0235.3867334

      Trong nhiệm kỳ 2023 - 2024, Đoàn trường THPT Phạm Phú Thứ đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thanh niên. Qua đó góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

      Đoàn trường đã tập trung tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh. Triển khai sâu rộng và hiệu quả các phong trào: Xung kích trong học tập; Xung kích tình nguyện xây dựng nhà trường xanh-sạch-đẹp, vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; Xung kích thực hiện cải cách hành chính... Bên cạnh đó, đoàn viên - thanh niên trường còn tham gia các chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, Đồng hành với thanh niên, học sinh trong học tập và phát triển tài năng; Đồng hành với thanh niên, học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng xã hội...

      Tổ chức 5 buổi tuyên truyền với gần 4.000 lượt đoàn viên - thanh niên tham dự. Tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, tổ chức kết nạp đoàn viên mới. Ngoài ra, Đoàn trường còn đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các bản tin, trang facebook của Đoàn trường.

      Điểm nổi bật là các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hình thành thói quen tốt trong môi trường học đường, ngoài xã hội và trên Internet cho học sinh; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của giáo viên. Vận động thanh niên trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội, trong học sinh.

     Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 174 đoàn viên mới, có 7 đoàn viên ưu tú tham gia học lớp lý luận kết nạp đảng và có 6 đoàn viên được kết nạp vào đảng.Thực hiện Công trình thanh niên năm học với giàn đèn năng lượng mặt trời trị giá 21.000.000 đồng.

      Có thể nói, thời gian qua tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứ luôn nêu cao vai trò xung kích, tình nguyện trên các lĩnh vực. Những công trình, phần việc được Đoàn trường phát động  đã mang lại hiệu quả thiết thực khi thu hút 100% đoàn viên - thanh niên tự nguyện tham gia. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm của đoàn viên - thanh niên đã được nâng cao, các bạn sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội thông qua những hoạt động thường ngày.

      Không chỉ sôi nổi, hiệu quả trong các phong trào thanh niên, tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứcòn tham gia tích cực và đạt hiệu quả cao tại các hội thi trong học tập như: chi đoàn giáo viên có 3 đồng chí tham gia viết sáng kiến, 2 sáng kiến được Sở giáo dục công nhận đạt cấp cơ sở, 1 đồng chí tham gia ban cố vấn chương trình “Học trò xứ Quảng”, có 2 học sinh được Đoàn trường khen thưởng danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp trường. Các đoàn viên học sinh tham gia thi khoa học kỹ thuật cấp trường với 5 đề tài và có 2 đề tài được lựa chọn để tham gia thi cấp tỉnh. Kết quả 1 đề tài đạt giải ba, 1 đề tài đạt giải khuyến khích, tham gia thi “Học văn – văn học” cấp tỉnh đạt giải 3.Đội tuyển dự thi  học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 13 giải 1 giải nhì, 5 giải ba, 7 giải khuyến khích.

      Những kết quả đạt được trong thời gian là động lực để tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứ tiếp tục xung kích, sáng tạo, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của nhà trường thời gian đến. 

      Với những thành tích khá ấn tượng đó, nhiệm kỳ 2024 - 2025, Đoàn trường THPT Phạm Phú Thứ tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội của nhiệm kỳ mới đề ra.

Mi Ni

       Nhằm tiếp tục thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong đoàn viên, thanh thiếu nhi và tìm kiếm các các ý tưởng, sáng kiến có hiệu quả ứng dụng vào cuộc sống, tạo môi trường kết nối, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo. Sáng ngày 20/10, tại Trung tâm VH-TT xã Điện Thọ; Đoàn, Hội Cụm thi đua Phước - Thọ - Hồng - Tiến tổ chức Diễn đàn tập huấn phương pháp tư duy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo năm 2024 trong đoàn viên thanh niên.
 
Nhiều ý kiến, ý tưởng đã được các đoàn viên, thanh niên nêu ra tại diễn đàn tập huấn
 
       Tại diễn đàn, các đoàn viên, thanh niên đã đưa ra nhiều ý tưởng hay, sáng tạo; trực tiếp trao đổi, đóng góp những ý tưởng và mô tả các giải pháp xung quanh các lĩnh vực về nâng cao hiệu quả trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn; phương pháp tổ chức, vận động các nguồn lực để tổ chức hiệu quả các chương trình, phong trào Đoàn tại đơn vị…
       Diễn đàn cũng đã tổ chức thảo luận các vấn đề về tuyên truyền ý nghĩa, những khó khăn, hạn chế và giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai xây dựng ý tưởng sáng tạo của đoàn viên, thanh niên; trao đổi thông tin những mô hình hay, cách làm sáng tạo của một số điển hình tiêu biểu.
      Thông qua dịp này là cơ hội để thanh thiếu nhi phát huy tính sáng tạo, thể hiện được các ý tưởng sáng kiến trên mọi lĩnh vực, đến gần hơn với hiện thực, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn các xã.
                                                                                                            Tào Ka

       Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024). Sáng ngày 15/10, tại Hội trường TT-VH phường Điện Phương, Hội LHPN phường Điện Phương phối hợp với bệnh viện Vĩnh Đức tổ chức chương trình Tư vấn chăm sóc da cho Hội viên phụ nữ phường.
       Với sự đồng hành chuyên môn của Bác sĩ Chuyên khoa I Hồ Vũ Hoàng Gia, các hội viên phụ nữ tham gia chương trình đã được tư vấn, hỏi đáp thắc mắc các bệnh lý về da một cách tận tình, chu đáo; giúp các chị em hội viên phụ nữ có thêm những kiến thức bổ ích hiểu đúng hơn về làn da của mình cũng như các giải pháp kéo dài tuổi thanh xuân. 
 
     
 
       Bên cạnh đó, Hội phụ nữ phường còn tổ chức "Gian hàng áo dài 0 đồng" cho hội viên phụ nữ, có 198 bộ áo dài đã được gửi đến các chị hội viên. 
                                                                                                          Tào Ka

       Sáng ngày 17/10. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Quang tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Trần Công Bình thôn Phú Đông. Tham dự lễ bàn giao có ông Hồ Minh Lý - Bí thư đảng uỷ xã, ông Lê Đức Sỹ - UVBTV, Chủ tịch UBMT xã.
 
 
       Ông Trần Công Bình là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ thường xuyên đau ốm mất khả năng lao động, nhà cửa xuống cấp, dột nát và không có khả năng sửa chữa, xây mới. UBMT xã Điện Quang đã vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ gia đình xây dựng nhà. Sau thời gian thi công, ngôi nhà cấp bốn, tường xây, nền lát gạch men có diện tích 80m2 với tổng trị giá 180 triệu đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, UBMT xã vận động ông Lê Văn Thành tại Đồng Nai hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại gia đình, người thân đóng góp.
       Tại buổi bàn giao, đại diện lãnh đạo địa phương chúc mừng gia đình và mong muốn gia đình sớm vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.
Mi Ni

       Sáng ngày 17/10, trường THPT Phạm Phú Thứ tổ chức tham quan và trải nghiệm điêu khắc gỗ truyền thống tại Âu Lạc - xã Điện Phong.
 
 
       Tham gia chương trình có 15 đoàn viên học sinh. Các em được tham quan phòng tượng hoạt hình; nghe giới thiệu mô hình khởi nghiệp của Nghệ nhân Trần Duy nút Vàng Youtube; tham quan xưởng sản xuất Âu Lạc; tham quan ngôi nhà Sông Thu Núi Ngọc: khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương qua bức phù điêu “sông Thu núi Ngọc” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nghệ nhân Trần Thu. Đặc biệt, các em được trải nghiệm điêu khắc gỗ, tự tay khắc các tác phẩm và được mang sản phẩm về làm kỷ niệm, đồng thời giao lưu chia sẻ trải nghiệm và chụp hình lưu niệm.
       Đây là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp năm học 2024 - 2025 dành cho học sinh nhà trường. Qua đó, giúp các em có điều kiện giao lưu, học hỏi và định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Mi Ni

       UBMT xã Điện Phong vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo kết quả xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 trên địa bàn xã Điện Phong. 
 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh M.N
 
       Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện UBND xã thông qua dự thảo báo cáo kết quả xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2024 trên địa bàn xã. Đa số các đại biểu thống nhất với Dự thảo báo cáo và tham gia 5 lượt phát biểu với 12 ý kiến. Các ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền nông thôn mới thực hiện thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy đầy đủ; vẫn còn một vài bộ phận người dân chưa tích cực hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới làm chậm tiến trình nâng chuẩn các tiêu chí NTM ở địa phương như việc hiến đất mở đường, phát sinh tệ nạn xã hội, ý thức chấp hành của một số hộ dân chưa cao. Hoạt động của Hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, chưa áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình sản xuất, liên doanh liên kết sản phẩm chủ lực của địa phương chưa bền vững, hiệu quả chưa cao. Các loại cây trồng, con vật nuôi trong ngành nông nghiệp vẫn mang tính chất địa phương như ớt, ngô, đậu... chưa mang tính đột phá và tạo nguồn thu nhập cao hơn. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp dần xuống cấp, chưa có kế hoạch về nguồn lực để thực hiện việc duy trì, nâng cấp. Chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn một số tồn tại chưa có giải pháp giải quyết triệt để như tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt ở một số khu dân cư, vệ sinh môi trường còn nhiều bức xúc, chất lượng đời sống văn hóa, thôn văn hóa chưa bền vững, tình hình an ninh trật tự xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
       Các ý kiến tham gia của đại biểu được lãnh đạo xã tiếp thu và khắc phục trong thời gian đến nhằm giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Mi Ni

       CLB thanh niên vận động hiến máu học viện hành chính quốc gia tại Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết quý 3 năm 2024.
 
 
       Trong quý, CLB đã tổ chức chương trình “Hành trình cuộc sống - Chia sẻ yêu thương” tại phường Điện Thắng Nam đã trao tặng 10 suất học bổng và 80 suất quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích các em vươn lên trong học tập với tổng trị giá 15 triệu đồng; gặp mặt chào mừng 150 tân thành viên chính thức gia nhập CLB.  CLB đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đã huy động được 17 tình nguyện viên tham gia hiến máu và 24 tình nguyện viên hỗ trợ công tác tổ chức. Ngoài ra, CLB còn tham gia hiến máu cấp cứu tại Bệnh viện được 13 đơn vị máu, kịp thời cứu chữa cho nhiều bệnh nhân. CLB cũng đã tiếp nhận từ giải bóng đá chuyên đề Công an TP Đà Nẵng với số tiền 10 triệu đồng để thực hiện chương trình “Nồi cháo tình thương” cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu.
       Tại hội nghị, CLB đã tổ chức  kết nạp và trao thẻ cho 170 tân thành viên tham gia Câu lạc bộ. 
Mi Ni

      Hội chữ thập đỏ xã Điện Phước có 8 Chi hội thôn và 4 Chi hội trường học. Nhằm pháy huy vai trò, công tác Hội chữ thập đỏ của các Chi hội hoạt động ngày càng hiệu quả, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã đã cụ thể hoá chương trình, nhiệm vụ hằng năm, hướng dẫn các Chi hội chữ thập đỏ thực hiện theo chức năng, điều kiện thực tế của mình.

      Xác định công tác tổ chức là yếu tố quyết định cho mọi sự thành công của phong trào, nên đối với các Chi hội thôn, khi tiến hành chuẩn bị nhân sự Đại hội, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ xã đã xin ý kiến lãnh đạo và được thống nhất với phương án, Trưởng ban công tác Mặt trận các khu dân cư kiêm vai trò Chi hội trưởng Chữ thập đỏ. Đây là một thuận lợi cho các công tác phối hợp cũng như thực hiện các nhiệm vụ mà Hội chữ thập đỏ xã đề ra, bởi khi Trưởng ban công tác mặt trận các khu dân cư kiêm vai trò Chi hội trưởng chữ thập đỏ sẽ thuận lợi trong việc vận động nguồn lực để thực hiện công tác nhân đạo từ thiện và khi thực hiện công tác hỗ trợ  nhân đạo từ các chương trình khác nhau, Chi hội trưởng sẽ nắm rõ được đối tượng nào đã được chương trình nào hỗ trợ, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu công bằng.

      Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã cũng không ngừng đổi mới nội dung hình thức hoạt động theo phương châm dựa vào cộng đồng, vì thế Hội chữ thập đỏ xã đã chỉ đạo cho các Chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo; đồng thời Hội còn hướng dẫn các chi hội thành lập các mô hình với phương châm vận động nguồn lực tại khu dân cư hỗ trợ khó khăn tại khu dân cư. Kết quả những năm gần đây, các chi hội đã vận động trên 70 triệu đồng để hỗ trợ các trường hợp khó khăn đột xuất khi qua đời, tai nạn thương tích. Hằng năm, các Chi hội vận động nguồn lực tại khu dân cư trao hơn 300 suất quà với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng.

      Đối với các Chi hội trường học, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã xác định rõ nhiệm vụ của các Chi hội trường học là công tác hỗ trợ các trường hợp học sinh gặp khó khăn, công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh và trẻ em khi gặp tai nạn thương tích và công tác tham gia hiến máu tình nguyện. Trong đầu nhiệm kỳ, từ nguồn vận động của các mạnh thường quân và nguồn vận động đóng góp của giáo viên trong nhà trường, các chi hội đã trao trên 100 suất quà gồm đồng phục học sinh, dụng cụ học tập và một số nhu yếu phẩm khác cho các em học sinh khó khăn. Ngoài ra, các chi hội còn phối hợp vận động nhiều suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng để hỗ trợ cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia học tập.Hằng năm, các Chi hội vận động giáo viên tham gia các đợt hiến máu nhân đạo do Hội chữ thập đỏ thị xã tổ chức từ 6-8 đơn vị máu/1 chi Hội. Bên cạnh đó, các Chi hội đều cử học viên tham gia các lớp tập huấn sơ cấp cứu do Hội cấp trên tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.

      Ngoài các công tác nói trên, Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ xã Điện Phước còn đổi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng cách lập trang Fanpane của Hội, nhóm Zalo, qua đó việc trao đổi thông tin và triển khai các hoạt động của Hội được linh hoạt và kịp thời, việc đăng tải các hoạt động của Hội và các chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan để Nhân dân thuận tiện tiếp cận, khơi dậy lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Tào Ka

      Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi tổ hội vững mạnh”, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Hội LHPN xã Điện Phước đã thảo luận và thống nhất xây dựng chương trình toàn khoá nhằm xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh từ Hội đến từng chi, tổ; quan tâm chăm lo, bồi dưỡng cán bộ chi tổ hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu chính đáng của hội viên phụ nữ, thu hút đông đảo tầng lớp chị em tham gia phong trào công tác hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ xã Điện Phước lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

      Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội tổ chức kiện toàn củng cố nhân sự tại chi hội phụ nữ Nông Sơn 1, Nông Sơn 2, Hạ Nông Đông. Hằng năm, tổ chức từ 1 – 2 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho gần 50 chị là cán bộ chi, tổ; hướng dẫn cho chi hội kỹ năng điều hành sinh hoạt, kỹ năng vận động, sâu sát lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ; hướng dẫn các chi hội sử dụng các mạng xã hội: zalo, fb, thành lập các nhóm zalo phụ nữ thôn nhằm thực hiện tốt khâu đột phá ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, 100% chi hội thành lập và duy trì hoạt động mô hình “tập hợp, sinh hoạt HVPN trên không gian mạng”, “Tổ phụ nữ công nghệ số cộng đồng” và tổ chức chương trình giao lưu “Đồng hành gắn kết cùng chi, tổ” với các hoạt động tham quan dã ngoại, giao lưu văn hoá văn nghệ, lắng nghe những khó khăn chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào, công tác Hội.

      Hội đã kết nạp 5 hội viên danh dự, phát triển được 219 hội viên mới. 100% các chi hội đều duy trì sinh hoạt thường xuyên. Nhiều phong trào, hoạt động thu hút đông đảo chị em hội viên phụ nữ tham gia, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Hầu hết các chị nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, gắn bó với phong trào hội. Các chị cũng đã làm tốt công tác phát hiện, tham gia giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho chị em phụ nữ, kịp thời nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng của hội viên phụ nữ.

      Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận cán bộ chi, tổ hội hoạt động theo phong trào, thiếu kỹ năng vận động, thuyết phục hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động hội; chưa kịp thời tham mưu lãnh đạo chi uỷ, chi bộ dẫn đến phong trào chưa đồng bộ, rời rạc, thiếu bền vững. Vẫn còn một bộ phận chưa thực sự là cầu nối nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em tại địa phương, thiếu linh hoạt, đổi mới, sáng tạo tổ chức các hoạt động phù hợp nên không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống ngày càng cao hội viên, phụ nữ, do đó công tác tập hợp phụ nữ còn khó khăn. Một bộ phận không nhỏ các chị lớn tuổi, địa bàn rộng, hội viên phụ nữ đông, chị em đi làm công nhân nhiều nên việc quản lý, điều hành không thuận lợi. Một bộ phận chị em chưa am hiểu sử dụng công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động Hội, do đời sống khó khăn, chưa trang bị máy.

      Nhằm đảm bảo hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thích ứng trong thời kỳ công nghệ số, Hội PN từ xã đến chi tổ đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác hội, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho CHT, CHP, thành viên tổ phụ nữ công nghệ số cộng đồng, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.

      Các chi, tổ Hội phụ nữ tích cực tham gia nhóm zalo, Facebook, trang fanpage do Hội LHPN xã thành lập; kịp thời chuyển tải truyền thông các hoạt động, phong trào công tác Hội; vận động hội viên, phụ nữ tham gia sôi nổi nhiều hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội do Hội LHPN TW, tỉnh, thị xã, xã tổ chức như xây dựng các video clip truyền thông phòng chống dịch Covid-19; xây dựng video clip tuyên truyền trên mạng xã hội hưởng ứng Cuộc thi “Tuyến dường chi hội phụ nữ kiểu mẫu”; cuộc thi video online “Nét duyên áo dài Việt”, “Tuần lễ Áo dài Việt Nam”; cuộc thi ảnh “Gia đình yêu thương”, cuộc thi viết “Gia đình trong trái tim tôi” chào mừng kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về hôn nhân gia đình”, tổ chức “Hội chợ Xuân online"; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; livetream bán hàng... thu hút đông đảo tầng lớp hội viên, phụ nữ tham gia.

      Hiện nay, Hội đã thành lập nhóm zalo BCH hội xã nhằm điều hành, quản lý, triển khai công tác Hội, duy trì hoạt động thường xuyên trang Facebook Phụ nữ Điện Phước với hơn 2400 người theo dõi nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện phong trào hội bằng hình ảnh, video hoạt động. Đây là một cách tuyên truyền có hiệu quả nhất, nhanh nhất đến với HVPN vì tỷ lệ phụ nữ, HVPN sử dụng trang mạng xã hội fb ngày càng nhiều. Qua đó, phụ nữ thấy được kết quả hoạt động của hội và thu hút được phụ nữ tham gia vào tổ chức hội hơn. 100% chi hội có nhóm zalo BCH chi hội, nhóm zalo “phụ nữ thôn” với để tập hợp, tổ chức sinh hoạt HVPN trên không gian mạng, tập hợp HVPN không có điều kiện tham gia thường xuyên với trên 780 thành viên, nhóm zalo phụ nữ thôn có nhiều thành viên nhất là thôn Nhị Dinh 1 với 106 thành viên. Có 3/8 chi hội thành lập trang fb của chi hội thôn, tổng số người tham gia trên 3 trang fb của 3 chi hội là 368 người. Ngoài ra, các chi hội còn có các nhóm zalo theo từng hoạt động như nhóm dân vũ, nhóm zalo theo từng tổ phụ nữ, nhóm phụ nữ nòng cốt của thôn, ….Số cán bộ chi tổ hội có sử dụng điện thoại thông minh là 48/54 chị, chiếm tỷ lệ 90,74%, 100% CHT sử dụng thành thạo các ứng dụng như zalo, fb. Số lượng HVPN có sử dụng điện thoại thông minh còn tương đối thấp, khoảng 40% vì đa phần HVPN có độ tuổi trung niên là chủ yếu. Phụ nữ trẻ thành thạo CNTT dưới 25 tuổi ít tham gia tổ chức hội do còn đi học, đi làm.

      Có được kết quả này là các chi tổ phụ nữ trong thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Hội cấp trên, của Chi ủy, chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận và sự phối hợp của các chi hội đoàn thể thôn; các hoạt động của Hội được triển khai cụ thể đến các chi, tổ hội nên công tác triển khai thực hiện rất thuận lợi. Các chị trong BCH chi hội đã bám sát vào chương trình kế hoạch và nhiệm vụ chính trị của địa phương và tình hình đời sống, tư tưởng của phụ nữ để tổ chức hoạt động phù hợp có chất lượng và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù của từng chi hội, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội ngày càng được các chi hội chú trọng. Đội ngũ cán bộ chi tổ ngày càng được trẻ hoá, nhiệt huyết, trách nhiệm và đoàn kết từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác Hội, xây dựng lực lượng nòng cốt, xây dựng quỹ hội... ngày càng đi vào nề nếp. Đời sống vật chất của hầu hết cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng cao, do đó, bản thân đủ khả năng tự trang bị các thiết bị thông minh cũng như các trang thiết bị khác được đầy đủ hơn, vì vậy, rất thuận lợi trong công tác truyền thông của cấp Hội, đặc biệt là đã góp phần tạo nên các phương thức truyền thông với nhiều kênh khác nhau. Việc thành lập các nhóm Zalo trong hệ thống hội đã tạo sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, giữa tổ chức hội với hội viên và là cánh tay nối dài của tổ chức hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của Hội viên phụ nữ.

      Bên cạnh những thuận lợi, Hội còn gặp không ít khó khăn. Phong trào phụ nữ ở một số chi, tổ chưa đồng đều. Hoạt động chi, tổ hội còn gặp khó khăn về kỹ năng tuyên truyền, vận động, công tác dân vận trong HVPN nói riêng, nhân dân nói chung. Đa số cán bộ chi tổ hội là làm theo phong trào chưa có kỹ năng trong việc tổ chức hay thực hiện nhiệm vụ công tác hội phụ nữ. Một số ít cán bộ chỉ tổ có đời sống vật chất khó khăn nên hạn chế về thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động, phong trào của Hội, còn hạn chế sử dụng công nghệ số ứng dụng trong hoạt động phong trào Hội vì chưa có điều kiện sắm điện thoại thông minh, trình độ về CNTT của HVPN còn nhiều hạn chế, sử dụng không thành thạo các ứng dụng công nghệ số vào công tác Hội. Hội viên phụ nữ là công nhân chiếm đại đa số, đây là nguồn lực chủ yếu để đẩy mạnh các phong trào của Hội nhưng rất khó khăn trong việc tập hợp vào các ngày trong tuần, chủ yếu tập hợp ngày chủ nhật. Kinh phí thực hiện chủ yếu là xã hội hoá, hoặc thông qua các mô hình hoạt động góp vốn xoay vòng trong chi, tổ, trong khi đó, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn nên việc tổ chức hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của HVPN. Cán bộ chỉ tổ (trừ chi hội trưởng) đều không có phụ cấp trong khi công tác, phong trào Hội đòi hỏi các chị tham gia rất nhiều nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả phong trào công tác Hội. Tổ công nghệ số cộng đồng ra mắt tuy nhiên chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động của tổ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Hội đề ra.

      Để khắc phục những khó khăn, hướng đến giải pháp thực hiện khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi, tổ Hội vững mạnh”; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, vừa qua Hội LHPN xã đã tổ chức  tọa đàm để các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, phân tích những tồn tại khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian đến, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Huyền Chi      

 

      Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và các nguồn hỗ trợ khác, phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn xã Điện Thọ, được sự quan tâm tham gia ủng hộ tích cực của xã hội đã giúp giấc mơ an cư của nhiều hộ nghèo trở thành hiện thực. Với họ, những ngôi nhà mới kiên cố không chỉ mang đến niềm vui, hạnh phúc mà còn là động lực để họ luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là nhiệm vụ mà Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” xã Điện Thọ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

      Bà Nguyễn Thị Bích, thôn Phong Thử 1 nhớ lại quãng thời gian sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, những hôm gió to, mưa lớn, bà lo sợ mái dột, ngói rơi thậm chí nguy cơ sập đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nên bà phải khăn gói đến ở nhờ nhà người thân.

      Bà Nguyễn Thị Lân – Chủ tịch UBMT xã Điện Thọ chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của bà Bích, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”  xã Điện Thọ đã vận động chùa Giác Hoa hỗ trợ 50 triệu đồng, Tổ chức CRS hỗ trợ 40 triệu đồng, bà Bích được người thân, hàng xóm cho vay thêm tiền và góp công sức để xây dựng ngôi nhà mới có diện tích 70m2, với giá trị gần 160 triệu đồng.

      Sau hơn 3 tháng khởi công, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Bích đã hoàn thành. Trong niềm vui của ngày bàn giao nhà có lãnh đạo xã, thôn, đơn vị hỗ trợ là chùa Giác Hoa và người dân trong thôn, bà Bích xúc động cho biết bà không bao giờ dám tin mình có ngôi nhà mới bởi tuổi cao, đau yếu thường xuyên lại phải chăm lo cho 2 người con bị bệnh thần kinh. Nếu như không có sự quan tâm, giúp đỡ của UBMT và các đơn vị giúp đỡ cùng tình thương yêu của bà con trong thôn dành tặng thì không biết bao giờ bà mới thoát được tâm trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa bão.

      Ngôi nhà mới khang trang, có phòng ngủ, phòng khách và phòng bếp. Tại lễ bàn giao ngôi nhà mới, không chỉ đến chung vui mà nhiều cá nhân, Ban trị sự Phật giáo Việt Nam thị xã Điện Bàn, Ủy ban mặt trận và các đoàn thể xã đã tặng thêm cho bà Bích một số đồ dùng thiết yếu.

      Cũng như bà Bích, những ngày này gia đình bà Trần Thị Bốn, thôn Phong Thử 2, xã Điện Thọ đang chuẩn bị để chuyển đến ngôi nhà mới. Bà Bốn thuộc hộ cận nghèo của xã. Ở tuổi 80 tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, có con cháu phụng dưỡng bà nhưng hằng ngày bà vẫn đi nhặt ve chai kiếm kế sinh nhai. Bà sống cùng người con trai thiểu năng, người con gái và một cháu ngoại trong ngôi nhà cũ nát với diện tích 40 m2. Luôn mong ước có ngôi nhà mới để ở nhưng với người chạy gạo bữa như bà thì bao năm qua vẫn sống tạm bợ trong căn nhà dột nát. Từ nguồn hỗ trợ quỹ “Vì người nghèo” của xã 50 triệu đồng và 40 triệu đồng của Tổ chức CRS, sự hỗ trợ của các đoàn thể chính trị - xã hội, bà Bốn đã vay mượn thêm người thân và vay Ngân hàng CSXH cùng sự giúp đỡ về ngày công của những người dân trong thôn, bà đã xây dựng ngôi nhà kiên cố với tổng giá trị hơn 250 triệu đồng. 

      Năm 2024, UBMT vận động và trích Quỹ vận động “Vì người nghèo” xã hỗ trợ xây mới nhà đại đoàn kết cho 6 hộ với mức hỗ trợ từ 80 -100 triệu đồng/nhà, hỗ trợ sửa chữa nhà ĐĐK cho 6 hộ nghèo, khó khăn mức hỗ trợ 30-40 triệu đồng/nhà. Để nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, UBMT xã  rà soát từng hộ nghèo, thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện kinh tế từng nhà để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ĐĐK được địa phương thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, UBMT cùng chính quyền địa phương còn tích cực vận động người thân, các đoàn thể, ban công tác mặt trận thôn và nhân dân cùng chung tay hỗ trợ tiền, ngày công để giúp các hộ nghèo làm nhà ở.

      Những năm qua, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được UBMT xã Điện Thọ quan tâm triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Để triển khai có hiệu quả, Ban Thường trực UBMT xã và các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai tháng cao điểm “vVì người nghèo”, phối hợp rà soát các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn và vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ và ủng hộ xây dựng nhà ĐĐK. Từ đó đã khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, sự quan tâm, góp sức của cộng đồng xã hội thông qua mặt trận để xây dựng thêm nhiều ngôi nhà ĐĐK cho người nghèo, giúp nhiều gia đình có niềm tin vào tương lai, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

      Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, UBMT xã xác định xóa nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện thực hóa ước mơ an cư của người nghèo, vậy nên rất cần sự chung tay, hợp sức của nhiều tập thể và cá nhân.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019786084
Hôm nay
Hôm qua
6969
8977