0235.3867334

       Sáng ngày 31/12, UBND thị xã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” năm 2024.
       Tham dự có bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã.
       Bà Nguyễn Thị Minh Châu - TUV, Phó Chủ tịch UBND thị xã; ông Đoàn Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã đồng chủ trì hội nghị.
 
 
       Trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, Nhân dân thị xã Điện Bàn, công tác giảm nghèo bền vững gắn với Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững trong xã hội ngày một nâng cao; từ đó, đã huy động được nhiều thành phần, nguồn lực tham gia vào công tác này.
       Đến nay, trên địa bàn thị xã còn 376 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,60% trên tổng số hộ dân; 465 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,75% (so với năm 2023, giảm 44 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,08 %; giảm 63 hộ cận nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,11%); các chỉ tiêu về giảm hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo mà UBND tỉnh giao và Nghị quyết Đảng bộ thị xã và HĐND thị xã đề ra đều đạt và vượt.
 
 
       Bên cạnh đó, Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn thị xã. Qua đó, đã huy động được nhiều thành phần, tầng lớp tham gia đóng góp, hỗ trợ. Từ các nguồn huy động, đóng góp, trong năm thị xã đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 27 nhà ở cho 27 hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho gần 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 600 triệu đồng. 
       Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận, các hội, đoàn thể và toàn thể Nhân dân thị xã còn có sự quan tâm, hỗ trợ của UBND, các ban ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể của tỉnh; sự đồng hành, đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài thị xã.
       Hội nghị đã thảo luận, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững năm 2025. Dịp này, UBND thị xã đã khen thưởng cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” năm 2024.
                                                                                                           Tào Ka

        Được sự quan tâm của Ban thường vụ Hội LHPN Thị xã Điện Bàn, Hội LHPN xã Điện Quang, năm 2018 chi hội Phụ nữ thôn Phú Văn được chọn làm điểm ra mắt mô hình  “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch kiểu mẫu xây dựng NTM”. Qua triển khai thực hiện được Hội cấp trên đánh giá hiệu quả rất cao. Năm 2024, Hội LHPN xã tiếp tục ra mắt mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại thôn Phú Văn gắn với giữ chuẩn và nâng chuẩn Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. Từ các nền tảng có sẵn trước đó nên việc phát động mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” được sự đồng thuận cao của chị em Hội viên Phụ nữ và Hằng năm giúp cho 403/435 hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 có  3 sạch” đạt tỷ lệ 92,6 %.

        Để thực hiện tốt cuộc vận động, Chi hội tập trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tiêu chí thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” góp phần thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu; từng nội dung “Có” và “Sạch” được cụ thể hóa theo hướng bao gồm cả nội dung mang tính vận động, định hướng hành vi có nội dung phù hợp với đặc thù địa bàn với nhu cầu thiết thân, nguyện vọng, lợi ích của phụ nữ, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội.

        Đặc biệt Chi hội cũng đã chú trọng tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững gắn với giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn Nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó nổi bật về xây dựng các tuyến đường tự quản, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

        Trong những năm qua, hệ thống chính trị của thôn nhà luôn luôn giữ vững dẫn trào phong trào ở địa phương, được các cấp trao tặng nhiều bằng khen giấy khen. Đời sống cơ sở vật chất, tinh thần, kiến thức của nhân dân nói chung và của hội viên phụ nữ nói riêng ngày được nâng cao. Cảnh quan môi trường nông thôn luôn xanh sạch đẹp.

        Các tuyến đường trong thôn đều được giao cho các toàn thể đảm nhận tự quản. Riêng tuyến đường chính từ 610B đến nhà thờ tộc Trần Ngọc dài trên 600m được chi hội phụ nữ đảm nhận tự quản. Hằng tháng chi hội vận động các tổ hội ra quân dọn dẹp vệ sinh chăm sóc cây xanh cảnh quan. Từ các nguồn hỗ trợ và vận động xã hội hóa, các tuyến đường trong thôn đã được đầu tư chỉnh trang với số tiền trên 100.000.000 đồng, đã trồng 400 chậu hoa giấy, 100 cây bàn Đài Loan, và một số cây như tường vi, mai vạn phúc… được lấy từ nguồn vườn ươm nông thôn mới.  Cùng với sự đầu tư và chăm sóc, các tuyến đường trong chi hội tham gia dự thi do các cấp hội trên tổ chức đều đạt giải cao. Thực hiện mô hình phát động của UBMTTQVN xã dành 10 phút mỗi ngày để vệ môi trường, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đặc biệt trước nhà của mình, hầu hết các tuyến đường đều sạch đẹp.

        Ngoài việc vận động nhân dân di dời chuồng trại ra đồng, khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, việc thu gom và phân loại rác thải đầu nguồn luôn được chi hội thực hiện và kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho hội viên phụ nữ tự giác phân loại rác thải ngay tại nhà góp phần giảm thiểu chi phí thu gom.

        Từ nguồn hỗ trợ của xã và xã hội hoá, Chi hội hỗ trợ cho mỗi hộ trang bị 2 sọt rác. Vì vậy công tác phân loại rác thải và thu gom thuận lợi, 100% hội viên tham gia tốt chương trình này và thanh toán đầy đủ phí thu gom hàng tháng. Đặc biệt đã góp phần thực hiện tốt chương trình Việc làm nhỏ - Công trình lớn do Hội LHPN Thị xã Phát động hàng năm thu được với số tiền 6.500.000 đồng.

Huyền Chi

       Sáng ngày 27.12, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức chương trình gặp mặt đối thoại và phiên tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người tái hoà nhập cộng đồng năm 2024.

       Ông Trần Úc - Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; Thượng tá Trần Mẫu - Phó Trưởng công an thị xã đồng chủ trì buổi đối thoại.

       Tổng số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú địa phương đang quản lý là 453 trường hợp. Trong năm 2024, toàn thị xã tiếp nhận 89 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Trong năm, công an thị xã đã thực hiện hướng dẫn đăng ký cư trú; cấp mới căn cước công dân cho 63 người; Hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp, thủ tục xin xóa án tích cho 26 người; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính khác cho 15 người. Thị xã Điện Bàn đã giúp đỡ, tạo điều kiện về việc làm cho 10 trường hợp. Ngân hàng chính sách xã hội thị xã và các quỹ xã hội tại địa phương đã giải quyết cho 03 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn với tổng số tiền 280 triệu đồng. Thị xã đã xây dựng thành công 20 mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Công tác phối hợp giữa các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể của thị xã trongquản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; công tác giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù được thị xã Điện Bàn chú trọng góp phần làm giảm, hạn chế người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vi phạm pháp luật, tái phạm hay phạm tội mới.

       Tại chương trình, người tái hoà nhập cộng đồng đã mạnh dạn phát biểu ý kiến; nêu khó khăn, vướng mắc như: tìm việc làm, vay vốn để ổn định cuộc sống, kể cả những thắc mắc có liên quan khi trở về lại địa phương như thủ tục cấp thẻ căn cước công dân và tài khoản VNeid, thủ tục xóa án tích …

       Lãnh đạo thị xã, các cơ quan ban ngành liên quan cũng đã giải đáp thẳng thắn những ý kiến này, đồng thời sẽ có những giải pháp hiệu quả để thực hiện chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, giúp những người từng lầm lỡ hướng thiện, làm lại cuộc đời.

       Dịp này, UBND thị xã trao tặng sinh kế một con bò trị giá 10 triệu đồng; Ngân hàng chính sách xã hội thị xã trao khế ước cho  người tái hoà nhập cộng đồng.

       Kết thúc chương trìnhlà phiên tư vấn, giới thiệu việc làm, là dịp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động lắng nghe,nắm bắt được tâm tư, nguyện của người tái hòa nhập cộng đồng tạo sự kết nối nhằm tạo điều kiện cho người tái hoà nhập cộng đồng tìm việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống.

                                                                                                          Thu Hằng

       Hiện nay, Sở GD-ĐT Quảng Nam đang xây dựng Đề án chuẩn hoá cơ sở vật chất các trường THPT giai đoạn 2026 – 2030, trong đó trường THPT Nguyễn Duy Hiệu được xác định xây dựng tại vị trí mới để thay thế trường hiện tại đã xuống cấp, hư hỏng, diện tích đất hiện trạng không đủ đảm bảo chuẩn theo quy định nhưng không còn đất để mở rộng. Ngoài ra, địa điểm của trường không phù hợp với quy hoạch chung phát triển thị xã đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 656/QĐ-UBND ngày 31.3.2024. Do đó việc chuyển đổi vị trí và xây mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là phù hợp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô diện tích, số lớp, số học sinh trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định, đảm bảo các điều kiện dạy và học của thầy trò nhà trường.
 
 
       UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn 9854 ngày 18.12.2024 yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn làm việc với Ban giám hiệu nhà trường. Theo tinh thần cuộc họp ngày 20.12 do UBND thị xã tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Xuân Hà đã kết luận, đề nghị BGH, Ban đại diện cha mẹ học sinh lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh có con em đang học tại trường về việc chuyển đổi vị trí và xây mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tại địa điểm mới (dự kiến tại phường Điện Minh). Trường hợp cần thiết, mời thêm một số cựu học sinh đang sinh sống, học tập tại Điện Bàn để lấy kiến, đồng thời thông tin đến giáo viên, phụ huynh phương án sau khi chuyển trường về cơ sở mới sẽ sử dụng trường cũ làm Trung tâm học liệu hoặc công viên công cộng; giao UBND các xã phường Vĩnh Điện, Điện Minh, Điện An, Điện Phương, Điện Phước báo cáo Ban Thường vụ Đảng uỷ để họp Đảng uỷ mở rộng lấy ý kiến và báo cáo kết quả về UBND thị xã trước ngày 31.12.2024.
       Trong các ngày từ 25 đến 27.12, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Duy Hiệu Phạm Lê Ngọc Anh đã tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh tất cả các khối lớp, một số cựu học sinh đang sống tại Điện Bàn, các thầy cô giáo và học sinh toàn trường nêu lên thực trạng phải chuyển đổi vị trí và xây mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tại địa điểm mới. 100% Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, các cựu học sinh được mời, thầy cô giáo và học sinh toàn trường đã tán thành chủ trương của tỉnh. Nhà trường cũng đã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cha mẹ học sinh để báo cáo UBND thị xã.
                                                                                                         Huyền Chi
 

       Sáng ngày 26/12, Hội Khuyến học xã Điện Trung tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. 
       Dự hội nghị có ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã; ông Trần Tình - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã; bà Nguyễn Thị Hoà - UVBTV, Chủ tịch UBMT xã.
 
 
       Năm 2024, Hội đã kiện toàn bổ sung nhân sự bộ máy tổ chức tại 4 Chi hội thôn; vận động mở mới thêm 4 Quỹ học bổng, nâng số tên Quỹ học bổng trên toàn xã đến nay là 44 Quỹ. Tổng số tiền đã vận động trong năm là 50 triệu đồng, nâng tiền “Quỹ học bổng” của xã đến nay là: 1.205.000.000 đồng. Tiền quỹ ở các chi, ban Khuyến học hiện có 1.279.600.000 đồng. Hội tổ chức phát thưởng 218 học sinh, sinh viên với số tiền trên 60 triệu đồng. Hội cũng đã vận động thêm kinh phí để tổ chức hoạt động công tác Hội với số tiền trên 10 triệu đồng; vận động 8 tập thể, 23 gia đình và cá nhân đóng góp kinh phí “Đỡ đầu học tập” hằng năm cho 20 HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 30 triệu đồng. Toàn xã, có 4 khu dân cư tham gia đăng ký cộng đồng học tập và có 1.993 người được đánh giá; có 1.215 gia đình đăng ký và có 1.177 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập; có 25 dòng họ đăng ký và có 18 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập; 5 đơn vị đăng ký và có 4 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị học tập.
 
 
       Hội nghị đã thông qua quyết định của UBND xã về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời thảo luận đề ra các giải pháp thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2025. 
       Dịp này, UBND xã tặng giấy khen cho 5 tập thể, 6 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập tiêu biểu, trao giấy chứng nhận cho 1.193 công dân, 1.177 gia đình, 18 dòng họ và 4 đơn vị đạt danh hiệu học tập năm 2024. Hội Khuyến học xã tặng giấy khen cho 7 tập thể và 3 cá nhân hoàn thành xuất sắc công tác khuyến học, khuyến tài năm 2024.
Mi Ni

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019881600
Hôm nay
Hôm qua
5719
8682