0235.3867334

Bài viết: Tự hào đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn ngày ấy

       Tôi thấy mình khá may mắn khi trong đời có duyên được gặp gỡ, quen biết với các anh chị đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn ngày xưa. Thật ngưỡng mộ và tự hào về thầy cô và các anh chị khi những tháng ngày cơm không đủ no, áo chẳng đủ ấm vẫn mang chuông đi đánh xứ người và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp.

       Anh Lê Văn Hiểu – thành viên đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn những năm 1980 kể lại, sau năm 1975, người dân Điện Bàn đi tản cư trong chiến tranh lại gồng gánh nhau về quê trong bối cảnh hoang tàn, đổ nát. Người lớn gầy dựng lại cuộc sống mới trong vô vàn gian khổ và không ít những thắc thỏm, âu lo vì bom mìn vẫn còn trong lòng đất nhưng cho trẻ nhỏ đi học mới là việc hàng đầu.

       Khi cuộc sống của người dân đã tạm ổn, ngành giáo dục Điện Bàn lúc bấy giờ lo tìm kiếm, bồi dưỡng học sinh giỏi. Đội tuyển học sinh giỏi những năm thập niên 80 tập trung về học tại Phòng Giáo dục, xã Điện Phương và chùa Từ Quang (xã Điện Thắng). Thầy cô gửi học trò của mình ở nhà dân để tiện cho việc học.

       Năm 1979, anh Lê Văn Hiểu được bồi dưỡng môn Toán để thi học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh và mục tiêu là tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc lần đầu tiên tổ chức. Vượt qua hai vòng thi huyện Điện Bàn, vòng đầu anh Phạm Trọng Đăng Sơn đứng nhất, kế đến là anh Hiểu nhì, vòng thứ hai anh Hiểu vượt lên nhất và anh Sơn nhì. Trong lớp các anh còn có các anh chị Lê Trung Hùng, Trần Thị Thuý, Nguyễn Hoà, Nguyễn Hữu Tới ngày ngày ôn luyện tại chùa Từ Quang.

       Trước khi tập trung học tại chùa, các anh chị cũng đã được học nhiều thầy cô giỏi ở trường cấp một về toán làm chung, toán giả sử, xếp bàn ghế, đồng tử, chia hết… nhưng đến khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Cúc, các anh chị mới thực sự thoả niềm đam mê với môn toán. Những bài toán và cách dạy của cô nhẹ nhàng nhưng tiếp cận đề nhanh và mau phát hiện mấu chốt của dạng toán là điểm sắc sảo của cô. Cô ở lại cùng học trò trong phòng học cũ kỹ, cửa còn không có, thời ấy còn chưa có điện. Học suốt ngày, ba bữa chia cơm ăn trên bàn học, tối kéo bàn lại ngủ trên những chiếc bàn ọp ẹp đó. Vừa bước qua tuổi đôi mươi, cô đã chăm sóc học trò từng tí như một người mẹ hiền.  Khi anh Lê Văn Hiểu gãy tay, cánh tay còn co ro ốm yếu, cô đã thức cả đêm canh chừng học trò ngủ khỏi té. Mấy mươi năm sau này, trong tâm tưởng học trò Hiểu vẫn vẹn nguyên những tình cảm thương nhớ dành cho cô giáo của mình.

       Sau đó, hai anh Hiểu và Trung Hùng của Điện Bàn lọt vào đội tuyển tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau kỳ thi tỉnh năm đó và cô Cúc cũng được Ty Giáo dục giao làm chủ nhiệm lớp. Những đứa trẻ đói ăn, đói sách, đói chữ đã cảm nhận được những tình yêu nguyên sơ cuộc sống, cảm nhận sự ấm áp khi được sống bên cô giáo của mình. Nhiều năm sau, sự dịu dàng của cô giáo khiến những đứa học trò ngây ngô có thêm tình yêu với môn toán và luôn tìm cách giải những bài toán lẽ phải của đời mình.

       Là người thành đạt nhưng anh Hiểu có lối sống giản dị, luôn trân quý những tình cảm gia đình, thầy trò và bằng hữu. Anh là người có ý tưởng hằng năm tổ chức các cuộc gặp mặt thầy cô và đội tuyển học sinh giỏi Điện Bàn ngày ấy như một sự tri ân đối với thầy cô và là dịp để các thế hệ học trò ngày ấy gặp gỡ, quan tâm đến nhau hơn.

       Anh Phạm Ngọc Sinh – cựu học sinh giỏi quốc gia, nay là Phó Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ Quảng Nam nhớ lại. Chùa Từ Quang là nơi được chọn rèn luyện nhiều khóa học sinh giỏi của Điện Bàn. Một buổi, các anh chị học phổ thông tại trường Nguyễn Văn Trỗi còn một buổi đến chùa ôn luyện. Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh Sinh và anh Nguyễn Cảnh, học sinh chuyên Toán 9, hiện đang làm việc tại Sở NN và PTNT Quảng Nam cứ nhắc mãi, bây giờ đi khắp nơi, thưởng thức biết bao món ngon vật lạ nhưng không gì ngon bằng nắm cơm dẻo của những nhà dân ngày đó. Các gia đình cho ở trọ đã dành những góc đẹp nhất, sạch nhất của gia đình để học sinh ở và học hành. Đêm đến, các cô chú lọ mọ nấu đậu phụng, khoai, sắn rồi sai con bưng lên mời các anh. 

       Các khóa học sinh giỏi được nuôi dưỡng, ươm mầm bằng những kiến thức và tâm huyết của thầy cô, bằng tình yêu thương, đùm bọc và cả mong mỏi của người dân quê vùng đất hiếu học và bằng cả niềm tin, khát vọng. Có những cô cậu học trò ngày xưa hỏi nhau vì sao chùa Từ Quang - nơi cửa Phật lại được chọn để tập trung ôn luyện thi học sinh giỏi. Và câu trả lời của thầy giáo Nguyễn Minh Hùng có lẽ được nhiều học trò nhớ mãi, rằng học nơi nào mà các em cảm thấy yên tĩnh nhất và được bồi đắp bởi niềm tin mạnh mẽ nhất, các em sẽ thành công. Kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực khi kết quả thi học sinh giỏi khóa 1982 – 1983, huyện Điện Bàn dẫn đầu cả tỉnh về số lượng, các môn Toán, Văn cả lớp 5 và lớp 9 đều đoạt giải cao cả thành tích cá nhân và đồng đội, xuất sắc nhất tỉnh giai đoạn 1981 – 1990. Sau đó, nhiều bạn tiếp tục đoạt giải quốc gia.

       Bây giờ, nhiều học sinh giỏi Điện Bàn học hành và thành đạt trên nhiều lĩnh vực, nhiều người trở thành nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, bác sĩ, nhà báo, doanh nhân nhưng hình ảnh các thầy, cô bồi dưỡng học sinh giỏi Điện Bàn ngày ấy vẫn còn in đậm trong trí nhớ: thầy Nguyễn Minh Hùng, thầy Nguyễn Hữu Kiềm, thầy Nguyễn Hàn Chung, thầy Lê Tự Khoái, cô Võ Thị Bích Hồng, cô Trần Thị Phương Hiền, cô Phạm Thị Nam Trân và còn nhiều thầy cô nữa. Ký ức đẹp đẽ về những năm tháng đời sống còn nhiều thiếu thốn, cực khổ nhưng thành tích học tập của bao thế hệ học sinh Điện Bàn thì rất đáng nể sẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức bao người.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019121107
Hôm nay
Hôm qua
6050
8144