0235.3867334

      Công tác chữ thập đỏ (CTĐ) của trường THPT Hoàng Diệu thời gian qua đã phát triển sâu rộng mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh; từ đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức, bồi đắp thêm lòng nhân ái cho thế hệ học sinh trông nhà trường về tinh thần tương thân tương ái.

      Vào những giờ sinh hoạt ngoại khóa hoặc khi nhà trường phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội CTĐ tổ chức như: hiến máu nhân đạo, “Xuân yêu thương - Tết nhân ái”, các thầy, cô giáo Trường THPT Hoàng Diệu thường phổ biến, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của các chương trình, hoạt động CTĐ cho học sinh biết và tham gia. Hưởng ứng phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhà trường đã kêu gọi đóng góp của cán bộ, giáo viên và học sinh, sự ủng hộ, tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… để có nguồn quỹ giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiểu rõ ý nghĩa hoạt động thiện nguyện, học sinh của trường và các thầy, cô giáo cùng phụ huynh đã nhiệt tình ủng hộ. Dịp đầu năm mới vừa qua, phụ huynh, hội đồng sư phạm, hội chữ thập đỏ nhà trường; đoàn viên thanh niên đã tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ - Nâng bước em tới trường” quyên góp giúp đỡ hỗ trợ em Trương Thị Ánh Nhi - Chi đoàn lớp 10/8 với tổng số tiền hơn 37 triệu đồng.

      Trong dịp khai giảng năm học 2024 - 2025, nhà trường đã trao tặng 53 suất học bổng với tổng kinh phí 31 triệu đồng. Chương trình “Xuân yêu thương - Tết nhân ái” vào dịp Tết nguyên Đán Ất Tỵ 2025, phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ nhà trường đã vận động từ các mạnh thường quân, các cựu giáo viên, cựu học sinh của trường đóng góp, trong đó như Thầy giáo Trần Thành và cô giáo Huỳnh Thị Can - cựu giáo viên nhà trường, Cựu học sinh lớp 12A khóa 19, Thầy Đinh Văn Đệ - Phụ trách trường cao đẳng Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh)… với số tiền hơn 51 triệu đồng để tặng quà cho 77 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Đây là việc làm vô cùng có ý nghĩa, là hoạt động hỗ trợ thường niên của Trường THPT Hoàng Diệu nhằm động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đón tết thêm ấm áp; đồng thời khơi dậy giá trị đạo đức, giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thu hút sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ, động viên giữa học sinh với nhau. Bên cạnh đó, nhà trường muốn truyền tải thông điệp với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn rằng: không một ai bị bỏ lại phía sau.

      Cùng với các hoạt động quyên góp, gây quỹ; thời gian qua, Hội CTĐ trường Hoàng Diệu phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và các kỹ năng khác cho giáo viên phụ trách CTĐ, các tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ xung kích, cũng như đưa nội dung, kiến thức đó vào chương trình ngoại khóa của trường. Mỗi năm cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tình nguyện viên nhà trường đều đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện tại các đợt hiến máu do Hội Chữ thập đỏ thị xã phát động.

      Có thể nói, hoạt động CTĐ trong trường học không chỉ là cầu nối những tấm lòng thiện nguyện với hoàn cảnh khó khăn, mà còn là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng nếp sống đẹp, lối ứng xử văn minh. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức, hoàn thiện nhân cách cũng như kỹ năng sống cho các em học sinh, sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và Hội chữ thập đỏ trường THPT Hoàng Diệu đã và đang làm điều đó với ý nghĩa: trao những yêu thương đến mọi người.

Tào Ka

      Khu dân cư khối phố Thanh Quýt 5 – phường Điện Thắng Trung, có 192 hộ và 785 nhân khẩu. Hệ thống chính trị khối phố được xây dựng vững mạnh và hoạt động có hiệu quả; trên địa bàn khu dân cư có Khu phố chợ Thanh Quýt và Quốc lộ 1A chạy ngang qua, đó là những thuận lợi trong việc kinh doanh dịch vụ và phát triển kinh tế. Nhân dân trong khối phố làm việc đa ngành nghề chủ yếu là tập trung buôn bán và làm việc tại các công ty – xí nghiệp; do đó đời sống Nhân dân ngày được ổn định.

      Trong năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước về việc xây dựng mở rộng các tuyến đường trong khu dân cư; Ban công tác Mặt trận phối hợp với Ban nhân dân và các chi Hội đoàn thể ở khối phố đã tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất vườn để mở rộng các tuyến đường trục chính dài 370m; rộng 7m5. Kết hợp với việc lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng hiện đại; Mở mới tuyến đường ngang cống hộp dài 150m; rộng 3m5, để thoát nước ở khu vực văn hoá thể thao ra sông Thanh Quýt và chỉnh trang nâng cấp các tuyến đường ngang trong khu dân cư. Xây mới lại Nhà sinh hoạt văn hoá khối phố với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Do đó diện mạo đô thị có nhiều đổi thay, khang trang sáng, xanh, sạch, đẹp. Để xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển văn minh, Ban công tác Mặt trận khối phố tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các mô hình “KDC chung tay giảm nghèo bền vững”, “KDC không còn hộ nghèo”. Mô hình “Phân loại rác thải tại nhà, thu gom rác thải” bảo vệ môi trường và được Nhân dân trong KDC tích cực hưởng ứng tham gia. Trật tự an toàn xã hội được giử vững. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát huy. Đặc biệt, Mặt trận khối phố tập trung vận động Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang – Lễ hội. Trong thời gian qua được sự chỉ đạo của Mặt trận các cấp; Ban công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền vận động bà con Nhân dân thực hiện chấp hành tốt luật hôn nhân gia đình, trước khi kết hôn phải làm đầy đủ thủ tục đăng ký kết hôn; việc tổ chức lễ thành hôn – vu quy, các gia đình đều thực hiện đúng thuần phong mỹ tục và nếp sống văn minh đô thị tại địa phương, với tinh thần vui tươi lành mạnh và tiết kiệm. Về việc Tang; mỗi khi có người qua đời, tang chủ đều trình báo với chính quyền. Ban công tác Mặt trận phối hợp với Ban nhân dân, Hội người cao tuổi và các đoàn thể thành lập ban lễ tang để cùng gia đình tổ chức lễ tang người qua đời được chu đáo trang nghiêm, trong đó vận động Nhân dân không rải tiền, vàng mã trong lúc đưa tang và việc cúng tế thì vận động các gia đình hạn chế đốt vàng mã và khi cúng phải đốt đúng nơi quy định, đồng thời nhắc nhở các hộ gia đình trong KDC không rãi đồ cúng ra đường làm mất vệ sinh môi trường, vẻ mỹ quan trong KDC; với mô hình này trong thời gian qua đã được bàn con Nhân dân chấp hành tốt.

      Đối với Lễ hội tại các nơi thờ tự, Ban công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và mỗi khi tổ chức các ngày Lễ, tế lớn có đông người tham dự thì phải có đơn trình báo về thời gian tổ chức với các cơ quan chức năng và tổ chức đúng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc, bỏ các hủ tục mê tín dị đoan; hạn chế việc cúng đốt vàng mã và khi đốt phải đúng nơi quy định.Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận khối phố còn phát động các mô hình “KDC sáng xanh sạch đẹp”, “KDC đảm bảo An ninh trật tự, không có người vi phạm pháp luật” ..vv.. đều được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

      Với những kết quả đạt được trong thời gian qua của Ban công tác Mặt trận khối phố đã góp phần xây dựng khối phố ngày càng phát triển văn minh, cùng với phường xây dựng thành công phường văn minh đô thị.

Mi Ni

       Chiều ngày 10/2/2025, Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Nam tổ chức chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tham dự chương trình có ông Trần Hải Vân – Phó bí thư thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Nguyễn Xuân Hà – UVBTV, PCT UBND thị xã; bà Trần Thị Hà – Phó Trưởng Ban Dân vận thị uỷ; bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - PCT UBMT thị xã; đại diện nhà tài trợ và 75 em học sinh được nhận học bổng.

       Tại chương trình, đại diện nhà tài trợ đã trao bảng tượng trưng số tiền 150 triệu đồng cho Hội Khuyến học thị xã, đồng thời tiến hành trao 75 suất học bổng cho 75 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thị xã. Mỗi suất trị giá 2 triệu đồng do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Quảng Nam và gia đình bà Nguyễn Thị Cùng – người con quê hương Điện Bàn tài trợ.

       Được biết, trong thời gian qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Quảng Nam thường xuyên đồng hành tài trợ các chương trình an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các gia đình nghèo, khó khăn và học bổng cho học sinh nghèo, đặc biệt thông qua Hội Khuyến học thị xã đã giúp đỡ hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Đây là những món quà ý nghĩa tiếp sức và giữ lửa cho các em học sinh khó khăn trên địa bàn thị xã được tiếp tục đến trường và học tập tốt.  

Mi Ni

 

       Năm 2024, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đã có nhiều đột phá trong công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại: Máy citi scaner 256 dãy- 512 lát cắt, máy Cộng hưởng từ 1,5 tesla, máy Chụp mạch máu số hóa xóa nền để chụp can thiệp các bệnh lý mạch máu, van tim…

     Năm qua bệnh viện đã đầu tư hàng loạt thiết bị y tế hiện đại với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng như: Máy Pico laser, siêu âm xách tay, xe chụp X quang lưu động, Máy xử lý mô bệnh phẩm, Máy vùi đúc mô bệnh phẩm, Máy nhuộm tiêu bán tự động… nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu dịch vụ y tế của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, bệnh viện Vĩnh Đức đã có sự cải tiến về nhiều mặt tạo ra hình ảnh mới mẻ, gần gũi góp phần tạo ra sự an tâm, tin tưởng đối với bệnh nhân.

       Năm qua, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đã có bước đột phá lên tầm cao mới trong lĩnh vực thẩm mỹ. Bệnh viện khai trương Đơn vị Phẫu thuật tạo hình – Chăm sóc da – Thẩm mỹ và tiên phong ứng dụng công nghệ Laser PicoStar - một biểu tượng đỉnh cao toàn cầu trong điều trị sắc tố da và trẻ hóa làn da.

       Đây không chỉ là bước nhảy vọt trong y học thẩm mỹ mà còn khẳng định tầm vóc của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức - như một trong những điểm đến hàng đầu tại miền Trung cho những ai muốn trải nghiệm công nghệ chăm sóc da đẳng cấp toàn thế giới.

       Laser PicoStar‏‏ là một thiết bị thẩm mỹ tiên tiến, được giới chuyên môn đánh giá cao với những thành tựu nổi bật, mang đến sự đột phá trong lĩnh vực thẩm mỹ và y học hiện đại. Đây cũng được xem là thiết bị hiện đại đầu tiên được đầu tư tại khu vực miền Trung.

       Sau khi hoàn thiện hệ thống máy móc công nghệ cao hỗ trợ cho chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức tiếp tục tiến hành bước thứ hai trong hành trình hoàn thiện Trung tâm chẩn đoán kỹ thuật cao với các bệnh lý ung thư. Sự ra đời của xét nghiệm giải phẫu bệnh trở thành bước ngoặt lớn dẫn đường cho việc phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý ung thư hiệu quả ngay trên quê hương Điện Bàn. Từ đó giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí, chủ động trong chăm sóc và điều trị sức khỏe bản thân và gia đình.

       Tại bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức hiện nay, giải phẫu bệnh được thực hiện trên những mẫu bệnh phẩm tế bào và sắp đến là bệnh phẩm mô từ các cơ quan trong cơ thể được sinh thiết trong quá trình nội soi, sinh thiết kim hoặc trong quá trình phẫu thuật. Thời gian cho một xét nghiệm giải phẫu bệnh hiện nay tại Vĩnh Đức là khoảng 2h đồng hồ sẽ cho kết quả. Chịu trách nhiệm chuyên môn giải phẫu bệnh được thực hiện tại khoa xét nghiệm bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức với sự tham gia của Thầy thuốc ưu tú, Thạc sỹ bác sỹ Ngô Văn Trung – Nguyên chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu bệnh - PY Trường ĐHYD Huế, kiêm trưởng khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Trường ĐHYD Huế.

       Trong năm qua bệnh viện đã kết nối với nhiều tổ chức và bệnh viện quốc tế đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Với các hoạt động chính bao gồm:  hợp tác với nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, nhà nghiên cứu và các chuyên gia y tế ở nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực y tế cho nhân viên. Bên cạnh đó, bệnh viện còn hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong các khu vực hoặc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Bệnh viện phối hợp với các tổ chức nước ngoài để tổ chức các hoạt động khám và điều trị cho người dân và cộng đồng.

       Trong năm 2024 có 7 bệnh nhân bệnh lý tim mạch ngưng tim ngưng thở được cấp cứu hồi sức và can thiêp nội mạch, đã cứu sống được 6 trường hợp.Sự quyết đoán trong chẩn đoán đi kèm tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ bác sỹ tim mạch bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đã đưa đến thành công ngoài mong đợi cho ca bệnh tưởng chừng không qua khỏi. Thành công của ca bệnh là sự phối hợp hợp lý giữa đội ngũ cấp cứu, hồi sức tích cực và can thiệp mạch. Trên nền tảng của công nghệ DSA, đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao và tinh thần không đầu hàng tình huống, ca can thiệp nong van động mạch chủ trên bệnh nhân ngưng tim ngưng thở ngoại viện đã cho thấy khả năng tự chủ kỹ thuật của bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức. Đây cũng là ca bệnh được ghi nhận đầu tiên bởi độ khó và hiếm gặp đối với khu vực miền Trung Tây Nguyên.

       Trong thời gian qua, bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngưng tim ngưng thở. Với sự hỗ trợ của phương tiện cấp cứu chuyên dụng tim mạch – đột quỵ hầu hết các ca bệnh đều được cấp cứu kịp và can thiệp kịp thời, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc. Cùng với chuyên môn kỹ thuật ngày càng nâng cao, tiếp nhận và điều trị những ca bệnh khó và hiếm gặp đã cho thấy năng lực của Trung tâm tim mạch đột quỵ bệnh viện Vĩnh Đức đã vượt xa giới hạn của một bệnh viện tuyến huyện trở thành một địa chỉ tin cậy được đánh giá chuyên môn cao của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

       Kết quả đánh giá chất lượng Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức điểm trung bình chung các tiêu chí đạt 4.25 điểm (tối đa 5 điểm).

       Như vậy, qua hơn 18 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức ngày càng khẳng định chất lượng trong công tác khám chữa bệnh, trở thành sự lựa chọn tin cậy của người dân…

Thu Hằng

       Tháng Giêng bắt đầu bằng chút tiếc nuối, hụt hẫng khi mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh. Ai cũng còn cảm giác lâng lâng khó tả, lãng đãng bỏ lại sau lưng chút dư vị của 3 ngày Tết. Tháng Giêng cũng là tháng bao cảm xúc ùa về khi những đứa con khăn gói lên đường học hành, mưu sinh.

       Không kể những lần Tết hay giỗ chạp, chị Lê Kim Thoa, người con Điện An đang sinh sống ở TP.HCM, mỗi lần nhận điện thoại từ quê nhà mẹ ốm thì chị bỏ hết công việc, chồng con xách ba lô mà về Quảng Nam. Bao lần mấy anh chị em dỗ dành mẹ sống cùng con cháu để tiện chăm sóc nhưng người già mấy ai chịu theo con cái ra phố, chỉ mong muốn ở trong chính căn nhà xưa để hương khói ông bà nên những đứa con xa đành chiều theo ý mẹ mà ruột gan bời bời nỗi lo.

       Cùng tâm trạng với chị Vân, anh Lê Thạnh (quê Điện Phương) cũng có cha, mẹ già yếu ở quê. Nhà cửa, công việc ổn định trong nam, con cái đều học hành ở phố không thể bỏ hết về chăm cha mẹ nên năm lần, bảy lượt anh nhẫn nại năn nỉ cha mẹ vào sống cùng con cháu nhưng không cách gì thuyết phục được. Người già như chuối chín cây, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà nên có lúc anh phải nghỉ việc hằng tháng trời để về quê chăm cha mẹ. Khi cha mẹ khoẻ hơn, anh lại vội vã ra đi, mang theo bao nỗi lo và cha mẹ anh thì ngày đêm thương nhớ.

       Trong 12 tháng thì tháng Chạp và tháng Giêng đặc biệt nhất. Trong không gian, thời gian ấy, giúp ta nhận ra nhiều thứ, là những gì đã đánh mất, những gì đã lãng quên, những gì đang trân quý. Tháng Giêng cứ thế đến và đi đong đầy những hơi ấm của người thân dù ngoài trời có chút lạnh của những cơn mưa xuân.

       Không còn những rạo rực nồng nàn của những ngày cận Tết, tháng Giêng vội vã đến như những ngày cuối Chạp vội đi. Vài giọt nắng rơi khẽ sau chái bếp, chỗ mẹ hay ngồi vo gạo. Chưa kịp ôm mẹ ngủ tròn giấc bởi bao bận rộn lo toan, những đứa con lại phải khăn gói vào nam, ra bắc học hành hoặc mưu sinh. Những cuộc ra đi mà ai cũng mong chờ mau đến Tết để được trở vể. Dáng tất tả chạy theo của cha, ánh mắt mẹ nhìn theo nhạt nhoà nước mắt, nắng đã lên cao vẫn không đủ sưởi ấm lòng mẹ khiến những đứa con xa muốn bỏ hết hành trang quay lại căn bếp ấm nhưng rồi vẫn đành đoạn bước đi vì tương lai còn phía trước.

       Hành trang cho những đứa con, mẹ gói kỹ mấy đòn bánh tét, lá chưa kịp trở màu để con mình mang theo bếp lửa ấm nồng ba ngày Tết. Chỉ vài ngày trước, mẹ còn hì hụi băm củ hành tím ướp thịt, chờ than hừng, nóng vỉ, nướng thịt ba chỉ con ăn. Những đứa con dù đã trưởng thành nhưng vẫn bé bỏng trong mắt mẹ ngồi chồm hổm quanh bếp than hồng bốc lát thịt nướng thổi phù phù trong cái se lạnh những ngày đầu Xuân. Hình ảnh ấy đã làm mẹ tìm về ký ức, những ngày tháng vất vả trăm bề mà đến Tết vẫn thiếu thốn, con trẻ kéo ống quần mẹ đòi mẹ mua bánh kẹo, áo mới.

       Mẹ bước chậm ra sau hè. Đám con lại tíu tít chạy theo, con thích món cải ngọt nấu chua, con thích rau sống có lá tỏi. Mẹ bảo canh chua mẹ nấu có thể thiếu bạc hà, me hay ngò tàu nhưng nhất định không thiếu cay nồng của cải. Thành phố nơi các con ở có thiếu món nào đâu nhưng các con hay mơ về khóm rau mẹ chăm sóc, chỉ có cải của mẹ thả vào nồi canh chua mới ngon. Món canh lõng bõng con húp mỗi ngày nơi xa lạnh như hơi thở người dưng. Cải của mẹ, cải của lưng còng bao ngày ngồi xổm trên đất tỉa từng lá sâu, phẩy từng giọt nước mát, làm dịu hơi nắng cuối tháng Chạp, mới thật đậm đà. Mẹ chăm chút từng cây nhỏ, gửi hết thương yêu, trông đợi, nhắc nhớ để con về, sà vào vườn rau mà nghe cải rủ rỉ, rù rì. Ra đời, đứa nào đứa nấy chịu nhiều áp lực, va vấp, ưu phiền đến bải hoải nhưng chỉ cần nghe mùi rau cỏ trong vườn mẹ thì tất cả đều tan biến.

       Rồi những ngày xuân sà trên lộc biếc, không muốn đi đâu, gặp ai, chỉ muốn sà vào lòng mẹ mà ôm, mà hít hương thơm bồ kết trong tóc mẹ. Trong giấc mơ của con, buổi sớm mai theo mẹ ra chợ bán vạn thọ và cúc, có cả những đứa bé ra canh chừng cho ba mẹ về ăn cơm. Mấy chậu vạn thọ, cúc đại đoá che cả người những đứa trẻ, chỉ lộ ra gương mặt bầu bĩnh, ánh mắt trong veo và nụ cười hiền lành.

       Thoắt đã hết Tết, cứ trông mong thời gian chậm lại cho những đứa con xa gần mẹ cha thêm chút nữa, bếp lửa cũng không còn nồng, mấy que củi cháy dở vùi trong đống tro từ hôm qua.

       Bao nhiêu năm rồi, những đứa con xa vẫn cứ thủ vai người ra đi trong bộ phim “Đi, ở, nhớ, về” chưa có tập cuối. Còn mẹ, đằng đẵng bên kia con dốc đời. Mỗi năm, mỗi Tết. Một lần Tết, vài ngày mà tưởng như có hai mùa đi qua trên mái tóc mẹ. Mùa Trở về và Mùa Ra đi. Ngày về, mẹ mừng vui gỡ ba lô trên vai con và chỉ sau vài ngày lại lủi thủi sửa soạn hành lý cho con lên phố. Hễ thêm “hai mùa” đi qua, tóc mẹ thêm bạc. Nhìn mẹ vo những sợi rụng mà rối cả lòng con.

       Hết Tết, những đứa con xa lại í ới hỏi nhau ngày nào đi, lòng mẹ cha trĩu nặng bao nhiêu thì lòng con rối bời bấy nhiêu. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, đành gạt nước mắt mà đi, ráng cày cuốc để Tết sau trở về.

       Ngày con đi, ngồng cải đã vươn dài, xanh xao, bịn rịn rướn theo bóng con, mẹ cha bần thần đứng giữa lam chiều quay quắt nhớ. Nắng tháng Giêng rọi xuống thềm nhà nhưng không thể nào sưởi ấm lòng mẹ cha, chỉ còn biết mong chờ ngày tháng trôi mau để con cái trở về quây quần quanh nồi bánh tét. Sau những ngày ôm ấp những đứa con hồi hương thì những ngày tháng Giêng lại tiếp tục làm những cuộc chia ly để lại hẹn ngày trở về!

 

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019881099
Hôm nay
Hôm qua
5218
8342