Vốn là một người yêu thích các loài cây cỏ, khao khát được đưa kiến thức mình đã được học ở trường Đại học áp dụng thiết thực trong cuộc sống, cô giáo Phạm Thị Tường Vy (khối 5 phường Vĩnh Điện- giáo viên dạy môn Hoá học tại trường THPT Nguyễn Khuyến) đã tạo ra những sản phẩm tinh dầu độc đáo từ thảo dược.
Gần 10 năm giảng dạy ở miền núi, cô giáo Tường Vy nhận thấy các xã biên giới Tây Giang có cây sả bản địa người dân thường gọi là sả Lào (sả Java) hàm lượng tinh dầu cao và rất thơm, nhiều công dụng quý. Hay như ở Mỹ Sơn - Duy Xuyên đã có nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu chổi, đây là loại tinh dầu quý có vị cay nồng, mùi thơm, có tính tán phong hàn, khai khiếu giúp tiêu hóa, thông huyết mạch, sát khuẩn. Điện Bàn trước đây cũng là nơi trồng và chiết xuất tinh dầu bạc hà Nam, có hàm lượng Methol cao nhất, với tác dụng dược lý cao. Nhận thấy Quảng Nam là một trong những vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu từ các cây hương liệu bản địa nhưng chưa được khai thác và đầu tư đúng mức, cô giáo Tường Vy đã học hỏi, nghiên cứu các công thức để tạo ra những sản phẩm tinh dầu thiên nhiên mang năng lượng thuần khiết từ loại thảo dược bản địa ở Quảng Nam.
Là một giáo viên Hoá học và cũng là một người mẹ, cô hiểu được những lợi ích tuyệt vời của tinh dầu thiên nhiên với sức khoẻ như làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp ngủ sâu, hạn chế nấm vi khuẩn phát triển… Mảnh vườn nhỏ của gia đình trồng những loài cây như bạc hà, sả, bưởi… cùng với hiểu biết sâu về chưng cất, chiết xuất thảo dược, cô bắt tay vào việc chiết xuất tinh dầu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, cô chỉ mới có vài loại sản phẩm như tinh dầu bạc hà Nam, tinh dầu sả, tinh dầu Kim Sa Tùng (dầu chổi). Dần dà có kinh nghiệm, cô tìm tòi, nghiên cứu và cho ra thêm nhiều sản phẩm hữu ích, dễ sử dụng và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như nước rửa chén sinh học, tinh dầu đuổi côn trùng, tinh dầu quế, dầu tràm … Những mẻ đầu tiên cô nhận được nhiều lời khen về hương thơm và chất lượng, mọi người ủng hộ cô đưa sản phẩm ra thị trường. Từ động lực đó, cô quyết định sáng lập thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt, với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tinh dầu hoàn toàn nguyên chất. Cô còn tâm niệm rằng khi thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt có chỗ đứng, cô sẽ liên kết với nhiều hộ nông dân để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình sang mô hình hợp tác xã nhằm tạo ra cộng đồng khởi nghiệp, cùng phát triển. Cô viết dự án “Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt - Nâng tầm giá trị nguồn hương liệu bản địa Quảng Nam” và tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2023, dự án của cô đạt giải khuyến khích “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Quảng Nam. Từ đó, cô mạnh dạn tham gia các hội chợ, sự kiện do thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng tổ chức và mở rộng thị trường của mình.
Không dừng lại ở những loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà, cô Tường Vy còn tìm kiếm những loại nguyên liệu quý ở vùng núi trong tỉnh. Tranh thủ những ngày nghỉ lên núi thu hoạch nguyên liệu, mê mẩn các loài cỏ cây, đêm về sau khi soạn bài giảng, tìm tòi cách thức chiết xuất tinh dầu sao cho tối ưu nhất để có được những giọt tinh dầu thơm ngát, cô giáo không ngừng học hỏi, không ngừng thử nghiệm. Mảnh vườn gia đình là nơi cho cô cảm giác bình yên và thư giãn, nhìn ngắm vẻ đẹp mộc mạc và tận hưởng hương thơm của cỏ cây, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh về lối sống gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Hiệu quả mô hình khởi nghiệp Anh Kiệt không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng các loài cây dược liệu bản địa cho người dân giúp khôi phục nguồn giống mà còn trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu ổn định tại địa phương. Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt của cô giáo Tường Vy đã đạt giải nhất trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp của thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, giải khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo do sở KH-CN tỉnh Quảng Nam tổ chức, giải khuyến khích dạy và trưng sản phẩm stem khoa học do sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức.
Không chỉ làm kinh tế, cô giáo Tường Vy còn được nhiều người biết đến bởi các hoạt động thiện nguyện. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô dạy ở một trường THPT thuộc huyện miền núi Đông Giang. Học trò của cô là đồng bào Ca Dong, Cơ Tu, hoàn cảnh cơ cực nhưng rất ham học. Cô không quản ngại cách trở địa hình, khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sống để giúp đỡ các em. Sau 8 năm gắn bó với huyện vùng cao Đông Giang, cô Vy được chuyển về công tác tại trường THPT Nguyễn Khuyến. Mười mấy năm qua, cứ mỗi kỳ tuyển sinh là cô đi nhiều nơi để xin học bổng cho những học trò nghèo, dành thời gian để luyện thi đại học miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên quyên góp quần áo ấm, sách vở để sẻ chia với học trò vùng cao Đông Giang, tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ và trích tiền lãi từ bán tinh dầu giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Điện.
Huyền Chi
Tin mới
- Bài viết: Cô giáo dạy sinh khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu dược liệu - 02/12/2024 09:47
- Bài viết: Phường Điện Thắng Bắc phát huy tổ công nghệ số cộng đồng - 02/12/2024 01:43
- Bài viết: Hội CCB Điện Hoà 5 năm liền dẫn đầu phong trào - 02/12/2024 01:41
- Bài viết: Khu dân cư Viêm Tây 1 – phường Điện Thắng Bắc thực hiện hiệu quả mô hình “Khu dân cư không còn hộ nghèo” - 02/12/2024 01:38
- UBND thị xã trao giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn lần thứ 8, năm 2024 - 29/11/2024 07:54
Các tin khác
- Phản ánh: Hội thi “Bé tài năng – Sáng tạo” cấp học mầm non thị xã Điện Bàn - 28/11/2024 01:44
- Hội Người mù thị xã kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hội - 27/11/2024 08:30
- Bài viết: Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đổi mới vì sự phát triển bền vững - 25/11/2024 01:37
- Bài viết: chị Đặng Thị Ngãi - Người cán bộ Hội tiên phong gương mẫu trong phong trào, công tác Hội - 19/11/2024 01:01
- phường Điện Thắng Trung khánh thành, bàn giao bể bơi trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống - 18/11/2024 07:04