Sáng ngày14/8, tại Làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây, Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch Quảng Nam phối hợp với 3 địa phương: thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên tổ chức hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh – làng quê – làng nghề” nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, đề ra định hướng, lộ trình hợp tác, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch xanh của 3 địa phương trong thời gian đến.
Dự hội thảo có ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTT &DL, ông Hồ Quang Minh – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở NN-PTNT, ông Đỗ Quang Huy - đại diện Tổng Cục Liên Bang Thuỵ Sỹ, ông Phạm Văn Lương - Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lam Giang - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn, ông Ken Wood - Trưởng nhóm kỹ thuật dự án Du lịch Thuỵ sỹ vì sự phát triển của Việt Nam. Ở thị xã có ông Trần Hải Vân – Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch UBMTTQVN thị xã, ông Đỗ Bông – Phó Ban dân vận thị xã, ông Phạm Ba – Trưởng Phòng VHTT, ông Phạm Lộc – Giám đốc Trung tâm VHTT – TTTH thị xã, bà Phan Thị Thái Hoa, ông Trương Công Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm, lãnh đạo các ban ngành thị xã, lãnh đạo phường Điện Phương.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng – Thị uỷ viên - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn trân trọng chào mừng sự hiện diện của các vị khách quý, mong muốn được nghe những ý kiến đóng góp, tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu và các chuyên gia để 3 địa phương tiếp thu, hoàn chỉnh các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch trong thời gian đến.
Tại buổi hội thảo, ông Ken Wood, trưởng nhóm kỹ thuật dự án Du lịch Thuỵ sỹ vì sự phát triển của Việt Nam phát biểu thảo luận về tiêu chí phát triển du lịch xanh đảm bảo tính bền vững, dự báo các rủi ro và rào cản trong phát triển du lịch xanh. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc – Viện hàn lâm kiến trúc Pháp đề cập chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch xanh để giữ làng không bị sạt lở qua câu chuyện xây dựng kè sinh học. Ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam cho biết “Đây không chỉ là cơ hội của 3 địa phương mà còn là cơ hội để thúc đẩy các địa phương từ đồng bằng đến miền núi của cả Quảng Nam, hình thành các tour kết nối Hội An với các vệ tinh lân cận, phát triển du lịch xanh, du lịch đường sông Hội An - Triêm Tây - Trà Nhiêu - Mỹ Sơn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm mới cho du lịch Quảng Nam, giảm áp lực quá tải cho di sản Hội An. Hy vọng sau buổi hội thảo này chúng ta sẽ có chuỗi sản phẩm mới, cùng nhay xây dựng thương hiệu chung cho du lịch”. Ông Lê Sỹ Quyền - Giám đốc Công ty Asia Pioneer Travel nhận định “Các địa phương nên có lộ trình, thiết kế một chiến lược cụ thể để sẵn sàng cung cấp trải nghiệm đa dạng, gắn với giá trị bản địa cho du khách nếu muốn đón khách hàng chi trả cao”. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho rằng “Cần thiết kế sản phẩm khác biệt để sản phẩm được phía doanh nghiệp lữ hành đón nhận. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng tạo nên các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho môi trường khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP) cho rằng, có quá nhiều thứ để phát triển du lịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu và ai sẽ phụ trách các phần việc. Điều này cần sự chia sẻ từ phía doanh nghiệp để đồng hành tích cực hơn với cộng đồng. Riêng Duy Xuyên và Điện Bàn có thể phát huy sự sáng tạo, nét đẹp văn hóa của người dân, tận dụng triệt để cơ hội từ chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng, các mô hình du lịch thí điểm để truyền cảm hứng cho cộng đồng phát triển du lịch. Ông Phạm Vũ Dũng – Công ty du lịch Hoa Hồng nhận định, du lịch nông thôn hay du lịch xanh thường liên quan nhiều đến yếu tố đất đai. Do đó, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp gắn với du lịch đang là nút thắt cần phải khai thông để tận dụng lợi thế cảnh quan của nhiều điểm đến. Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng “3 địa phương có điều kiện để tạo ra sản phẩm du lịch mang bản sắc Quảng Nam, nhưng thực hiện thực vẫn còn những khó khăn. Các địa phương có thể tạo ra một sản phẩm chung về du lịch đường sông Thu Bồn nhưng việc xúc tiến khai thác sản phẩm này hiện gặp nhiều vướng mắc về bến bãi, tổ chức vận tải, quy định về phương tiện”. Ông Hồ Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết “Về lĩnh vực đường thủy nội địa, sở đã tham mưu tỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam nhưng ở mức độ khái quát; còn các điểm, bến bãi liên quan trực tiếp vào các khu du lịch thì cần phải có kế hoạch riêng bởi nằm trong các quy hoạch con. Sở GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm phối hợp với địa phương để đưa vào kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc ở lĩnh vực đường thủy nội địa”.
Cùng ngày, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với 3 địa phương tổ chức tour famtrip “Một hành trình nhiều điểm đến”. Chương trình có các trải nghiệm, thông qua câu chuyện kết nối giữ nghề truyền thống ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp với những sản phẩm mỹ nghệ mang tính nghệ thuật được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo; xưởng đất nung Terra Cotta Studio của nghệ nhân Lê Đức Hạ, trải nghiệm những sản phẩm được nung từ đất trở thành những món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa Champa và được nghệ nhân thổi hồn bằng cách nung đốt sản phẩm độc đáo kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Tại Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, đại biểu tham quan Khu sinh thái nhà vườn Triêm Tây và chiêm ngưỡng kiến trúc nhà vườn với câu chuyện xây dựng kè sinh học chống sạt lở để giữ làng, thưởng thức âm nhạc Acoutis đồng quê, không gian ẩm thực chợ quê tái hiện những nét ẩm thực đặc trưng truyền thống với các món bánh bèo, mỳ Quảng, cao lầu, hến trộn, khoai sắn bắp luộc, trải nghiệm tại các điểm trong làng Triêm Tây như nhà cổ Phó Ba, đắp tượng nghệ thuật bằng xi măng, dệt chiếu nhà bà Biên, trải nghiệm thuyền thúng và câu chuyện làng quê sông nước tại làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, cùng những trải nghiệm khác tại làng mộc Kim Bồng với câu chuyện lập làng, truyền nghề nơi đây.
Để cụ thể hoá chủ tương phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch, 3 địa phương Hội An – Điện Bàn – Duy Xuyên đã trao đổi, thoả thuận và thống nhất đồng hành, cùng liên kết phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững. Sáng ngày 15.8, tại Khu nghỉ dưỡng Silk Sence Resort (TP Hội An) đã diễn ra hội thảo liên kết vùng phát triển du lịch 3 địa phương. Bà Nguyễn Thị Thuý Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác phát triển du lịch dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo thường trực Thị uỷ Điện Bàn, lãnh đạo thường trực Thành uỷ Hội An, lãnh đạo thường trực Huyện uỷ Duy Xuyên.
Huyền Chi – Mi Ni