Nằm ở vị trí giữa hai nhánh của sông Thu Bồn, làng Bảo An đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Ngày trước dân gian thường truyền tụng câu ca dao: “Cây da mô cao bằng cây da Bàn Lãnh. Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”. Bảo An cũng là làng văn vật hàng đầu của Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có 2 phó bảng, 16 cử nhân và 27 tú tài. Đây cũng là quê hương của các danh nhân như: Phan Thành Tài, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Bôi vv… Nơi có di tích lịch sử cấp Tỉnh: Đình Làng Bảo An. Trong hai cuộc kháng chiến, quê hương Gò Nổi, trong đó có Bảo An được biết đến là cái nôi của phong trào cách mạng Khu V. Như một cách diễn đạt sự khốc liệt của cuộc chiến, người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi”, để nói phẩm chất anh hùng của những người con quyết một lòng phụng sự Tổ quốc, non sông, “một tấc không đi, một ly không rời”…
Bước ra từ đổ nát của chiến tranh, với sự đoàn kết một lòng của tập thể lãnh đạo, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân Điện Quang nói chung, thôn Bảo An nói riêng đã thật sự hồi sinh thành vùng nông thôn trù phú. Đặc biệt, kể từ khi có chủ trương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đây là một cuộc cách mạng mới đối với Bảo An. Không chỉ làm thay đổi hình thức sản xuất, đem lại đời sống ấm no, cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu vực nông thôn, nông thôn mới đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân, khẳng định vai trò chủ thể của họ.
Đổi thay của thôn Bảo An hôm nay, đó chính là diện mạo, làng quê kiểu mẫu đáng sống, khi nhà cửa cùng cơ sở hạ tầng được quy hoạch đầu tư xây dựng khá bài bản. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân cùng chung tay thực hiện việc xây dựng nông thôn mới nên chỉ trong thời gian ngắn địa phương đã chỉnh trang hơn 6.000 mét đường giao thông nông thôn, đường số 2 nền đường 5m mở rộng thành 8m, bê tông 3m thành 5,5m, giải tỏa di dời 357 tường rào, trong đó có 197 tường rào kiên cố, 3 môn quan từ đường, hơn 50 bụi tre, nhân dân hiến 11.080 m2 đất để mở rộng giao thông, ước tính tổng trị giá nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng, bao gồm phần đất đai và vật kiến trúc.
Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, nhân dân thôn Bảo An triển khai việc “Dồn điền đổi thửa” gắn quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giao thông, xây dựng cánh đồng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Cạnh đó, chương trình điện thuỷ lợi hoá đất màu đã phủ kín trên các biền bãi, nên cây trồng xanh tốt quanh năm, góp phần đưa năng suất cây trồng ở Bảo An luôn đạt rất cao. Và niềm vui mừng hơn, khi năm 2009, bà con trong thôn cũng đã góp công, góp của và vận động những người con xa quê và sự hỗ trợ của cấp trên đóng góp 250 triệu đồng xây dựng cầu dân sinh Bến Đường, giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng nông sản thuận lợi, bớt nguy hiểm và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cho người dân.
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của nhân dân, việc chăm lo về đời sống tinh thần và văn hóa tâm linh cũng được lãnh đạo thôn đặc biệt chú trọng. Hằng năm, vào ngày 12 và 13 tháng Giêng, tại ngôi đình Làng Bảo An hơn 300 tuổi, nhân dân trong làng lại tụ hội về đây để tổ chức lễ hội kỳ yên. Phần lễ được tiến hành nghiêm trang với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống. Qua đó, tưởng nhớ công đức các bậc tiền hiền, các tộc họ có công khai khẩn miền đất này; đồng thời cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Phần hội với các hoạt động trò chơi dân gian sôi nổi, tạo nên không khí vui tươi trước lễ hội và trước mùa xuân mới. Đặc biệt, trước đây khu vực Bàu Đình trước đình làng Bảo An tre nứa mọc um tùm, các loại rác thải tập kết ở khu vực này, gây nên tình trạng ô uế, làm mất mỹ quan ngôi đình làng. Trước thực trạng này, địa phương đã vận động bà con nhân dân đóng góp cả tỷ đồng để chỉnh trang, cải tạo xây dựng công viên Bàu Đình trở thành không gian xanh sạch đẹp.
Nổi bật trong việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở Bảo An đó là xây dựng nghĩa trang theo mô hình nghĩa trang văn minh, tiết kiệm. Theo đó, Tất cả phần mộ đều chôn theo một hướng và theo một trật tự.Thôn có cảnh quan, không gian sáng – xanh – sạch – đẹp, không có các hoạt động suy giảm môi trường, giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp trên địa bàn thôn;100% hộ dân tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường; tham gia dịch vụ thu gom rác thải; có ý thức và tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường.
Từ trong gian khó, Bảo An hôm nay đã vững bước đi lên. Nhìn lại những thành quả đạt được của Bảo An hôm nay, đó là sự nỗ lực và nhất quán trong chủ trương và hành động cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và những người con xa quê góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều đổi thay tích cực và đang khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trở thành “một miền quê đáng sống” trên quê hương Gò Nổi Anh hùng. Đất và người Bảo An đã hoà quyện theo dòng chảy văn hoá, lịch sử của quá khứ, hiện tại và tương lai cho muôn đời sau.
Phạm Lộc
Tin mới
Các tin khác
- bài viết: Trạm Y tế xã Điện Thọ không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân - 12/05/2025 01:08
- bài viết: Công đoàn Cơ sở phường Vĩnh Điện thực hiện hiệu quả phong trào thi đua chuyên đề “Văn hóa, thể thao” - 12/05/2025 01:00
- Bài viết: Xã Điện Phong xây dựng NTM kiểu mẫu - 12/05/2025 00:55
- Bài viết: Tập hợp khối Đại đoàn kết toàn dân thực hiện văn minh đô thị, nhìn từ Ban Công tác Mặt trận khối phố 2 phường Vĩnh Điện - 10/05/2025 04:58
- Bài viết: Một CCB giàu lòng nhân ái - 10/05/2025 04:52