0235.3867334

       Sáng ngày 13/7, tại trung tâm VHTT xã Điện Phong, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với tỉnh Đoàn Quảng Nam cùng các đơn vị tài trợ như Đoàn Thanh niên phân viện học viện hành chính Quốc gia tại Quảng Nam, lớp cao cấp lý luận chính trị K74A55.14 học viện chính trị khu vực 3, Cty cổ phần xây dựng CBC và Đoàn thanh niên Agribank chi nhánh Quảng Nam tổ chức chương trình truyền thông pháp luật và các hoạt động tri ân tháng 7 năm 2024. 
       Tham dự chương trình có ông Trịnh Xuân Tùng - Uỷ viên BCH Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp; ông Lương Hoàng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản tại thành phố Đà Nẵng; bà Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Nam; Nguyễn Thị Thuỳ Hương - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Điện Bàn; ông Đinh Quang Vĩnh -Bí thư thị Đoàn.
 
 
       Tại chương trình, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã trao tặng cho UBND xã 1 tủ sách pháp luật; trao tặng 50 suất quà cho 50 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, mỗi suất 500 ngàn đồng tiền mặt; trao tặng 1 ngôi nhà nhân ái trị giá 60 triệu đồng. Cũng tại chương trình, Đoàn đã tiến hành khởi công xây dựng nhà cho gia đình ông Lê Xuân Thành - có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa tạm bợ tại thôn Hà An. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 100 triệu đồng. Dịp này, Đoàn tổ chức truyền thông pháp luật cho gần 100 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã về một số nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch năm 2014.
 
 
       Đây là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024) thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của tuổi trẻ Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Nam.
Mi Ni

       Tối ngày 12/7, tại sân vận động xã Điện Tiến, Hội Cựu Chiến binh phối hợp với Thị Đoàn Điện Bàn tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Tự hào lịch sử “khát vọng cống hiến - lẽ sống thanh niên”. Đây là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Bồ Bồ (19/7/1954 - 19/7/2024).
       Tham dự có ông Trần Hải Vân - PBT TT thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - TUV, PCT UBND thị xã; Trung tá Đỗ Minh Tuấn - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 96; ông Đỗ Diên - TUV, BT Đảng ủy xã Điện Tiến; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể cấp thị xã, các địa phương Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa và Điện Tiến; cùng hơn 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã.
 
 
       Tại chương trình, các đại biểu và đông đảo đoàn viên thanh niên được xem những thước phim tư liệu quý giá miêu tả về trận đánh Bồ Bồ diễn ra vào khuya 19, rạng sáng ngày 20/7/1954; đồng thời nghe những câu chuyện, những dấu ấn, những giây phút hồi hộp, cam go nhưng đầy tinh thần quả cảm. Những chia sẻ đó đã được hai nhân chứng sống của lịch sử là cựu chiến binh Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Xuân Đình, những con người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh tái hiện lại bằng những lời kể về sự ác liệt, những khó khăn gian khổ mà bộ đội ta, quân dân ta phải chịu đựng, những giây phút kề vai sát cánh cùng chiến đấu trong trận đánh Bồ Bồ.
 
 
       Thông qua buổi tọa đàm, đã khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng quê hương, đặc biệt là chiến thắng Bồ Bồ; góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống, tiếp lửa bồi đắp niềm tin của thế hệ trẻ đối với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
 
       Nhân dịp này, Hội Cựu chiến binh và Thị Đoàn đã tặng 10 suất quà cho các nạn nhân và thân nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
                                                                                                           Tào Ka 

      Từ khi lên phường vào tháng 4/2023 đến nay, phường  Điện Thắng Trung đã thay đổi diện mạo rõ nét, mang nhiều màu sắc mới trong phong trào xây dựng đô thị văn minh tại địa phương. Trong sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị có sự đóng góp không nhỏ của chi hội phụ nữ khối phố Thanh Quýt 5.

      Ngay từ đầu năm, chi hội đã đề ra mục tiêu và kế hoạch hoạt động của chi hội. Hàng tháng, chi hội đều tổ chức sinh hoạt đúng theo quy định, qua đó lồng ghép tuyên truyền các nội dung về Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội dung phong trào Hội và gắn với xây dựng đô thị văn minh. Chị em hội viên phụ nữ của khối phố luôn phát huy vai trò của mình trong hoạt động cải thiện cảnh quan môi trường. Hằng tháng, BCH chi hội tổ chức ra quân dọn dẹp các tuyến đường, nhà văn hoá khối phố. Thực hiện chương trình “Việc làm nhỏ, công trình lớn”, chi hội tổ chức thu gom phế liệu nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và cùng các mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương”, “Bán hàng gây quỹ” tạo nguồn kinh phí đỡ đầu những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong khối phố.

      Một trong những hoạt động nổi trội của chi hội là việc thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia các phong trào. Hầu hết hội viên phụ nữ trẻ là công nhân nên ít có thời gian quan tâm đến sinh hoạt của chi, tổ nhưng các chị trong BCH đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt chi hội. Chi hội đã thành lập CLB dân vũ, thu hút hơn 30 chị em tham gia, vừa rèn luyện sức khỏe vừa chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong gia đình. Số tiền từ các hoạt động chi hội nhận đỡ đầu 2 em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp 1 chị bị tai nạn, tặng bảo hiểm y tế cho 1 chị có hoàn cảnh khó khăn và tặng 12 suất quà cho những người già neo đơn, bệnh tật. Ngoài ra, chi hội ra mắt mô hình giúp đỡ chị em hội viên khi gia đình có tang quyến, mô hình vườn rau sạch, nhằm cung cấp rau cho bà con trong khối phố… Phát huy vai trò của tổ chức Hội, chi hội phụ nữ khối phố Thanh Quýt 5 luôn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên trong khối phố.

      Trong điều kiện phát triển về công nghệ thông tin như hiện nay, công tác vận động,tập hợp phụ nữ đã có sự đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với đối tượng, điều kiện thực tiễn. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, chi hội phụ nữ khối phố Thanh Quýt 5 xác định lấy phụ nữ là trung tâm để lựa chọn nội dung và phương thức hoạt động; ưu tiên các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, tác động lớn đến đời sống của chị em hội viên phụ nữ. Chi hội quan tâm xây dựng các mô hình tập hợp hội viên theo từng đối tượng; đổi mới hình thức sinh hoạt hội viên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, sử dụng mạng xã hội để quảng bá hoạt động chi hội và Hội cấp trên.

       Qua các chương trình vay vốn, chi hội phụ nữ khối phố Thanh Quýt 5 đã tạo điều kiện hỗ trợ chị em phụ nữ trong khối phố có việc làm, có vốn sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho gia đình. Từ đó đã nâng cao được vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đã có nhiều phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, gắn công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề và hoạt động tạo thu nhập, bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu như chị Trương Thị Thôi mở cơ sở sản xuất bánh in, áo giấy đồ cúng, chị Phan Thị Hồng Vân đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ…

       Trong gia đình, các chị luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Các chị còn là những người tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; sôi nổi tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các lễ hội văn hóa tại cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thay đổi, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. 

      Trong thời gian tới, chi hội phụ nữ khối phố Thanh Quýt 5 tiếp tục phát huy vai trò định hướng và cầu nối để thu hút nhiều hội viên tham gia, góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của chị em, thúc đẩy phong trào công tác Hội ngày càng phát triển.

Huyền Chi

      Qua 10 năm thực hiện quyết định số 81 ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ về việc “Phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, Hội nông dân thị xã đãkịp thời phối hợp thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, giảm thiểu đơn thư tồn đọng kéo dài, đơn thư vượt cấp, giảm thiểu được việc tranh chấp khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội tại địa phương.

      Hằng năm Hội nông dân thị xã chỉ đạo HND các xã/phường phối hợp với UBMTTQVN các xã, phường tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương; khuyến khích, động viên thành viên, hội viên tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật ở cơ sở được Hội Nông dân chú trọng thực hiện. Đến nay, Hội Nông dân thị xã có 01 thành viên trong Hội đồng phổ biến tuyên truyền pháp luật thị xã;  03 báo cáo viên hội nông dân thị xã, 20 tuyên truyền viên; địa bàn thị xã có 140 tổ hoà giải cơ sở với 745 hoà giải viên.

       Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư vượt cấp, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, HND thị xã ban hành để chỉ đạo HND 20 xã, phường phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng Kế hoạch liên tịch  tổ chức triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan và tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở.Hội đã phối hợp với  các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức 300 buổi, tuyên truyền pháp luật cho 25.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân  tham gia; phối hợp  tổ chức 300 cuộc tư vấn, trợ  giúp pháp lý cho 3.370  lượt; tham gia tiếp dân đến khiếu nại 550 lượt người tham gia 45 cuộc kiểm tra, giám sát các hoạt động về kinh tế - xã hội , tham gia đối thoại hàng trăm cuộc với hộ dân; Hướng dẫn, đôn đốc cấp xã tổ chức tư vấn, pháp lý tại bộ phận một cửa....

       Công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dânđược các cấp hội chú trọng. Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tập trung nâng cao vai trò của Hội trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Hằng năm, phối hợp giải quyết gần 100 đơn thư khiếu nại, tố cáo của hộ dân vùng dự án về việc thực hiện chính sách giải tỏa đền bù, tái định cư và khiếu nại của nông dân về yêu cầu đảm bảo sản xuất công nghiệp gắn với vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới, tranh chấp đất đai... Tổ chức hơn 200buổi phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý với hơn 3.700 lượt Hội viên nông dân tham dự. Tham gia hòa giải 805 vụ, hòa giải thành 626 vụ việc mâu thuẫn có liên quan đến Hội viên nông dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh ở cơ sở... Đặc biệt trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, Hội đã chú trọng công tác hoà giải trong nội bộ nông dân, đặt công tác hoà giải thành nhiệm vụ trọng tâm của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp gặp gỡ các bên để giải thích, thấu tình đạt lý, thuyết phục và đi đến hòa giải, giải quyết kịp thời tại cơ sở; góp phần tích cực trong việc hạn chế được khiếu kiện vượt cấp, đông người xảy ra tại các địa phương.

       Thành lập và duy trì các mô hình nông dân đảm bảo an ninh trật tự:20/20 xã/phường triển khai mô hình Chi hội “3 Nói, 3 Có, 3 Bảo vệ”gọi tắt là Chi hội 333, mô hình “gia đình 3 không – 3 có;  mô hình “2 giữ” tại Điện Minh, “Tiếng mỏ dân phòng” tại Điện Thắng Trung, mô hình “4 cộng 1”, “5 cộng 1” về tái hòa nhập cộng động tại xã Điện Thắng Trung và phường Điện Dương; phong trào “Toàn dân tố giác tội phạm” tại 20/20 xã/phường, Thành lập 15 mô hình camera an ninh tại 06/20 xã/phường… 

       Có thể thấy, 10 năm qua, các cấp Hội nông dân trên địa bàn thị xã đã thực hiện tốt Quyết định 81, đây là một diễn đàn để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả, gần gũi với hội viên, nông dân thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nâng lên. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần làm giảm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn…

Thu Hằng

      Cả một đời theo Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Đài, thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến - Cựu du kích, đảng viên 75 năm tuổi Đảng gắn liền với biết bao kỷ niệm, trong đó có sự kiện quan trọng ông không thể nào quên đó là Trận đánh Bồ Bồ cách đây 70 năm.

      Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trận đánh Bồ Bồ 0h30 phút ngày 19.7.1954 của quân và dân Quảng Nam đã trở thành mốc son chói lọi, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevo, rút quân khỏi Đông Dương. Sau 70 năm, mảnh đất anh hùng nay đã thay da đổi thịt – trở thành một địa chỉ đỏ tự hào trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương xứ Quảng. Ở tuổi 96 nhưng ông Nguyễn Văn Đài còn khá minh mẫn. Ký ức trận đánh 70 năm về trước vẫn sống động, tự hào trong lòng người du kích năm xưa mỗi khi nhắc đến.

      Ông Đài kể: “Cuối năm 1953, cùng với việc đổ quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giặc Pháp tập trung lực lượng đánh vào vùng tự do Liên khu V. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra. Tại Điện Bàn, hàng chục cứ điểm địch như các cụm lô cốt La Thọ, Châu Lâu… đã bị tiêu diệt, vùng du kích Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Phước nối lại thế liên hoàn vững chắc.

      Tại xã Điện Tiến, du kích xã đã tổ chức bao vây bắn tỉa, đánh chặn đường tiếp tế của địch bằng hầm chông, gài mìn kết hợp phục kích khiến đồn Bồ Bồ bị uy hiếp, cô lập. Từ tháng 5 đến tháng 6/1954, địch phải dùng máy bay Dacota thả dù tiếp tế xuống Bồ Bồ. Thời gian này tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng vừa bị Việt Minh đánh bại. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đang tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh Đông Dương. Được cổ vũ bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ.Chuẩn bị trận đánh, từ hơn 10 ngày trước, Trung đội du kích do ông Nguyễn Văn Đài làm Trung đội trưởng nhận lệnh phải làm một cầu phao bằng tre bắc sang sông đào Bình Phước cho bộ đội, xe pháo từ hướng Cẩm Văn, Điện Hồng hành quân qua.

       Ngày 17/7/1954, địch tập trung trên 800 quân, 110 xe cơ giới mở cuộc hành quân “Con Báo” càn trắng xung quanh và tiến chiếm lại Bồ Bồ. Đêm 18/7, địch co cụm quân tại Bồ Bồ. Quyết tâm đập tan âm mưu của thực dân Pháp, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp là các đơn vị Tiểu đoàn 20, Đại đội trợ chiến 22, Đại đội 64, Trung đội trinh sát của Đại đội 15, một trung đội của Đại đội 61 huyện Điện Bàn mở trận tập kích, quyết tiêu diệt địch lần thứ 2 trên núi Bồ Bồ. Hơn 500 du kích, dân công hỏa tuyến các xã Điện Hòa, Điện An, Điện Phước, Điện Tiến cũng được huy động, phục vụ chiến trường.

       Đội du kích Điện Tiến do ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy được chia thành 3 mũi, một mũi dẫn đường bộ đội tiến công, một mũi đón lõng địch tháo chạy, mũi còn lại vận chuyển thương binh và dẫn giải tù binh. Đúng 0h30 ngày 19/7/1954, các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công.

Địch chống trả quyết liệt, nhưng các mũi xung kích bộ đội, du kích vẫn tiến sát vào đội hình địch, dùng lựu đạn, thủ pháo tấn công. Bãi xe cơ giới địch bị bắn cháy, bãi đạn pháo nổ tung, quân Pháp không còn nơi ẩn nấp để chống trả. Một phần quân địch bị tiêu diệt, số khác tháo chạy về hướng nam đồi, bị lọt vào trận địa phục kích của ta, hầu hết bị bắt sống. Sau 2 giờ chiến đấu và truy quét, ta đã tiêu diệt được 159 tên địch, bắt sống 293 tên, trong đó có Đại tá Calimesti Felit, chỉ huy cuộc hành quân “Con Báo”.

        Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ rung chuyển 5 châu, chấn động địa cầu thì tại chiến trường miền Trung, qua 9 năm chống Pháp chưa có trận đánh nào thắng lớn, diệt nhiều địch và bắt sống nhiều địch, thu hồi nhiều vũ khí như chiến thắng Bồ Bồ, một Điện Biên Phủ thứ hai trên chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng.

       Càng ý nghĩa tự hào hơn khi chiến thắng Bồ Bồ đã góp phần kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc, bởi ngay sau trận đánh, ngày 20/7/1954, hiệp định Gionevo đã được ký kết, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và Đông Dương.

        Đã 70 năm trôi qua, trong số 34 du kích thuộc trung đội của ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy tham gia đánh đồn Bồ Bồ rạng sáng 19/7/1954 nay chỉ còn 4 người, 3 trong số đó tuổi già bệnh tật.  18 tuổi cơm đùm cơm gói theo cách mạng cho đến ngày giải phóng đất nước, hầu hết thời gian ông Đài đều được công tác và chiến đấu tại quê nhà. Cả một đời theo Đảng, những kỷ vật của một thời đánh giặc ông cất giữ cẩn thận như chiếc võng may bằng vải Triều Tiên hồi kháng Mỹ, cây súng Ru-lô ông tịch thu khi bắt được cảnh sát trưởng Nam Ô vào mùa xuân 1968… tất cả đều được ông trao tặng cho Bảo tàng Quảng Nam vào cuối năm 2020. Bây giờ xấp xỉ tuổi trăm, ông không giữ gì lại cho mình ngoài chiếc Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, mấy tấm hình chụp với đồng đội cũ và ký ức một thời kháng chiến hào hùng ấy...

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019894271
Hôm nay
Hôm qua
5768
8323