0235.3867334

Bài viết: Bà Nguyễn Thị Bình - một nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam

Đất Quảng vinh dự đóng góp cho đất nước nhiều nhà ngoại giao nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Lê Đỉnh, Nguyễn Thành Ý … và, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc đối với ngoại giao nước nhà phải kể đến bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước, người phụ nữ duy nhất tham gia ký “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973, cách đây tròn 51 năm.

        Bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1927, tên thật Nguyễn Châu Sa, quê làng Na Kham, Điện Quang, Điện Bàn, là cháu ngoại của Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Bà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng: ông nội tham gia phong trào Cần Vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà Đồng Tháp, ông ngoại là nhà yêu nước, chí sĩ phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh.

        Chính truyền thống gia đình, quê hương, tấm lòng và tài năng, cô đã tham gia các phong trào yêu nước của sinh viên, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn, bị tù đày rồi tiếp tục con đường cách mạng với vốn liếng tri thức, kinh nghiệm đấu tranh và phẩm chất một chiến sĩ, một nhà lãnh đạo có uy tín đã được hun đúc từ khi trưởng thành... Cái trí lực, chí khí, phẩm chất hay nhân cách, đạo đức ấy đã làm nên con người yêu nước Nguyễn Thị Bình.

       Ông thân sinh ra bà từng đi học Trường công chính tại Hà Nội và làm công tác họa đồ. Mẹ bà - tuy chỉ là người nội trợ đảm đang, bằng những câu chuyện đạo nghĩa ở đời đã dạy cho cô bé Châu Sa khi đó sự hướng thiện và tính trọng nghĩa khinh tài. Đồng thời, theo truyền thống gia đình cộng tố chất cá nhân, bà cũng được thừa hưởng một nền giáo dục căn bản. Có lẽ vì thế mà ý thức về danh dự của một con người, một công dân đã xuất hiện từ khá sớm. Khi còn là một nữ sinh 12, 13 tuổi, trong một lần tình cờ đi ngang qua một nhóm học sinh con Tây và nghe một đứa nói: "Bọn Annamít là một lũ ăn cắp”, cô bé Châu Sa đã sấn tới trước mặt và hỏi: “Mày vừa nói cái gì đó?”. Cứ ngỡ là con gái dịu hiền ai dè khi vừa nhắc lại câu nói đó, thằng tây con nhận ngay một cái cặp táp vào đầu. Dù phải nhận hạnh kiểm xấu cho hành động đó nhưng trong thâm tâm của nột cô bé 12, 13 tuổi lúc bấy giờ dường như đã có ý thức về một điều gì đó lớn lao hơn ...

        Năm bà 15 tuổi, mẹ mất, cha thì hoạt động xa nhà, một mình Châu Sa phải chăm sóc năm đứa em thơ. Gánh nặng gia đình nặng lên đôi vai người con gái ấy vẫn không làm phai nhạt khao khát cách mạng đã chớm thành tinh thần quật khởi ngay từ thủa bé. Vừa lo cuộc sống cho em thơ, vừa hoạt động trong lòng thành phố cuộc sống của bà khi đó vừa là những nghĩa vụ nặng nề nhưng cũng là những say mê đầy lý tưởng. Năm 1945, vừa hết tú tài phần I bà đã bắt đầu các hoạt động yêu nước: Cứu tế nạn đói, tham gia cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, bà bị bắt, bị tù tại khám Chí Hoà. Năm 1954 vừa ra tù, bà tham gia luôn vào phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ… Sống giữa lòng dân tộc, nơi hằn in những khổ cực của nhân dân trong gông cùm nô lệ và mãnh liệt những khao khát đổi đời, lý tưởng hình như đã trở thành tinh thần cao cả nhất trong tâm hồn bà.

       Cuối năm 1955, tổ chức điều bà ra Bắc. Cuối năm 1968, bà được cử làm phó Trưởng đoàn Đàm phán của Mặt trận Giải phóng dự Hội nghị Paris về Việt Nam và trong suốt thời gian 1968- 1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo tại hội nghị Bốn bên tại Paris, với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, và được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu “Mad ame Bình”. Những mốc thời gian khi nhìn lại đã trở thành lịch sử. Đối với mỗi con người đó là những sự kiện, những chuyển biến trong lòng cuộc chiến. Nhưng đối với bà, đó là cuộc sống - cuộc sống của một công dân Việt Nam và một người phụ nữ Việt Nam. Mỗi khoảnh khắc là những sức ép nặng nề là những quyết tâm không thể lay chuyển vì độc lập tự do, là những phút căng mình trên mặt trận ngoại giao vì đứng sau mỗi câu nói, mỗi cử chỉ là có một dân tộc trong mưa bom bao đạn.

        Bà từng nói, đối với bà, khó khăn lớn nhất trong cuộc thương thuyết lịch sử, đó chính là sự dằng dặc của thời gian. Không ai biết cuộc chiến bao giờ kết thúc mà chỉ biết tin vào chiến thắng cuối cùng. Bà từng tâm sự, đối với bà khi trở về để rồi lại xa gia đình là những lúc thật khó khăn. Ở nước Pháp, trong trái tim người mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai hình ảnh con gái bé bỏng gào khóc trong giây phút chia ly: “Mẹ đi lần này là lần chót chứ? Bọn đế quốc sẽ không còn nữa chứ, Mẹ sẽ không còn phải xa con nữa chứ?”. Trong khi đó, những cuộc thương thuyết cứ ngày này qua ngày khác, hết luận điệu xuyên tạc này lại đến luận điệu xuyên tạc khác. Năm năm không phải là một khoảng thời gian dễ dàng. Có những khi vừa đàm phán, bà vừa nghe tin bom lại rơi ở Hà Nội, Hải Phòng và những vùng đất khác nơi gia đình đang sơ tán. Khi đó trái tim con người sao không khỏi nhói đau?

        Trong vô số những điều bà không thể nào quên hình ảnh năm 1972 không bao giờ phai nhạt. Khi đó tưởng chừng như Hiệp định Paris đã được ký kết thì Mỹ ngoảnh mặt và thực hiện chiến dịch ném bom B52 đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá! Bà về nước và tận mắt chứng kiến cảnh thành phố hoang tàn, những thân người vùi dập trong bom đạn và tả tơi nước mắt của những người còn sống. Sức mạnh của lòng căm hận khiến con người muốn có những hành động phản kháng trực tiếp, dẫu chỉ là ném thẳng một vật bất kỳ vào những kẻ vô lương tâm kia. Nhưng trong lý trí còn có trách nhiệm với hình ảnh về một đất nước và những con người… Nhà văn Thụy Điển Sara Lidman đã viết tác phẩm Trong trái tim thế giới “Ở đâu có bà Bình người ta không còn nhìn thấy ai khác…, khi nghe bà Bình nói, người ta không còn muốn nghe ai khác… bà bí ẩn… tinh tế.” Những thành tựu rực rỡ trên mặt trận ngoại giao của bà không chỉ đến từ những kiến thức sách vở. Dĩ nhiên, nền tảng học thức mà bà đã được thụ hưởng từ truyền thống gia đình cũng là điều hết sức quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, đó chính là tâm thế khi bước ra thế giới. Ở người phụ nữ ấy, người ta thấy niềm tin vào chính nghĩa của một công dân yêu nước và trái tim yêu thương của một phụ nữ Việt Nam thuần hậu. Đôi khi, một lời mẹ dạy về tình nghĩa con người còn mạnh hơn những bài học lý thuyết, một tà áo dài nhẹ bay cũng góp phần đập tan những luận điệu hèn hạ của kẻ thù. Bà nói, sức mạnh lớn nhất giúp bà vượt lên tất cả là niềm tin vào chính nghĩa và trong hành trang của bà có cả truyền thống văn hóa của dân tộc. Bên cạnh bàn đàm phán, trong những cuộc họp báo. gặp gỡ, tiếp xúc, bà đã mang tinh thần đó để lan truyền đến mỗi người đối thoại. Để từ đây, Việt Nam đã đi vào thế giới qua hình ảnh một người phụ nữ với quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc và quyết tâm chiến đấu để bảo vệ những quyền thiêng liêng đó. Năm 1973, bà thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris, hoàn thành trọn vẹn trọng trách mà cách mạng và Tổ quốc giao phó. Việc đầu tiên bà nghĩ đến sau giây phút lịch sử này là trở về với gia đình, nơi sự chia ly đã mờ thành hy sinh của một cá nhân cho nghĩa vụ với đất nước và dân tộc. Khi đó hai người con của bà đã lớn và một người đã chuẩn bị vào đại học…

        Năm 1976 bà trở thành Bộ trường Bộ Giáo dục nước CHXHCN Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước ngổn ngang sau chiến tranh tàn phá. Có thể nói, đó là một thử thách thầm lặng nhưng khó khăn gấp bội. Không có ranh giới rõ ràng giữa địch và ta mà là thiện ác nằm trong mỗi con người. Chiến tranh chấm dứt cũng là lúc phơi bày nhưng khó khăn trong cuộc sống cá nhân khi lợi ích đã trở thành toan tính riêng trong mỗi con người ... Làm gì để tạo nên những công dân tốt trong hoàn cảnh bề bộn ấy? Nếu trong chiến tranh người ta thấy ở bà hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam trí tuệ và lịch lãm trong từng ứng xử, thì giai đoạn này bà đã mang tầm vóc của một tổng công trình sư thiết kế nên những nền móng cho hệ thống giáo dục Việt Nam thống nhất. Dù là người ngoại đạo nhưng có một sức mạnh đặc biệt trong con người bà giai đoạn này. Đó là sức mạnh của sự trọng thị đối với con người, đối với mỗi số phận con người.

         Trước tiên, bà là người đoàn kết toàn bộ sức mạnh về con người và tri thức trong ngành giáo dục dưới mục tiêu hoàn thiện và phát triển hệ thống. Đây là một đóng góp cực kỳ quan trọng vì Bộ Giáo dục khi đó tập trung những trí thức lão thành và đầy cá tính. Ông Phan Đăng Hùng, nguyên chuyên viên vụ cấp III Bộ giáo dục viết: “Nhiều người đã tiếp xúc làm việc thì thấy chị rất nghiêm nhưng lại rất hiền và cởi mở. Chị đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc nhưng không ép buộc phải làm khi chưa có điều kiện làm tốt. Chị rất sâu sát, sắc Sao. Giao công việc cho cấp dưới bao giờ chị cũng tìm hiểu đến chân tơ, kẽ tóc luôn lắng nghe người trình bày, tôn trọng các đề xuất và trân trọng nhiệt tình của anh em.” Trong một lần tôn vinh những đóng góp của những giáo viên và học sinh môn toán, cả hội trường đã lặng đi khi giáo sư Văn Như Cương bước vào với dáng người cao lớn, tóc dài, râu dài, áo bỏ ngoài quần và đầu đội nón lá. Một số cán bộ ngỡ ngàng trước vẻ lập dị đó nhưng bà đã tiếp đón ân cần và mời lên bục danh dự. Trong thời đại mà con người còn nhiều đinh kiến trước những điều khác lạ thì cử chỉ của bà đã thu phục được nhân tâm qua sự trọng tài năng và trọng cá tính.

        Cả quãng thời gian làm giáo dục bà là người đau đáu làm sao để người giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo tối thiếu phải là người có đủ gạo sống hàng tháng; giáo viên tiểu học, trung học phải được trả lương đúng kỳ; lớp dạy thêm giờ dạy thêm phải được thanh toán tiền phụ cấp ít nhất vào cuối học kỳ ... Và cũng chính bà là người đề nghị Nhà nước lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú. Cho đến mãi về sau này, cho dù ở những cương vị khác nhau như Phó trưởng Ban Đối ngoại trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam..., bà vẫn luôn hướng đến con người với những tâm huyết miệt mài, ẩn sau tất cả những nhiệm vụ chính trị, có thể thấy ở người phụ nữ ấy những cố gắng không mệt mỏi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi con người trong đất nước đã độc lập.

        Bà nghỉ hưu từ năm 2002, tuy nhiên bà lại được bầu vào chức vụ Chủ tịch của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc màu da cam. Dù đã bước sang tuổi xế chiều, bà vẫn khởi xướng một chương trình giáo dục dành cho cấp học phổ thông. Bà cho rằng, khi người ta được tạo một nền tảng vững chắc ngay từ ban đầu, khi bước vào cuộc sống, dù có gặp hoàn cành nào đi nữa vẫn giữ được nhân cách của mình để đi tiếp. Cho dù tự trong sâu thẳm, chính bà cũng không biết liệu mình có đủ sức đi đến cùng chương trình đó không vì một chương trình như thế chí ít cũng cần năm năm. Thế nhưng, vào độ tuổi mà con người đáng lẽ phải nghỉ ngơi, bà vẫn bắt đầu. Trong một mạch ngầm đầy tâm huyết, bà có thể say mê nói về phát triển bền vững, về cải cách giáo dục về dân chủ và tiến bộ ... Độ lùi về thời gian khiến con người nhìn nhận quá khứ khách quan hơn, tỉnh táo hơn và nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình. Khi nói về quãng thời gian làm giáo dục bà cho rằng mình vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Có những việc đã làm được nhưng như thế là chưa đủ cho đất nước này, dân tộc này.

        Giờ đây, bà vẫn miệt mài nghiên cứu về giáo dục. Hình như sau tất cà những tháng năm đấu tranh cho độc lập rồi dựng xây đất nước, sự trân trọng con người ngày càng được bồi đắp trong trái tim bà. Bà nói rằng giáo dục không thể nào là một lời xin lỗi vì những sản phẩm hỏng thì tất yếu phải thải loại nhưng sản phẩm của giáo dục lại là con người ... Nhưng vấn đề không chỉ gói gọn trong giáo dục mà chỉ nằm trong chiến lược tổng thể của cả một quốc gia. Khi xã hội còn những tham nhũng tiêu cực, bất công, khi những niềm tin còn bị xói mòn thì những con người vẫn chưa được trân trọng ... Cách mạng thành công vì trong đó, mỗi người lãnh đạo trước hết là một tấm gương về đạo đức, về sự liêm khiết. Đôi khi đó chính là sự giáo dục hiệu quả nhất cho niềm tin của con người.

         Định mệnh đã đặt người phụ nữ ấy trên con đường độc lập của dân tộc để miệt mài với những tâm huyết và suy tư cháy bỏng vượt lên những sức ép của thời cuộc và sự mệt mỏi của thời gian. Đối với con người yêu nước chân chính ấy, độc lập không chỉ là một danh hiệu đơn thuần, mà thiêng liêng hơn, đó là lời cam kết về một xã hội, nơi con người được đảm bảo các quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Lời cam kết ấy tự trong trái tim bà với hàng triệu người đã hiến dâng cuộc sống cho Tổ quốc, với hàng triệu người đã chấp nhận thương đau để bước qua cuộc chiến trường kỳ và với hàng triệu người cần tiếp nối lý tưởng đẹp đẽ của cha anh để không một sự hy sinh nào là vô nghĩa …

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
018810508
Hôm nay
Hôm qua
6392
7564