi bánh tét. Sau những ngày ôm ấp những đứa con hồi hương thì những ngày tháng Giêng lại tiếp tục làm những cuộc chia ly để lại hẹn ngày trở về!
Huyền Chi