0235.3867334

       Một mùa xuân mới nữa lại đang về trên quê hương Điện Trung, xuân mang theo bao niềm vui, hy vọng đối với mọi người, mọi nhà. Với nhiều hộ nghèo, khó khăn, niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội, khi Xuân này họ được đón Tết trong những ngôi nhà đại đoàn kết ấm áp nghĩa tình. Những ngôi nhà không chỉ hiện thực hóa ước mơ của biết bao hộ nghèo về nơi ở ổn định mà còn tiếp thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định trong cuộc sống.

       Năm nay, gia đình ông Đỗ Thế Mẫn, thôn Hòa Giàng, xã Điện Trung được đón tết trong ngôi nhà mới kiên cố. Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng ông chưa có nhà cửa, vợ thường xuyên ốm đau, 3 con còn nhỏ dại, bản thân ông không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, nhiều năm qua, hai vợ chồng và 3 người con sống nhờ trong căn nhà của cha mẹ. Tháng 10/2024, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng số tiền hỗ trợ của Quỹ người nghèo xã và bà con thân thuộc trong gia đình, ước mơ về một ngôi nhà khang trang kiên cố đã trở thành hiện thực. 

       Cũng như gia đình ông Đỗ Thế Mẫn, gia đình chị Lê Thị Hà, thônNam Hà thuộc diện hộ nghèo,đơn thân, 1 mình nuôi 2 con nhỏ, chị là công nhân,cuộc sống của gia đình 3người rất vất vả. Được sự hỗ tợ của mặt trận,gia đình chị đã xây được căn nhà mới, trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã hỗ trợ 50 triệu đồng.Tết năm nay, gia đình chị được đón tết trong căn nhà mới với bao niềm vui khôn xiết.

       Số tiền để hỗ trợ xây những ngôi nhà đại đoàn kết có được từ việc triển khai trong cuộc vận động Quỹ vì người nghèo của UBMT xã, không để ai bỏ lại phía sau, để giúp các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhàở. Từ nguồn quỹ vận động được, trong năm 2024, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên đã vận động số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã đã vận động nguồn kinh phí đóng góp hơn185 triệu đồngđ ể sửa chữa và xây mới 5 nhà đại đoàn kết,vận động trao hơn 2000 xuất quà hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và khuyết tật với trên 600 triệu đồng.

       Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Điện Trung cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBMT xã đã vận động trên 500 triệu đồng và đã có trên 10 ngôi nhà đại đoàn kết được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa tạo sức lan tỏa lớn, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở tại xã tương đối ổn định. Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động các nguồn lực ủng hộ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo; phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

       Nhờ đề ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ,tập trung tổ chức thực hiện, trong đó phát huy vai trò của Mặt trận đoàn thể trong việc vận động xã hội hóa nên Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” đối với xã Điện Trung đã đạt được những kết quả rõ rệt. Số hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã còn 9 hộ nghèo, tỷ lệ 0,58 %, giảm 02 hộ nghèo và 04 hộ cận nghèo so với 2021.

       Phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Điện Trung phát động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức...Đến nay, chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác vận động, cùng với các chính sách, hỗ trợ của nhà nước đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

       Để chương trình được triển khai có hiệu quả, hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đều tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân. Năm nay, cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” hướng đến tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Mặc dù, trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã luôn quan tâm chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nhu cầu cần xây dựng nhà ở cho hộ nghèo còn cao. Do đó, cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ của cộng đồng và toàn xã hội để chung sức, chung lòng giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

       Mùa xuân mới đang về. Không khí sum vầy, đầm ấm đã lan tỏa trong từng ngôinhà. Xuân này các hộ nghèo, khó khăn ấm áp hơn khi được quây quần, sum họp cùng nhau trong ngôi nhà mới khang trang, thắm đượm tình thân. Đây là cơ hội để giúp họ từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mi Ni

       Hình ảnh con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ xa xưa, đua thuyền luôn được xem là một trong những hoạt động khai xuân, mang theo nhiều mong ước của người dân về một năm mới suôn sẻ, an lành, mưa thuận gió hòa. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, một số địa phương đã tổ chức hội đua thuyền. Đây không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, tạo khí thế sôi nổi trong những ngày đầu năm, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng sông nước. 

       Khối phố Câu Nhi (phường Điện An) những ngày giáp Tết, tôi ghé đến xóm vạn chài, bà con nông dân ven sông vẫn ra biền bãi trong cái lạnh cuối năm. Trò chuyện với tôi, cụ ông Lê Viết Nhì - trưởng xóm Trung Hòa (khối phố Câu Nhi) kể về đội đua ngày ấy. Cụ Ngô Tâm gần 20 năm làm Hội trưởng Hội đua thuyền của thôn cùng cụ Nguyễn Nhuận, cụ Phạm Hiên và những người khác cùng thời là những tay chèo, tay bơi đua kỳ cựu từ khi mới thành lập Hội đua thuyền Câu An Vạn khoảng năm 1945 dến 1947. Lúc bấy giờ có hơn 30 hộ gia đình sinh sống ở xóm vạn chài này. Chủ cái của Hội đua thuyền thời đó là các cụ Trần Thọ, Trần Quyên, Phạm Toàn và những cụ khác, nay các cụ cũng đã quy tiên. Ngày đó, những gia đình này chủ yếu làm nghề đánh bắt cá như chài lưới, đi rớ, thả câu, thả đăng dọc sông Thu Bồn và sông Câu Nhi để lo cho cuộc sống gia đình. Việc thành lập Hội đua thuyền hồi đó cũng chỉ để gây dựng phong trào, cổ vũ những thanh niên trai tráng trong xóm vạn chài thường xuyên rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai thích nghi môi trường sông nước và mưu kế sinh nhai trên sông, dưới bến nhưng khi đã đua thì các con bơi nhoài mình vươn sức chèo lái con thuyền theo nhịp đếm dứt khoát xen kẽ những tiếng thở gấp gáp, ai cũng cố hết sức và có chiến lược bơi làm sao để qua tiêu chiến thắng đội bạn mà không va chạm giữa các thuyền với nhau. Tiếng cổ vũ vang trời như tiếp thêm sức mạnh cho các con bơi về đích.

       Bắt đầu từ năm 1954, Hội mới được tổ chức tham dự các giải đua thuyền truyền thống theo thông lệ của làng xã hoặc các lễ hội trong vùng với các thuyền đua ở Thi Lai-Cẩm Lậu (xã Điện Phong), Tư Phú- Kỳ Lam (xã Điện Thọ). Thời đó còn nghèo, các con bơi ăn uống rất kham khổ, chỉ có canh bầu, canh rau lang chan với cơm ghế khoai, sắn mà 7 phần ghế 3 phần cơm. Thuyền bơi đua thì thuyền nan tre nên bơi rất nhọc. Ai được chọn bơi đua phải khổ luyện mới đi đua. Trận lũ lịch sử năm Thìn 1964 làm chiếc thuyền đua của Hội trôi theo dòng lũ dữ. Rồi chiến tranh, bà con ở xóm vạn phải đi lánh nạn, người xuống Vĩnh Điện, người ra tận Đà Nẵng và có cả những người theo Cách mạng.

       Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (1975), bà con mới tìm về bến đậu xưa kia và tạo dựng cuộc sống mới ở dọc bờ sông Câu Nhi đến bây giờ, không còn cảnh rày đây, mai đó trên chiếc thuyền nan xuôi ngược. Hội đua thuyền được bà con trong xóm vạn nhen nhóm khôi phục lại. Những năm 1976, 1977, việc thành lập Hội đua thuyền rất khó khăn do điều kiện kinh tế bà con còn eo hẹp, những người từng tham gia đua thuyền trước kia đã luống tuổi, lớp trẻ thì đông nhưng không được tập luyện bài bản để đua và thuyền đua cũng không có nhưng đời sống sông nước vốn đã gắn bó với bà con, niềm đam mê đua thuyền của bà con khu vạn vẫn còn nguyên vẹn. Vậy là các gia đình trong khu vạn tự nguyện đóng góp kẻ ít người nhiều, chính quyền, các đoàn thể, HTX NN I Điện An hỗ trợ một ít lúa để bán đóng thuyền. Những cụ có kinh nghiệm đua thuyền thì luyện tập cho số thanh niên về kỹ thuật bơi, kỹ thuật chèo xeo. Người tặng vài lon gạo, người hái rau bí trong vườn đem đến cho các tay bơi bồi dưỡng chuẩn bị tham gia đua thuyền truyền thống. Hội đua thuyền của thôn gồm 2 đội nam, nữ nhiều lần tham dự giải đua truyền thống ở huyện và Đà Nẵng được mọi người ngưỡng mộ và khâm phục.

       Theo gương các cụ cao niên, các thế hệ sau cũng đã giữ gìn và phát huy phong trào đua thuyền truyền thống của người xứ vạn. Không như các môn thể thao khác, đua thuyền là môn thể thao có tính tập thể và tính cộng đồng cao. Người xóm vạn ai muốn tham gia và có sức khỏe, bơi tốt đều được chọn vào đội đua. Trong các gia đình tham gia môn đua thuyền có lẽ phải kể đến các gia đình ông Ngô Tâm, ông Phạm Xáng, ông Lê Tam, ông Phạm Hiên đều có 2-3 thế hệ vào đội đua thuyền, là những người bơi chính trong đội đua thuyền nam và đội thuyền nữ như anh Ngô Chựng, chị Ngô Thị Luận, mỗi lần tham dự giải dù bận đến mấy đều phải tham gia bởi các anh, các chị - những tay chèo có kinh nghiệm nhất được anh em trong đội tin tưởng. Tuy nhiên, khi đua còn phụ thuộc vào chiếc thuyền đua, thuyền có nhẹ, có rẽ nước vượt lên theo ý của người bơi hay không cũng là chuyện mà mỗi Hội đua thuyền cần phải cân nhắc tính toán. Sau năm 2000, thể lệ thi đấu thay đổi nên các thuyền đua của Câu Nhi Đông cũng không được sử dụng do không phù hợp. Hiện nay khi tham gia lễ hội đua thuyền thường phải đi thuê thuyền nơi khác. Nay cụ ông Ngô Tâm đã vắng xa, chỉ còn vợ là cụ bà Phạm Thị Tráng năm nay đã hơn 90 nhưng có ai nhắc đến đội đua là cụ lại nhớ từng chi tiết.

       Anh Nguyễn Bảy - đội trưởng đội đua thuyền Câu Nhi cho biết, ngày trước, đội đua thuyền Câu Nhi Đông thường lấy tên Đội đua thuyền Điện An để tham dự các lễ hội đua thuyền trong tỉnh và thành phố Đà Nẵng, các đội bạn nghe thuyền Điện An là khớp vì luôn giành giải cao. Về sau, khi cuộc sống dần thay đổi, người dân vạn chài không còn gần gũi với sông nước như xưa, không còn cảnh sáng chèo thuyền đi, tối chèo về mà phải lên bờ tìm việc làm với bao lo toan cơm áo, gạo, tiền. Việc Hội đua thuyền Câu Nhi Đông giữ được các đội đua cũng đã là sự cố gắng lắm bởi phải tổ chức tập luyện cho con bơi, phải có kinh phí bồi dưỡng, rồi thuê thuyền đua, thuê thêm con bơi cho đủ số lượng bởi con bơi của Câu Nhi Đông bây giờ đã giảm do lớn tuổi hoặc đi làm ăn xa.

       Ngày xưa, ý nghĩa của lễ hội đua thuyền như một lễ cầu may, hé mở những điều an lành trong năm mới. Là một hoạt động văn hóa và đồng thời là tín ngưỡng linh thiêng, lễ hội đua thuyền không chỉ là cuộc thi, mà còn là cơ hội để mọi người tận hưởng niềm vui, gần gũi nhau hơn, đi vào tiềm thức của bao cư dân vùng sông nước và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số thuyền đua nức tiếng một thời nay chỉ còn trong ký ức trong đó có đội thuyền đua Câu An Vạn. Ước mơ được gìn giữ những giá trị truyền thống của bà con xóm vạn Câu Nhi Đông (nay là Câu Nhi, phường Điện An) không dễ có được nhưng bà con vẫn hy vọng sẽ có ngày tên gọi thuyền đua được hô vang ở lễ hội đua thuyền như những năm về trước.

Huyền Chi

      Chúng tôi về xã Điện Trung vào những ngày giáp Tết, không khí mùa xuân nơi đây như bừng sáng, xua tan đi cái lạnh của mùa đông. Đến từng địa bàn khu dân cư, bà con ai nấy đều phấn khởi khi nhà nhà đều đón Tết trong tâm thế đầm ấm, đủ đầy. Để có được niềm vui đó, thời gian qua, các cấp, các ngành của xã đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực trong triển khai thực hiện phong trào, vận động ủng hộ quỹ "Vì người nghèo". giai đoạn 2021-2024, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đạt được những kết quả khá nổi bật. Số hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Nếu như năm 2021 số hộ nghèo trên địa bàn xã là 12 hộ, tỷ lệ 0,78%; thì đến năm 2024, số hộ nghèo còn 09 hộ, tỷ lệ 0,58 %; đạt chỉ tiêu giảm nghèo do UBND Thị xã giao và đạt NQ Đảng bộ, HĐND xã. Đến nay, có 04/04 thôn đạt tiêu chuẩn về tiêu chí hộ nghèo, xã đạt tiêu chí Nghèo đa chiều trong xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nhiều chương trình, mô hình hay đem lại hiệu quả như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Xây dựng 04 mái ấm tình thương”, “Ngôi nhà nhân ái”, chương trình “Em nuôi của đoàn”…

      Phường Điện Thắng Trung, là một trong những đơn vị làm tốt việc huy động, vận động các nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong năm 2024, phường đã vận động ông Trương Công Nam người con quê hương hỗ trợ thường xuyên cho 63 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường với số tiền 22 triệu đồng/tháng; Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng hỗ trợ 30 triệu đồng; Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn hỗ trợ 100 triệu đồng… Bên cạnh đó, phường đã triển khai sữa chữa 01 nhà cho hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng; vận động hỗ trợ 2 trường hợp cần nhu cầu hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo với số tiền 14 triệu đồng,; đồng thời nhận đỡ đầu cho 8 trẻ em với số tiền 16 triệu đồng; tặng 12 thẻ bảo hiểm cho người gia thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Những kết quả đó đã đóng góp không nhỏ đến công tác giảm nghèo trên địa bàn phường Điện Thắng Trung. Tỷ lệ hộ nghèo của phường giảm còn 0,57%, hộ cận nghèo còn 1,09%.

      Với vai trò của mình, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào thi đua "Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống Mặt trận từ thị xã đến khu dân cư. Các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các chỉ thị, quyết định của Trung ương; nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, của Thị ủy về giảm nghèo bền vững; quy định hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thị xã. Tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025 và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn thị xã. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng...

      Hưởng ứng và phát động phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện bằng niều phần việc, việc làm cụ thể, thiết thực. đến nay, trên địa bàn thị xã còn 376 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,6% trên tổng số hộ dân; 465 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,75% (so với năm 2023, giảm 44 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,08 %; giảm 63 hộ cận nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,11%); các chỉ tiêu về giảm hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo mà UBND tỉnh giao và Nghị quyết Đảng bộ thị xã và HĐND thị xã đề ra đều đạt và vượt. Từ các nguồn huy động, đóng góp, trong năm 2024 thị xã đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 27 nhà ở cho 27 hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho gần 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 600 triệu đồng.

      Có thể khẳng định, những nỗ lực mà các cấp, các ngành, cộng đồng trên địa bàn thị xã mang lại  không chỉ giúp những người nghèo thoát khỏi khó khăn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương và phát triển bền vững, từ đó tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn trong tương lai.

Tào Ka

       Năm 2024, phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn thị xã được duy trì, đẩy mạnh và có bước phát triển sâu rộng, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước nên tích cực tham gia phong trào, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

       Công tác chỉ đạo, triển khai hướng dẫn và tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo các cấp có sự đồng bộ, tập trung trong lãnh, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các văn bản về việc thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa thành kế hoạch phối hợp thực hiện, từng bước đẩy mạnh và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Kết quả phong trào đã tác động tích cực đến sự chuyển đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực.

       Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội được thực hiện theo quy định, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên theo hướng văn minh, tiến bộ, mối quan hệ

       Thông qua việc xây dựng gia đình theo tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng, duy trì tình làng, nghĩa xóm, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Quy trình bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đảm bảo công khai, công bằng và dần đi vào thực chất và theo hướng dẫn. Trong năm 2024, công nhận 53.448/55.595 hộ gia đình văn hóa tỷ lệ 96,1%, tăng 1.3% so với năm 2023.

       Việc triển khai đăng ký Tộc văn hóa được nhiều địa phương thực hiện đúng quy định. Nhiều Tộc họ đã tích cực phối hợp với địa phương xây dựng nhiều mô hình, việc làm thiết thực như: Tộc họ đăng ký con cháu không vi phạm luật giao thông, tộc tự quản an ninh trật tự, không sinh con thứ ba trở lên, phấn đấu không còn hộ nghèo; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, tộc 3 không: “Không thất học - không đói nghèo - không tội phạm”, tham gia bảo vệ, trùng tu các di tích lịch sử tại địa phương; các tộc họ thực hiện tốt tộc ước văn hóa. Đến cuối năm 2024, có 378 tộc họ được công nhận tộc văn hóa.

       Phong trào xây dựng thôn, khối phố văn hóa thu hút được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của nhân dân; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng các công trình phúc lợi, công trình văn hóa, giao thông nông thôn; tạo sự chuyển biến tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Năm 2024, có 136/140 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 97 %; công nhận 12/12 phường đạt phường đô thị văn minh, tỷ lệ 100%.

       Việc xây dựng tuyến phố văn minh được sự đồng thuận tham gia của các hộ gia đình từng bước tạo sự lan tỏa rộng khắp trên từng tuyến phố. Vỉa hè thông thoáng, được bảo quản sử dụng tốt, các công trình di tích lịch sử văn hóa, tài sản nơi công cộng, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa… trên tuyến đường được giữ gìn, bảo quản và chăm sóc sạch đẹp. Vệ sinh môi trường đảm bảo, lòng đường, vỉa hè được quét dọn sạch sẽ và thường xuyên; không đổ nước thải, rác thải ra đường, vỉa hè. Trong năm 2024, có 28 tuyến phố được công nhận tuyến phố văn minh.

       Việc xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc, cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh tăng cường các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện quy chế dân chủ, góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Có 164/169 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 97%.

       Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội được thực hiện theo quy định, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên theo hướng văn minh, tiến bộ, mối quan hệ tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm đoàn kết, bền chặt.

Tào Ka

      Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ phường Điện Phương đã đổi mới hoạt động theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tốt vai trò “cầu nối” và vai trò điều phối trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp những người nghèo vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác vận động nguồn lực đã thu hút được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, các chi Hội trực thuộc đã vận động được 05 đoàn từ thiện đến địa phương, tặng quà, trao nhà tình thương, học bổng…cho học sinh trên địa bàn.

      Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ phường Điện Phương thường xuyên tham mưu với Đảng ủy, UBND phường ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Trong năm qua, phong trào “Tháng Nhân đạo” là điểm mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm tham gia của các tổ chức, cá nhân. Kết quả tổ chức “Tháng Nhân đạo” hằng năm quyên góp được 20 đến 25 triệu đồng, góp phần giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, trao học bổng, xây nhà Chữ thập đỏ, hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi… nhằm giúp các hộ có người khuyết tật khó khăn từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống. Mô hình  “Bếp ăn tình thương Chữ thập đỏ” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, góp phần làm cho người bệnh vơi đi những khó khăn khi phải nằm điều trị. Mô hình “ Lớp học tình thương Chữ thập đỏ” do Hội Chữ thập đỏ phường thực hiện đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học miễn phí tại đây.

      Ông Phạm Công Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường Điện Phương cho biết: Thời gian tới, Hội CTĐ phường sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tốt vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động từ thiện nhân đạo để giúp những người nghèo, người yếu thế vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, Triển khai Phong trào “Tết Nhân ái”, “Tháng Nhân đạo” Phấn đấu công tác vận động nguồn lực ở mỗi cấp chi hội năm sau tăng 10% so với tổng giá trị hoạt động nhân đạo năm trước; các chi hội thành lập quỹ hoạt động nhân đạo CTĐ, đặc biệt là mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

      Bên cạnh đó, Hội CTĐ phường sẻ tập trung đẩy mạnh công tác huy động, vận động các nguồn lực như: tăng cường kết nối, kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong nước; thông qua các tổ chức như Câu Lạc bộ tình thương tại thành phố HCM, Hội đồng hương Điện Phương tại tại thành phố HCM cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội trên địa bản phường, vận động tiền mặt, quà trao cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ mai táng cho các trường hợp khó khăn qua đời. Phát huy trí tuệ của tập thể, tạo sự đồng thuận cao, thu hút nguồn lực đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội trong tình hình mới.

Tào Ka

       Triển khai “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBMT phường, chi ủy chi bộ,sự phối hợp với Ban nhân dân và các đoàn thể của KDC. Ban CTMTkhối phố Tứ Ngân, phường Điện Ngọc đã triển khai tất cả các nội dung và tiêu chí đến toàn thể cán bộ, nhân dân trong KDC với phương châm “Đoàn kết – dân chủ - đổi mới –phát triển” và bước đầu đã đạt được những kết nhất định. Trong đó phải kể đến công tác giảm nghèo nâng cao đời sống nhân dân trong toàn KDC với mô hình KDC chung tay giảm nghèo bền vững.

       Ban CTMT phối hợp với các chi hội đoàn thể vận động các cá nhân, doanh nghiệp, bà con xa quê hỗ trợ kinh phí và phương tiện sinh kế, xây dựng nhà Đại Đoàn Kết, đến nay khối phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Công tác bảo vệ môi trườngxây dựng cảnh quan “Sáng –Xanh –Sạch – Đẹp” là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có sự tham gia tích cực của bà con nhân dân thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng đô thị văn minh nhất là thực hiện tốt việc phân loại rác thải, để và đổ rác đúng nơi qui định, hàng năm đóng phí môi trường đạt hơn 95%. Ban CTMT phối hợp với các chi hội đoàn thể đồng loạt ra quân vì môi trường “sáng- xanh- sạch- đẹp “ vào ngày chủ nhật tuần thứ 2 của tháng, vận động sơn sữa, làm mới, trang trí cổng chào, bản tin, pano tuyên truyền về các cuộc vận động trên các tuyến đường trong toàn KDC. Hầu hết các tuyến đường đều có điện chiếu sáng phục vụ cho việc đi lại vào ban đêm của nhân dân; phối hợp cùng các ngành liên quan trong việc giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhiều năm liền đảm bảo ổn định. Nhân dân có cuộc sống tươi vui, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền vững mạnh. Khu dân cư nhiều năm liền được công nhận KDC văn hóa.

       Thời gian tới Ban công tác Mặt trận tiếp tục làm tốt công tác tập hợp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh. Với những việc làm sáng tạo, hiệu quả, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó,  tập trung nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị; Tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội; Vận động nhân dân tích cực bảo vệ môi trường,tạo cảnh quan sáng- xanh – sạch – đẹp; vận động hỗ trợ giúp đỡ không để ai bỏ lại phía sau, không tái nghèo, không phát sinh hộ nghèo mới …

Mi Ni

       Sáng ngày 13.1, tại Hội trường UBND phường Điện Thắng Trung, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn phối hợp với UBND phường trao 200 suất quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn trên địa bàn phường.
 
 
       Mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng đã được lãnh đạo Công ty và UBND phường trao đến những bà con Nhân dân trên địa bàn phường đã thể hiện tinh thần tương than tương ái, giúp thêm một phần nào cho các hộ dân trang trải cuộc sống trong dịp Tết đến, xuân về.
 
 
       Được biết, trong năm 2024 trong điều kiện đang bảo dưỡng nhưng nhà máy đã sản xuất được 6,7 triệu tấn dầu; tổng doanh thu đạt 125 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 13 nghìn tỷ. Công ty đã hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng mới 1 dãy phòng học và 1 nhà đa chức năng, tường rào, cổng ngõ tại Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống cơ sở 2 trên địa bàn phường Điện Thắng Trung.
                                                                                Tào Ka

       Chiều nay 12/1, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức chương trình cộng đồng Tết 2025 với tên gọi “63 gắn kết - 1 Tết sum vầy” tại thị xã Điện Bàn.
       Tham dự có ông Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư thường trực tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Nam; Ông Đinh Quang Vĩnh - TUV, Bí thư thị đoàn; Bà Đinh Nguyễn Thị Hường - Giám Đốc Truyền Thông Doanh Nghiệp; Ông Lê Hữu Xuyên - giám đốc công ty cp thương mại bia Sài Gòn miền Trung. 
 
 
       Tại chương trình, 300 phần quà Tết bao gồm một bao lì xì 300 nghìn đồng tiền mặt và một túi quà nhu yếu phẩm ngày xuân trị giá 550.000 đồng đã được trao cho các công nhân lao động và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 2 phường gồm Điện An (100 suất) và phường Vĩnh Điện (200 suất). 
       Chương trình “63 Gắn Kết - 1 Tết Sum Vầy” là một phần trong khuôn khổ chiến dịch “63 Mở Ra 1 Tết” do SABECO khởi xướng. Chương trình vinh dự được thực hiện với sự đồng hành của Tỉnh Đoàn Quảng Nam, với mục tiêu tri ân những đóng góp của những lực lượng tuyến đầu, những người đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và an ninh chủ quyền của Việt Nam. Chương trình cũng đồng thời tôn vinh truyền thống văn hóa ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, lan tỏa tinh thần đoàn kết, đoàn viên và gắn kết yêu thương trong cộng đồng.
       Quảng Nam là một trong số 24 tỉnh thành chương trình tổ chức trao tặng với tổng cộng hơn 7.000 phần quà Tết dành cho công nhân, ngư dân, chiến sĩ biên phòng…
       Ngoài việc trao quà, SABECO cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức một số hoạt động vui chơi giải trí mang đậm không khí Tết.
                                                                  Tào Ka

       Những năm qua, Hội LHPN xã Điện Hoà luôn bám sát nhiệm vụ của Hội và cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng các nhiệm vụ trọng tâm. Việc phát huy vai trò của phụ nữ trong các phong trào thi đua, nhiều chị em ngày càng khẳng định mình trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa phong trào phụ nữ dẫn đầu thị xã năm 2024.

       Để phong trào đi vào chiều sâu và đến được với từng hội viên phụ nữ, các cấp Hội đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước.

       Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, Hội LHPN xã đăng ký 2 công trình phần việc nhưng thực hiện đến 8 công trình, được Hội LHPN thị xã tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu: tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài chủ đề “Áo dài Việt trong Tôi”, tổ chức Ngày hội “Sắc màu ngày mới” đa dạng các hoạt động như Dân vũ Thể thao “Nhịp điệu ngày mới”, thi nhảy sạp, thi Rung chuông vàng tìm hiểu về tiểu sử và cuộc đời Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ; thi nấu cơm bằng niêu, thi lều trại, tổ chức nhiều trò chơi dân gian, tặng 22 phần quà cho phụ nữ khuyết tật, thăm và tặng quà Mẹ VNAH Phan Thị Niệm; tổ chức “Bữa cơm tri ân”, hoạt động “Trọn nghĩa tri ân”, “Làm đẹp bàn thờ liệt sĩ”, dọn vệ sinh khuôn viên vườn nhà Mẹ; phối hợp các đoàn thể thăm, tặng quà 5 Mẹ VNAH và tổ chức Bữa cơm tri ân Nhà Mẹ VNAH Trần Thị Trọng.

       Hưởng ứng tích cực Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội hoàn thành sớm với tổng số tiền 16.832.000 đồng, vượt chỉ tiêu 2.822.000 đồng, tham gia Chương trình “Nghĩa tình biên cương” do Hội LHPN thị xã tổ chức tổng kinh phí 18.500.000đ trong đó hỗ trợ xây 1 công trình vệ sinh 10 triệu đồng, nhận đỡ đầu thường xuyên 1 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn 3 triệu đồng và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho phụ nữ và trẻ em vùng cao.

       Hội tổ chức 17 hoạt động tuyền truyền về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tập trung tuyên truyền Chuyên đề về nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và công tác chuyển đổi số thông qua hình thức Hội thi Rung chuông vàng thu húthơn 150 chị HVPN tham gia; tổ chức 3 lớp tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ độ tuổi sinh sản từ 18 - 45, phối hợp trạm y tế tổ chức khám phụ khoa, SKSS.

       Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, Hội đã giúp 10 hộ đạt 5 không 3 sạch, vượt chỉ tiêu 5 hộ. 11/11 Chi hội ra mắt mô hình “Gia đình 5 có 3 sạch” kết hợp ra mắt mô hình “Nhà tôi đã phân loại rác” có gắn bảng tại từng hộ gia đình, trao tặng 270 thùng rác, tặng 431 giỏ rác, gắn 175 biển “ Nhà tôi đã phân loại rác”;  phát 1.750 tờ rơi tuyên truyền nội dung Gia đình 5 có 3 sạch tổng kinh phí thực hiện 64.480.000 đồng. Hội xây dựng và ra mắt 11/11 Ngôi nhà xanh tại 11 chi hội tổng kinh phí thực hiện 27,5 triệu đồng; vận động CBHV thực hiện Phần việc Mỗi tháng dành 1 ngày vì Môi trường Sáng – xanh- sạch – đẹp, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh, vận dụng nguồn giữ chuẩn Nông thôn mới Hội trồng 686 cây hoa các loại, tổng kinh phí thực hiện 135.000.000đ. Hội tổ chức Hội chợ xuân online hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm: Mắm Nhất Định, Bún, phở khô Đức Thảo, mứt, kiệu Tết các loại Xuyến, hương trầm Thanh Thuỷ...Số tiền thu được từ hoạt động Hội chợ xuân Online là 40,43 triệu đồng trong đó trao tặng 22 phần quà cho các gia đình khó khăn, trẻ em, bị bệnh hiểm nghèo trên địa bàn xã số tiền 6.600.000đ. 11/11 Chi hội tiếp tục tổ chức thành công chương trình “Bữa sáng san sẻ yêu thương” đồng loạt thực hiện 1 ngày chủ nhật với tổng số tiền gây quỹ trên 90 triệu đồng thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” trao hơn 245 suất, 143.500.000 đồng, tặng quà 140 phụ nữ và 145 trẻ em, phối hợp vận động hỗ trợ sửa chữa nhà đại đoàn kết cho 2 HVPN có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” 2 em được nhận mới năm 2024, nâng tổng số em đỡ đầu lên 22 em với tổng số tiền 44 triệu đồng.

       Hội LHPN xã Điện Hoà tích cực tham gia các hoạt động do Hội cấp trên tổ chức đạt kết quả cao như vận động HVPN tiêu thụ chổi đót cho người mù, đạt giải nhất Hội thi cán bộ Hội giỏi, giải ba sự kiện chung tay bảo vệ môi trường Biển. 11/11 chi hội tích cực xây dựng video hưởng ứng các bài thể thao dân vũ Chiến thắng Điện Biên Phủ, các ca khúc về quê hương Quảng Nam, ca khúc về Mẹ, vận động HVPN tham gia vượt số lượng chỉ tiêu giao về các buổi bán hàng livetreams do Hội LHPN thị xã tổ chức, thi trực tuyến tìm hiểu chính sách mới người có công cách mạng, thi ứng dụng công nghệ thông tin do TW Hội phát động; phối hợp vận động doanh nghiệp và Hội đồng hương thành phố Hồ Chí Minh sửa chữa 2 ngôi nhà cho 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn tổng số tiền 100 triệu đồng, tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện mô hình “Heo đất nhân ái”, tặng bảo hiểm tai nạn cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay mô hình “Heo đất nhân ái” được duy trì với209 con heo đất, nhân dịp 20.10 thuđược số tiền 17.360.000đ.

       Hội tổ chức toạ đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong HVPN” năm 2024, từ đó xây dựng các giải pháp thực hiện tốt mô hình “Tổ phụ nữ thanh toán không dùng tiền mặt”, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt chi, tổ, Hội; thành lập 81 tổ phụ nữ sinh hoạt trên không gian mạng với 1620 thành viên; ra mắt 11 Tổ phụ nữ thanh toán không dùng tiền mặt có 223 thành viên.

       Ngoài ra, Hội duy trì hiệu quả 13 mô hình hiện có và đảm bảo duy trì bền vững như mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương”, mô hình “Việc làm nhỏ - Công trình lớn”; mô hình “Tổ phụ nữ tình nguyện phục vụ tang lễ”, mô hình “Heo đất nhân ái”; CLB phát triển kinh tế, Tổ hợp tác trồng hoa cúc; Tổ phụ nữ tự quản về môi trường, Địa chỉ tin cậy; CLB Dân vũ thể thao, Mô hình “Phụ nữ Điện Hoà vì môi trường xanh”; Tổ phụ nữ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng; Mô hình “ Góc bếp sạch”, CBL “Nuôi dạy con tốt.

       Để đạt được những kết quả toàn diện, ngay từ đầu năm Hội đã xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể theo tháng, theo quý gắn sát với nhiệm vụ tại địa phương, lên dự trù kinh phí thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tham mưu với cấp ủy Đảng để có hướng lãnh chỉ đạo, đề xuất chính quyền, MT, các đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ Hội trong thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ của chính quyền, nguồn xây dựng Nông thôn mới, nguồn đảm bảo xã hội, nguồn sự nghiệp Môi trường, kết nối tạo mối quan hệ giao lưu, thăm hỏi với các doanh nghiệp trên địa bàn toàn xã để tạo nguồn kinh phí hoạt động Hội.

       Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, làm đòn bẩy, thước đo trong mọi hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin vào các phong trào thi đua, bằng nhiều hình thức như zalo nhóm, fb,  thi trực tuyến, tuyên truyền trực quan, quét mã QR..., Hội đã kết nối và đẩy mạnh hơn, chuyên sâu hơn các hoạt động, mỗi hoạt động được rõ nét cụ thể, sinh động thu hút đông đảo tầng lớp, lực lượng HVPN tham gia. Ở mỗi độ tuổi, Hội sẽ có cách tuyên truyền khác nhau, bố trí thời gian hợp lý phù hợp với điều kiện sinh hoạt của hội viên. Các hoạt động luôn hướng về chi hội và phân công từng ủy viên BCH thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn để chi hội hoàn thành nhiệm vụ, mọi hoạt động đều lấy lợi ích của HVPN làm trọng tâm. Tập thể BCH Hội LHPN xã có tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em hội viên để đề ra các hoạt động cụ thể, được đa số chị em tin tưởng, quý mến và đây cũng là điều kiện thuận lợi thu hút chị em tham gia công tác Hội ngày càng đông, ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân điển hình hay có sức lan tỏa, ý nghĩa sâu sắc, những hoạt động cụ thể, thiết thực nên được đa số chị em hội viên đồng tình hưởng ứng thực hiện. Việc làm của Hội đáp ứng được quyền lợi thiết thực của chị em.

       Một điều quan trọng là Hội luôn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo từ xã đến thôn, thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong xã, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của chị em phụ nữ ở từng thôn thông qua kênh thông tin là các đồng chí lãnh đạo Chi ủy, BND, BCTMT thôn để Hội định hướng hoạt động phong trào sát với thực tế hơn.

       Bà Nguyễn Thị Phượng – Chủ tịch Hội LHPN xã Điện Hoà cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác Hội và phong trào phụ nữ tốt hơn, Hội LHPN xã Điện Hoà tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện khâu đột phá “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động hội”  và biểu dương, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển hội viên.

Huyền Chi

       Tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn xã Điện Thọ đã phát huy hiệu quả trong tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, góp sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, từ nguồn vốn vay 90 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn và các nguồn lực khác, ông Phan Quang Tám, thôn Phong Thử 1 đầu tư mô hình nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái trên phạm vi 1,2ha ở thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước. Ông Tám trồng 150 gốc bưởi da xanh, 500 gốc ổi ruột đỏ, 100 gốc mít Thái Lan.

       Ông Tám dùng phân vi sinh, chế phẩm sinh học bón phân chuồng cho cây trồng chứ không dùng phân hóa học, các loại hóa chất kích thích sinh trưởng. Nhờ đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm và thơm, ngon nên các loại trái cây ổi, mít, bưởi của ông được người tiêu dùng đón nhận dù bán với giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng thị trường.

       Cạnh đó, ông Tám cũng đã bố trí một ao sen rộng lớn, trồng thêm các loại hoa để phục vụ du lịch. Ông tính toán, chỉ riêng doanh thu từ bán trái cây ăn quả đem lại mỗi năm gần 500 triệu đồng, lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông đầu tư thêm các khu vui chơi, ẩm thực, thưởng ngoạn để phục vụ du lịch sinh thái, kỳ vọng đạt doanh thu cao.

       Ở xã Điện Thọ có rất nhiều mô hình nông dân làm kinh tế nổi bật từ vốn tín dụng chính sách như chăn nuôi bò 3B, chăn nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả, kinh tế vườn và trang trại, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thực hiện dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc trong và ngoài tỉnh.

       Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Quý, thôn Châu Lâu vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn đầu tư dịch vụ nấu ăn hiệu quả lớn. Bà Quý đã tận dụng các nguồn nguyên liệu thực phẩm đa dạng, tươi ngon của địa phương như gà thả vườn, bò thịt, các loại rau quả, hoa màu… cộng với các loại hải sản tươi sống vùng biển ngang để nấu ăn phục vụ cho các tiệc cưới, hỏi, tân gia khắp các vùng Đại Lộc, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Chính nhờ dịch vụ nấu ăn uy tín đã đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà Quý.

       Theo ông Mai Phước Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách do đơn vị quản lý hiện nay là trên 32 tỷ đồng với hơn 500 hộ vay. Hội Nông dân xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã tuyên truyền sâu rộng về tín dụng chính sách; bình xét cho vay công khai, dân chủ; đưa vốn đến hộ nghèo, chính sách để người dân đầu tư làm kinh tế; đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh; cho con ăn học đại học…

       Cùng với nhận vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn để đưa đến hộ có nhu cầu vay, Hội nông dân xã Điện Thọ còn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức cho người nông dân tham quan học tập các mô hình làm ăn cũng như tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới mẻ, hiệu quả để người nông dân vận dụng thành công trong thực tiễn.

       Có thể thấy, vốn chính sách đã giúp hộ nghèo, chính sách vay vốn làm ăn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Vốn ưu đãi đã giúp nhiều hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.

       Tín dụng chính sách đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn nâng lên rõ rệt. Diện mạo làng quê Điện Thọ ngày càng khang trang hơn. Nhiều gia đình nghèo đã nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định nhờ tín dụng chính sách.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019974011
Hôm nay
Hôm qua
5100
7738