Cả một đời theo Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Đài, thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến - Cựu du kích, đảng viên 75 năm tuổi Đảng gắn liền với biết bao kỷ niệm, trong đó có sự kiện quan trọng ông không thể nào quên đó là Trận đánh Bồ Bồ cách đây 70 năm.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trận đánh Bồ Bồ 0h30 phút ngày 19.7.1954 của quân và dân Quảng Nam đã trở thành mốc son chói lọi, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevo, rút quân khỏi Đông Dương. Sau 70 năm, mảnh đất anh hùng nay đã thay da đổi thịt – trở thành một địa chỉ đỏ tự hào trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương xứ Quảng. Ở tuổi 96 nhưng ông Nguyễn Văn Đài còn khá minh mẫn. Ký ức trận đánh 70 năm về trước vẫn sống động, tự hào trong lòng người du kích năm xưa mỗi khi nhắc đến.
Ông Đài kể: “Cuối năm 1953, cùng với việc đổ quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giặc Pháp tập trung lực lượng đánh vào vùng tự do Liên khu V. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra. Tại Điện Bàn, hàng chục cứ điểm địch như các cụm lô cốt La Thọ, Châu Lâu… đã bị tiêu diệt, vùng du kích Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Phước nối lại thế liên hoàn vững chắc.
Tại xã Điện Tiến, du kích xã đã tổ chức bao vây bắn tỉa, đánh chặn đường tiếp tế của địch bằng hầm chông, gài mìn kết hợp phục kích khiến đồn Bồ Bồ bị uy hiếp, cô lập. Từ tháng 5 đến tháng 6/1954, địch phải dùng máy bay Dacota thả dù tiếp tế xuống Bồ Bồ. Thời gian này tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng vừa bị Việt Minh đánh bại. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đang tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh Đông Dương. Được cổ vũ bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ.Chuẩn bị trận đánh, từ hơn 10 ngày trước, Trung đội du kích do ông Nguyễn Văn Đài làm Trung đội trưởng nhận lệnh phải làm một cầu phao bằng tre bắc sang sông đào Bình Phước cho bộ đội, xe pháo từ hướng Cẩm Văn, Điện Hồng hành quân qua.
Ngày 17/7/1954, địch tập trung trên 800 quân, 110 xe cơ giới mở cuộc hành quân “Con Báo” càn trắng xung quanh và tiến chiếm lại Bồ Bồ. Đêm 18/7, địch co cụm quân tại Bồ Bồ. Quyết tâm đập tan âm mưu của thực dân Pháp, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp là các đơn vị Tiểu đoàn 20, Đại đội trợ chiến 22, Đại đội 64, Trung đội trinh sát của Đại đội 15, một trung đội của Đại đội 61 huyện Điện Bàn mở trận tập kích, quyết tiêu diệt địch lần thứ 2 trên núi Bồ Bồ. Hơn 500 du kích, dân công hỏa tuyến các xã Điện Hòa, Điện An, Điện Phước, Điện Tiến cũng được huy động, phục vụ chiến trường.
Đội du kích Điện Tiến do ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy được chia thành 3 mũi, một mũi dẫn đường bộ đội tiến công, một mũi đón lõng địch tháo chạy, mũi còn lại vận chuyển thương binh và dẫn giải tù binh. Đúng 0h30 ngày 19/7/1954, các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công.
Địch chống trả quyết liệt, nhưng các mũi xung kích bộ đội, du kích vẫn tiến sát vào đội hình địch, dùng lựu đạn, thủ pháo tấn công. Bãi xe cơ giới địch bị bắn cháy, bãi đạn pháo nổ tung, quân Pháp không còn nơi ẩn nấp để chống trả. Một phần quân địch bị tiêu diệt, số khác tháo chạy về hướng nam đồi, bị lọt vào trận địa phục kích của ta, hầu hết bị bắt sống. Sau 2 giờ chiến đấu và truy quét, ta đã tiêu diệt được 159 tên địch, bắt sống 293 tên, trong đó có Đại tá Calimesti Felit, chỉ huy cuộc hành quân “Con Báo”.
Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ rung chuyển 5 châu, chấn động địa cầu thì tại chiến trường miền Trung, qua 9 năm chống Pháp chưa có trận đánh nào thắng lớn, diệt nhiều địch và bắt sống nhiều địch, thu hồi nhiều vũ khí như chiến thắng Bồ Bồ, một Điện Biên Phủ thứ hai trên chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng.
Càng ý nghĩa tự hào hơn khi chiến thắng Bồ Bồ đã góp phần kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc, bởi ngay sau trận đánh, ngày 20/7/1954, hiệp định Gionevo đã được ký kết, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và Đông Dương.
Đã 70 năm trôi qua, trong số 34 du kích thuộc trung đội của ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy tham gia đánh đồn Bồ Bồ rạng sáng 19/7/1954 nay chỉ còn 4 người, 3 trong số đó tuổi già bệnh tật. 18 tuổi cơm đùm cơm gói theo cách mạng cho đến ngày giải phóng đất nước, hầu hết thời gian ông Đài đều được công tác và chiến đấu tại quê nhà. Cả một đời theo Đảng, những kỷ vật của một thời đánh giặc ông cất giữ cẩn thận như chiếc võng may bằng vải Triều Tiên hồi kháng Mỹ, cây súng Ru-lô ông tịch thu khi bắt được cảnh sát trưởng Nam Ô vào mùa xuân 1968… tất cả đều được ông trao tặng cho Bảo tàng Quảng Nam vào cuối năm 2020. Bây giờ xấp xỉ tuổi trăm, ông không giữ gì lại cho mình ngoài chiếc Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, mấy tấm hình chụp với đồng đội cũ và ký ức một thời kháng chiến hào hùng ấy...
Thu Hằng