(QNO) - Ngày 2/2, Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn phối hợp với BHXH và Hội Khuyến học thị xã trao thẻ BHYT cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT và BHXH thị xã Điện Bàn trao thẻ BHYT cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Y.NHI
Với tinh thần tương thân tương ái, tất cả vì học sinh thân yêu và mang Tết ấm đến với người nghèo xuân Giáp Thìn 2024, Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn phối hợp với BHXH và Hội Khuyến học thị xã trao thẻ BHYT cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn với tổng giá trị trên 20 triệu đồng.
Nguồn kinh phí được huy động đóng góp từ cán bộ, viên chức, người lao động Phòng GD-ĐT thị xã, BHXH thị xã từ quỹ của Hội Khuyến học thị xã.
(QNO) - Nằm trong chuỗi các hoạt động đón xuân Giáp Thìn 2024, chiều ngày 3/2, Đảng uỷ - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) tổ chức chương trình "Xuân gắn kết – Tết yêu thương" trao tặng quà tết cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường.
Ông Thân Ngọc Ánh - người con xa quê trao quà cho các gia đình khó khăn tại phường Điện Nam Đông.
Tại chương trình, 200 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) đã được trao tặng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường. Tổng kinh phí thực hiện chương trình 200 triệu đồng, do gia đình ông Thân Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất sắt thép Ánh Hòa tài trợ.
Các hộ gia đình khó khăn tại phường Điện Nam Đông vui mừng khi nhận được phần quà từ ông Thân Ngọc Ánh - người con Điện Bàn xa quê.
Được biết, đây là hoạt động thường niên của gia đình ông Thân Ngọc Ánh nhằm giúp đỡ hộ nghèo ở phường Điện Nam Đông bớt khó khăn nhân dịp tết đến, xuân về.
Giáp tết năm nào, văn nghệ sĩ Quảng Nam cũng đến viếng hương mộ phần các nhà văn, nghệ sĩ nằm lại trên đất Quảng.
Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh viếng hương mộ liệt sĩ - nhà thơ Ngọc Anh. Ảnh: Q.H
Chúng tôi tìm tới Nghĩa trang thị xã Điện Bàn - nơi có tới 3 văn nghệ sĩ nằm lại, là nhà văn Nguyễn Hồng, nghệ sĩ múa Phương Thảo và nhà thơ “Bóng cây Kơ-nia” - Ngọc Anh. Những khóm hoa đặt trên mộ vừa được thay mới.
Lúc chúng tôi đến, thật trùng hợp lại gặp người thân nhà văn Nguyễn Hồng từ Hà Tĩnh vào hương khói cho ông. Em trai nhà văn Nguyễn Hồng nói, vì anh đã chọn nằm lại đất Quảng với đồng đội mình, nên mộ phần ông, gia đình vẫn để lại Quảng Nam.
Hành trình thăm viếng mộ phần các anh những ngày cuối năm, gần như ai cũng mang những cảm xúc đặc biệt. Ở khu tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, chúng tôi gặp con trai ông Văn Công Mịch - người hiện thay cha mình thờ cúng nhà văn Chu Cẩm Phong. Trong nhà, bàn thờ nhà văn Chu Cẩm Phong với di ảnh thời thanh xuân của ông, hương khói trầm ấm.
Câu chuyện về những văn nghệ sĩ nằm lại chiến trường Quảng Nam đều có những điều đặc biệt. Nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo có 2 ngôi mộ.
Năm nào Hội VHNT tỉnh sau khi viếng hương chị ở Nghĩa trang Điện Bàn cũng đến thắp hương nơi chị được nhân dân chôn cất ban đầu, chính là khu vườn ông Văn Công Ba (La Tháp, Duy Xuyên).
Người dân La Tháp đã luôn hương khói và gìn giữ mộ phần của chị hơn 40 năm qua, mặc dù gia đình đã đưa chị vào nghĩa trang. Nhưng bà con La Tháp nói, họ vẫn để ngôi mộ gió tưởng niệm chị.
Ở nơi chị Dương Thị Xuân Quý nằm lại, những khóm hoa đang khoe đủ sắc màu. Nhà văn Bùi Minh Quốc - chồng chị, đã tôn tạo lại mộ và khắc dòng chữ “nơi đây yên nghỉ một con người trọn đời vì nhân dân quên mình chiến đấu cho TỔ QUỐC và TỰ DO - Nhà văn Dương Thị Xuân Quý 1941 -1969”. Mộ chị nằm trong khuôn viên gia đình ông bà Võ Bắc được trồng rất nhiều hoa. Cạnh đó, cây mai vàng đang trĩu hoa...
Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT nói, đi đến bất cứ nghĩa trang liệt sĩ nào, hay các phần mộ nằm trong khu vườn của người dân, đâu cũng thấy khang trang, sạch đẹp.
Và đặc biệt, những văn nghệ sĩ nằm lại với đất lành Quảng Nam, họ đều ở độ tuổi trẻ. Phải chăng thế mà trong những mộ phần, luôn có màu xanh của cây cỏ, như tượng trưng cho màu của tuổi trẻ.
Hình ảnh nhiều nhất trong hành trình ngày giáp tết chúng tôi gặp, là hoạt động vệ sinh không gian nghĩa trang từ màu áo xanh. Bất giác, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp...
(QNO) - Đồn Biên phòng Cửa Đại (đóng tại TP.Hội An) vừa phối hợp tổ chức chương trình “Tết yêu thương - Thắm tình quân dân” Xuân Giáp Thìn 2024.
Đồn Biên phòng Cửa Đại phối hợp trao quà tết cho gia đình khó khăn. Ảnh: PHAN SƠN
Chương trình trao 150 suất quà tết gồm tiền mặt, bánh tét, quà bánh tặng gia đình khó khăn trên địa bàn các xã, phường Điện Ngọc, Điện Dương (thị xã Điện Bàn), Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và Cẩm An, Cửa Đại (TP.Hội An) với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Gói và nấu bánh tét tại Đồn Biên phòng Cửa Đại trao tặng gia đình khó khăn. Ảnh: PHAN SƠN
Thiếu tá Văn Thanh Lộc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết, chương trình “Tết yêu thương - Thắm tình quân dân” được đơn vị phối hợp phường Cửa Đại tổ chức 3 năm nay. Chương trình cũng thu hút sự tham gia hưởng ứng, đồng hành của nhiều cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp.
* Cũng tại Đồn Biên phòng Cửa Đại, đơn vị vừa phối hợp Tập đoàn Karma tổ chức chương trình “Mùa xuân cho em” Tết Giáp Thìn 2024.
Chương trình “Mùa xuân cho em” với nhiều hoạt động thú vị. Ảnh: PHAN SƠN
Tham gia chương trình có 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), phường Điện Dương, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) và phường Cẩm An, Cửa Đại (TP.Hội An). Các em được gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và tham gia trò chơi nhỏ.
Dịp này, Tập đoàn Karma tặng 60 suất quà (mỗi suất 400 nghìn đồng) cho trẻ em tham gia chương trình.
Bên cạnh nguồn kinh phí trực tiếp của chương trình nông thôn mới, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương linh hoạt lồng ghép một số kênh vốn khác để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây mới, nâng cấp hệ thống chợ, điện nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: PV
Xây dựng hạ tầng thủy lợi
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hằng năm nông dân trên địa bàn canh tác hơn 20.070ha cây trồng các loại. Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương của Điện Bàn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.
“Riêng năm 2023, ngoài việc chi 3 tỷ đồng xây dựng công trình đập ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện để chủ động cung ứng nước tưới cho hơn 1.800ha đất lúa thì Điện Bàn còn hỗ trợ các xã, phường gần 3,1 tỷ đồng để bê tông hóa hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng” - ông Chơi nói.
Hơn 1.297 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn
Nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, thời gian qua Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, đảm bảo mỹ quan.
Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong 3 năm 2021 - 2023, bằng nhiều nguồn vốn huy động, toàn tỉnh đã đầu tư thi công 654km đường dây hạ thế, 432km đường dây trung thế, xây dựng 429 trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 1.297 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay cả tỉnh đã có 188/193 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (chiếm tỷ lệ 97,4%), tăng 4 xã so với năm 2020.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho hay, giai đoạn 2021 - 2023 Quảng Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi - phòng chống thiên tai cấp xã, huyện đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba năm qua, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM, cả tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 217 công trình thủy lợi các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 100km kênh mương được bê tông hóa.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 03 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”, trong 3 năm qua ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã lồng ghép đầu tư thêm 91,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi.
Theo đó, đối với hệ thống thủy lợi nhỏ, đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình thủy lợi hóa đất màu, 47 công trình trạm bơm và đập dâng... phục vụ tưới cho hơn 1.028ha đất sản xuất.
Đối với hệ thống thủy lợi nội đồng, tiến hành kiên cố hóa 78 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 64,7km phục vụ nước tưới cho hơn 2.200ha. Ngoài ra, còn xây dựng 2 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
“Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 185/193 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai (chiếm tỷ lệ 95,9%), tăng 16 xã so với năm 2020” - ông Ngô Tấn nói.
Xây mới, nâng cấp chợ nông thôn
Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp (Quế Sơn) cho biết, trước tình trạng chợ Sơn Trung xuống cấp nghiêm trọng, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình NTM, năm 2021 chính quyền địa phương đầu tư 1,1 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục của ngôi chợ này.
“Chợ Sơn Trung được nâng cấp khang trang không chỉ đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương mà còn giúp Quế Hiệp thực hiện hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn để được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2022” - ông Toàn nói.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 160 chợ. Trong đó, có 2 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2 và 145 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23 nghìn hộ, gồm 14 nghìn hộ kinh doanh cố định và 9 nghìn hộ kinh doanh không thường xuyên.
Tuy nhiên, phần lớn chợ nông thôn (chợ hạng 3) trên địa bàn tỉnh được hình thành từ lâu nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp; một số công trình thiết yếu tại chợ chưa đảm bảo như nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, điện, nước, phòng cháy chữa cháy… Nhiều chợ nằm ở vùng nông thôn, miền núi, mãi lực mua bán tại chợ rất thấp; thời gian họp chợ ngắn, có những chợ chỉ họp 2 giờ mỗi ngày.
Ông Ngô Tấn cho biết, trong 3 năm 2021 - 2023 toàn tỉnh có 20 chợ được đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 191/193 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ 99%), tăng 8 xã so với năm 2020.
“Thời gian qua, khó khăn đối với việc thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn ở các địa phương của Quảng Nam là xây dựng các chợ an toàn thực phẩm cấp xã có nhiều chỉ tiêu mới nên cần nguồn lực đầu tư lớn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm một số chợ để nhân rộng” - ông Tấn nói.