0235.3867334

Bài viết: Những cây sách ở sân trường

          Thầy giáo dạy văn Tăng Văn Chung thích đọc sách từ nhỏ. Mẹ của thầy thường mượn sách thư viện về cho con đọc nên từ cấp một, cậu bé Chung đã biết đến Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Trung Thành. Khi  mẹ nghỉ hưu, anh phải thuê sách về đọc. Vào được đại học, anh gần như ngụp lặn trong thư viện. Đó là quãng thời gian anh bắt đầu hình thành “gu” đọc cho mình. Ra trường đi làm, thầy Chung bắt đầu mua sách để làm thư viện gia đình và luôn giữ thói quen đọc bằng cách luôn mang theo một cuốn sách trong cặp. Thầy cho rằng, kiến thức học sinh có thể quên sau một thời gian nhưng những bài học đạo đức - làm người nếu được truyền dạy thuyết phục sẽ theo các em suốt đời. Thầy giáo Tăng Văn Chung cho rằng, người có vốn ngôn từ phong phú thì việc nói và viết sẽ thuận lợi hơn bởi học khối gì, làm việc gì cũng cần đến ngôn từ, vậy nên mỗi người phải đọc để tích lũy. Đọc là việc cá nhân nhưng hoạt động này vẫn có khả năng tác động như một thói quen nên quý thầy cô đọc nhiều thì học sinh của mình cũng sẽ như vậy. 

           Thầy giáo Tăng Văn Chung chia sẻ, nhà trường không chỉ tích cực trồng cây xanh, mà dưới bóng mát cây xanh còn phải trồng thêm những cây sách. Cây nào cũng hiến tặng cho con người những điều thiết yếu. “Cây sách” sân trường Nguyễn Duy Hiệu có mái che, đặt ở những vị trí mát mẻ, chung quanh bố trí bàn ghế đá để học sinh, giáo viên thuận tiện đọc sách, góp phần điểm tô nét đẹp văn hóa cho ngôi trường. Các cây sách sân trường cũng là mô hình đồng hành cùng thư viện trong hành trình khuyến đọc, hoạt động song song để tăng cường hiệu quả. Giờ giải lao, trong lúc chờ học thể dục, học sinh tự lấy sách đọc vài trang. Vì đọc nhanh tại chỗ nên thầy Chung cùng Đoàn trường chú trọng mua các loại sách kỹ năng, tác phẩm văn học, chân dung, tư tưởng… có dung lượng ngắn. Thầy hy vọng khi học sinh đã tạo được thói quen đọc sách, các em sẽ lên thư viện tìm đọc những cuốn dài hơi hơn. Tủ sách sân trường mở cửa tự do, đọc tại chỗ, không mang về. Sách ở đây có thể bị thất lạc nhưng qua việc tự gìn giữ cây sách của trường, nhà trường còn mong muốn giáo dục cho học sinh mình về lòng trung thực, ý thức vì cộng đồng.

            Khi các cựu học sinh họp lớp, họp khóa thường có nhã ý tặng quà kỷ niệm cho nhà trường, nhà trường thường đề xuất tặng sách. Có khi các thầy cô gửi danh mục sách cần trang bị cho thư viện gửi cựu học sinh mua; cũng có khi cựu học sinh gửi kinh phí nhờ nhà trường mua giúp những loại sách phù hợp. trong số gần nghìn cuốn sách mà phụ huynh ủng hộ nhà trường có nhiều bộ sách quý, sách kinh điển. CHS Giang Thu hỗ trợ 30 triệu đồng, CHS Nguyễn Lê Nhật Quang hỗ trợ 10.000.000 đồng, CHS Lê Quý Trực và những cựu học sinh khác thì tặng sách. Ngoài số sách từ công trình thanh niên, khi biết công trình ý nghĩa này, nhiều người đã tự nguyện góp sách, làm phong phú thêm “cây sách”. Mỗi “cây sách” sân trường có nhiều loại sách với khoảng 100 đầu sách, trong đó chủ yếu là sách văn học, kỹ năng sống. Trước khi vào học hoặc ra chơi, các em hào hứng tìm những cuốn sách mình yêu thích để đọc. 

            Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp liên quan đến sách như “Thuyết trình văn học” hay “Cảm nhận về cuốn sách em yêu thích”... để nhân rộng văn hóa đọc sách trong nhà trường. Để giúp giảm chi phí, trường THPT Nguyễn Duy Hiệu còn tổ chức chương trình trao đổi sách. Học sinh có thể đem những bộ sách giáo khoa năm học cũ, sách tham khảo không còn dùng đến để tặng học sinh khóa sau hoặc đổi lấy bộ sách mình cần. Trường làm nhịp cầu trao đổi sách cho học sinh và giao các lớp luân phiên phụ trách “cây sách”, như sắp xếp sách, lau chùi tủ sách, chỗ ngồi đọc và hướng đến mở cửa tự do, phục vụ học sinh đọc trong giờ giải lao, học tăng tiết hoặc chờ học thể dục.  Nhờ vậy, nguồn sách thư viện phong phú, thường xuyên được bổ sung mới, hiện có hơn 16.000 bản sách các loại.

            Trường còn tổ chức toạ đàm về sách nhân ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21.4 hằng năm. Hội trường trở thành không gian sinh hoạt văn hóa. Các em cùng nói chuyện về sách, cảm nhận mình giàu có thêm xúc cảm thẩm mỹ và nhận thức không phải ai đọc sách cũng là người tử tế nhưng đọc nhiều, tự thấy nên bớt làm những điều thiếu tử tế. Các hoạt động khuyến đọc như thi giới thiệu sách, thiết kế kệ sách, vẽ bìa cuốn sách em yêu, đọc diễn cảm một đoạn tác phẩm, tọa đàm về sách trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều học sinh cùng tham gia. Và mới đây, hưởng ứng ngày Sách và Văn hoá đọc 21.4, Đoàn trường kết hợp với thư viện nhà trường tổ chức Ngày Hội "Sách - Cho bạn, Cho tôi" nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh toàn trường, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập, thể hiện kiến thức, ngôn ngữ... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ngày hội có hai hoạt động chính: giới thiệu cuốn sách tôi yêu và vẽ nội dung cuốn sách yêu thích. Các chi đoàn đã hưởng ứng nhiệt tình, tạo không khí vui tươi, đem lại thành công cho ngày hội. Chi đoàn 11/3 đã tặng “Cây sách sân trường” bộ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, góp một phần nhỏ nhằm duy trì cây sách và lan tỏa văn hóa đọc đến các bạn học sinh.

            Cây sách sân trường ở trường THPT Nguyễn Duy Hiệu đang thực sự là nơi thu hút học sinh, bồi dưỡng kiến thức, tạo môi trường thân thiện cho các em học tập, giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, thư giãn sau những giờ học tại trường. Việc chủ động đọc sách còn giúp các em phát triển một cách toàn diện về trí tuệ, thẩm mỹ, tâm hồn và nhân cách.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019431089
Hôm nay
Hôm qua
5754
8715