0235.3867334

Bài viết: Nhớ tết quê xưa

       Xã hội phát triển, cách đón Tết Nguyên đán cổ truyền của người dân nhiều nơi cũng dần có sự thay đổi. Song, “Tết quê”, Tết truyền thống cùng với những nét riêng độc đáo vẫn còn mãi trong tiềm thức của không ít người, nhất là lớp người lớn tuổi…Không sung túc, đủ đầy như bây giờ, nhưng những cái Tết ấy luôn là miền ký ức không thể nào lãng quên, là một thời để nhớ, là nơi để ai đó khát khao tìm về.

       Mỗi khi xuân về Tết đến, phố phường nhộn nhịp, người và xe ngược xuôi trên đường đông đúc hơn. Ai cũng vội vã tất bật. Ngắm nhìn mọi người qua lại trong những ngày cận Tết, bất giác tôi lại nhớ Tết quê ngày ấy.

       Ngày xưa, để có cái Tết ấm cúng, sum vầy, đoàn viên, người dân quê tôi âm thầm chuẩn bị từ trước. Heo để thịt ăn tết được các bà các cô trong xóm bàn thảo, phân công người nuôi lúc cấy vụ hè thu. Gà, vịt thì mỗi nhà tùy theo khả năng của mình mà “gầy đàn” từ thời điểm đó. Bước sang tháng Chạp, công việc chuẩn bị cho cái Tết của mỗi gia đình càng khẩn trương hơn.

       Rồi hạ tuần tháng Chạp ập tới. Đó cũng là lúc mọi người mọi nhà hối hả chạy đua với thời gian sắm sanh các loại bánh mứt. Xuân về Tết đến là dịp để các gia đình thi thố tài năng thực hành nữ công gia chánh. Gạo nếp đem ngâm vuốt nước để ráo rồi xay giã thành bột gói bánh. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó nhà tôi cũng như bao nhà khác làm khá nhiều bánh. Nào bánh in, bánh da, bánh tét, bánh ú. Rồi các loại mứt “cây nhà lá vườn”. Nào mứt dừa, mứt gừng. Nào mứt bí đao, mứt khoai lang ruột đỏ. Với sự hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc” của các mẹ, các chị, 25, 26 âm lịch bánh mứt đã đâu vào đấy cả rồi, bọn trẻ con như tôi đã háo hức đếm ngược từng ngày đón tết.

       Thời gian như cánh thoi đưa. 28 tết. Cả xóm chộn rộn hẳn lên. Tiếng gà cục ta cục tát đó đây. Tiếng heo kêu eng éc vang vọng khắp nơi. Đường làng tấp nập người qua lại nói cười hỉ hả. Họ đến nhà nuôi heo đặt trước đó để chia phần dặn từ trước, đem về ăn Tết. Tục lệ này có từ bao giờ tôi không rõ và nhưng tôi cảm nhận nó mang đầy tính nhân văn. Bởi khi bàn thảo giao cho ai đó trong nhóm nuôi heo, các thành viên trong nhóm yên tâm cận Tết mổ heo lấy thịt đem về chế biến các món tùy thích. Và nữa, trước khi xách những xâu thịt heo về nhà, mọi người được gia chủ đăng cai thết đãi món cháo lòng thơm ngon kèm những ly rượu quê tuyệt hảo. Vì thế, Tết ở quê đầy ắp tình làng nghĩa xóm.

       28 tết, những gia đình trong xóm tôi cũng tất bật trang trí cây cảnh trong nhà. Những chậu vạn thọ được các gia đình ươm trồng từ tháng 10 âm lịch, giờ đã bông búp xum xuê, bốn chậu to được để trước hiên nhà. Trong gian phòng khách nhỏ, một cành mai tết được mẹ cắm trong lọ, góc kia lại có một lọ hoa lay ơn, sáng bừng không khí xuân về…

       Tết, những hủ dưa kiệu mẹ làm, hủ thịt muối, nồi bánh tét được vớt ra còn nóng hổi thơm mùi nếp mới chiều cuối năm. Tầm 28 - 29 tháng Chạp, ang gạo nếp thơm lừng được mẹ đem ra ngâm, để ráo, những tàu lá chuối sứ lành lặn được lau chùi sạch sẽ để bó nếp, buộc cẩn thận bằng những cọng lạt bằng cật tre chẻ nhỏ. Bánh được sắp vào cái nồi to, đổ nước xâm xấp, rồi bắt lên kiềng ông Táo, chụm suốt một ngày một đêm liền. Những đòn bánh tét thơm lừng vừa ra lò một ít được dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên, một phần để ăn tết, một phần thường là quà gửi bà con phương xa về ăn tết. 

       Tôi vẫn còn nhớ như in đêm Ba mươi Tết ở quê. Làng trên xóm dưới nhà nào cũng có bếp lửa nấu bánh tét bập bùng cháy sáng trước sân. 11 giờ đêm, ba tôi vớt những đòn bánh tét ra khỏi nồi rồi vào rửa ráy chân tay, thay quần áo thắp hương trên bàn thờ khấn vái gia tiên.

       Bây giờ xã hội ngày càng phát triển Và Tết ở quê tôi cũng đã có nhiều đổi thay. Mọi người mọi nhà không còn tất bật lo toan sắm Tết cả tháng trời như xưa. Bởi các loại bánh mứt được bán đầy ở các chợ quê. Ngay cả bánh tổ, bánh tét cũng không thiếu. Cận Tết, người dân quê tôi chỉ cần bỏ ra một buổi đi chợ  là coi như đã sắm xong tất cả thực phẩm cho cả nhà vui xuân đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Sự tiện lợi và đầy đủ “không thiếu thứ chi” trong việc mua sắm Tết bây giờ lại khiến tôi bâng khuâng nhớ những cái Tết ở quê của một thời chưa xa. Cực nhọc vất vả nhưng mà vui. Càng “ôn cố” tôi lại càng nhớ thời thơ ấu đã qua từ lúc nào rồi.

       Và còn nữa, những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn hẳn không thể nào quên khi xuân về Tết đến là sáng Mùng 1 Tết, những cô bé cậu bé xúng xính trong bộ quần áo mới, giày dép mới, nón mũ mới, tay cầm những chiếc bong bóng đủ màu xanh, vàng, đỏ, tím… lon ton theo cha mẹ trên đường về nội về ngoại chúc phúc ông bà nhân dịp năm mới. Với riêng tôi, hình ảnh những cô bé cậu bé xinh đẹp như thiên thần, gặp ai cũng lễ phép vòng tay chào rồi nhoẻn cười thật tươi, luôn khắc sâu trong tâm khảm mình. Bởi các cô bé cậu bé đã góp phần làm cho cái Tết ở quê thêm sinh động và đầy màu sắc mùa xuân.

       Tết những năm xưa ấy, những đứa trẻ như tôi luôn mơ tết. Tết có quần áo mới, có bánh trái tha hồ ăn, được đi chơi nhiều ngày dài, lại có phong bao lì xì đầu năm... Đã qua rồi những cái tết đám trẻ con trong xóm kéo nhau rồng rắn đi các nhà đầu thôn cuối xóm. Dẫu nghèo, dẫu khó, dẫu trong năm xóm giềng cũng có chuyện này, chuyện kia nhưng ngày tết, ai nấy đều chín bỏ làm mười. Bọn choai choai như chúng tôi đi khắp thôn này thôn nọ, xã này xã nọ chơi tết mà chẳng biết mệt. Chẳng xe xịn, chẳng điện thoại, tình bạn trong trẻo, hồn nhiên.

       Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ, nghỉ ngơi, vui chơi. Tết còn ăm ắp kỷ niệm, là miền ký ức không bao giờ quên. Giờ cuộc sống hiện đại, nhưng khó nhất sẽ là không thể có không khí rộn ràng khi xưa.

       Có lẽ vì thế, những cái Tết cứ lặng lẽ trôi qua, năm nay hay năm sau cũng không quá nhiều khác biệt. Những năm tháng nhọc nhằn giờ nghĩ lại chính là thời có những cái Tết vui nhất, tình cảm ấm áp nhất.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019572283
Hôm nay
Hôm qua
6506
7281