0235.3867334

Bài viết: Thị xã Điện Bàn bảo tồn các giá trị di sản văn hóa

        Điện Bàn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Điện Bàn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong quá trình mở cõi của dân tộc Việt về phương Nam. Qua nhiều thế kỷ, địa giới hành chính có thay đổi nhưng tên gọi Điện Bàn vẫn được lưu giữ với những truyền thống tốt đẹp về văn hóa, lịch sử và cách mạng gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như tấm gương trung liệt “cùng thành mà mất làm gương để đời” của Tổng đốc Hoàng Diệu; cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ với khát vọng canh tân đất nước, học hỏi khoa học kỹ thuật tiến bộ của thế giới về xây dựng phát triển nước nhà; của Chí sĩ Trần Quý Cáp – Tiến sĩ nho học nhưng lại là một trong những thủ lĩnh của ngọn cờ Tân học, lãnh án “Mạc tu hữu” mà tinh thần khẳng khái vẫn lưu truyền đến muôn đời sau… Và còn nhiều nữa, những người con của đất mẹ Điện Bàn trung liệt, đã để lại những tấm gương sáng cho mai sau...

        Điện Bàn có 66 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 8 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia. Đây là những chứng nhân văn hoá, lịch sử đầy giá trị của vùng đất Điện Bàn, là nền tảng quan trọng, là động lực, là mục tiêu để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa của Điện Bàn. Trong thời gian qua, nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch về văn hóa được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 24/02/2022 của Hội đồng nhân dân thị xã về Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa thị xã Điện Bàn giai đoạn 2022-2026”, Quyết định số 3340/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2022 của UBND thị xã về ban hành Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa thị xã Điện Bàn giai đoạn 2022-2026”… Các nội dung chương trình của Thị xã đã góp phần tạo nên diện mạo mới, là động lực để tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, góp phầnphát huy các giá trị di sản văn hoá của thị xã.

        Công tác bảo tồn, và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc được quan tâm. Các trường phổ thông trên địa bàn thị xã đã đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình dạy học; Các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật thường xuyên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, nhiều học sinh năng khiếu, tài năng trẻ về văn học, nghệ thuật được phát hiện, bồi dưỡng trở thành lực lượng dự nguồn, kế cận trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phối hợp với tỉnh tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi. Các làng nghề truyền thống  trên địa bàn thị xã được giữ gìn và phát huy.

        Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thị xã luôn đượcquan tâm. Trong 10 năm qua, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, thị xã Điện Bàn đã trùng tu 04 di tích cấp Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh, với tổng kinh phí 20 tỷ 650 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh 18 tỷ 040 triệu đồng, thị xã đối ứng 2tỷ 610 triệu đồng.Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển các lĩnh vực văn hóa, thị xã đã tổ chức đầu tư tôn tạo cảnh quan hơn 70% các di tích. Thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư mới và tôn tạo. Hệ thống bảo tàng, nhà lưu niệm được quan tâm đầu tư, đã triển khai xây dựng mới hai nhà lưu niệm cụ Phạm Phú Thứ tại Điện Trung và cụ Trần Quý Cáp tại Điện Phước. Triển khai công trình Vườn tượng danh nhân Điện Bàn. Thực hiện phòng trưng bày chuyên đề Hoằng Hoá – Điện Bàn tại Bảo tàng Điện Bàn. Xây dựng mới tượng đài AHLS Nguyễn Văn Trỗi bằng đồng tại công viên Thanh niên và tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường tại Điện Minh. Triển khai dự án xây dựng bản đồ tra cứu địa điểm, thông tin du lịch; tích hợp mô hình số hoá 3D một số điểm, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động qua mã QR thuộc Đề án “Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số thị xã” nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá, chuyển tải các nội dung về giáo dục truyền thống lịch sử, di sản văn hoá Điện Bàn lên không gian mạng.

        Hàng năm, Bảo tàng thị xã, Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi, Nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và các di tích trên địa bàn thị xã đã đón hơn 300 đoàn khách với khoảng 12.000-15.000 lượt người tham quan, học tập và trải nghiệm về nguồn… Trên địa bàn thị xã có hơn 10 lễ hội truyền thống trong đó có 4 lễ hội lớn được tổ chức định kỳ thường xuyên gồm lễ hội Thanh minh, lễ hội Tịch điền, lễ hội Cầu ngư, lễ giỗ tổ Hùng Vương. Cùng với lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức, góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa Điện Bàn.

        Chính sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thị xã cũng như những nỗ lực của các ngành chuyên môn, các địa phương và toàn thể Nhân dân Điện Bàn đã góp phần lớn trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, đồng thời có tác động lớn đến sự phát triển nhân cách con người Điện Bàn, bồi dưỡng lòng yêu nước, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nuôi dưỡng khát vọng, hoài bão vươn lên, ý thức trách nhiệm với xã hội cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Điện Bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

        Tuy vậy, công tác bảo tồn các di sản văn hóa, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thị xã vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Tần suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa còn thấp. Các điểm vui chơi, giải trí công cộng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trícủa Nhân dân. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự được khôi phục; việc xây dựng phát triểnđội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân kế cận gặp khó khăn. Công tác quản lý di tích theo phân cấp ở một số nơi chưa thật sâu sát, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cấp thị xã theo định biên khá ít so với đầu việc và yêu cầu ngày càng cao của chức năng nhiệm vụ chuyên ngành, công chức văn hóa cấp xã ít được đào tạo chuyên ngành phù hợp, kiêm nhiệm nhiều việc và thường biến động nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động.

        Thời gian tới, với các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa từ Trung ương đến tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thị xã cùng với sự nỗ lực tổ chức thực hiện và phối hợp của các ban ngành mặt trận, đoàn thểvà sự đồng thuận thống nhất của toàn thể Nhân dân, tin tưởng rằng, văn hóa Điện Bàn nói chung, công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực của thị xã sẽ vượt qua được những khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần xây dựng và phát triển Điện Bàn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019434144
Hôm nay
Hôm qua
6337
8624