Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tối ngày 1.3, UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức chương trình Đêm hội quê nhà. Thông qua chương trình nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống - trong đó có nghệ thuật tuồng xứ Quảng. Tham dự chương trình có ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và du lịch Tỉnh; ông Trần Úc, PBT Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; ông Nguyễn Minh Hiếu, UVBTV, Bí thư đảng uỷ phường Vĩnh Điện; Thượng tá Phạm Văn Hùng, UVBTV, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị xã, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, PCT UBND thị xã; bà Trần Thị Hà, PCT UBMTTQVN thị xã cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan, lãnh đạo 20 xã, phường trên địa bàn thị xã.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại chương trình Đêm hội quê nhà
Để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương của nghệ thuật tuồng đến với các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh, chiều ngày 1.3, Ban tổ chức đã tổ chức hội thi vẽ mặt nạ tuồng dành cho các em học sinh trường Tiểu học Phạm Phú Thứ cũng như du khách tham quan.
Các em học sinh hội thi vẽ mặt nạ tuồng
Ban tổ chức đã chọn 26 em học sinh trường Tiểu học Phạm Phú Thứ và 04 du khách tham gia hoạt động trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng. Thông qua các mặt nạ tuồng mẫu ban tổ chức đã bố trí, các em học sinh và du khách vẽ trên mặt nạ trắng bằng các cọ màu do Ban tổ chức cung cấp. Việc chọn mẫu mặt nạ nào để vẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn, cảm nhận, sự yêu thích riêng của các em học sinh dự thi.
Trong nghệ thuật Tuồng, mặt nạ là công cụ biểu diễn vô cùng quan trọng của các nhân vật. Có thể nói, mặt nạ Tuồng là yếu tố tạo nên cái hồn, cái chất của bộ môn này, tạo nên ấn tượng lớn cho khán giả. Cũng như các yếu tố khác trong Tuồng, chiếc mặt nạ cũng mang một yếu tố ước lệ, tượng trưng độc đáo. Trên sân khấu, chiếc mặt nạ phải được vẽ thật đậm, đường nét phải rõ ràng để có thể khắc họa nên cá tính của nhân vật và tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sĩ. Nhờ những khuôn mặt này, khán giả có thể biết ngay được tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật ngay từ khi diễn viên mới bước ra sân khấu.
Các em học sinh trường Tiểu học Phạm Phú Thứ trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng
Đến với chương trình, các em học sinh và du khách được trải nghiệm tự tay vẽ những chiếc mặt nạ Tuồng đầu tiên trong cuộc đời. Bằng các nét vẽ, họa tiết, các em học sinh và du khách sẽ biết nhiều hơn đến Tuồng và yêu những nét đẹp truyền thống do cha ông để lại.
Qua 30 phút với sự hướng dẫn theo dõi của các nghệ nhân, họa sĩ, giáo viên, đặc biệt là với khả năng cảm thụ hội họa, tinh thần cảm nhận, yêu thích cái đẹp, cái hay từ những tác phẩm mặt nạ tuồng, các em học sinh trường Tiểu học Phạm Phú Thứ đã hoàn thành các tác phẩm mỹ thuật đầy cá tính và màu sắc.
Ban tổ chức đã lựa chọn 05 tác phẩm xuất sắc nhất trong số 26 tác phẩm của các em học sinh để trao thưởng. Các tác phẩm xuất sắc đạt hiệu quả thẩm mỹ trong đường nét, màu sắc đậm nhạt rõ ràng; Tạo được sắc thái cho từng nhân vật trong mẫu mặt nạ tuồng và đảm bảo thời gian theo yêu cầu của Ban Tổ chức.
Ban tổ chức trao giải cho 5 tác phẩm xuất sắc nhất
Để lan tỏa tình yêu nghệ thuật văn hóa dân gian đến các em học sinh và du khách, dịp này, Ban tổ chức đã tặng các em các tác phẩm đã tham gia hội thi như một phần quà lưu niệm.
Nằm trong chuỗi các hoạt động chương trình Đêm hội quê nhà, nhằm bảo tồn và phát triển môn võ thuật cổ truyền và xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức ra mắt sản phẩm Võ cổ truyền phục vụ du lịch.
Đông đảo khán giả đến xem đêm hội quê nhà
Võ thuật cổ truyền Việt Nam là môn thể thao truyền thống của dân tộc, nó mang bản sắc văn hoá riêng của Việt Nam; gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã có những đóng góp công sức quan trọng trong quá trình chống giặc ngoại xâm.
Võ cổ truyền ở thị xã Điện Bàn đã được hình thành khá sớm, ngay từ đầu Thế kỷ XVII, đến những năm đầu của thế kỷ XX, võ cổ truyền phát triển khá mạnh, thời kỳ này nhiều võ đường như: Long Xà ở làng Châu Bí - Điện Tiến, Tứ Phụng – xã Điện Trung, Ngũ Long Quyền – xã Điện Phong đã có những võ sĩ lừng danh trong cả nước.
Tiết mục biểu diễn lân sư rồng do đội Dinh Trấn Võ biểu diễn
Tại chương trình các đại biểu và du khách được xem biểu diễn Trống hội và múa lân; múa cờ, biểu diễn roi trường; đấu luyện; công phá; biểu diễn lân sư rồng…
Nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật tuồng xứ Quảng, trong chuỗi các hoạt động chương trình Đêm hội quê nhà , Uỷ ban nhân dân thị xã Điện Bàn phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức chương trình Đêm Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Trích đoạn Tuồng “Đi sứ” trong chương trình Đêm Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cũng là mục tiêu định hướng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư các thiết chế văn hóa, thị xã Điện Bàn đã tạo điều kiện cũng như tổ chức tốt các hoạt động để phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và kết nối để phát triển du lịch địa phương. Thị xã đã tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện, các hoạt động văn hóa văn nghệ lớn và tham gia đạt giải cao các chương trình hội thi, hội diễn ở tỉnh.
Trích đoạn Tuồng Mẹ Đốp biểu diễn tại đêm Tuồng
Tại chương trình, Khán giả được dự xem biểu diễn tuồng và chương trình văn nghệ với các bài biểu diễn: Múa cờ - Trình tường; trích đoạn Tuồng “Đi sứ”; trích đoạn Tuồng Mẹ Đốp; “Thoại Khanh – Châu Tuấn”; các tiết mục văn nghệ do Đội văn nghệ phường Điện Phương biểu diễn…
Chương trình đã lan tỏa sự quan tâm và niềm yêu mến đối với nghệ thuật Tuồng - văn hoá truyền thống đến với nhân dân.
Thu Hằng – Yến Nhi