0235.3867334

Bài viết: Hiệu quả mô hình nuôi cá Chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước

        Hiện nay, trên địa bàn thị xã, hình thức nuôi thâm canh các đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao chưa phát triển nhiều, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Hình thức sản xuất này phù hợp với khu vực nội thị, nơi không có diện tích để đào ao. Tuy nhiên, nếu nuôi trong bể đơn thuần sẽ không xử lý được chất thải trong quá trình nuôi, không kiểm soát được lượng nước thải ra ngoài môi trường. Trước tình hình đó, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã đưa mô hình “nuôi cá Chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước” vào thực hiện với mục đích khắc phục những tồn tại, góp phần phát triển đối tượng có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản để xử lý nguồn nước nuôi, tái sử dụng nước nên hạn chế thải ra môi trường ngoài.

       Đây là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với vùng ven đô thị đặc biệt là phù hợp trong việc chuyển đổi sinh kế cho người dân trong khu vực nội thị không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết 40/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam. Cuối tháng 4, năm 2023, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp đã chọn hộ anh Nguyễn Hữu Quốc Cường – Khối phố Phong Lục Tây - phường Điện Thắng Nam thực hiện mô hình.

       Thực hiện mô hình, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí con giống, thức ăn. Hộ tham gia thực hiện mô hình đối ứng 50% kinh phí còn lại. Trước khi triển khai, hộ được Trung tâm KTNN thị xã Điện Bàn đưa đi tham quan học tập mô hình tại huyện Đại Lộc. Trong quá trình triển khai, hộ anh Cường cũng đã đi tham quan học tập ở một số địa phương có nghề nuôi cá chình phát triển. Sau khi nắm bắt quy trình kỹ thuật, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư, nâng cấp nhà xưởng, bể nuôi, hệ thống lọc cơ hoc, lọc sinh học cũng như máy móc thiết bị khác.

       Qua hơn một năm thực hiện mô hình, qua theo dõi,tỷ lệ sống bằng 90%. Cỡ cá thu hoạch trung bình là 1,8 kg/con. Tổng chi phí sản xuất: gần 240 triệu đồng; Doanh thu mang lại là 466 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình là trên 226 triệu đồng.

       Ông Ngô Văn Tân, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã cho biết:So sánh giữa việc nuôi bằng bể thông thường với việc sử dụng hệ thống lọc sinh học hạn chế được hơn 70% nước thải ra ngoài môi trường giúp giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên nước; Hệ thống lọc sinh học giúp hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi giúp hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

       Mô hình có ý nghĩa trong việc chuyển đổi sinh kế cho người dân nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi thông qua việc tận dụng chuồng trại chăn nuôi lợn. Đồng thời, bước đầu đã cho thấy việc sử dụng hệ thống lọc sinh học giảm ô nhiễm do nước thải, tiết kiệm nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019216051
Hôm nay
Hôm qua
6222
7367