Ngày 4.7, UBND thị xã Điện Bàn, chính quyền địa phương và dòng tộc Trương Công làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung) làm lễ tưởng niệm và húy kỵ 215 năm ngày mất Thượng thư Trương Công Hy tại lăng mộ của ngài - di tích lịch sử cấp quốc gia - trên địa bàn. Bài học ông để lại cho đời sau vẫn là: Vì dân và được sống trong lòng dân…
Lễ công bố di tích lịch sử quốc gia Lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy. |
Thượng thư Trương Công Hy (1727-1800) tước hiệu Đặc tấn Kim tử Vinh lộc thượng đại phu, Binh bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư Thùy ân hầu dưới hai triều chúa Nguyễn và Tây Sơn. Là một vị đại quan về yên nghỉ ở quê nhà đến nay tròn 215 năm. Lăng mộ của ông được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng triều Tây Sơn, từng trải qua nhiều cơn binh lửa và được chính người dân quê hương ngài bảo vệ cho đến nay, trước khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia…
Ông là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, được trọng dụng và có nhiều công trạng trong hai triều đại nhà Tây Sơn (Quang Trung và Cảnh Thịnh). Theo sử liệu và phả tộc, Thượng thư Trương Công Hy là con trưởng cụ tổ đời thứ 6 của Nội bộ Toàn Nhị thuyền Ngũ trưởng Tân Đức Bá Trương Công Kỳ, một vị tướng hải quân dưới triều hậu Lê, nhờ vậy đã được đưa ra kinh đô học hành chu đáo từ nhỏ. Ông thi đỗ Nhiêu học rồi Hương Cống, tương đương cử nhân ngày nay dưới triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và được bổ làm huấn đạo, ra kinh làm thầy dạy cho các ấu chúa nhà Nguyễn, trong đó có chúa Nguyễn Phúc Dương. Khi nhà Tây Sơn chấp chính, nhờ đức độ hơn người, có khả năng thu phục nhân tâm và có nhìn thấy chính nghĩa, ông lại được tin dùng và lần lượt được Nguyễn Nhạc bổ làm Tri phủ Điện Bàn, Khâm sai Quảng Nam trấn. Khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, ông được phong Binh bộ Thượng thư, tổ chức binh lương sẵn sàng cho tiền tuyến và ổn định đời sống của người dân. Trong suốt sự nghiệp của mình, ngài Trương Công Hy luôn là một vị quan thanh liêm, chính trực, biết lo cho dân, cho sự nghiệp thống nhất đất nước ở thời điểm đó. Trong bút tích ngài để lại đến ngày nay, vẫn cho thấy một vị quan đại thần lúc về an trí ở quê nhà, vẫn chỉ có vài mẫu ruộng hương hỏa của cha ông để lại và dành chia cho các con, dành xây dựng từ đường để thờ phụng tổ tiên…
Tương truyền, ông được nhà vua cấp cho 500 mẫu ruộng ở gần dinh trấn Thanh Chiêm, nhưng sau khi nhận đã phân phát lại cho dân địa phương canh tác. Ngày nay, người dân xã Điện Phương vẫn còn gọi cánh đồng kéo dài đến Lai Nghi, Cẩm Hà là “đồng Quan Thượng”. Khi ông mất vào ngày 17 tháng 5 năm 1800, triều đình nhà Tây Sơn đã cấp một khu đất rộng hơn 4.000 mét vuông và xây dựng lăng mộ với phong cách kiến trúc độc đáo để ghi nhận công lao đóng góp to lớn cho đại nghiệp và truy tặng cho ngài chức Hình bộ Thượng thư. Chính vậy, mà có danh xưng đầy tôn kính là “Lưỡng bộ Thượng thư”.
Trong các bài văn tưởng tiếc ông lúc nào cũng mở đầu bằng câu “Thượng thư Nội vụ kiêm sung lưỡng bộ, quyền chưởng thư nhất phương, Khâm sai đại thần Quảng Nam trấn...”. Bài văn tế này do cụ tú Nguyễn Hữu Học biên soạn từ rất lâu, nay vẫn còn lưu truyền và được đông đảo cháu con dòng tộc Trương Công ghi nhớ. Lăng mộ của ngài ngày nay tọa lạc bên con đường rộng 33 mét nối từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn đến Cụm công nghiệp Trảng Nhật vẫn còn hai câu đối ghi nhớ công trạng và đức độ của ngài:
Hạc phi Bắc lĩnh cơ sở tráng; Long tụ Đông hoàn dẫn nguyên trường (dịch ý: Chim hạc bay về núi Bắc làm cho cơ sở hùng mạnh; Long mạch tụ ở phía Đông để cho con cháu đông đúc).
Và:
Chánh tích vạn niên thùy vũ trụ; Nhân ân thiên tải dĩ tôn chi (dịch ý: Công trạng ngàn năm còn mãi với đất trời; Nhân đức ấy cháu con về sau sẽ được hưởng).
Những câu đối thể hiện lòng ngưỡng mộ một vị quan vì dân vì nước còn lưu dấu ở quê nhà cho đến ngày nay.
Theo truyền ngôn suốt hơn 200 năm qua, tang lễ của ngài kéo dài cả tháng và tấp nập người dân khắp nơi đến viếng, tiễn đưa. Con đường dẫn từ đầu làng vào nhà thờ tộc Trương Công (mà ông lúc đó là trưởng nam và di chúc để lại để xây dựng từ đường) đã được người dân đặt cho cái tên giản dị nhưng đầy tình yêu thương là “Ngõ Quan Thượng” vẫn tồn tại đến nay trong dân chúng…
Trở lại với lăng mộ của Lưỡng bộ Thượng thư. Đó là một kiến trúc được coi là to lớn, bên ngoài có nhà lễ với cột đứng đá hình lục giác, hai bên cổng có tượng lính hầu và hình hai linh vật chầu hầu uy nghi bên trong. Khi nhà Nguyễn Gia Long chấp chính đã thực hiện nhiều chính sách thù địch đối với triều đại Tây Sơn, nhưng nhờ uy tín, đức độ của ông lúc sinh thời, lại có sự bảo vệ của nhân dân, nơi yên nghỉ của ông vẫn được gìn giữ nguyên vẹn...
Theo lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng, trong cuộc kháng chiến vừa qua, chính danh tiếng của ngài và giá trị lịch sử của khu lăng mộ này đã trở thành vũ khí quan trọng ngăn cản ý đồ cày ủi làng xóm, xây dựng hàng rào điện tử phòng vệ ở cửa ngõ phía nam thành phố Đà Nẵng của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng, ông Nguyễn Hữu Bì kể rằng người dân địa phương đã mang rơm, nằm dài trước đầu xe bọc thép, xe ủi để chống lại việc cày ủi… “Không ai được đụng đến mộ của Quan Thượng! Chúng tao sẽ liều chết, đốt xe nếu chạy qua đây!”. Ông Bì kể lại… Đó là một bằng chứng nữa để thấy rằng khi sống ngài đã hết lòng vì dân vì nước, lúc yên nghỉ anh linh của ngài vẫn mãi ở trong lòng dân, cho dù lúc yên bình hay ly loạn…
Kỷ niệm 215 năm ngày Quan Thượng qua đời, chúng ta ghi nhớ mãi công trạng vì nước vì dân và đức thanh liêm sáng ngời của ngài. Bài học lớn nhất của ông để lại cho hậu thế chính là đức chí công vô tư, một lòng vì đại cuộc, vì dân. Cho dù quyền cao chức trọng nhưng lòng ngài vẫn thanh thản quay về làng trí sĩ những năm cuối đời với phương châm rạch ròi “tấn vi quan, thoái vi dân” trong truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, cho dù vật đổi sao dời, Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy vẫn được nhân dân tôn kính và bảo vệ. Bài học đó, đến nay vẫn đầy tính thời sự và các thế hệ con cháu, trước anh linh của ngài, nguyện chí noi theo để gìn giữ thanh danh của một dòng tộc…