0235.3867334

       Sáng ngày 8/12, tại Trường Tiểu Học Kim Đồng - phường Vĩnh Điện, Ban vận động hiến máu tình nguyện thị xã Điện Bàn tổ chức Ngày Hội hiến máu tình nguyện đợt 3 năm 2024.
 
 
       Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn thị xã Điện Bàn trong thời gian qua không ngừng được phát triển, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, địa phương, đơn vị. Số lượng máu và số người tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; đã có hàng ngàn người hiến máu nhắc lại nhiều lần, nhiều gia đình có nhiều thành viên tham gia hiến máu.
       Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức từ thị xã đến xã, phường nên Ngày Hội Hiến máu đợt 3 năm 2024 lần này đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thị xã tích cực tham gia. Công tác tổ chức được triển khai một cách khoa học, các tình nguyện viên đăng ký hiến máu được khám sàng lọc, xét nghiệm chu đáo về nhóm máu và các bệnh truyền nhiễm trước khi cho máu. 
 
 
       Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”; ngày hội Hiến máu tình nguyện thị xã Điện Bàn lần thứ 3 năm 2024 đã đạt 503/450 đơn vị máu đề ra. Thông qua phần việc ý nghĩa này, giúp mỗi cán bộ, công chức, người lao động, các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hiến máu tình nguyện, đặc biệt là quyền lợi của người tham gia hiến máu. Toàn bộ số máu sẻ được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam chữa bệnh cứu người.
                                                                                                             Tào Ka 

       Từ 1 thanh niên làm nghề thú y, nhận thấy vùng đất Gò Nổi nói chung và xã Điện Quang nói riêng với những loại cây trồng, vật nuôi vốn rất quen thuộc với người nông dân, bằng sức trẻ và tâm huyết của mình, đến nay anh đã xây dựng cho mình 1 trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, làm thay đổi những suy nghĩ của nhiều người về con đường khởi nghiệp của mình.

       Đó là gương thanh niên Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1991, tại thôn Bến Đền, xã Điện Quang. Là người sinh ra và lớn lên trên vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi nên bản thân anh đã hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề nông. Sau khi học xong phổ thông, năm 2010, Đại gắn bó với ngành thú y làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp và đảm nhận thêm chức bí thư chi đoàn thôn.  Nhưng với mong muốn lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra anh đã quyết định dồn hết đồng vốn tích góp được sau nhiều năm làm việc để đầu tư khởi nghiệp từ con bò với mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt cao sản. Anh  kể: Năm 2016, sau khi lập gia đình, với kinh nghiệm tích luỹ từ nghề thú y và nhận thấy việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò vốn đầu tư thấp, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn cũng như thời gian nhàn rỗi. Hơn nữa, bò là con vật nuôi ít gặp rủi ro hơn các vật nuôi khác mà kinh tế mang lại cao hơn. Nguồn thức ăn chính của bò là cỏ, rơm rạ, cây ngô và cám. Đây là nguồn nguyên liệu dễ trồng và được trồng chủ yếu trên các cánh đồng tại địa phương. Ban đầu anh chỉ nuôi 2 con, lấy ngắn nuôi dài, khi có nguồn vốn khấm khá, anh đầu tư nuôi theo mô hình trang trại, có thời điểm anh nuôi được 25 con. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, anh tiến hành thuê lại 5 sào đất sản xuất Nông nghiệp kém hiệu quả cùng với đất hiện có của gia đình. Anh trồng ngay 1 mẫu cỏ, kết hợp trồng ngô để có nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh phục vụ cho việc chăn nuôi bò. Cùng với đó anh bắt tay vào thiết kế và xây dựng khu chăn nuôi bò thịt rộng rãi và đầy đủ các thiết bị để phục vụ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện tại, anh đang nuôi 6 con bò cái sinh sản và  8 con bò thịt vỗ béo. Giống bò anh đang nuôi là đàn bò 3B. Anh cho biết, anh mới vừa xuất bán 2 con, mỗi con có trọng lượng 500kg và đã thu về số tiền gần 100 triệu đồng. Đàn bò thịt trong chuồng hiện đã đạt trọng lượng trung bình 400kg. Theo ước tính, sắp tới xuất chuồng trung bình mỗi con bán được trên 40 triệu đồng. Mỗi năm, anh xuất bán từ 1 đến 3 lứa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn dùng nguồn phân để trồng rau, hoa màu phục vụ ăn uống cho gia đình. Qua 8 năm thực hiện mô hình, đến nay, kinh tế của gia đình anh Đại ngày càng phát triển, anh đã xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho con ăn học. Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ anh Đại đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.

       Xác định đây là nghề làm ăn lâu dài, tuy trước mắt còn khó khăn nhưng vẫn là lĩnh vực nhiều tiềm năng và có thể làm giàu được nên sắp tới anh sẽ tiếp tục tăng quy mô chăn nuôi, trong đó tập trung nuôi bò sinh sản để nâng cao thu nhập, đồng thời khai thác hết diện tích đất đai và nguồn lực sẵn có. Bằng mô hình này, anh không những phát triển kinh tế cho bản thân mà còn tạo việc làm thường xuyên cho người cha của mình

       Rời trang trại, chúng tôi thấy ở anh một con người chịu khó, dám nghĩ, dám làm và luôn có một khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất Điện Quang nơi anh sinh ra và lớn lên. Mong rằng, mô hình của anh sẽ ngày càng phát triển và thành công hơn nữa, tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ trên đường khởi nghiệp của mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Mi Ni

       Chiều ngày 5/12, LĐLĐ thị xã tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở công ty TNHH y khoa Trí Tâm.
       Tham dự lễ có ông Trương Đắc Hưng - Chủ tịch LĐLĐ thị xã; bà Đinh Thị Bé - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo thị uỷ; bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc BHXH thị xã; ông Đỗ Thế Tâm  - Giám đốc Công ty.
 
 
       Công ty TNHH y khoa Trí Tâm được thành lập năm 2022 và có trụ sở tại đường Mẹ Thứ - Khối phố 5 - phường Vĩnh Điện. Ngành nghề kinh doanh hoạt động khám chữa bệnh; bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh với 72 cán bộ, nhân viên, người lao động. Trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện đảm bảo các quyền lợi, chính sách cho nhân viên, người lao động, tạo điều kiện để người lao động an tâm làm việc.
       Tại buổi lễ, LĐLĐ thị xã công bố quyết định kết nạp 66 đoàn viên công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở công ty, đồng thời công nhận Ban Chấp hành lâm thời công đoàn cơ sở gồm 5 thành viên do ông Lê Đình Tùng làm chủ tịch lâm thời.
       Việc thành lập công đoàn cơ sở nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; tạo bước phát triển về xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, gắn bó giữa Ban giám đốc công ty với người lao động. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, xây dựng công đoàn vững mạnh.
Mi Ni

         Chỉ trong thời gian ngắn, mô hình “ CCB với hàng cây xanh” tại thị xã Điện Bàn đã trồng mới hàng ngàn cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cảnh quang xanh – sạch – đẹp. Đây là nét đẹp văn hoá, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Cựu chiến binh trong việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ về tết trồng cây.

         Để tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp” và bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội CCB thị xã đã triển khai mô hình “hàng cây xanh” đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp Hội cơ sở; định hướng cho Hội CCB các cấp về loại cây, loại hoa có tính bền vững cũng như cách thức trồng, chăm sóc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở Hội về tiến độ trồng các hàng cây. Hội CCB các cấp còn chủ động xây dựng kế hoạch, khảo sát thực địa, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và đăng ký số lượng trồng các hàng cây CCB. Qua đó, các xã, phường đã lựa chọn những loại cây, hoa có màu sắc đẹp, phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương gồm các loại cây bóng mát, cây bóng mát thân lấy gỗ và cây ăn quả lâu năm như: sao đen, bằng lăng, sưa trắng, giáng hương, hồng lộc, bàng Đài Loan, cau, mít, xoài...trên các khu vực Nghĩa trang Liệt sỹ; Đài Tưởng niệm, Bia chiến tích, Nhà Văn hóa thôn, khối phố, sân vận động và các tuyến đường tự quản của Hội CCB...; hình thức trồng cây bóng mát, cây hoa cũng hết sức phong phú, sáng tạo. Có hàng cây được trồng toàn cây bóng mát, có hàng cây được trồng kết hợp, đan xen giữa cây bóng mát và các loại hoa. Sau khi hình thành các “hàng cây xanh”, Hội CCB các cấp giao cho các chi hội có trách nhiệm quản lý, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cho cây, hoa. Đến nay, 100% Hội CCB các xã, phường đều có mô hình “hàng cây xanh” với vài chục loại cây, hoa khác nhau. Trong đó, một số cơ sở Hội có số lượng cây trồng nhiều nhấtso với tổng số hội viên và số chi hội như: Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Phước. Điện Trung, Điện Nam Bắc, Điện An…, các Hội CCB xã, phường có hàng cây đẹp, phát triển tốtnhư: Điện Hòa, Điện Nam Bắc, Điện Trung, Điện Hồng, Điện An, Vĩnh Điện. Không chỉ thực hiện mô hình, một số Hội CCB cơ sở còn đảm nhận hàng cây của chính quyền địa phương bàn giao để chăm sóc. Cùng với việc triển khai trồng cây, hoa trên các “hàng cây xanh”, để tạo không gian xanh - sạch - đẹp, các cấp Hội còn tiếp tục phát động phong trào trồng cây xanh. Hàng năm, nhân các dịp Tết trồng cây hoặc kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước cán bộ, hội viên CCB các xã, phường lại ra quân dọn vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh ở các điểm công sở xã, nhà văn hoá thôn, khu sinh hoạt cộng đồng... 4 năm qua, các cấp Hội CCB đã trồng được gần 15.000 cây xanh. Riêng trong năm 2024, hội viên CCB trên toàn thị xã đã trồng được hơn 3.000 cây xanh các loạị, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới, đô thị văn minh.

         Về với xã Điện Trung, một trong nhiều xã xây dựng mô hình đạt kết quả và được đánh giá cao. Toàn xã hiện có 4/4 chi Hội thôn triển khai thực hiện mô hình gắn với tuyến đường tự quản và đã trồng được gần 1.000 cây bóng mát và cây ăn quả. Mô hình được các chi Hội chăm sóc, dọn vệ sinh thường xuyên tạo nên những hàng cây xanh tươi và đẹp mắt dọc các tuyến đường tự quản. Đến nay, mô hình “hàng cây xanh” đã được các cấp Hội trong thị xã triển khai mạnh mẽ và có trên 100 thôn, khối phố có hàng cây xanh.

         Những hàng cây xanh tỏa bóng mát trải dài khắp các xóm làng, tổ dân phố trên địa bàn thị xã đã góp phần tạo không gian xanh, thoáng  mát trên các trục đường. Cũng từ khi có hàng cây xanh, bà con nhân dân đã ý thức hơn, không vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi bên đường, giữ gìn không gian xanh - sạch - đẹp cho quê hương. Thời gian tới, để duy trì hiệu quả, nhân rộng mô hình “CCB với hàng cây xanh”, các cấp Hội CCB trongthị xã tiếp tục vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động trồng cây xanh; tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, tranh thủ sự hỗtrợ tạo điều kiện của UBND, sự phối hợp của MT, khảo sát chọn khu vực phù hợp để trồng mới, hoặc trồng bổ sung những cây đã chết; tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn các hàng cây; đăng ký xây dựng các hàng cây CCB mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên CCB trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc các loại cây, hoa trên các tuyến đường do Hội CCB tự quản.

         Có thể thấy, cây xanh có vai trò quan trọng trong điều tiết môi trường sinh thái và cuộc sống của con người. Qua việc thực hiện lời căn dặn về “tết trồng cây” của chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay lời căn dặn đó càng trở nên có ý nghĩa và thiết thực hơn và mô hình hàng cây CCB của thị xã đã phần nào giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xây dựng quê hương ngày càng sạch đẹp và văn minh.

Mi Ni

       Xuất phát từ thực tiễn của thị xã trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng; ngày 29/12/2022 Thị ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã. Sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu đã có những kết quả khá quan trọng.

        Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng có chiều hướng giảm mạnh; việc xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng được UBND các cấp, lực lượng chức năng thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Vai trò của UBND cấp xã, phường trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng được nâng lên và thực hiện tốt hơn.

        Theo đó, từ đầu năm 2023 đến ngày 30/10/2024, UBND thị xã ban hành 29 quyết định xử phạt; trong đó đã có 12/29 trường hợp chấp hành nộp tiền, với kinh phí nộp phạt là 82,5 triệu đồng; 05 trường hợp đã khắc phục hậu quả, gồm: 02 trường hợp tháo dỡ công trình vi phạm và 03 trường hợp thực hiện việc đăng ký biến động. UBND cấp xã, phường ban hành 11 Quyết định xử phạt, có 10/11 trường hợp đã chấp hành nộp tiền, với số tiền phạt đã nộp là 33,5 triệu đồng và 09/11 trường hợp đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả - tháo dỡ công trình vi phạm.

        Lĩnh vực trật tự xây dựng được triển khai đồng bộ và hiệu quả, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đến nay, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính đối với 21 trường hợp liên quan đến lĩnh vực trật tự xây dựng và 13 trường hợp trong lĩnh vực hành lang giao thông. Trên cơ sở đó, UBND thị xã ban hành 22 quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho 22 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Đến nay đã có 19/22 tổ chức, cá nhân nộp phạt vào ngân sách nhà nước với số tiền 635.500.000 đồng và khắc phục hậu quả.

        Trong thời gian đến, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 06-NQ/TU, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng;cán bộ, đảng viên phải làm vai trò nòng cốt, tiền phong, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và giải phóng mặt bằng, tái định cư; tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở pháp lý giữa các ngành chuyên môn, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong quá trình thực thi, nhất là trong kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, đất đai; phát huy vai trò, trách nhiệm của các chi bộ, ban nhân dân thôn, khối phố, các chi, tổ, hội đoàn thể, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã.

Tào Ka 

        Thực hiện chương trình công tác phối hợp giữa Hội Nông dân - Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2026 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND thị xã Điện Bàn, Hội Nông dân và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã ký kết và ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai chương trình phát triển nông nghiệp giữa hai cơ quan năm 2024 với nhiều nội dung, chương trình hoạt động đa dạng, ý nghĩa, hiệu quả. Trong đó, Công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia công tác Bảo vệ sản xuất và khuyến nông trên địa bàn thị xã được Hội Nông dân từ thị xã đến xã, phường quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

        Hội Nông dân thị xã đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về các chủ trương chính sách của Đảng nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích nông dân chuyển đổi tập quán canh tác, ứng dụng sâu rộng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập của nông dân. Kịp thời tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân các biện pháp Bảo vệ sản xuất, phòng trừ dịch bệnh gây hại trên cây trồng, con vật nuôi kịp thông qua các hình thức tuyên truyền như: Hội nghị, Hội thảo, tuyên truyền trên sóng phát thanh chuyên mục “ Nông dân, nông thôn”, qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…

        Hội Nông dân cũng đã tăng cường công tác phối hợp và chủ động phối hợp đồng bộ với Trung tâm KTNN trong công tác tập huấn, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, khuyến khích tạo vốn, kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nông dân, liên kết, liên doanh với các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

        Trong năm 2024; Hội Nông dân đã phối hợp với Sở khoa học công nghệ tỉnh; Công ty giống cây trồng TW Quảng Nam và Trung tâm KTNN thị xã tổ chức 31 lớp tập huấn cho 2.500 cán bộ, hội viên nông dân với các nội dung: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Tập huấn triển khai sản xuất, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh vụ Đông Xuân, Hè Thu; Kỹ thuật ủ thức ăn cho bò, ủ phân hữu cơ vi sinh; Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao ST24 vụ Hè Thu và bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP….

        Hội Nông dân từ thị xã đến cơ sở đã vận động hội viên, nông dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động phối hợpcùng với chính quyền để xây dựngkênh mương, cầu cống phục vụ đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản, hàng hoá với 12.673km kênh mương được kiên cố hoá; 22 cầu, cống được sửa chữa.

        Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia công tác bảo vệ sản xuất nên trong năm 2024 năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, con vật nuôi tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân và nhân dân không ngừng được nâng cao.

        Bên cạnh đó, Hội vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập mới 11 tổ hợp tác, Hợp tác xã gồm 50 thành viên;duy trì các tổ hợp tác, HTX các năm trước, như vậy, đến nay toàn thị xã có 04 Hợp tác xã, 75 tổ hợp tác với990 thành viên. Một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu do Hội tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, hoạt động: HTX Nông nghiệp xanh Gò Nổi – Điện Quang, HTX Bàu Sen – Điện Thắng Trung; HTX dịch vụ nông nghiệp tại Điện Hòa...

        Để thực hiện tốt công tác khuyến nông, Hội Nông dân thị xã đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, HND các xã, phường đã chủ động tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm với 08 mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm; hướng dẫn hỗ trợ hơn 250 sản phẩm tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và 11 sản phẩm xây dựng thương hiệu.

        Để phát huy vai trò trách nhiệm của hai cơ quan trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; thi đua phát triển sản xuất kinh doanh, thời gian đến, Hội Nông dân và Trung tâm KTNN thị xã sẽtập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai đề tài phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP; hỗ trợ các mô hình nông dân khởi nghiệp gắn với hướng dẫn các quy trình liên quan trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2025…

Thu Hằng

        Từ sở thích đặc biệt đối với các loại hương thơm tự nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Anh ở thôn Bảo An (xã Điện Quang) đã đi vào con đường khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu dược liệu.

        Với kinh nghiệm giảng dạy gần 20 năm môn sinh học, đã có một thời gian dài nghiên cứu về công dụng của các loại cây dược liệu, sau nhiều năm tích lũy, cô giáo Kiều Anh cùng với chồng của mình là một cử nhân hoá hữu cơ tìm hiểu, nghiên cứu và sản xuất thành công tinh dầu từ một loại dược liệu quen thuộc, là giống sả Java từ Đà Lạt.

        Với lợi thế của địa phương, cô giáo Kiều Anh đã thành công phát triển giống sả Java đảm bảo đầu vào cho sản phẩm khởi nghiệp của mình. Mục tiêu của việc sản xuất tinh dầu sả Java là để thỏa mãn đam mê sáng tạo của cô cũng như lan toả sản phẩm giá trị, có ích cho người tiêu dùng trên thị trường. Về mặt tinh thần, tinh dầu sẽ giúp cho người sử dụng cảm thấy sảng khoái hơn, tinh dầu cũng xua đuổi côn trùng có hại.

        Cái khó đầu tiên là để sản xuất ra số lượng lớn sản phẩm đủ để cung cấp cho thị trường thì đầu vào phải ổn định nhưng việc nhập nguyên liệu từ xa về gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo chất lượng cũng như phải chờ đợi. Cô giáo đã quyết định đưa giống sả Java từ xứ hoa Đà Lạt về trồng thử nghiệm trên các cánh đồng Gò Nổi. Sau một thời gian thử nghiệm và nhận thấy cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, cô giáo Kiều Anh cùng chồng tiếp tục tìm hiểu nghề nấu tinh dầu truyền thống của người Chăm Pa xưa để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

        Khó khăn tiếp nối, những mẻ tinh dầu đầu tiên không cho được chất lượng như mong muốn phải hủy bỏ, cô tiếc nuối khi bỏ ra kinh phí khá lớn mà không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, với niềm đam mê, 2 vợ chồng cô đã liên tục điều chỉnh và cho ra sản phẩm tinh dầu sả Java đạt chuẩn. Sau những thất bại ban đầu, sản phẩm khởi nghiệp của cô giáo Kiều Anh được thị trường đón nhận mang lại doanh thu ổn định.

        Sau khi chuẩn hoá công thức chưng cất, cô giáo Kiều Anh đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Gò Nổi, mở rộng diện tích trồng sả lên 2 ha để đảm bảo đầu vào của dược liệu, tiếp tục đầu tư kinh phí vào xây dựng nhà xưởng và mạnh dạn đầu tư máy móc, hệ thống tự động với công suất lớn.

        Sau khi sản phẩm hoàn chỉnh được thị trường đón nhận, tinh dầu sả Java cũng đã được công nhận là dự án khởi nghiệp cấp tỉnh Quảng Nam năm 2023. Cùng với đó, sản phẩm dược liệu này cũng được chứng nhận OCOP 3 sao và đạt giải Khuyến khích sản phẩm Công nghiệp - nông thôn tiêu biểu năm 2023. Để “phủ sóng” thị trường, sản phẩm tinh dầu sả Java xác định bán qua nhiều kênh, từ đại lý phân phối ở các tỉnh thành lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Bình... cho đến các sàn thương mại điện tử, đưa tới tay người tiêu dùng trên cả nước. Ngoài ra, cô cũng tích cực xúc tiến quảng bá tại các chương trình, sự kiện khởi nghiệp của địa phương để kết nối thị trường.

        Hiện nay, vùng nguyên liệu xoay vòng của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Gò Nổi sản xuất được 5 lít tinh dầu mỗi tháng mang về doanh thu hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương cũng đã giao cho Hợp tác xã 7ha để mở rộng thêm vùng trồng và xây dựng mã vùng trồng tại Gò Nổi.

Huyền Chi

          Thời gian qua, trên địa bàn phường Điện Thắng Bắc, Tổ công nghệ số cộng đồng đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số quốc gia của mỗi người dân.

          Với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai chuyển đổi số của trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung và thị xã nói riêng, các Tổ Công nghệ số cộng đồng phường Điện Thắng Bắc đã tích cực lấy phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng công nghệ số phục vụ tiện ích cuộc sống hằng ngày.

          Với mục tiêu chuyển đổi số tới từng người dân, UBND phường đã thành lập nên 4 tổ công nghệ số cộng đồng là những tình nguyện viên, cán bộ địa phương với kỹ năng công nghệ và tinh thần phục vụ nhân dân. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho nhân dân trên địa bàn khối phố của mình cách cài đặt và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đây là cầu nối giữa các cơ quan chính quyền và người dân, giúp đưa dịch vụ công đến gần hơn với mọi người. Tổ công nghệ số cộng đồng giúp hướng dẫn từng bước cách thực hiện thủ tục trực tuyến như nộp hồ sơ, đăng ký giấy tờ hoặc truy vấn kết quả. Bằng cách này, người dân không cần phải di chuyển xa mà vẫn có thể hoàn thành các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Tổ công nghệ số truyền tải thông tin chính sách, các hướng dẫn cụ thể và đảm bảo người dân nắm bắt kịp thời các thay đổi trong quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

          Nhờ tổ công nghệ số cộng đồng, người dân tại các khối phố trên địa bàn phường giờ đây có thể thực hiện các thủ tục hành chính như nộp hồ sơ, đăng ký giấy tờ một cách nhanh chóng, chính xác. Các thành viên tổ công nghệ số hướng dẫn bà con từng bước, từ cách tạo tài khoản, đăng nhập, đến cách nộp hồ sơ trực tuyến; đối với những người dân ít tiếp xúc với công nghệ, tổ công nghệ số sẽ tư vấn và trực tiếp hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính. Nhờ đó, mỗi người dân đều có thể chủ động giải quyết thủ tục hành chính ngay tại nhà. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ làm hồ sơ, tổ công nghệ số còn giúp bà con cài đặt và sử dụng các ứng dụng công, tiện ích khác. Từ việc thanh toán hóa đơn điện nước, đăng ký khám chữa bệnh, cho đến việc đóng tiền học phí, mọi thao tác giờ đây đều được hướng dẫn một cách chi tiết và tận tình. Khi người dân gặp khó khăn về kỹ thuật, tổ công nghệ sẽ giúp khắc phục để họ không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng dịch vụ. Nhờ sự hỗ trợ của tổ công nghệ số, việc tiếp cận dịch vụ công trở nên dễ dàng hơn, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu việc đi lại. Hơn thế nữa, tổ công nghệ số còn giúp nâng cao nhận thức về công nghệ, mang đến cơ hội cho bà con làm quen với các tiện ích số, tiến tới xây dựng một cộng đồng văn minh, hiện đại.

          Với những cách làm hiệu quả của mình, trong năm qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến được triển khai thực hiện hiệu quả, tỷ lệ văn bản được số hóa đạt trên 95%. Tính đến tháng 11/2024, bộ phận tiếp công dân của phường đã tiếp nhận qua cổng dịch vụ công trực tuyến 331 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 317 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,7 %. Tỷ lệ nhân dân thanh toán học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt… ngày càng tăng cao.

          Trong thời gian đến, để phát huy hơn nữa vai trò hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường sẻ tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động chuyển đổi số của các cấp, các ngành; thực thi có hiệu quả chủ trương “Lấy người dân làm trung tâm” trong chuyển đổi số, để người dân thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, từ đó tiếp tục chủ động tham gia, đồng hành với chuyển đổi số vì chuyển đổi số là không có điểm kết thúc, góp phần vào việc phát triển kinh tê, văn hóa, xã hội trên địa bàn phường.

Tào Ka 

        Hội CCB xã Điện Hoà được thành lập vào tháng 12.1989. Qua 8 kỳ Đại hội, đến nay Hội có 11 chi hội với 351 hội viên trong đó có 141 đảng viên.

        Ông Phan Quang Trung – Chủ tịch Hội CCB xã Điện Hoà cho biết, việc động viên CCB nêu cao tinh thần ý chí, tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn ưu đãi và nhiều nguồn quỹ như vốn quay vòng, quỹ đồng đội, quỹ sản xuất lên đến 5 tỷ đồng. Các chi hội sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đã góp phần nâng cao đời sống của hội viên, giúp hội viên vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.

        Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB xã Điện Hoà đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên CCB về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Được vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do CCB làm chủ giải quyết việc làm cho con em CCB và lao động địa phương. Nhờ đó, đời sống các gia đình hội viên được nâng cao, tỷ lệ hội viên nghèo giảm dần qua từng năm, tỷ lệ hội viên khá, giàu ngày càng cao, chiếm 70%.

        Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, Hội CCB xã Điện Hoà còn thực hiện tốt phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, vận động hội viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm thăm hỏi, tặng quà hội viên CCB cao tuổi, gia đình chính sách, người có công, giúp đỡ CCB nghèo các huyện miền núi, huyện Hoằng Hoá (tỉnh Thanh Hoá), tỉnh Sê Công – Lào, mẹ VNAH, AHLLVTND, vợ liệt sỹ, CCB khó khăn, bệnh hiểm nghèo hàng trăm triệu đồng mỗi dịp lễ tết. Hội phối hợp tham gia đề án 1237, lập bản đồ sưu tra, tìm kiếm 1.450 mộ liệt sỹ và có 1.347 phần mộ ở các nghĩa trang, cất bốc 18 mộ liệt sỹ đưa và nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn; phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 Mặt trận Quảng Đà xây dựng bia chiến tích tại đồng Thí Thân. Các mô hình dân vận khéo được Hội triển khai như tuyến đường sáng xanh sạch đẹp, CCB với hàng cây xanh, chi hội không có thanh niên chống khám, chóng lệnh gọi nhập ngũ, con em CCB không vi phạm pháp luật.

        Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” đã trở thành một trong những động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội CCB xã Điện Hoà phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cùng với phong trào giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, hội viên CCB còn tiên phong hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, làm nhà bia ghi tên liệt sỹ, các công trình công cộng. Các hội viên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực vận động hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

        Nhận thức được vai trò quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh gắn với giữ vững ổn định chính trị địa phương, Hội CCB xã đã tích cực vận động CCB tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, triển khai thực hiện Cuộc vận động “CCB Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động CCB và nhân dân tham gia phòng, chống và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

        Song song với đó, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cũng được Hội CCB xã thực hiện hiệu quả. Với trách nhiệm và tình cảm của các thế hệ đi trước, các cấp Hội cũng đã tạo điều kiện xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh, chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên thực hiện chương trình giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động phối hợp trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đạt được nhiều kết quả tích cực.

        Xác định phong trào thi đua “CCB gương mẫu” là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm Hội CCB Điện Hoà đã chỉ đạo các chi hội xây dựng và triển khai kế hoạch, phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị với những nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu sát với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ của cơ sở, gắn kết phong trào thi đua CCB gương mẫu với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do địa phương phát động, đặc biệt gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hằng năm. Hoạt động thi đua được duy trì có nền nếp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức hội.

        Trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ, Hội CCB xã Điện Hoà phối hợp với Đoàn Thanh niên, Ban giám hiệu các nhà trường tổ chức tuyên truyền về lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương, truyền thống của quân đội cho các cháu học sinh, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội CCB xã cũng đã phối hợp tổ chức Đoàn cùng cấp tuyên truyền, động viên thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Hằng năm, các chi hội CCB các thôn phối hợp cùng với ban công tác mặt trận tổ chức gặp mặt, tặng quà, động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự...

        Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên CCB xã Điện Hoà đã tích cực vận động hội viên gương mẫu hiến đất, đóng góp nhiều ngày công làm đường giao thông thôn xóm, tham gia trồng, chăm sóc hoa, cây xanh ven các trục đường giao thông, ra quân dọn vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan đường làng ngõ xóm.

        Có thể nói, Hội CCB Điện Hoà duy trì 5 năm liền dẫn đầu phong trào CCB thị xã phải kể đến vai trò của Chủ tịch Hội CCB xã, ông Phan Quang Trung. Với phẩm chất người lính dám nghĩ dám làm, ông đã bám sát cơ sở gây dựng phong trào, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với cán bộ Hội và hội viên khi gặp khó khăn, vướng mắc, luôn đối đãi với người khác bằng sự tử tế, hiền lành nhưng quyết đoán và chuẩn mực nên ông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên và nhân dân mỗi khi Hội phát động phong trào.

        Không tự mãn với thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Hội CCB xã Điện Hoà tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, tích cực tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân gắn với xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, gắn công tác thi đua với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Huyền Chi

        Xác định công tác an sinh xã hội chăm lo cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Vì người nghèo” của Ủy ban mặt trận các cấp phát động. Nhiều năm qua, Ban công tác Mặt trận khối phố Viêm Tây 1 – phường Điện Thắng Bắc luôn tiên phong, đi đầu trong các hoạt động phong trào tại địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn yếu thế nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo động lực để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

        Khối phố Viêm Tây 1 hiện có 180 hộ với 832 khẩu. Trong năm qua, nhân dân và cán bộ khối phố phát huy những mặt thuận lợi của khối phố, đoàn kết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội.  Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố và đi vào hoạt động ổn định.

        Thấu hiểu được đời sống của người dân ở khối phố, Ban công tác Mặt trận phối hợp cùng với các hội đoàn thể đưa ra giải pháp, hỗ trợ đời sống người dân nhất là tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người dân đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định kinh tế - thoát nghèo…. Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể cũng có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, có sức lan tỏa để hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương như mô hình nuôi heo đất làm từ thiện, bữa sáng san sẻ yêu thương, ngôi nhà xanh thu gom phế liệu đã gây dựng nguồn quỹ nhận chăm sóc đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao phương tiên sinh kế cho hộ cận nghèo, khó khăn phát triển kinh tế. Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận khối phố cũng đã đề xuất Mặt trận phường hỗ trợ sữa chữa 2 ngôi nhà Đại Đoàn Kết cho hộ nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng giúp các hộ có điều kiện ổn định cuộc sống.

        Việc thực hiện công tác an sinh xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tại khối phố luôn được Ban công tác Mặt trận quan tâm, chủ động làm tốt công tác tham mưu với chi ủy, chi bộ, phối hợp chặt chẽ với các chi hội đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn việc chăm lo công tác an sinh xã hội cho người dân, giảm nghèo bền vững và khu dân cư không còn hộ nghèo… qua đó đã nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức, chung lòng thi đua lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khối phố. Đến nay, Khối phố không còn hộ nghèo, hộ khá giàu tăng lên

        Để thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu dân cư; thực hiện hiệu quả mô hình khu dân cư không còn hộ nghèo, trong thời gian tới, Ban công tác Mặt trận tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm vận động, huy động nguồn lực; thường xuyên tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, tiến hành phân loại các nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; phát huy vai trò của các chi, tổ hội đoàn thể trong công tác chăm lo an sinh xã hội cho hội đoàn viên; duy trì các mô hình giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn, vận động hội viên thuộc hộ nghèo tiên phong, gương mẫu quyết tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo; vận động người con quê hương, các hộ khá, giàu nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo; kêu gọi cộng đồng dân cư tích cực quan tâm đối với công tác an sinh xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội; Hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; quan tâm đề xuất với các cấp đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ yếu thế; tăng cường phối hợp tổ chức vận động, huy động các nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ về vốn sản xuất kinh doanh, việc làm để tăng thunhập.

Mi Ni

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019444790
Hôm nay
Hôm qua
5641
7466