0235.3867334

Bài viết: Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam - Trục ngang chiến lược

     Ngày 24.8, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án đường vành đai phía bắc Quảng Nam. Dự án này có ý nghĩa về mặt chiến lược kết nối hệ thống đường giao thông giữa vùng Đông, vùng Tây khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương trong thời gian đến.

     Trong thời gian qua, chính quyền hai địa phương thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã và đang xúc tiến đầu tư, đưa vào khai thác nhiều dự án quan trọng. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hai địa phương cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để quá trình phát triển bền vững lâu dài, thỏa mãn tất cả nhu cầu tương lai của chùm đô thị không thể tách rời việc hình thành một trục đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam kết nối thông suốt từ khu vực phía Tây (đường QL.14B) đến khu vực ven biển phía Đông (đường Lạc Long Quân) đi qua thị xã Điện Bàn. 

     Tuyến đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam được quy hoạch theo tổng thể có chiều dài 18,7 Km, mặt cắt ngang 27m, trong đó: mặt đường rộng 15m, vỉa  hè mỗi bên 5m, dải phân cách giữa rộng 2m. Đây là công trình giao thông có quy mô lớn khu vực phía bắc Quảng Nam.

     Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh trục giao thông Đông - Tây thuộc hành lang kinh tế - đô thị, kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang (thông qua quốc lộ 14D, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14B) với TP.Đà Nẵng và khu vực ven biển Bắc Quảng Nam (Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An là cụm động lực số 1). Trục ngang chiến lược vừa nêu còn tạo điều kiện chỉnh trang, tạo quỹ đất để phát triển không gian đô thị Bắc Quảng Nam, phân bố dân cư, hình thành các khu đô thị mới, giảm mật độ dân số khu vực trung tâm thị xã. Cạnh đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương phía tây của tỉnh; đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm thiểu lưu lượng phương tiện trên tuyến đường ĐT609, đường vành đai phía Nam TP.Đà Nẵng.

     Theo Quyết định số 8990 ngày 28/12/2023 của UBND thị xã Điện Bàn, dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ cầu vượt đường sắt (giáp với Cụm công nghiệp Trảng Nhật) đến cầu Quảng Đà với tổng chiều dài khoảng 4,62km và được chia thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn cầu vượt đường sắt đến tuyến ĐT605 được bắt đầu từ nút giao N3, thuộc Khu trung tâm hành chính xã Điện Hòa, vượt qua đường sắt Bắc Nam tại km808+325 (lý trình đường sắt) và sông Bầu Sấu đến nút giao với đường ĐT605 có chiều dài khoảng 1,39km (gồm cả cầu vượt đường sắt và cầu qua sông Bầu Sấu). Đoạn tuyến ĐT605 đến đầu cầu Quảng Đà được bắt đầu từ nút giao với đường ĐT605, đi về phía Tâyrồivượt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại km8+788 (lý trình đường cao tốc), điểm cuối dự án khớp nối vào điểm cuối của cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên có tổng chiều dài 3,23km.

      Là địa phương có dự án đi qua, xã Điện Tiến có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc các thôn Thái Cẩm, Thái Sơn, Xuân Diệm. Xã đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức họp, thông báo chủ trương, mục đích và tầm quan trọng xây dựng công trình và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

     Gia đình ông Đỗ Ngọc Thọ ở thôn Thái Sơn, xã Điện Tiến là một trong số nhiều gia đình có diện tích đất sản xuất, đất màu và nhà ở nằm trong khu vực phải giải toả trắng để xây dựng tuyến đường. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, việc di dời đến nơi ở mới chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng vì sự phát triển chung của địa phương, nên ông vẫn vui vẻ chấp nhận việc đền bù giải toả để bàn giao mặt bằng cho nhà nước xây dựng đường vành đai.

     Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó chủ tịch UBND xã Điện Tiến cho biết: Đến thời điểm này, các hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Việc triển khai giải phóng mặt bằng đối với đất ở, nhà ở đang được cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện. Dự án này hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ có tác động rất lớn đến xã Điện Tiến nói riêng, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian đi lại xuống trung tâm thị xã Điện Bàn, hoặc qua huyện Hòa Vang, lên huyện Đại Lộc; khai phá tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

     Đường Vành đai phía Bắc Quảng Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương tuyến đi qua; đồng thời, dự án còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

    Có thể khẳng định, Dự án Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên kết giữa vùng Đông, vùng Tây khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian đến.

Phạm Lộc 

 

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019431085
Hôm nay
Hôm qua
5750
7476