Câu chuyện vọc đất của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ - khối Đông Khương 1, phường Điện Phương bắt đầu từ người cha của anh – ông Lê Tuất, cậu bé mê vọc đất thuở thiếu thời và là chàng trai đầy lý tưởng cách mạng. Năm 1930 vừa tròn 20 tuổi, ông đã là bí thư chi bộ đầu tiên của huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Giặc Pháp bắt ông ngay trên bục giảng, bỏ lại đám học trò ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Ông bị đày đi nhà tù Lao Bảo, nơi đây đã hun đúc và hình thành cho ông một ý tưởng sau này. Ra tù, ông đã cùng các đồng chí của mình như Huỳnh Lắm, Lê Văn Hiến, đọc, dịch sách Pháp, rồi mò mẫm trên những đồi núi Quảng Nam tìm mỏ đất cao lanh để làm lò chén. Lò chén Việt Quảng - cơ sở tài chính của xứ ủy Trung kỳ đã ra đời như thế và đã hoạt động bí mật nhiều năm mãi đến 1945. Ông là người Việt đầu tiên đã biết làm sứ trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ. Qua nhiều năm thăng trầm của chiến tranh, lò chén thuyên chuyển nhiều nơi mãi đến năm 1960 ông lại vào tù và ngọn lửa lò cũng chính thức tắt lịm theo bom đạn của Mỹ Diệm.
Lê Đức Hạ sinh ra và sống cùng ba mẹ bên bờ sông Thu Bồn, làm nông và vọc đất cùng cha những ngày tháng nông nhàn, cho đến khi quê hương giải phóng. Năm 1976, huyện Tiên Phước có ý định khôi phục lò chén ở xã Tiên Sơn, người cha của Hạ đồng ý và háo hức bắt tay vào làm. Hai năm chuẩn bị là những ngày anh làm quen với khái niệm về đất và lửa, làm quen với bàn xoay và khuôn đất sét. Ngày 2 tháng 9 năm 1978, Hạ tham gia cùng các anh đốt lại lò sau hơn 18 năm chiến tranh tắt lửa thì gần hai năm sau chiến trường Tây Nam sôi sục, anh vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.
Năm 1982, Lê Đức Hạ trở lại quê nhà với 27% thương tật. Hợp tác xã ở Tiên Sơn tan rã, cha của anh về giúp cho xí nghiệp sành sứ Thăng Bình tạo hình mỹ nghệ. Đó là những ngày Hạ tập tò học nghề và nghe cha nói chuyện về nghề, về đời, chuyện tạo dáng, tạo hình, chuyện đất làm men, đất khuôn, những địa danh, những mỏ đất sét, cao lanh, cả về chuyện lửa lò và cây thử mà chỉ người làm nghề mới hiểu. Khao khát một điều rất nhỏ, chỉ ước mơ có vài nghìn đồng đủ để xây một cái lò hộp ở trên quê hương mình nhưng rồi không kịp thực hiện, năm 1984 người cha của Hạ qua đời. Khi những người bạn của cha ông vào viếng, ông Lê Văn Hiến, ông Huỳnh Lắm, ông Trịnh Quang Xuân - những lão thành cách mạng, những người cùng ông Lê Tuất làm nên lò chén Việt Quảng đã hỏi người vợ tào khang của ông, câu hỏi đã làm thay đổi cuộc đời nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ sau này “Con anh Tuất có cháu nào kế nghiệp không chị?”. Toàn bộ hồ sơ đi xuất khẩu lao động, xin việc ở thành phố, Hạ bỏ hết quyết định thay cha làm mẫu mỹ nghệ ở xí nghiệp sành sứ Thăng Bình. Tại đây Hạ gặp được người cha thứ hai, một người thầy đáng kính, đó là thầy Lê Phi Hùng - tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật nhà máy sứ Hải Dương, Giám đốc xí nghiệp. Đảm nhận tổ trưởng tổ mỹ nghệ, Hạ được cử đi học, tham quan ở Quảng Ninh, Hà Bắc, Hải Dương, Đà Lạt, được nghe kể về nhiều chuyện nghề trên khắp mọi miền đất nước.
Về sau, kinh tế thị trường mở ra, các xí nghiệp thời bao cấp bắt đầu tan rã, những ngày cuối năm 1989, Hạ dắt vợ con về quê xưa làm đủ nghề để mưu sinh, xin ra phố chụp ảnh dạo, sang ảnh màu…, nhưng rồi thèm vọc đất nên vợ anh phải chạy chợ nuôi chồng vọc đất. Những buổi chiều, Hạ có thói quen đạp xe lang thang và rồi một lần đạp xe hơn 50 km đến thăm ông Lê Văn Chỉnh, người cán bộ bảo tàng đã nghỉ hưu với niềm đam mê văn hóa Chăm pa bất tận. Những kiến thức về kiến trúc Chăm pa, nghệ thuật Chăm pa, những viên gạch và tượng trang trí bằng đất nung đã làm Hạ mê mẩn, lẽo đẽo theo người anh để được nhận nguồn năng lượng và cùng lang thang ở những ngôi tháp cổ để nghiên cứu về cách xây tháp không vửa của người Chăm xưa. Đây là giai đoạn quyết định cho những suy nghĩ về con đường đi của chàng trai 30 tuổi với nhiều khát khao và nỗi gian truân. Hạ không tiếp tục nghiên cứu về những viên gạch cổ và những vết mài muôn thuở ở những viên gạch Chăm mà chỉ thích những hoa văn và màu thời gian rêu phong trên tượng. Và rồi sau nhiều đêm trăn trở khi đã biết về men trắng và màu vẽ trên men ở sứ Hải Dương, biết về sứ vẽ màu lam (cô ban) ở Bát tràng, tô men khắc vạch ở Sông Bé, Hạ quyết định cho mình con đường đi tuy hẹp nhưng gần gũi quê hương mình, chọn một cái tên không hoa mỹ ĐẤT NUNG mặc cho bao người gọi là gốm đỏ, gốm màu.
Cuối năm 1990, Hạ bắt đầu làm những bức tượng Chăm đầu tiên, nung trấu rồi hun khói bạc hà rất đẹp gởi bán ở bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), bán cho những cửa hàng lưu niệm đầu tiên ở Hội An trước chùa Phước Kiến. Nào nung đỏ, hun khói thành đen, rồi nhụ đồng, thậm chí có sản phẩm phải sơn trắng giả thạch cao để bán nhưng thành công nhất là khi quyết định sơn màu cho bộ thầy trò Đường Tam tạng thỉnh kinh, Hạ không còn nhớ là bao nhiêu ngàn bộ, chỉ nhớ rằng đã sống được bằng nghề từ đó. Hội An đã bắt đầu có nhiều cửa hàng lưu niệm mà bắt đầu cũng chỉ bằng tượng đất nung của Hạ trong những năm 1991-1992, khi mà mọi người còn xa lạ, chưa có một khái niệm đất nung trong đời sống tinh thần của mọi người.
Một sự thay đổi lớn trong cuộc đời làm nghề của Hạ, xưởng quá nhỏ để sản xuất nhưng thay vào đó suốt một thời gian dài anh ngày đêm làm mẫu đổ khuôn cho các đơn vị sản xuất, chuyển từ tượng qua tượng, từ tranh ảnh qua mẫu rồi thành khuôn thạch cao. Đây là quãng thời gian anh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, từ Châu Mỹ đến Châu Âu, từ Ai Cập đến La Mã. Thời cao điểm xưởng có đến 30 công nhân sản xuất, sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới. Những ngày xuất khẩu rộn ràng anh vẫn duy trì làm hàng mỹ nghệ, bởi tiêu chí anh đặt ra là văn hóa, cái còn lại sau cùng của thời gian là văn hóa. Thật vậy, khi thị trường xuất khẩu khó khăn và bế tắc, khách hàng nước ngoài bỏ đi thì tất cả những xưởng làm gốm trong khu vực từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam đều phá sản và bỏ nghề, hoặc chuyển qua làm gạch thì duy nhất chỉ còn xưởng đất nung Lê Đức Hạ tồn tại với thị trường du lịch và nội địa. Bắt đầu từ những năm 2003 trở đi, khi đã dừng hàng xuất khẩu, anh đã dồn tâm huyết cho hàng nội địa, từ lọ hoa, chậu trồng cây cho đến một dòng sản phẩm khác, từ cái đèn áp tường đầu tiên đến đèn treo, đèn trụ và hàng rào, là người khởi xướng cho người chơi đèn và bán đèn trong cả nước. Từ chỗ chỉ có tượng đá, gốm, gỗ, đồng, người chơi có thêm tượng đất nung trang trí từ ngoài vườn cho đến trong nhà, tượng từ 10 phân đến hơn cả mét, tượng tròn đến phù điêu và tranh các loại. Khái niệm hàng đất nung để chơi và trang trí đã bắt đầu hình thành trong ý nghĩ của nhiều người, từ một xưởng nhỏ của vợ chồnganhvới hơn 20 công nhân làm hàng nội địa, sản phẩm lan tỏa đến hơn 20 cửa hàng bán đất nung trên cả nước, nhiều quán cà phê, nhà vườn trang trí hàng đất nung của xưởng. Và cũng từ đây, tỉnh bắt đầu quan tâm hơn về các làng nghề, những chuyến mang chuông đi đánh xứ người, những cuộc triển lãm hội chợ,giao lưu công thương của các tỉnh nhiều hơn, sản phẩm đất nung của Hạ có mặt hầu hết các hội chợ ở Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, các tỉnh xa như Lào Cai, Nam Định, Kon Tum.
Luôn tâm huyết một điều là không bao giờ tách rời chuyện mưu sinh và gìn giữ văn hóa của quê hương, ngày càng tự hào về nền văn hóa Chăm pa trên quê hương Quảng Nam, Hạ càng thấy trách nhiệm nhiều hơn của một người làm nghề. Làm đất nung Chăm pa không đơn giản, phải dành nhiều thời gian đi tìm ở các bảo tàng và phế tích, cẩn thận nhặt nhạnh những hoa văn đẹp, những mặt kala giấu trong nền tháp và biến tấu để trở thành một vật dụng thường ngày, một tác phẩm trang trí trong vườn, trong nhà, trong các khách sạn, nhiều khu nghỉ dưỡng lớn trong cả nước. Hạ đã đem những tác phẩm của người Chăm xưa trên vách tháp xuống đời thường gắn cho nó một số phận, một đời sống riêng rồi hòa vào cuộc đời và làm sống lại phần nào nền văn hóa lớn bị chôn lấp trong lớp bụi của thời gian.
Miền Trung không có truyền thống của đất và lửa, không có những làng nghề truyền thống lâu đời như ở hai miền Nam Bắc, không có những cơ sở lớn, những làng nghề mới mọc lên cũng mai một trong cơn bão kinh tế thị trường thì với Hạ tất cả đều như mới bắt đầu, không còn cơ hội ăn may của hàng xuất khẩu mà phải tồn tại thực chất bằng khả năng mình, bằng tình yêu nghề, bằng sự kiên trì, cần cù cộng chút thông minh. Anh hoàn toàn có thể tồn tại tốt hơn bằng một ngành nghề khác nhưng sự lựa chọn đã được thế chấp bằng cuộc đời, và là người lính trở về anh nghĩ mình không có quyền dừng lại và nghĩ khác. Đã có nhiều người khuyên anh trở lại làm sứ hoặc gốm men nhưng anh biết chắc là sứ thì không bằng phía Bắc, tô men khắc vạch thì không bằng phương Nam, anh vẫn chọn con đường cũ là làm đất nung thấp nhiệt, bởi đất sét quê anh không giống ở hai miền, miền Bắc thì sậm màu mà cao nhiệt, miền Nam bạc phếch mà kém dẻo, đất quê anh đỏ au một màu, vừa dẻo, đủ kết khối mà vẫn giữ được màu đỏ tươi hấp dẫn. Một vị khách nước ngoài khi đi hết dọc dài Việt Nam, ông đã kết luận không đâu làm đất nung tốt bằng Quảng Nam, ở đâu có nhiều ngọn tháp Chăm là ở đó sẽ làm đất nung tốt nhất.
Hạ từng nghĩ, quê hương đã để dành cho con cháu những trầm tích quí giá, những vỉa đất sét nhiều người mong muốn mà chúng ta không biết sử dụng, phát huy thì thật có lỗi với Mẹ quê hương. Hạ lại tiếp tục mò mẫm hết những thí nghiệm này đến thí nghiệm khác chỉ để tìm ra một qui luật chung của lửa. Từ lửa của trấu, của củi, của than đá, của ga và Hạ đã tìm ra cho mình một con đường riêng, một lối nhỏ,đó là cuộc chơi màu sắc trên đất mà không dùng hóa chất, sự tung hứng của đất và lửa, những gam màu biết nói, những gam màu hoả biến tự sinh, tự chuyển hóa rồi nằm lại ở một nhiệt độ nhất định. Những kết quả làm thỏa mãn sự đam mê của nghề và gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho khách tìm đến. Màu sắc là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa đất và lửa, mỗi lần ra lò là hồi hộp bởi kết quả bí ẩn bất ngờ này không có ở những mặt hàng gốm sứ nhiệt độ cao.Con đường nhỏ đạp mãi rồi sẽ lớn lên, xưởng đất nung tự tin bước vào cuộc chơi lớn của thị trường hàng mỹ nghệ bằng những bước chân chậm chạp mà chắc chắn. Anh bắt đầu tham gia vào những cuộc hội ngộ lớn, 6 lần tham gia cùng Huế trong festival làng nghề, được tôn vinh ở festival Gốm sứ Việt nam lần thứ nhất ở Bình Dương 2010. Trong ngày hội chuẩn bị đón Ngàn năm Thăng long ở công viên Bách Thảo (Hà Nội) 2010, anh đã tặng hai bức phù điêu Vũ nữ Trà kiệu cao 80 cm cho thành phố.
Năm 2013 Lê Đức Hạ vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong anh nhiều trăn trở. Tìm cách phá vỡ mọi ngõ ngách để chui ra ngoài biển lớn, không dừng và dậm chân tại chỗ. Xu thế chung của xã hội, của các làng nghề là làm du lịch, đó là cánh cửa hé ra cho ai có quyết tâm thì đẩy cửa bước vào. Năm 2015 một ngôi nhà độc đáo bằng đất xuất hiện, Hạ chọn những sản phẩm độc bản và nung độc bản để trưng bày. Những chiếc lọ bằng đất sét dẻo mềm rồi tung hứng trên đó những câu chuyện, những khuôn mặt,những chân dung và cá tính. Hơn hai mươi tờ báo lớn của thế giới đăng hình và giới thiệu, nhiều hạng mục của kiến trúc châu Âu, châu Á được trao về cho ngôi nhà, đạt 1 trong 10 kiến trúc đẹp nhất thế giới năm 2016, chứa đựng trong đó là những tác phẩm đất nung.
Những kiến thức của cậu con trai hơn mười lăm năm làm hướng dẫn viên, cô con dâu học ở Úc về dạy trường du lịch và cô con gái tốt nghiệp khoa Maketting của Đại học Rmit Sài Gòn, tất cả đồng lòng cho cuộc chơi lớn của gia đình nghệ nhân. TIỆM ĐẤT NUNGở 23 Phan Châu Trinh - Hội An ra đời chỉ để bán và giới thiệu với thế giới sản phẩm được làm ra từ làng nghề Quảng Nam. Người bán hạnh phúc vì được giới thiệu văn hóa của quê mình, dân tộc mình, những kiến trúc của Hội An, của nền nghệ thuật Chăm pa,tất cả hiện hữu trên những sản phẩm đất nung nhỏ gọn và xinh đẹp, văn hóa của cả thế giới cũng được thu nhỏ ở đây để làm quà. Tiệm Đất nung ra đời không chỉ để tiêu thụ hàng cho xưởng hay bán để kiếm tiền mà là sự khẳng định của nghệ nhân xứ Quảng tại một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là cửa ngỏ để tên tuổi của làng nghề Quảng Nam đi ra. Tiệm mang đến cho khách sự tin tưởng khi mua một sản phẩm mang về, họ biết chắc rằng đã mang đi tình yêu nơi mà họ tới, nhiều khách hàng đã sung sướng ra mặt khi đã có cơ hội đến đây, được cầm nắm một sản phẩm rất Quảng Nam mà họ không tìm thấy ở một nơi nào khác. Và các con của anh, những công dân của thời đại số biết bỏ phố về quê cùng ba trả nghĩa cho quê hương.
Huyền Chi
Tin mới
- UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024 - 15/11/2024 08:07
- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng dự ngày hội đại đoàn kết tại Khu dân cư Thái Sơn (xã Điện Tiến) - 12/11/2024 09:56
- Khối phố Uất Lũy, phường Điện Minh tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2024 - 11/11/2024 03:13
- Bài viết: Hội Khuyến học Thị xã – Nhiều kết quả hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2019-2024 - 11/11/2024 02:38
- Bài viết: Xây dựng Trường học hạnh phúc - Lấy trẻ làm trung tâm tại Trường Mẫu giáo Điện Minh - 09/11/2024 03:41
Các tin khác
- Lễ kết nạp Đoàn viên và thành lập CĐCS tại Công ty Cty TNHH Xintechnolory Electronics Việt Nam - 08/11/2024 07:24
- UBND thị xã tổ chức hội nghị ngày pháp Luật Việt Nam - 08/11/2024 02:19
- UBND thị xã tổ chức tập huấn công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 - 07/11/2024 06:47
- Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin tuyên truyền cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở - 07/11/2024 06:44
- Bài viết: Bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề trên địa bàn thị xã Điện Bàn - 06/11/2024 00:47