0235.3867334

Những ngày qua, 100 nhà vườn miền Trung đang cấp tập vận chuyển số lượng lớn mai vàng, bonsai, tiểu cảnh, suseki… có giá trị “bạc tỷ” đến tham dự Triển lãm Mai vàng Đà Nẵng lần thứ II tại khuôn viên Cung thể thao Tiên Sơn (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Dù chưa chính thức bắt đầu song các “siêu phẩm” tại triển lãm đã “hút” người đến tham quan, thưởng lãm.
Người dân, du khách thích thú với những cây bonsai có tạo hình độc lạ.
Chậu mai vàng “bạc tỷ” của nhà vườn ông Nguyễn Văn Rê (TX Điện Bàn, Quảng Nam).

 

Ông Phạm Ngọc (67 tuổi)- Phó trưởng Ban tổ chức triển lãm cho biết, triển lãm năm nay thu hút khoảng 100 nhà vườn đến từ TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định tham gia với nhiều loại cây cảnh có giá trị cao lên đến hàng tỉ đồng. Hiện các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị, vận chuyển, sắp xếp cây để kịp trước ngày khai mạc. Các nhà vườn sẽ có thời gian chuẩn bị từ ngày 28 đến 31-1. Triển lãm chính thức mở cửa đón người dân, du khách và bắt đầu các hoạt động chấm giải, mua bán cây từ ngày 1 đến hết ngày 6-2 (nhằm 27-12 âm lịch).

Điểm nhấn của Triển lãm Mai vàng Đà Nẵng lần thứ II vẫn là những chậu mai vàng với hoa, búp chi chít, dáng thế đẹp. Đặc biệt có những “cụ” mai nhiều năm tuổi được định giá hàng tỷ đồng khoe sắc trong khuôn viên Cung thể thao Tiên Sơn. Tham dự triển lãm năm nay, ông Nguyễn Văn Rê (56 tuổi, trú tại Điện Bàn, Quảng Nam) trưng bày khoảng 50 cây mai với giá cây thấp nhất là 10 triệu và cao nhất là 2 tỷ.

Là một người mê cây cảnh nhiều năm tại Quảng Nam, ông Nguyễn Ân (60 tuổi) chia sẻ, ông rất mê cây cảnh, biết ở Đà Nẵng có tổ chức hội triển lãm cây cảnh nên đã từ Quảng Nam đến để xem, vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo hình cho cây của các nghệ nhân, vừa để học hỏi. Trong số các cây mai, ông Ân đặc biệt nán lại ngắm nghía cây mai vàng trị giá hơn 1 tỷ đồng của nhà vườn Trung Huỳnh (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). “Tôi rất thích cây mai vàng nhà vườn Trung Huỳnh bởi cách tạo hình, hồn dáng của cây và lượng hoa vừa đủ”, ông Ân giải thích.

Người dân, du khách thích thú với những cây bonsai có tạo hình độc lạ.

 

Mang đến hội thi, triển lãm 20 tác phẩm trong đó có 2 cây mai vàng trị giá cả tỷ đồng mỗi cây, đại diện nhà vườn Trung Huỳnh chia sẻ, để hoa trổ đúng dịp Tết năm nay, nhà vườn đã tính toán rất kỹ thời gian vì năm nay nhuần, thời gian chăm sóc sẽ thêm một tháng. Theo kinh nghiệm, nhà vườn dựa vào thời tiết, nụ hoa để chọn thời điểm lặt lá mai. Những tháng cuối năm phải luôn giữ cho bộ lá tốt, chậu không thiếu nước để hoa nở đúng vào dịp Tết.

Bên cạnh những “siêu phẩm” mai xuân, hội thi là dịp để nhân dân, người yêu thích sinh vật cảnh thưởng lãm các tác phẩm sinh vật cảnh với nhiều loại cây có giá trị được chế tác dưới nhiều phong cách, góp phần tạo thêm những không gian xuân thú vị. Tại hội thi, triển lãm còn có những tác phẩm mang cho mình cái tên vô cùng thu hút như: Sắc xuân, Rồng Việt, 12 Con giáp…

Số lượng cây mai vàng, sinh vật cảnh dù chưa mang đến đủ nhưng vẫn có nhiều người dân đến tham quan và hỏi mua cây khi chưa khai mạc. Anh Hồ Viết Lợi, người dân đến tham quan cho biết, anh biết đến triển lãm từ năm trước nên năm nay tranh thủ đến sớm để chọn cây cảnh về chưng tết. Triển lãm lần này có rất nhiều cây đẹp, độc đáo. “Hai vợ chồng tôi ngắm mãi nhưng chưa biết nên chọn cây nào. Vì là năm nhuần nên giá cả mai xuân năm nay cũng có nhỉnh hơn mọi năm”, anh Lợi nói.

Cũng theo ông Phạm Ngọc- Phó trưởng Ban tổ chức, kết thúc triễn lãm, Ban tổ chức sẽ chấm điểm và dự kiến sẽ trao 68 giải trong đó có 14 giải vàng, 14 giải bạc, 21 giải đồng, 17 giải khuyến khích và 4 giải ấn tượng cho các nội dung thi. Ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân có tay nghề, hội thi còn là sân chơi nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho những người yêu thích sinh vật cảnh, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường sinh vật cảnh của TP. Đồng thời trở thành một địa chỉ để người dân Đà Nẵng du xuân, thưởng ngoạn, góp phần tạo nên không khí rộn ràng ngày Tết.

LÊ QUYÊN

(QNO) - Những ngày này, công trường thi công dự án cầu Văn Ly và đường dẫn (nối Điện Bàn - Đại Lộc) lúc nào cũng sôi động, nhộn nhịp.

Công trường cầu Văn Ly nhìn từ bờ tây sông Thu Bồn. Ảnh: C.T
Công trường cầu Văn Ly nhìn từ bờ tây sông Thu Bồn. Ảnh: C.T

Sôi động công trường

Từ mép bờ sông hiện hữu phía tây (xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn), một cầu tạm đã “vươn ra” hơn nửa bề rộng lòng sông. Nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho biết, đơn vị thi công xong cầu tạm, cùng với sà lan 1.000 tấn và tàu kéo công suất 400CV sẽ phục vụ thi công dưới nước. Phía trên bờ, ven tuyến đường đi qua thôn 3 của xã Điện Hồng, bệ đúc dầm cầu đang dần hình thành, để vài ngày đến sẽ triển khai đúc dầm đầu tiên.

Công nhân thi công phần sắt thép. Ảnh: C.T
Công nhân thi công phần sắt thép. Ảnh: C.T

Trời gần nhá nhem tối, xe chở bê tông xi măng thương phẩm vẫn vào - ra liên tục trên công trường bờ tây sông Thu Bồn để đáp ứng tiến độ làm một trụ cầu.

Kỹ sư Đào Hồng Ngọc - Cán bộ kỹ thuật công trường của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương chia sẻ, dự án cầu Văn Ly và đường dẫn được khởi công xây dựng vào ngày 16/9/2023. Sau thời gian ngắn hoàn thành các thủ tục mượn đường công vụ, nhà thầu đã tập trung triển khai công việc trên cả bờ tây và bờ đông (thôn Phú Văn, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn).

Cầu tạm phục vụ thi công dưới nước đã được thiết lập. Ảnh: C.T
Cầu tạm phục vụ thi công dưới nước đã được thiết lập. Ảnh: C.T

Trên công trường, bước đầu nhà thầu huy động 5 xe cẩu (tải trọng 35 - 60 tấn), 1 máy đào, 1 máy lu, 2 máy bơm bê tông. Ngoài cầu tạm, sà lan và tàu kéo, 2 trạm điều tiết để đảm bảo an toàn lưu thông đường thủy qua khu vực thi công cũng được thiết lập. Về nhân lực, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương điều động tới công trường 8 cán bộ kỹ thuật; 15 lái máy; 60 công nhân lành nghề cùng nhiều con người thuộc bộ phận gián tiếp.

Sau giờ lao động, họ sẽ nghỉ ngơi, ăn uống trong khu vực lán trại được thiết lập bài bản, khá kiên cố. Đội ngũ cấp dưỡng cũng là người gắn bó lâu năm, từng lăn lộn phục vụ hậu cần khắp các công trình từ Bắc vào Nam mà Đạt Phương trúng thầu.

Đẩy nhanh tiến độ

Một trụ ở bờ tây đang vươn cao. Ảnh: C.T
Một trụ ở bờ tây đang vươn cao. Ảnh: C.T

Kỹ sư Đào Hồng Ngọc cho hay, đến thời điểm này, nhà thầu thi công xong cọc khoan nhồi cho 5 trụ, 2 mố phía trên cạn của bờ tây và bờ đông. Riêng với bờ đông, mố M1, trụ T1 đã làm xong; các trụ T7 và T8 ở bờ tây đang quá trình thi công hoàn thiện.

Trên công trường, sắt thép được chủ động tập kết sẵn sàng, đảm bảo làm đủ cho cả tháng 2/2024. Bởi lẽ, nhà thầu lo sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đơn vị cung cấp thiếu hàng sẽ khiến cho việc thi công bị động. Tổng giá trị khối lượng hiện đạt hơn 20 tỷ đồng.

Sắt thép được tập kết dự trữ sẵn trên công trường. Ảnh: C.T
Sắt thép được tập kết dự trữ sẵn trên công trường. Ảnh: C.T

Thông tin với PV Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án) chia sẻ, riêng về phần cầu Văn Ly, nhà thầu cam kết đến cuối năm 2024 sẽ hợp long cầu chính, đầu năm 2025 thông xe kỹ thuật qua cầu.

Đối với hạng mục đường dẫn, thị xã Điện Bàn cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng đất nông nghiệp vào cuối tháng 4/2024; cuối năm 2024 giải phóng xong mặt bằng liên quan đến nhà cửa, vật kiến trúc…

[VIDEO] - Trên công trường thi công cầu Văn Ly:

 

Cùng với thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc cũng đang khẩn trương các bước để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ thi công đường dẫn (nối từ phía tây cầu Văn Ly, qua địa phận xã Đại Hòa, kết nối vào ĐT609B và ĐT609C). Tỉnh chỉ đạo các địa phương phải sớm khai thông giải phóng, đảm bảo bàn giao đúng tiến độ để nhà thầu triển khai thi công, hoàn thành công trình nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 23 (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Để hoàn thành mục tiêu này, địa phương được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cầu Văn Ly và đường dẫn cần khẩn trương thực hiện việc xây dựng khu tái định cư, bố trí nơi ở mới cho người dân bị ảnh hưởng.  

Một bệ đúc dầm đã hoàn thành. Ảnh: C.T
Một bệ đúc dầm đã chuẩn bị hoàn thành. Ảnh: C.T

Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - kỹ sư Đào Tô Văn cho biết, công trường dự kiến nghỉ tết cổ truyền từ ngày 22 tháng Chạp (tức ngày 1/2/2024) đến mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 18/2/2024). Bởi phần lớn cán bộ, công nhân đều ở các tỉnh phía Bắc, gần như quanh năm bám công trình ít có dịp về nhà nên doanh nghiệp tạo điều kiện để sum họp với gia đình dài ngày. Việc làm nêu trên không những thể hiện sự quan tâm đến đời sống của nhân viên, mà còn giúp họ “tái tạo năng lượng” để tập trung cao độ làm nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết với dự kiến khối lượng công việc nhiều hơn, dồn dập hơn.

Bê tông thương phẩm được cung cấp tận công trường. Ảnh: C.T
Bê tông thương phẩm được cung cấp tận công trường. Ảnh: C.T

Tuy nghỉ tết, nhà thầu vẫn bố trí lực lượng bảo vệ túc trực nhằm đảm bảo an toàn trên công trường, khu vực lán trại…

“Số lượng nhân lực, máy móc thiết bị hiện hữu trên công trường tính ra vẫn chưa tập trung nhiều. Sau kỳ nghỉ tết, lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục điều động bổ sung thêm con người, thiết bị chuyên dụng để thúc đẩy tiến độ thi công phần cầu chính. Đồng thời, triển khai làm một số cầu nhỏ thuộc đường dẫn nếu được bàn giao mặt bằng” - kỹ sư Đào Hồng Ngọc nói.

Ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 01 về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; trong đó chú trọng đến việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản dự án giao thông trong việc khẩn trương cấp phép mỏ vật liệu, nhất là mỏ theo cơ chế đặc thù; rà soát các mỏ vật liệu thông thường tại địa phương để đảm bảo nguồn cung, công suất đáp ứng tiến độ thi công dự án và hoàn nguyên trạng sau khi kết thúc.

 CÔNG TÚ

(QNO) - Trong khuôn khổ TechFest Điện Bàn 2023, chiều nay 22/12, Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp (KN) sáng tạo tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Diễn đàn KN “Phát triển ẩm thực đặc sản xứ Quảng - Điện Bàn 2023”. 

 
 Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: PV

Tham dự diễn đàn có đại diện Hiệp hội KN quốc gia, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Điện Bàn được biết đến là vùng đất có nhiều món ăn ẩm thực đặc sắc, trong đó có món bê thui Cầu Mống đạt kỷ lục quốc gia về món ngon Việt Nam; mỳ Quảng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là 1 trong 12 món ăn Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á, cùng nhiều món ăn dân dã khác đã và đang làm phong phú thêm giá trị của mảnh đất Điện Bàn giàu truyền thống.

Tại Diễn đàn KN “Phát triển ẩm thực đặc sản xứ Quảng - Điện Bàn 2023”, các diễn giả, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ẩm thực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm KN quý; từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng để phát triển lĩnh vực ẩm thực Điện Bàn như slogan TechFest Điện Bàn 2023 đã đề ra, đó là “Sáng tạo khác biệt để phát triển.

 
 Đại biểu trao đổi, chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: PV
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều chủ đề liên quan đến văn hóa ẩm thực Việt Nam và xứ Quảng; những sáng tạo mới để gia tăng giá trị mỳ Quảng; công tác đào tạo và phát huy ẩm thực xứ Quảng… Ngoài ra, các đại biểu và khách mời đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong KN về lĩnh vực ẩm thực.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện một hợp tác xã đến từ huyện Tây Giang cho rằng, sản phẩm nông sản miền núi, đơn cử như rau dớn thường khó khó tiêu thụ. Vấn đề này, các diễn giả cho rằng, cần đổi mới tư duy, tiếp cận công nghệ để bán hàng qua mạng. Như trường hợp của Alăng Brắc, một bạn trẻ ở Đông Giang đã bán được rất nhiều sản phẩm đặc sản chỉ với chiếc điện thoại trong tay.

 
 Ông Hồ Xuân Bình - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Quảng Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: PV
Các chuyên gia cho rằng, ẩm thực hay bất kỳ sản phẩm nào cũng cần truyền thông để lan tỏa, chứng minh giá trị với khách hàng. Đó là chia sẻ sự khác biệt của sản phẩm. 

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, để phát triển, lan tỏa ẩm thực xứ Quảng, các chủ thể, doanh nghiệp KN trong lĩnh vực này cần kể cho khách hàng nghe về câu chuyện của món ăn, sản phẩm quê hương.

Ông Sinh lưu ý các chủ thể, người kinh doanh cần bán sản phẩm bằng trái tim, như bán cho người thân, con cái mình dùng; đồng thời tăng cường kết nối, chú ý hàm lượng đổi mới sáng tạo trong từng sản phẩm...

Tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Bình - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Quảng Nam đã chia sẻ nhiều vấn đề về văn hóa ẩm thực Việt Nam và xứ Quảng, đồng thời nhấn mạnh vị trí và tầm nhìn văn hóa ẩm thực xứ Quảng.

Theo ông Bình, sắp đến hiệp hội sẽ ra mắt Bản đồ ẩm thực Quảng Nam với đầy đủ các món ăn đặc trưng, qua đó góp phần bảo tồn, vinh danh văn hóa truyền thống, quảng bá du lịch và lan tỏa ẩm thực xứ Quảng...

 T.ĐAN

(QNO) - Tối nay 22/12, UBND thị xã Điện Bàn khai mạc Ngày hội khởi nghiệp (KN) thị xã Điện Bàn lần thứ I-TechFest Điện Bàn 2023 với chủ đề “Điện Bàn - sáng tạo khác biệt để phát triển”.

 
 Đại biểu cắt băng khai mạc ngày hội. Ảnh: VINH ANH

Tham dự lễ khai mạc có Chủ tịch Hiệp hội KN quốc gia Đinh Việt Hòa, đại diện Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh Quảng Nam. Về phía thị xã Điện Bàn có Bí thư Thị ủy Phan Minh Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Trần Úc.

TechFest Điện Bàn 2023 với chủ đề “Điện Bàn - sáng tạo khác biệt để phát triển” diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 22 - 24/12, tại Khu phố chợ Vĩnh Điện (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn).

 
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Trưởng Ban tổ chức TechFest Điện Bàn 2023 phát biểu khai mạc. Ảnh: VINH ANH

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Trưởng Ban tổ chức TechFest Điện Bàn 2023 nhấn mạnh, khát vọng KN cùng truyền thống hiếu học là nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt để phát triển Điện Bàn trở thành đô thị sinh thái, hiện đại. 

"Chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết và không ngừng phát triển. Ngày hội KN thị xã Điện Bàn lần thứ nhất có ý nghĩa kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong phát triển, nâng tầm sản phẩm địa phương. Đồng thời lan tỏa tinh thần, khát vọng KN, vươn lên; tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ KN sáng tạo trên địa bàn thị xã, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng quốc gia KN" - bà Châu cho biết.  

 
 Đại biểu tham dự khai mạc. Ảnh: VINH ANH

Theo bà Châu, trong khuôn khổ Ngày hội KN thị xã Điện Bàn lần thứ I sẽ diễn ra một số hoạt động chính như diễn đàn "Mô hình hoạt động hội KN sáng tạo địa phương"; diễn đàn "KN phát triển ẩm thực đặc sản xứ Quảng - Điện Bàn 2023"; tọa đàm "Phụ nữ Điện Bàn sáng tạo KN và chuyển đổi xanh"; tọa đàm "Nông dân Điện Bàn KN, sáng tạo từ sản phẩm địa phương gắn với thương mại điện tử".

[Video] - Khai mạc TechFest Điện Bàn 2023

 

Đặc biệt, xuyên suốt ngày hội diễn ra sự kết nối, trưng bày, quảng bá 100 gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm KN, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Điện Bàn và các địa phương bạn.

Kết hợp với đó là các chương trình giao lưu văn nghệ, thể dục nhịp điệu do Đoàn thanh niên, Hội LHPN thị xã thực hiện nhằm phục vụ nhân dân và du khách. 

 
 Lãnh đạo thị xã tặng hoa cảm ơn các doanh nghiệp đồng hành với ngày hội. Ảnh: VINH ANH

Chuyển tải thông điệp ngày hội, Trưởng Ban tổ chức TechFest Điện Bàn 2023 nói: "Thành công chính là sự sáng tạo khác biệt mà chúng ta mang đến cho người khác. Đây cũng chính là chủ đề của ngày hội, là thông điệp mà chúng tôi muốn gởi đến toàn thể cộng đồng ". 

Dưới đây là một số hình ảnh người dân tham quan, mua sắm tại không gian trưng bày sản phẩm TechFest Điện Bàn 2023. 

 
Thời tiết đêm khai mạc tạnh ráo nên người dân đến tham quan, mua sắm đông đảo. Ảnh: VINH ANH
 
Không gian trưng bày được ban tổ chứ bố trí 2 khu dành cho sản phẩm thị xã Điện Bàn và các địa phương trong tỉnh. Ảnh: VINH ANH 
 
Ông Trần Viết Hùng - Giám đốc Công ty CP Quế Trà My mang sản phẩm đến giới thiệu tại TechFest Điện Bàn 2023. Ảnh: VINH ANH 
 
Hoạt động tham quan, mua sắm diễn ra sôi nổi trong đêm khai mạc ngày hội. Ảnh: VINH ANH 
 VINH ANH

   Chiều ngày 12.10, Thị ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN thị xã Điện Bàn tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.

   

Quang cảnh buổi gặp mặt

   Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Phan Minh Dũng, Bí thư thị ủy, đồng chí Trần Úc, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch UBND thị xã, đồng chí Trần Kim Thoa, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban dân vận, đồng chí Ngô Văn Trịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND thị xã, đồng chí Phan Ngọc Hải, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể cùng gần 150 Doanh nhân đại diện cho hơn 1200 Doanh nhân trên địa bàn thị xã Điện Bàn.

 

   Thông tin tại buổi gặp mặt của lãnh đạo thi xã Điện Bàn cho biết: Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệptrên địa bàn thị xã ước đạt trên 15.132 tỷ đồng, giảm 5,79% so cùng kỳ. Trong đó, Thương mại - dịch vụ có sự tăng trưởng, hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, tạo điều kiện để Siêu thị Go, siêu thị đầu tiên khu vực Bắc Quảng Nam đi vào hoạt động. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực có hạt 79.541 tấn, đạt 104% ké hoạch năm, tăng 2,93% so với cùng kỳ, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt. Trong công tác quy hoạch, thị xã đang điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045.Tổng thu ngân sách nhà nước  1.715 tỷ đồng, đạt 61,47% dự toán (bằng 94% so với cùng kỳ); trong đó, thu nội địa 1.310,tỷ đồng, đạt 54% dự toán (bằng 92% so với cùng kỳ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn  0,79. Thu nhập bình quân đầu người của thị xã 63,8 triệu đồng/ ngườu/ năm

   Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Phan Minh Dũng, Bí thư thị ủy Điện Bàn ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Đồng thời cũng khẳng định Đảng, chính quyền thị xã sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

PHẠM LỘC

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019174620
Hôm nay
Hôm qua
5592
7267