0235.3867334

      Sáng qua ngày 27/3/2024, Ban chấp hành Đảng bộ xã Điện Thọ đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên xã Điện Thọ (3/1939 – 3/2024). Đây là Chi bộ được thành lập đầu tiên của Đảng bộ huyện Điện Bàn (nay là thị xã). Tham dự kỷ niệm có đồng chí Huỳnh Quang Trung – UVBTV – Trưởng Ban tổ chức thị uỷ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, đồng chí Trần Viết Mai – Bí thư Đảng uỷ xã, lãnh đạo Đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMT, các ban ngành Đoàn thể xã, các đồng chí nguyên lãnh đạo xã qua các thời kỳ và gần 400 đảng viên trong Đảng bộ.
 
    Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu và đảng viên đã cùng ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương và truyền thống cách mạng của chi bộ, Nhân dân xã từ khi thành lập đến nay. Theo đó, tháng 3/1939 chi bộ ghép của 3 làng Giáng La, La Huân, Cẩm Văn được thành lập tại nhà thờ Tộc Phan làng Giáng La do đồng chí Phan Vàng làm bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã Điện Thọ ngày hôm nay. Trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc đến nay toàn xã có trên 1.300 liệt sỹ và 285 thương, bệnh binh. Với những thành tích xuất sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điện Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Cờ quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương chiến công các loại, huân chương giải phóng, huân chương lao động.
       Năm 2015, Điện Thọ được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024, Điện Thọ đang “về đích” xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025. Hiện thu nhập của người dân trong xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Mi Ni
 

          Ngày 27.3, UBMT xã Điện Phước tổ chức buổi toạ đàm với nội dung “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận, tổ đoàn kết ở Khu dân cư”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Chủ tịch UBMT xã chủ trì.

           Tham dự toạ đàm có ông Nguyễn Đình Dinh – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ- CT HĐND xã, ông Trần Công Khoa- Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã, Tham dự toạ đàm còn có đại diện các Hội đoàn thể, Chi uỷ, BND, Ban công tác Mặt trận và 36 tổ đoàn kết trên địa bàn xã.

            Buổi toạ đàm nhằm đánh giá sát đúng về thực trạng, chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận và tổ đoàn kết xã trong giai đoạn hiện nay, nhất là đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận và tổ đoàn kết; thảo luận, phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trao đổi những phương pháp hay, sáng tạo, phù hợp trong việc tổ chức hoạt động của Ban công tác Mặt trận và tổ đoàn kết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận và tổ đoàn kết.

          Tại buổi toạ đàm có 11 ý kiến tham gia phát biểu thảo luận đưa ra một số giải pháp cụ thể, kiến nghị thực tế đã được lãnh đạo xã ghi nhận và trao đổi. Phần lớn các ý kiến tập trung đề xuất những giải pháp như cần quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư,tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận, tổ đoàn kết ở khu dân cư,triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương, bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về công tác Mặt trận, kịp thời quan tâm, thăm hỏi động viên, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân Trưởng ban công tác MT, tổ đoàn kết có những đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ làm công tác MT, với nhiều nội dung như: các chủ trương, chương trình hành động của Ban Thường trực gắn với các báo cáo chuyên đề thực tế; những mô hình và cách làm hay; các điển hình tiên tiến của địa phương và thông qua rèn luyện từ thực tiễn công tác. Bên cạnh đó để đảm bảo mức hỗ trợ cho các tổ đoàn kết hoạt động, nên để các chi hội trưởng đoàn thể kiêm nhiệm thì hoạt động sẽ hiệu quả hơn.

           Trong những năm qua, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc VN xã đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đúng vai trò, nhiệm vụ của Ban công tác Mặt trận, tổ đoàn kết là tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam xã; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi nhiệm vụ…Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban công tác Mặt trận, tổ đoàn kết luôn phát huy được vai trò là đội ngũ tiên phong trong tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong vùng tâm dịch vượt qua khó khăn để chiến thắng đại dịch Covid-19; vận động ủng hộ nông sản cho bà con Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, phối hợp chi hội đoàn thể vận động từng bữa ăn cho các thành viên tham gia chốt kiểm soát dịch trên và ngoài địa bàn xã. Trong xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và tổ đoàn kết phát huy tinh thần trách nhiệm gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền, nhất là trong vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, di dời tường rào cổng ngõ, thực hiện hiệu quả các mô hình và nhiều phần việc ý nghĩa. Công tác nắm bắt dư luận xã hội, phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp tại các tổ đại biểu cũng được Ban công tác thực hiện khá tốt.

           

          Những kết quả đạt được của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các tổ đoàn kết đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh của các địa phương.

 

                                                                            Huyền Chi

 

Sáng ngày 27.3, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết đến viếng hương tại di tích Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ và Di tích lịch sử Mộ cụ Phạm Phú Thứ.

 

 

Tham gia cùng đoàn có Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và thị xã Điện Bàn.

 

Tại di tích Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ, xã Điện Tiến, lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, độc lập của dân tộc.

Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ là nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng của quân và dân Quảng Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược vào tháng 7 năm 1954. Chiến thắng Bồ Bồ được đánh giá như một “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

 

Tại di tích lịch sử mộ cụ Phạm Phú Thứ, xã Điện Trung, Bí thư tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết và đoàn công tác đã thắp hương tri ân danh thần Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) – một trí thức lớn, để lại dấu ấn ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, đối ngoại…khi làm quan dưới triều Nguyễn.

 

Hai di tích này vừa được Bộ Văn hoá  - Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

                                                       Thu Hằng

 
 

Sáng hôm qua 27.3, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì buổi làm việc với Thị ủy Điện Bàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đồng thời chỉ đạo, giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các Sở, ngành liên quan. Tại thị xã Điện Bàn có đồng chí Phan Minh Dũng, Bí thư thị uỷ; đồng chí Trần Hải Vân, PBT TT Thị uỷ; đồng chí Trần Úc, PBT Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã cùng các đồng chí trong BTV Thị uỷ, PCT UBND thị xã, chánh VP thị uỷ, UBND thị xã.

 

Đảng bộ thị xã Điện Bàn có 71 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó, có 20 đảng bộ xã, phường (08 xã, 12 phường), 04 đảng bộ cơ quan và 47 chi bộ cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, với 7.100 đảng viên và 288 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Năm 2023, Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt hơn 2.658 tỷ đồng, đạt hơn 95% so với HĐND thị xã giao, trong đó: thu nội địa khoảng 2.135 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, thị xã Điện Bàn đã báo cáo những kết quả đạt được của thị xã trên tất cả các lĩnh vực; kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung, vướng mắc xoay quanh các nhóm vấn đề, gồm: đề nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế công chức; đề nghị xem xét nghiên cứu bộ máy quản lý dự án phát triển nhà ở đô thị; đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức Đội kiểm tra quy tắc đô thị thị xã và hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy và hoạt động của đơn vị; xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc dự án Làng Đại học; giải quyết những tồn đọng, vướng mắc đối với các dự án bất động sản trên địa bàn thị xã… Nhiều kiến nghị đã được Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành liên quan trả lời, giải quyết ngay tại buổi làm việc. 

 

Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn tập trung khắc phục dứt điểm trong thời gian đến, như: Công tác triển khai kiểm tra, giám sát của cấp ủy và khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra, giám sát còn chậm; Thu ngân sách nhà nước sụt giảm, giải ngân vốn xây dựng cơ bản chưa đạt tiến độ; Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm. Tình hình đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo gia tăng, nhất là trên lĩnh vực đất đai...

 

Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Điện Bàn là địa phương có truyền thống cách mạng với số lượng liệt sĩ nhiều nhất cả nước nên cần đặc biệt quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng đúng quy định. Điện Bàn cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử nên phải thực hiện tốt công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng chỉ đạo rà soát, đánh giá sự cần thiết, thứ tự ưu tiên đầu tư đối với di tích Đình làng Thanh Chiêm để xem xét, hỗ trợ đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

 

                                                                    Thu Hằng

 
 

Một trong những kết quả nổi bật của Điện Bàn là việc thực hiện Nghị quyết 03 năm 2021 của Thị uỷ về điều động, luân chuyển gắn với bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2025 tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện từ thực tiễn.

         Từ năm 2010 đến năm 2021, Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy đã điều động và luân chuyển nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thị ủy quản lý từ thị xã về xã, phường; từ phòng ban này sang phòng, ban khác và ngược lại. Qua đó, đã kịp thời tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho một số địa phương và các cơ quan, ban, ngành của thị xã; góp phần tích cực giúp các địa phương, các ngành ổn định tổ chức, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

         Tuy nhiên, giai đoạn đó, việc luân chuyển cán bộ còn nhiều mặt hạn chế: số lượng cán bộ luân chuyển chưa nhiều, mới chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt; một số trường hợp chưa được nghiên cứu kỹ nên việc điều động cán bộ chưa hợp lý; chưa làm tốt công tác tư tưởng đối với một số cán bộ được điều động; nhận thức của một số cán bộ và tổ chức đảng đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa đúng đắn. Có đồng chí được luân chuyển nhưng chưa thực sự tự giác, tự nguyện nhận nhiệm vụ mới. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương được Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy điều động cán bộ về tăng cường thì băn khoăn, thắc mắc là cấp trên thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ, không nhiệt tình tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ được điều động về địa phương, đơn vị mình.

        Xuất phát từ tình hình đó, nhằm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng cấp trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thị xã lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ về công tác cán bộ. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thị xã và các xã, phường ngang tầm nhiệm vụ; tạo điều kiện, môi trường mới để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành, vững vàng, toàn diện hơn qua thực tiễn, gắn với việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 3.11.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã ban hành Nghị quyết điều động, luân chuyển gắn với bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2025.

         Theo đồng chí Phan Minh Dũng, Bí thư thị uỷ Điện Bàn cho biết: Thực hiện đề án, từ cuối năm 2021 đến nay, qua thực tiễn công tác, các đồng chí đã phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng phường văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thị xã có 8 cán bộ chủ chốt được luân chuyển từ xã sang xã, 12 đồng chí là cán bộ thị xã  được luân chuyển về xã, 2 đồng chí từ xã điều động về thị xã, trong đó có 18 người làm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Việc thực hiện đề án để tạo ra một năng lượng mới, cách làm mới, quyết tâm mới, đồng thời, chuẩn bị được nguồn cán bộ lâu dài thực hiện nhiệm vụ. Các đồng chí tiếp cận, giải quyết vấn đề ở địa phương rất tốt.

        Đồng chí Đặng Hữu Tú, Chủ tịch Hội nông dân thị xã, được điều động năm 2022 về nhận nhiệm vụ Bí thư đảng uỷ phường Điện Phương. Qua thực tiễn công tác, đồng chí đã có nhiều chương trình, giải pháp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.Từ khi về nhận công tác tại phường Điện Phương, đồng chí đã phát huy được vai trò của người đứng đầu, luôn gần dân, sát dân, tích cực đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình thực tế địa phương trên các lĩnh vực; cùng tập thể Đảng ủy chỉ đạo giải quyết được nhiều nhiệm vụ quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, ủng hộ cao.

          Đồng chí Đàm Quang Trung, Bí thư đảng uỷ phường Điện Nam Bắc được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường Điện Dương vào đầu tháng 11.2022. Bằng trách nhiệm và khả năng của mình, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ phường ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, xây dựng phường đô thị văn minh. Đồng chí xây dựng kế hoạch, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với đảng viên, người dân; chủ động nắm tư tưởng, dư luận của từng chi bộ khối phố để tranh thủ quy tụ được sức mạnh trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong phường. Từ đó đưa ra các chủ trương phù hợp thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương, nhất là được nhân dân đồng thuận ủng hộ tích cực tham gia xây dựng quê hương. Đặc biệt, đồng chí Đàm Quang Trung đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện siết chặt quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường, đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn thị xã đã bố trí 19/20 đơn vị có cán bộ làm Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân không là người địa phương; 1 đơn vị có Phó Bí thư Đảng ủy không là người địa phương.

        Theo đồng chí Huỳnh Quang Trung, UVBTV, Trưởng ban Tổ chức thị uỷ, thực tế qua điều động, luân chuyển, nhất là điều động luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã không là người địa phương đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cục bộ, địa phương, đồng thời làm cho công tác cán bộ ở cơ sở bảo đảm khách quan, dân chủ hơn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền. Những địa phương có cán bộ chủ chốt không là người địa phương đều chuyển biến tích cực trong các phong trào.

          Việc các địa phương làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ diện luân chuyển và với cấp ủy, chính quyền nơi có cán bộ thực hiện điều động, luân chuyển đã tạo hiệu quả hai chiều: Vừa giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, vừa tạo môi trường để cán bộ rèn luyện từ thực tiễn. Nhờ đó, hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động về cơ sở được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển, đóng góp công sức, trí tuệ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. 

          Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Điện Bàn, sự đồng thuận, đoàn kết, toàn Đảng, toàn dân sẽ là động lực để thị xã vững bước vào năm 2024 với niềm tin và kỳ vọng một năm mới phát triển lên tầm cao mới, toàn diện, vững chắc hơn. Tin tưởng rằng với những kết quả đã đạt được trong năm qua, sẽ tạo đà, tạo thế cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã vững tin bước vào xuân mới với nhiều thắng lợi mới trên tất cả các lĩnh vực - góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ đề ra. 

Thu Hằng 

        Sáng ngày 27/3/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Điện Thọ long trọng tổ chức Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên xã Điện Thọ (3/1939 - 3/2024). Đây là Chi bộ được thành lập đầu tiên của Đảng bộ huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Tham dự kỷ niệm có đồng chí Huỳnh Quang Trung - UVBTV, Trưởng Ban tổ chức Thị uỷ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng; đồng chí Trần Viết Mai - TUV, Bí thư Đảng uỷ xã, cùng các đồng chí là lãnh đạo Đảng uỷ - HĐND - UBND - UBMT, các ban ngành Đoàn thể xã; các đồng chí nguyên lãnh đạo xã qua các thời kỳ và gần 400 đảng viên trong toàn đảng bộ.
 
Quang cảnh buổi kỷ niệm. Ảnh M.N      
       
        Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu và gần 400 đảng viên đã cùng ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương và truyền thống cách mạng của chi bộ, Nhân dân xã từ khi thành lập đến nay. Theo đó, tháng 3/1939 chi bộ ghép của 3 làng Giáng La, La Huân, Cẩm Văn được thành lập tại nhà thờ Tộc Phan làng Giáng La do đồng chí Phan Vàng làm bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã Điện Thọ ngày hôm nay. Trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc đến nay toàn xã có trên 1.300 liệt sỹ và 285 thương, bệnh binh. Với những thành tích xuất sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điện Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Cờ quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, Huân chương chiến công các loại, huân chương giải phóng, huân chương lao động.
        Năm 2015, Điện Thọ được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024, Điện Thọ đang “về đích” xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025. Hiện thu nhập của người dân xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
        Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Huỳnh Quang Trung - UVBTV, Trưởng Ban tổ chức thị uỷ đã chúc mừng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Điện Thọ nhân ngày kỷ niệm trọng đại này; đồng thời biểu dương những thành tích mà đảng bộ, Nhân dân trong xã đã đạt được, nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu để Điện Thọ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025.
Mi Ni
 

Chúng ta hãy nhìn lại chặng đường năm qua với 10 sự kiện kinh tế- xã hội và thành quả nổi bật của thị xã để cùng phát huy và có những bước tiến mới trong năm 2024.

Sự kiện thứ 1: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập 5 phường

         Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu đầu tháng 4 năm 2023, thị xã Điện Bàn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập 5 phường gồm: Điện Minh, Điện Phương, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc. Nâng tổng số phường thuộc nội thị lên con số 12, tỷ lệ đô thị hóa hơn 65%; không gian đô thị ngày càng mở rộng, diện mạo đô thị ngày càng khang trang; nông thôn mới nâng cao ngày càng khởi sắc.    

         Có thể nói: Sự ra đời của 5 phường mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ - công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị - nông thôn, hạ tầng kinh tế - văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị xã; mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiện ích đô thị, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giáo dục, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

         Song hành với việc thành lập 5 phường, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045. Đây là cơ hội để địa phương tiếp tục xây dựng thị xã Điện Bàn trở thành thành phố trước năm 2030.

Sự kiện thứ 2: Kinh tế thị xã duy trì tốc độ tăng trưởng khá;Sản xuất công nghiệp khởi sắc; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng.

        Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn thị xã, kết thúc năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của thị xã Điện Bàn thực hiện đạt 24.743 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2022; Trong đó, giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 17.447 tỷ đồng. Giá trị công nghiệp đạt 15.563 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ 5.578 tỷ đồng; nông, lâm, thủy sản đạt 1.717 tỷ đồng. Sau dịch bệnh Covit-19, tình hình sản xuất tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc có sự chuyển biến tích cực tăng 3,97%; sản xuất công nghiệp địa phương bằng 81% so với cùng kỳ.

         Hoạt động thương mại dịch vụ có nhiều tín hiệu tốt. Giữa tháng 7 năm 2023, tập đoàn Central Retail tổ chức khai trương siêu thị mini Go! Siêu thị được xây dựng theo mô hình mới, bao gồm đầy đủ tiện ích “Ăn - Mua sắm - Vui chơi”, đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao, từ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng, vui chơi giải trí mang tính sáng tạo… là điểm đến lý tưởng cho tất cả người dân thị xã Điện Bàn và vùng lân cận.

         Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, trong năm có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến; xã Điện Quang đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Sự kiện thứ 3: Khởi công xây dựng Cầu Văn Ly, Cầu Nghĩa Tự và hoàn thành các công trình trọng điểm khác.

        Ngày 16.9, là một ngày đáng nhớ đối với người dân Gò Nổi, thị xã Điện Bàn nói riêng và các địa phương lân cận nói chung khi  dự án cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn chính thức được khởi công.

         Có cây cầu bắc qua sông, đó là điều mơ ước bao đời của dân vùng Gò Nổi bởi sau khi Cầu hình thành sẽ phá thế độc đạo tiếp cận vùng Gò Nổi, giảm thiểu hành trình đi lại giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, giúp giao thương đi lại của người dân được thuận lợi, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ việc lưu thông bằng đò ngang qua sông Thu Bồn. Đồng thời sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối hai bờ sông Thu Bồn. Mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, liên huyện, có cơ hội phát huy tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương.

         Bên cạnh đó, thị xã Điện Bàn cũng đã tập trung nguồn vốn khởi công xây dựng Cầu Nghĩa Tự bắc qua sông Cổ Cò; đồng thời hoàn thành các công trình trọng điểm như: Trung tâm thể dục thể dục thể thao Bắc Quảng Nam; đường ven hồ trung tâm hành chính; Trụ sở làm việc Thị uỷ; Công viên Thanh niên- phường Vĩnh Điện; Tượng đài các lão dân quân Hoằng Trường tại công viên sân vận động Điện Minh và Di tích lịch sử chiến thắng Đồn Ngũ Giáp, phường Điện Thắng Nam. Đây là những công trình trọng quan trọng và cũng là điểm nhấn của thị xã góp phần đổi thay bộ mặt đô thị trẻ, từng bước nâng cao chất lượng đô thị theo hướng bền vững, hiện đại.

Sự kiện thứ 4: Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 60 năm kết nghĩa “Hoằng Hóa - Điện Bàn - Nghĩa nặng tình sâu”.

         Trong năm, thị xã tổ chức thành công nhiều chương trình Lễ quan trọng, trong đó có chuỗi các hoạt động Lễ kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hoằng Hoá - Điện Bàn; Trải qua 60 năm, hai địa phương kết nghĩa: Hoằng Hóa - Điện Bàn đã làm nên một chặng đường lịch sử nghĩa nặng tình sâu, xây nên một tượng đài bất tử của mối tình kết nghĩa thủy chung, son sắt mà không phải nơi nào cũng có được.

         Kỷ niệm 60 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn kết nghĩa, không chỉ là dịp tri ân những hy sinh, mất mát của quân và dân hai địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là dịp để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Điện Bàn - Hoằng Hóa chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhau thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân, hướng đến hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cùng nhau vun đắp tương lai.

Sự kiện thứ 5: Tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp TX Điện Bàn lần thứ I-TechFest 2023.

         Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Điện Bàn lần thứ I - TechFest Điện Bàn 2023 với chủ đề “Điện Bàn - Sáng tạo khác biệt để phát triển” đã thành công tốt đẹp với sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp (KN) sáng tạo tỉnh Quảng Nam, sự kiện đã được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ.

        Trong khuôn khổ TechFest Điện Bàn 2023 đã diễn ra 4 diễn đàn, tọa đàm với các chủ đề: “Mô hình hoạt động hội khởi nghiệp sáng tạo địa phương”; “ khởi nghiệp phát triển ẩm thực đặc sản xứ Quảng - Điện Bàn 2023”; “Phụ nữ Điện Bàn sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh”; “Nông dân Điện Bàn khởi nghiệp, sáng tạo từ sản phẩm địa phương gắn với thương mại điện tử”.

        TechFest Điện Bàn cũng là nơi hội tụ của 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm KN, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Điện Bàn và nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua ngày hội nhằm nhấn mạnh khát vọng Khởi nghiệp cùng truyền thống hiếu học, là nhân tố quan trọng tạo nên sự khát biệt để phát triển Điện Bàn trở thành đô thị sinh thái, hiện đại. Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp vươn lên tạo đông lực thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thị xã. Góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Sự kiện thứ 6: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm ở lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

          Nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã, Trong năm Thị ủy Điện Bàn đã ban hành Nghị quyết 06 về tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã.

          Ngay khi Nghị quyết 06 của thị ủy được ban hành cùng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thị xã, và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan và sự vào cuộc trách nhiệm của các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý kiên quyết từng trường hợp nên công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, việc chấp hành pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của người dân được nâng lên, tình trạng xây dựng không phép, sai phép đã được xử lý. Qua đó đã vận động tổ chức, cá nhân vi phạm tự khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng và tự tháo dở những công trình vi phạm. Đồng thời tham mưu UBND thị xã Điện Bàn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành trên 600 triệu đồng.

Sự kiện thứ 7: Hoàn thành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025.

         Năm 2023, cùng với các địa phương trên cả nước, thị xã Điện Bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Để tập trung thực hiện chủ trương này,Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính Công an thị xã và Công an các xã, phường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực rà soát, cập nhật dữ liệu chuyên ngành, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu dung chung. Trong năm, Công an thị xã đã triển khai các Tổ công tác đến từng xã, phường, thôn, khối phố, trường học để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và định danh điện tử làm việc liên tục kể cả ngày, đêm, Thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ. Hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên xung kích tham gia hướng dẫn cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.

         Bằng những nỗ lực đó, đến nay các chỉ tiêu của Đề án 06 trong năm 2023 đã hoàn thành, đảm bảo yêu cầu đề ra: 100% người dân trong độ tuổi được cấp CCCD; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt yêu cầu đề ra; dữ liệu quốc gia về dân cư luôn được cập nhật, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Tất cả những kết quả đó, đã góp phần đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thị xã.

Sự kiện thứ 8: Hội nông dân, Hội LH phụ nữ, Hội cựu chiến binh dẫn đầu phong trào thi đua cụm đồng bằng tỉnh Quảng Nam.

            Năm 2023 là năm mà Hội nông dân; Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh thị xã được xếp ở vị trí đứng đầu trong phong trào thi đua khối huyện, thị, thành phố cụm đồng bằng tỉnh Quảng Nam.

           Đến nay, tổng dư nợ cho vay từ các ngân hàng trên 215 tỷ đồng giúp 4.263 hộ nông dân vay đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhiều hộ vươn lên khá giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, toàn thị xã có 6.000 hộ đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 107% so chỉ tiêu giao; trong đó cấp cấp xã/phường 3.600 hộ, cấp thị xã 2.100 hộ, cấp tỉnh 287 hộ, cấp trung ương 13 hộ.

          Trong năm, Hội LHPN thị xã tổ chức các hoạt động thiết thực như: Ngày Hội “Phụ nữ Điện Bàn - Khát vọng phát triển”; Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Bữa sáng san sẻ yêu thương”; “Tết yêu thương - Xuân sẻ chia” giúp hộ phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ra mắt nhiều mô hình thiết thực như: “Xe thu gom rác thải”, “Tổ phụ nữ không sử dụng tiền mặt”, “Tổ phụ nữ hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi số”, “1.000 đồng vượt qua nghịch cảnh”,

           Phát huy Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, năm qua Hội CCB thị xã Điện Bàn đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia, giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên. Đến nay, toàn hội không còn hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, Hội CCB thị xã còn tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia nâng chuẩn xây dựng NTM; thực hiện mô hình khu dân cư phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông vv…

Sự kiện thứ 9: Hoạt động VHVN-TDTT diễn ra sôi động, đội bóng đá thị xã Điện Bàn vô địch giải bóng đá tỉnh Quảng Nam.

          Năm 2023 cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ- thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Trong đó nổi bật là giải bóng đá thanh niên Điện Bàn năm 2023 và giải Bóng đá nam vô địch tỉnh tranh cúp Phadin lần thứ XIII.

           Ở giải bóng đá thanh niên Điện Bàn năm 2023 có 17 đội bóng đến từ 17 xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Bàn tham gia. Ở giải Bóng đá nam vô địch tỉnh tranh cúp Phadin lần thứ XIII, Điện Bàn vượt qua Hội An để giành chức vô địch. Các giải đấu được người dân đặc biệt quan tâm, 7.000 chỗ ngồi trên sân bóng tại Trung tâm Thể dục - thể thao Bắc Quảng Nam được lấp kín ở các trận đấu, tạo sự lan tỏa của phong trào văn hóa, thể thao trên toàn địa bàn thị xã.

Sự kiện thứ 10 là:Quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định -Hoàn thành xuất sắc công tác diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ cho 10 địa phương.

           Trong năm 2023, lực lượng Công an thị xã đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an thị xã đã thụ lý điều tra 234 vụ án, bắt 195 đối tượng; xác lập, triệt phá thành công 9 chuyên án; xử lý vi phạm hành chính 387 đối tượng liên quan đến tệ nạn cờ bạc, 165 đối tượng sử dụng ma túy trái phép… Đặc biệt, Công an thị xã là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai mô hình tuần tra, chốt chặn, kiểm soát an ninh, trật tự. Đến nay, hoạt động của các Tổ 171 Công an thị xã đã góp phần đáng kể trong kiềm chế tội phạm, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

            Cũng trong Năm 2023, Điện Bàn có 10 địa phương tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng. Khung tập các xã, phường thể hiện đúng nguyên tắc vận hành Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Quân sự, Công an chủ trì phối hợp các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và tổ chức thực hiện. Đảng ủy, UBND các xã, phường đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc mục đích của cuộc diễn tập thực binh, có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ và thực binh tình huống A2, thành lập khung tập đúng, đủ thành phần theo quy định; tổ chức giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ cụ thể, chặt chẽ, chu đáo. Tổ chức điều động lực lượng huấn luyện và thực hành diễn tập thực binh đúng đội ngũ chiến thuật, vận dụng linh hoạt các động tác kỹ, chiến thuật trong quá trình thực hành  sát với tình hình thực tiễn của địa phương trong giai đoạn hiện nay. Khung tập 10 địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ năm 2023.

                                                                                                          Phạm Lộc  

        Trong 2 ngày 25 và 26/3/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Ngọc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có ông Phan Ngọc Hải - UV BTV TU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; ông Đặng Bảo Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; ông Lê Thanh Long - TUV, Bí thư Đảng uỷ phường; lãnh đạo Đảng uỷ - HĐND - UBND - UBMT, các ban, ngành, đoàn thể phường cùng 134 đại biểu chính thức của đại hội.
 
 
        Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường tham gia cộng tác 1 tin bài trên bản tin Mặt trận tỉnh, 174 tin bài trên Cổng Thông tin điện tử thị xã, chuyên mục Đại đoàn kết thị xã và Cổng thông tin điện tử phường; hướng dẫn các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh đó tại ngày hội, Ủy ban Mặt trận phường và KDC trao tặng hơn 2.000 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá từ 300 - 500 nghìn đồng; vận động Nhân dân hưởng ứng “Mỗi tháng dành 1 ngày vì môi trường đô thị, nông thôn sáng- xanh- sạch đẹp” và đã có trên 7.000 lượt người tham gia. Đến nay, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn phường tham gia đề án thu gom rác thải đạt 100%, tỷ lệ tham gia đóng phí môi trường đạt 95%. Về công tác giảm nghèo, qua 5 năm, Ủy ban Mặt trận phường đã vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được gần 250 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Mặt trận phường tổ chức triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội như hỗ trợ, sửa chữa nhà ở, cải thiện đời sống với số tiền trên 192 triệu đồng; trao tặng 10 máy lọc nước trị giá 75 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 2 nhà đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ, Mặt trận đã tổ chức 18 cuộc giám sát chuyên đề, 7 cuộc giám sát theo Pháp lệnh 34, 8 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
 
     
 
        Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đã hiệp thương cử 39 vị tham gia Ủy viên UBMT khoá X và cử 8 đại biểu tham dự đại hội đại biểu UBMT thị xã nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đại hội đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết cho 5 cá nhân, UBMT phường tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và các cuộc thi viết gương người tốt, pano ảnh chào mừng đại hội. Dịp này, Công ty cổ phần kiến trúc Tân Minh Nhân đã trao tặng 100 triệu đồng cho UBMT phường để xây dựng nhà Đại đoàn kết.
 
Mi Ni – Tào Ka
 

       Hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, 93 năm ngày thành lập Đoàn, tối ngày 23/3 tại Bia chiến tích lịch sử trận đánh 21 ngày đêm Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên xã Điện Hoà tổ chức Chương trình toạ đàm “Tiếp lửa truyền thống”.  Trước khi đi vào chương trình toạ đàm, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sỹ Tiểu Đoàn 3 và tiến hành đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài chiến tích.
       
 
         Buổi tọa đàm có sự tham dự của khách mời là những nhân chứng lịch sử: Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn – nguyên cục trưởng cục tuyên huấn, tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng; bà Nguyễn Thị Vân Lan – nguyên uỷ viên BTV, trưởng Ban dân vận thành uỷ Đà Nẵng, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Ông Trần Văn Chuẩn – nguyên xã đội trưởng xã Điện Hoà, phó bí thư huyện uỷ, chủ tịch HĐND huyện nay là thị xã kể về những trận đánh xuất thần trong chiến tranh chống Mỹ, nguỵ trên quê hương anh hùng xã Điện Hoà. 
        Tại đây, hơn 250 cán bộ, hội viên CCB, đoàn viên thanh niên và học sinh trên địa bàn xã được nghe những câu chuyện chia sẻ đầy xúc động, đồng thời rất đổi tự hào về ngày tháng chiến đấu gian khổ của quân và dân ta một lần nữa được tái hiện lại. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã bồi hồi, xúc động khi nhắc về quãng thời gian chiến đấu bền bỉ cũng như những khó khăn, kỷ niệm đáng nhớ của lực lượng đặc công bám đất giữ làng và những trận đánh nở hoa trong lòng địch tại xã Điện Hoà. Bác Trần Văn Chuẩn chia sẻ về những hoạt động, trận đánh lớn, giết giặc lập công của lực lượng du kích xã trong thời kỳ chống Mỹ - Nguỵ. Cô Nguyễn Thị Vân Lan kể về trận đánh đầy khốc liệt 21 ngày đêm tại đồng Thí Thân của tiểu đoàn 3 – Mặt trận 44 Quảng Đà. Đây là trận đánh mà Tiểu đoàn 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch và cũng là trận đánh mà lực lượng Tiểu đoàn 3 hy sinh nhiều nhất.
         Những câu chuyện thực tế được thế hệ đi trước kể lại không chỉ giúp thế hệ trẻ, Đoàn viên, thanh niên và học sinh càng trân trọng công lao to lớn của ông cha ta đối với hòa bình đất nước, mà còn thôi thúc các bạn ra sức lao động, học tập để bảo vệ và phát triển đất nước. Thông qua Tọa đàm, Hội CCB mong thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thường xuyên học tập tu dưỡng, gắn học tập với thực hành, đồng thời đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để có nhiều cống hiến hơn nữa cho xã hội. 
 
         Cũng tại buổi Tọa đàm, Đoàn xã đã tiến hành kết nạp 80 thanh niên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đoàn./.
 
                                                                                             Mi Ni 
 
 

        Ngày 23/3/2024, VKSND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Chi đoàn TAND thành phố Đà Nẵng, Chi đoàn TAND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn năm 2024” nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).
 
Dâng hương tại Nhà Lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
 
        Tại chương trình, các đoàn đã đến thăm, dâng hương các địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ những hình ảnh, ký ức lịch sử cách mạng hào hùng tại thị xã Điện Bàn như: Nhà Lưu niệm Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; Nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và Bảo tàng Điện Bàn.
 
Đoàn đến thăm quan tại Bảo tàng Điện Bàn
 
        Hành trình tham quan địa chỉ đỏ là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa”. Qua đó, để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tăng cường trải nghiệm, học các bài học lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.
 
Yến Nhi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019434285
Hôm nay
Hôm qua
6478
7151