0235.3867334

Trở lại xóm 9 hộ có 9 Mẹ Việt Nam anh hùng

GiadinhNet - Một xóm chỉ có 9 hộ gia đình nhưng có đến 9 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và 17 liệt sỹ, 7 thương binh… Xóm cũng từng là căn cứ địa cách mạng thời chiến tranh. Người ta gọi đó là xóm Chín Chủ (thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) hay là “Xóm huyền thoại”.

Di tích xóm Chín Chủ. Ảnh: ĐH
Di tích xóm Chín Chủ. Ảnh: ĐH

Mọi người dân đều tham gia cách mạng

Vừa dẫn chúng tôi ra khu di tích xóm Chín Chủ, ông Lê Văn Nuôi, Bí thư, kiêm trưởng thôn Đông Hồ (ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn) vừa kể về những năm tháng hào  hùng mà 9 hộ dân xóm này giúp cách mạng, đánh thắng giặc Mỹ. Ngày ấy, xóm Chín Chủ nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của con sông La Thọ và Cổ Cò, được bao bọc bởi lũy tre dày. Cả xóm có 9 gia đình sinh sống nên được gọi là xóm Chín Chủ. Do địa thế hiểm yếu nên xóm trở thành địa bàn chiến lược của cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con xóm Chín Chủ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, du kích, bộ đội với hàng chục căn hầm bí mật trong vườn nhà và dưới các lũy tre ven sông.

Ông Nuôi bảo, một thời, xóm Chín Chủ nổi tiếng về lòng gan dạ, dũng cảm của người dân. Ở Đông Hồ, nhất là xóm Chín Chủ, người dân nào địch cũng cho là “Việt Cộng” nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay. Những người đi trước ngã xuống, thì lớp con cháu kế cận lại đứng lên, càng thêm vững vàng, kiên cường trước sự hung bạo.

“Xóm Chín Chủ là địa bàn địch tập trung đánh phá ác liệt. Nhiều lần địch bắt vào các khu đồn, nhưng bà con đã kiên cường đấu tranh, cùng với du kích, bộ đội đánh trả kiên cường các cuộc càn quét, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt, trận càn 21 ngày đêm vào tháng 10/1968 địch đánh các vùng A, B Điện Bàn, bà con nơi đây đã chăm sóc, bảo vệ hàng chục thương binh an toàn. Tuy địch tàn phá, xóm làng bị cày xới, nhà cửa bị sập, nhiều người bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng bà con vẫn không khai báo, đảm bảo bí mật, an toàn cho cán bộ, du kích hoạt động, động viên người dân tham gia kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến, tuy chỉ có 9 hộ gia đình nhưng có 17 người con hy sinh, 7 thương binh, có 9 Bà Mẹ VNAH, 100% gia đình có công cách mạng…”, ông Nuôi kể lại.

Còn ông Lê Văn Cúc (SN 1945, là chiến sỹ Biệt động Đà Nẵng được người dân xóm Chín Chủ nuôi trong kháng chiến) thì cho hay, sở dĩ xóm nhỏ này được chọn làm căn cứ cách mạng là vì địa thế hiểm trở, gần đường Quốc lộ 1, dễ dàng ngăn chặn quân địch vận chuyển quân, lương thực... Không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là trạm kết nối các đầu mối của huyện Điện Bàn và Đà Nẵng, các chuyến hàng phục vụ cho hoạt động của một vùng cách mạng rộng lớn. Trong chiến tranh, nơi đây trở thành điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt như đồng chí Hồ Nghinh, Tấn Hưng, Hồng Thắng, Năm Dừa… đã từng ở đây chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm gian khổ, ác liệt.

Gặp lại những người ở xóm Chín Chủ

Sau giải phóng, do xóm Chín Chủ là vùng thấp trũng nên địa phương quyết định đưa 9 hộ gia đình lên khu đất cao của thôn Đông Hồ sinh sống cho đến ngày nay. Xóm Chín Chủ bây giờ trở thành di tích của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân, 3 bia tưởng niệm tại xóm Chín Chủ được xây dựng khang trang, uy nghiêm để đón mọi người gần xa đến thăm viếng, cũng là để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống nơi mảnh đất huyền thoại này…

Dẫn chúng tôi đi tới những hộ gia đình sinh sống ở xóm Chín Chủ ngày xưa, ông Lê Văn Nuôi cho biết, giờ tìm những “nhân chứng” rất hiếm vì đa phần đều tuổi đã cao không còn minh mẫn. Sau khoảng 15 phút tìm đường, chúng tôi tới được nhà bà Phan Thị Mai (72 tuổi), là một người dân thuộc xóm Chín Chủ bám trụ, làm du kích. Bà Mai kể, trong chiến tranh, bà về làm dâu của gia đình ông Hai Rựa vào năm 1962, tham gia đưa bộ đội sang sông. Năm 1967, chồng bà, du kích Lê Văn Ba (SN 1937) cùng với du kích Đào Văn Giảng (nay còn sống tại Gia Lai) dùng súng AK bắn rơi máy bay HU1A ngay tại lũy tre của làng. Do gần đồn bốt của địch nên sau đó, quân địch đã cử thêm máy bay trực thăng đến tiếp ứng, “câu” phi công đem về đồn Trãng Nhật cứu chữa. Chồng bà Mai hy sinh năm 1969.

Bản thân bà Mai, năm 1971, có tên chiêu hồi dẫn địch về phục kích, chúng bắn nhiều du kích của ta hy sinh, còn bà Mai bị chúng bắn đứt chân phải. Quân địch đòi đưa bà Mai đi chữa trị để sau này khai thác nhưng bà cương quyết không, người dân phản đối “bắn vào dân thường” không cho đi, nên người dân đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu mới cứu được mạng sống. Giờ bản thân bà là thương binh. Mẹ chồng và bà nội đều là Bà Mẹ VNAH.

Chúng tôi cũng ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Hoành (SN 1934, người dân của xóm Chín Chủ). Vừa bước vào nhà đã thấy những dãy huân, huy chương, bằng ghi công treo dày nhiều lớp trên tường nhà. Ông Nuôi cho biết, ông Hoành là con ruột của mẹ Trần Thị Lưỡng và ông Nguyễn Mộc, có bốn con trai hy sinh trong chiến tranh. Ông Mộc là cán bộ dân chính tập kết ra Bắc. Ở nhà, các con mẹ Lưỡng lớn lên theo cách mạng, người thì đi bộ đội, người làm du kích. Ông Nguyễn Văn Trung, thuộc đội du kích địa phương, đi đặt mìn ở Đồng Trãng, hy sinh vào năm 1969. Ông Nguyễn Văn Tâm đi bộ đội, hy sinh năm 1971. Ông Nguyễn Văn Đó, cán bộ binh địch vận cũng hy sinh trong chiến tranh. Bà Nguyễn Thị Thôi, du kích xã Điện An, hy sinh năm 1968. Ngoài ra, bản thân ông Hoành là bộ đội, thương binh, hai người em của ông cũng tham gia cách mạng, gia đình có 7 đảng viên. Mẹ Lưỡng (mất năm 1968) là người nuôi giấu cán bộ, là cơ sở cách mạng kiên cường. Năm 1994, mẹ Lưỡng được công nhận Bà Mẹ VNAH đợt đầu tiên…

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, một người con của xóm Chín Chủ hết sức tự hào về gia đình mình cũng như xóm Chín Chủ để tiếp nối những truyền thống vẻ vang đó, cũng như kết nối, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay noi gương thế hệ cha anh để góp phần dựng xây đất nước…

Khi Việt Nam và Mỹ lập lại quan hệ ngoại giao, vào năm 1995,  tổng thống Mỹ Bush (cha) đã về xóm Chín Chủ gần một tuần lập lán trại để tìm thi thể lính Mỹ mất tích trong chiến tranh…

 

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
018791239
Hôm nay
Hôm qua
5813
8679