0235.3867334

       Sáng ngày 29/11, tại Hội trường Thị ủy Điện Bàn, UBND thị xã tổ chức trao giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn lần thứ 8, năm 2024.
       Tham dự có ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị ủy; ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Trần Úc - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã; các ông bà trong Ban Thường vụ thị ủy, Thường trực HĐND, UBND thị xã; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan.
 
 
       Tự hào, gìn giữ và tiếp nối những truyền thống quý báu của ông cha để lại; trong những năm qua, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Điện Bàn luôn tập trung cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo; đã quan tâm xây dựng mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên để đáp ứng trình độ chuyên môn phục vụ công tác dạy học. Nhằm động viên các thầy cô giáo, các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi; năm 2017, UBND thị xã đã thành lập Giải Thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn. Trải qua 8 năm, Chương trình đã có hàng trăm thầy cô giáo, học sinh được tuyên dương, khen thưởng. 
 
 
       Phát biểu tại buổi trao thưởng, ông Trần Úc - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã biểu dương những thành tích mà các em học sinh đã đạt được trong năm qua; bên cạnh sự phấn đấu học tập không ngừng của các em học sinh là sự tâm huyết bồi dưỡng, rèn luyện của quý thầy cô giáo, là những người đang âm thầm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của thị xã. Chủ tịch UBND thị xã tin tưởng rằng Giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn trong thời gian đến sẻ tiếp tục phát huy và trao những phần thưởng xứng đáng cho những thành tích đạt được của giáo viên và học sinh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào xây dựng xã hội học tập - học tập suốt đời.
       “Hội Khuyến học thị xã luôn đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Điện Bàn và mãi “thắp sáng lên ngọn lửa Lạc Hồng”; trân trọng sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, những người con Điện Bàn cho Giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo thị xã trong thời gian đến” - ông Trần Úc chia sẻ.
 
 
       Vinh dự được nhận Giải thưởng năm nay, Em Thân Thị Thùy Trâm - học sinh lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn của mình; em cho rằng giải thưởng này không chỉ là sự công nhận đối với nỗ lực học tập của các em mà còn là niềm khích lệ, một nguồn động viên lớn lao, một sự nhắc nhở để các em tiếp bước con đường mà thế hệ cha ông trên mảnh đất Điện Bàn anh hùng đã dày công vun đắp.
 
 
       Chương trình đã tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã cho 37 học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, năm học 2023 - 2024. Đây sẻ là sự khích lệ, đồng hành cùng với những nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện mà mỗi cá nhân đạt được trong năm học vừa qua.
                                                                                                            Tào Ka   

        Vốn là một người yêu thích các loài cây cỏ, khao khát được đưa kiến thức mình đã được học ở trường Đại học áp dụng thiết thực trong cuộc sống, cô giáo Phạm Thị Tường Vy (khối 5 phường Vĩnh Điện- giáo viên dạy môn Hoá học tại trường THPT Nguyễn Khuyến) đã tạo ra những sản phẩm tinh dầu độc đáo từ thảo dược.

        Gần 10 năm giảng dạy ở miền núi, cô giáo Tường Vy nhận thấy các xã biên giới Tây Giang có cây sả bản địa người dân thường gọi là sả Lào (sả Java) hàm lượng tinh dầu cao và rất thơm, nhiều công dụng quý. Hay như ở Mỹ Sơn - Duy Xuyên đã có nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu chổi, đây là loại tinh dầu quý có vị cay nồng, mùi thơm, có tính tán phong hàn, khai khiếu giúp tiêu hóa, thông huyết mạch, sát khuẩn. Điện Bàn trước đây cũng là nơi trồng và chiết xuất tinh dầu bạc hà Nam, có hàm lượng Methol cao nhất, với tác dụng dược lý cao. Nhận thấy Quảng Nam là một trong những vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu từ các cây hương liệu bản địa nhưng chưa được khai thác và đầu tư đúng mức, cô giáo Tường Vy đã học hỏi, nghiên cứu các công thức để tạo ra những sản phẩm tinh dầu thiên nhiên mang năng lượng thuần khiết từ loại thảo dược bản địa ở Quảng Nam.

        Là một giáo viên Hoá học và cũng là một người mẹ, cô hiểu được những lợi ích tuyệt vời của tinh dầu thiên nhiên với sức khoẻ như làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp ngủ sâu, hạn chế nấm vi khuẩn phát triển… Mảnh vườn nhỏ của gia đình trồng những loài cây như bạc hà, sả, bưởi… cùng với hiểu biết sâu về chưng cất, chiết xuất thảo dược, cô bắt tay vào việc chiết xuất tinh dầu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, cô chỉ mới có vài loại sản phẩm như tinh dầu bạc hà Nam, tinh dầu sả, tinh dầu Kim Sa Tùng (dầu chổi). Dần dà có kinh nghiệm, cô tìm tòi, nghiên cứu và cho ra thêm nhiều sản phẩm hữu ích, dễ sử dụng và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như nước rửa chén sinh học, tinh dầu đuổi côn trùng, tinh dầu quế, dầu tràm … Những mẻ đầu tiên cô nhận được nhiều lời khen về hương thơm và chất lượng, mọi người ủng hộ cô đưa sản phẩm ra thị trường. Từ động lực đó, cô quyết định sáng lập thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt, với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tinh dầu hoàn toàn nguyên chất. Cô còn tâm niệm rằng khi thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt có chỗ đứng, cô sẽ liên kết với nhiều hộ nông dân để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình sang mô hình hợp tác xã nhằm tạo ra cộng đồng khởi nghiệp, cùng phát triển. Cô viết dự án “Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt - Nâng tầm giá trị nguồn hương liệu bản địa Quảng Nam” và tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2023, dự án của cô đạt giải khuyến khích “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Quảng Nam. Từ đó, cô mạnh dạn tham gia các hội chợ, sự kiện do thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng tổ chức và mở rộng thị trường của mình.

        Không dừng lại ở những loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà, cô Tường Vy còn tìm kiếm những loại nguyên liệu quý ở vùng núi trong tỉnh. Tranh thủ những ngày nghỉ lên núi thu hoạch nguyên liệu, mê mẩn các loài cỏ cây, đêm về sau khi soạn bài giảng, tìm tòi cách thức chiết xuất tinh dầu sao cho tối ưu nhất để có được những giọt tinh dầu thơm ngát, cô giáo không ngừng học hỏi, không ngừng thử nghiệm. Mảnh vườn gia đình là nơi cho cô cảm giác bình yên và thư giãn, nhìn ngắm vẻ đẹp mộc mạc và tận hưởng hương thơm của cỏ cây, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh về lối sống gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường.         

        Hiệu quả mô hình khởi nghiệp Anh Kiệt không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng các loài cây dược liệu bản địa cho người dân giúp khôi phục nguồn giống mà còn trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu ổn định tại địa phương. Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt của cô giáo Tường Vy đã đạt giải nhất trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp của thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, giải khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo do sở KH-CN tỉnh Quảng Nam tổ chức, giải khuyến khích dạy và trưng sản phẩm stem khoa học do sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức.

        Không chỉ làm kinh tế, cô giáo Tường Vy còn được nhiều người biết đến bởi các hoạt động thiện nguyện. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô dạy ở một trường THPT thuộc huyện miền núi Đông Giang. Học trò của cô là đồng bào Ca Dong, Cơ Tu, hoàn cảnh cơ cực nhưng rất ham học. Cô không quản ngại cách trở địa hình, khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sống để giúp đỡ các em. Sau 8 năm gắn bó với huyện vùng cao Đông Giang, cô Vy được chuyển về công tác tại trường THPT Nguyễn Khuyến. Mười mấy năm qua, cứ mỗi kỳ tuyển sinh là cô đi nhiều nơi để xin học bổng cho những học trò nghèo, dành thời gian để luyện thi đại học miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên quyên góp quần áo ấm, sách vở để sẻ chia với học trò vùng cao Đông Giang, tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ và trích tiền lãi từ bán tinh dầu giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Điện.

Huyền Chi

       Trong hai ngày 22, 23/11/2024, Phòng Giáo dục và đào tạo thị xã tổ chức Hội thi “Bé tài năng – Sáng tạo” cấp học mầm non, năm học 2024 – 2025. Hội thi đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, hình thành năng khiếu và rèn luyện sức khoẻ cho trẻ.

       Tham gia hội thi, 36 đội thi đến từ các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thị xã trải qua hai phần thi: bé tài năng và bé sáng tạo. Ở phần thi bé tài năng, trẻ thể hiện phần thi đồng diễn thể dục Aerobic theo nền nhạc phù hợp với độ tuổi của trẻ trong thời gian từ 3 đến 5 phút. Ở phần thi Bé sáng tạo, các bé thi vẽ tranh với chủ đề “Bé yêu biển đảo Việt Nam, Bé với an toàn giao thông, Bé yêu gia đình” trong thời gian từ 40 đến 45 phút.

       Các đội thi có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung và hình thức thể hiện. Các tiết mục đặc sắc, dàn dựng công phu; nội dung đúng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi…Hội thi tạo cơ hội cho trẻ được giao lưu, trải nghiệm, bộc lộ hết khả năng của bản thân, góp phần nâng cao kỹ năng sống, mạnh dạn tự tin trong giao tiếp; đồng thời rèn luyện tố chất nhanh nhẹn, vui vẻ, khéo léo, chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ bước vào cấp tiểu học.

       Hội thi lần này được phòng giáo dục – đào tạo thị xã tổ chức cho các trường tổng duyệt rồi mới thi chính thức. Các em tham gia hội thi thật sự giỏi tài năng, sáng tạo. Đồng diễn bài erobic đẹp, động tác đều và làm được tháp đẹp mắt. Phần sáng tạo thời gian 45 phút nhưng các bé đã vẽ đảm bảo theo yêu cầu, bố cục tranh hài hòa, tô màu đẹp. Tuy nhiên vẫn còn một vài bé chưa thật sự tự tin, bố mẹ và cô giáo phải theo xuống tận sân khấu. Hội thi rất thành công, Ban giám khảo chấm điểm khách quan công bằng; các trường được giao lưu cùng nhau và qua đó có kế hoạch chuẩn bị cho đơn vị mình ở các hội thi tiếp theo

       Nội dung hội thi lần này đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục và phù hợp với đối tượng trẻ; tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các thí sinh tham gia ở các phần thi Bé tài năng, Bé sáng tạo. Trao giải toàn đoàn cho các đơn vị; trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về Trường Mẫu giáo Vĩnh Điện, Trường mẫu giáo Điện Minh và Trường mẫu giáo Điện An.

Thu Hằng – Tào Ka

       Sáng ngày 27/11, Hội Người mù thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội (20/8/1984 - 20/8/2024).
       Tham dự có ông Nguyễn Sự - Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Nam; bà Nguyễn Thị Minh Châu - TUV, Phó Chủ tịch UBND thị xã; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể thị xã.
 
 
       Hội Người mù thị xã Điện Bàn được thành lập theo Quyết định số 814/QĐ-UBND, ngày 20/8/1984 của UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Trải qua 40 năm thành lập, xây dựng và phát triển đến nay Hội đã trưởng thành cả bề rộng, lẫn chiều sâu, đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, từng bước củng cố, phát triển Hội vững mạn. Hiện nay, trong toàn Thị xã có 306 hội viên và 19 chi Hội người mù xã, phường. Bên cạnh việc phát triển hội viên, Hội Người mù thị xã Điện Bàn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ giúp đỡ hội viên dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình và nâng cao kiến thức hòa nhập cộng đồng với hơn 114.200 lượt người được nhận quà tổng tiền hơn 5,9 tỷ đồng, vận động xây mới và sửa chữa 104 nhà cho hội viên; tặng 74 sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn; đến nay có 175 lượt vay vốn với số tiền gần 2 tỷ đồng; mở 6 lớp dạy nghề, 23 khóa học chữ nổi với kinh phí hơn 300 triệu đồng.
       Với những kết quả trên, Hội Người mù thị xã Điện Bàn thời gian qua đã được Chính phủ, Bộ Lao động TB-XH tặng bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác do các cấp, các ngành trao tặng. 
 
 
       Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng sáng tạo không mệt mỏi vì hội viên của mình của lãnh đạo, cán bộ Hội Người mù thị xã trong thời gian qua; các hội viên Hội Người mù thị xã đã làm nên những điều kỳ diệu, đã khẳng định khát vọng sống, quyết tâm phấn đấu, vượt lên số phận, nghị lực đó là những tấm gương đánh trân trọng và noi theo. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã củng hoan nghênh sự quan tâm lãnh đạo, của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể các cấp, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã; thời gian đến mong các tổ chức, cá nhân hãy tiếp tục đồng hành, giúp đỡ nhiều hơn nữa với tinh thần tương thân tương ái để cuộc sống vật chất, tinh thần các hội viên Hội Người mù trên địa bàn thị xã ngày càng được nâng lên.
       Dịp này, Hội Người mù tỉnh đã tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 11 cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng và phát triển tổ chức Hội 40 năm qua. Nhóm mạnh thường quân Thân Thị Thu Thảo, Phan Thị Mỹ Dung những người con Điện Bàn đến từ Thành Phố Hồ Chí Minh đã tặng 120 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.                                                                                                               
                                                                                                          Tào Ka

        Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam.

        Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hoà bình, hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội chăm lo hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.

        Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động trong phạm vi cả nước, theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ Hội và 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.

        Tại thị xã Điện Bàn, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ đã có tổ chức sâu rộng ở 20/20 xã phường, các trường học, bệnh viện nhằm làm cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

        Các chương trình, hoạt động của Hội ngày càng được đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, với phương châm do Trung ương Hội Chữ thập đỏ đề ra, đó là “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”. Nhiều mô hình hay, cách làm mới được áp dụng nhằm thu hút, tập hợp hội viên, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện công tác nhân đạo. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cá nhân nước ngoài đã liên hệ để thực hiện các chương trình, dự án ngày càng đông, góp phần rất lớn thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn thị xã. Có thể kể đến như Bệnh viện chuyên khoa SC Đà Nẵng đã gắn bó và thông qua Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ cho thị xã Điện Bàn hàng chục năm qua với 43 ngôi nhà nhân ái, hàng ngàn suất quà cho học sinh nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hàng ngàn xe lăn cho người khuyết tật, hằng năm tổ chức các chương trình khám chữa bệnh nhân đạo lên đến hàng trăm triệu đồng. Các dự án phòng chống thiên tai, chăm sóc người khuyết tật, giáo dục hòa nhập cho học sinh với kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm… Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Hội được đẩy mạnh, từ việc quản lý hội viên, tình nguyện viên, quản lý các địa chỉ nhân đạo, các địa chỉ dễ bị tổn thương, các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn do thiên tai… đã được cập nhật quản lý bằng công nghệ số. Các hoạt động huy động nguồn lực cũng được thực hiện với các ứng dụng như Tài khoản nhân đạo, chương trình “Triệu bước chân nhân ái để tích điểm quy đổi thành tiền hỗ trợ công tác nhân đạo”…

        Việc huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn được thực hiện khá tốt, các nhà hảo tâm ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội Chữ thập đỏ, sẵn sàng đồng hành, giúp sức, để điều phối nguồn lực đến người dân một cách kịp thời, đúng đối tượng. Các cơ sở Hội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác nhân đạo trên địa bàn, Hội Chữ thập đỏ phường Điện Phương là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt công tác này. 

        Các chương trình nổi bật của Hội Chữ thập đỏ như “Tết nhân ái”, “Tháng nhân đạo”, công tác “Hiến máu tình nguyện” là những hoạt động tiêu biểu, với kết quả luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Hàng hàng người dân đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, hoạn nạn, hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đã ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân. 

        Có thể nói rằng, Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện và là điểm tựa để các hoàn cảnh khó khăn vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện nghiêm túc kết luận số 44 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 43 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, trong đó “Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh, tiến bộ xã hội của địa phương, đất nước”.

Thanh Tâm – Tào Ka

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019885074
Hôm nay
Hôm qua
5685
8518