0235.3867334
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-HNDTW ngày 20/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về “Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới”, các cấp Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã bám sát các chủ trương, quan điểm của Đảng và Trung ương Hội về công tác tuyên truyền, dân vận, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ các cấp Hội về công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Chánh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho biết: “Công tác xây dựng tổ chức bộ máy của Hội luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; nội dung, hình thức tuyên truyền được đổi mới, đa dạng, thiết thực hơn thông qua mạng xã hội zalo, facebook và qua các hoạt động như: thi tìm hiểu trực tuyến Nghị quyết Hội, Hội thi "Nhà nông đua tài", "Phiên tòa giả định", "Ngày hội nông dân", Hội thi "Cán bộ hội cơ sở giỏi", "Tiếng hát nông dân", giải bóng chuyền "Bông lúa vàng", phối hợp tổ chức Gameshow "Quê mình xứ Quảng", "Người nông dân hiện đại"...".
Hàng năm, Hội Nông dân các cấp tuyên truyền cho trên 23.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân, góp phần làm chuyển biến nhận thức của mọi người trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các cấp Hội đã tăng cường quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường củng cố hệ thống tổ chức Hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Đến nay, tổng số hội viên nông dân trên toàn thị xã là 25.000 hội viên; hơn 90% hội viên nông dân được tiếp cận và tham dự các lớp tập huấn về những kiến thức cần thiết, thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và các vấn đề về văn hóa, xã hội.
Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", các cuộc vận động tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, với 13.000 lượt hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp mỗi năm.
Phong trào đã tác động mạnh mẽ vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi theo hướng chuyên canh có diện tích lớn đem lại giá trị kinh tế cao; tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.
Đồng hành cùng bà con nông dân, Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã tạo điều kiện cho hơn 5.000 lượt hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế từ các nguồn quỹ của Hội cấp trên, nguồn ngân sách địa phương, nguồn vận động trong hội viên và nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đó hình thành nhiều mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Hội Nông dân thị xã phối hợp tổ chức các hoạt động như: Ngày hội "Nông dân Điện Bàn với sản phẩm OCOP", Hội chợ Techfest Quảng Nam, Techfest Điện Bàn năm 2023... giúp quảng bá, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thị xã Điện Bàn, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ngoài ra, các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được các cấp Hội hưởng ứng thực hiện hiệu quả, trao hàng ngàn suất quà cho con em và gia đình hội viên nông dân nghèo, khó khăn, hội viên nông dân đơn vị kết nghĩa với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng/năm; giúp 350 hộ nghèo, cận nghèo được thoát nghèo bền vững; huy động gần 35 tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm trị giá gần 500 triệu đồng gửi đến thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch Covid-19....
Tại hội nghị tổng kết vừa tổ chức, Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã Điện Bàn khen thưởng 6 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI). Đây là nguồn động lực góp phẩn cổ vũ, động viên cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn thị xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phong trào, công tác hội trong thời gian đến
Thu Hằng
Vĩnh Điện là địa bàn trung tâm của thị xã Điện Bàn, có diện tích hơn 2 km2, dân số hơn 10 ngàn người. Đảng bộ có 11 chi bộ trực thuộc với 443 đảng viên, trên 460 đảng viên 213 đang công tác tại các cơ quan, đơn vị. Đây chính là nhân tố tích cực trong thực hiện các mô hình Dân vận khéo trên địa bàn. 15 năm qua, cấp uỷ Đảng từ phường đến khối phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện công tác dân vận và phong trào thi đua dân vận khéo trên các lĩnh vực. Gắn với triển khai thực hiện Kết luận 01 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các mô hình dân vận khéo trên địa bàn ngày càng đa dạng, phong phú và tạo sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng.
Hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2009 – 2024, UBMT phường đã vận động được gần 1 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới 24 ngôi nhà đại đoàn kết, trao 10 phương tiện sinh kế, mỗi phương tiện sinh kế từ 10 đến 15 triệu đồng; nhận đỡ đầu thường xuyên cho 2 em học sinh nghèo vượt khó và hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Các mô hình dân vận khéo trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh với các mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn – văn minh”, mô hình “Tôn giáo tham gia xây dựng đô thị văn minh” hay mô hình “Xây dựng tuyến phố văn minh, tuyến phố không rác…” đã đem lại nhiều kết quả đáng kể. Hằng năm, phường Vĩnh Điện có từ 12 đến 15 tuyến phố đạt tuyến phố văn minh.
Đặc biệt, Hội LHPN phường có nhiều mô hình hay, có sức lan toả mạnh mẽ không chỉ trên địa bàn phường Vĩnh Điện mà còn được nhân rộng trên địa bàn toàn thị xã. Đó là mô hình Mẹ đỡ đầu, bữa sáng san sẻ yêu thương. Mô hình được UBND tỉnh Quảng Nam, UBND Thị xã Điện Bàn tuyên dương, khen thưởng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Ngành dân vận 15.10 vừa qua. Dù mới phát động năm 2022 nhưng đến nay mô hình đã gây quỹ gần 150 triệu đồng, nhận đỡ đầu 102 lượt trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Cùng với đó, Hội LHPN phường Vĩnh Điện cũng đã thực hiện mô hình Việc làm nhỏ, công trình lớn; Mô hình Mỗi chi hội một xe thu gom rác thải tái chế, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Trong 5 năm, Hội gây quỹ gần 100 triệu đồng, trao 7 phương tiện sinh kế trị giá 69 triệu đồng, hỗ trợ sữa chữa nhà ở 2 hộ trị giá 20 triệu đồng; trao 1 công trình vệ sinh trị giá 10 triệu đồng.
Đặc biệt, phong trào thi đua dân vận khéo trong vận động nhân dân hiến đất mở đường, hiến tường rào cổng ngõ, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, chỉnh trang đô thị với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, 15 năm qua, nhân dân Vĩnh Điện đã hiến trên 8.100m2 đất, trị giá hàng tỷ đồng làm mới nhiều tuyến đường, tạo cảnh quan đường thông, hè thoáng, tuyến đường Sáng – xanh, sạch, đẹp như các tuyến đường Phan Thành Tài, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác…
Bên cạnh đó còn rất nhiều mô hình của Hội, đoàn thể phường ý nghĩa và hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Tổ thanh niên hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng” của Đoàn thanh niên; mô hình “Nhà tình thương” của Hội nông dân phường; mô hình nhận đỡ đầu học sinh khó khăn của Hội khuyến học phường…. Hay mô hình dân vận khéo trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” của lực lượng công an phường; phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Nhà nhà lắp đặt camera an ninh”, đến nay toàn phường có gần 100% hộ gia đình thực hiện…
Có thể khẳng định, trong những năm qua, phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn phường Vĩnh Điện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực sự đi vào đời sống xã hội và nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thu Hằng
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, qua 15 năm, cùng với sự phát triển chung của thị xã, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có các cấp Hội LHPN thị xã đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sát cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực gắn với nhu cầu của phụ nữ, nhiều mô hình dân vận khéo, cách làm hay được xây dựng, duy trì và nhân rộng có sức lan tỏa, thu hút hội viên, phụ nữ toàn thị xã, tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng thị xã ngày càng phát triển.
Hội LHPN thị xã triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nay là phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tập trung chỉ đạo triển khai thiết thực, phù hợp với đặc điểm từng địa phương trong thị xã. Những mô hình, điển hình trên các lĩnh vực, những cách làm hay, hành động thiết thực của cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng, nổi bật là Chương trình “Việc làm nhỏ - Công trình lớn” tại 100% Hội cơ sở, kết quả thu gom trên 1,916 tỷ đồng từ mô hình để tạo nguồn trao 251 phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; phát động Mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương”, thông qua hoạt động của Mô hình nhằm thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã, phường; đồng thời quảng bá, giới thiệu “Mì Quảng” - món ăn đặc sản của tỉnh Quảng Nam đến với cộng đồng. Đến nay 100% xã/phường và chi hội tổ chức với 258 điểm, số tiền thu được từ mô hình trên 2 tỷ đồng để thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, kết quả đã nhận đỡ đầu 228 em và trao 1.109 suất quà; tổ chức ra mắt Mô hình “Tổ phụ nữ xa quê” thu hút 122 chị em công nhân tại khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động phong trào công tác hội tại địa phương; phát động Phong trào “1000 Áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”, đã vận động trao tặng 1.420 bộ, mỗi bộ 300.000 đồng, đồng nghĩa có 1.420 chị em hội viên, phụ nữ khó khăn có trang phục áo dài mặc trong các sự kiện quan trọng, góp thêm thêm động lực giúp chị em vươn lên trong cuộc sống mưu sinh, tạo lập hạnh phúc cho bản thân, gia đình bền vững; tuyên truyền, tích cực vận động HPVN hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thời gian qua đã vận động được số tiền 1 tỷ 132 triệu đồng; phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Điện Bàn vì môi trường xanh” xây dựng Công trình “Tuyến đường hoa nông thôn mới kiểu mẫu” với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đến nay, Hội các cấp đã triển khai trồng 13.370 cây hoa, cây xanh trên 71 tuyến đường. Có 20/20 xã, phường tổ chức phát động phong trào "Chống rác thải nhựa", tổ chức hoạt động “Đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm gia dụng”; tuyên truyền và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Hội LHPN các cấp đã xây dựng nhiều công trình ý nghĩa thiết thực, tiêu biểu, triển khai phát động thực hiện mô hình “Nhà tôi đã phân loại rác”, kết quả có 55 mô hình, 1.782 thành viên, trao 1.324 thùng rác, tổng kinh phí thực hiện mô hình 286,32 triệu đồng; tổ chức các Cuộc thi viết “Sáng kiến, kinh nghiệm phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới”; “Tuyến đường Chi hội phụ nữ tự quản kiểu mẫu”; Các công trình/phần việc sáng tạo, tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Qua 15 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” Hội LHPN từ thị xã đến cơ sở đã thường xuyên học tập phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, lấy phụ nữ làm trung tâm để tổ chức các hoạt động, làm tốt các chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ; làm tốt các chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ, làm tốt cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với hội viên, phụ nữ. Chăm lo, xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết, có phong cách làm việc theo tư tưởng của Bác “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Bên cạnh những việc làm được, chất lượng một số phong trào hoạt động tính hiệu quả chưa thật sự bền vững; công tác tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tham gia các phong trào thi đua chưa thường xuyên, vẫn còn pha đợt, thiếu chiều sâu; số mô hình xây dựng thiếu tính bền vững; một số nơi, một bộ phận Hội viên phụ nữ chưa nhận thức được đầy đủ vai trò trách nhiệm, chưa phát huy tốt tinh thần tự giác trong tham gia thực hiện các mô hình.
Để phát huy kết quả đạt được trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung một số nhiệm vụ như thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về công tác Dân vận, kịp thời nắm tình hình, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết những nhu cầu nguyện vọng chính đáng của phụ nữ; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân vận trong các cấp Hội từ thị xã đến cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác Hội, gắn cải cách hành chính theo hướng phục vụ, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện, gần dân; nâng cao chất lượng cán bộ Hội gắn với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác dân vận để cán bộ Hội thực hiện tốt công tác vận động quần chúng; sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Huyền Chi
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2024, Đoàn trường THPT Phạm Phú Thứ đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thanh niên. Qua đó góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Đoàn trường đã tập trung tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh. Triển khai sâu rộng và hiệu quả các phong trào: Xung kích trong học tập; Xung kích tình nguyện xây dựng nhà trường xanh-sạch-đẹp, vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; Xung kích thực hiện cải cách hành chính... Bên cạnh đó, đoàn viên - thanh niên trường còn tham gia các chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, Đồng hành với thanh niên, học sinh trong học tập và phát triển tài năng; Đồng hành với thanh niên, học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng xã hội...
Tổ chức 5 buổi tuyên truyền với gần 4.000 lượt đoàn viên - thanh niên tham dự. Tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, tổ chức kết nạp đoàn viên mới. Ngoài ra, Đoàn trường còn đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các bản tin, trang facebook của Đoàn trường.
Điểm nổi bật là các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hình thành thói quen tốt trong môi trường học đường, ngoài xã hội và trên Internet cho học sinh; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của giáo viên. Vận động thanh niên trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội, trong học sinh.
Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 174 đoàn viên mới, có 7 đoàn viên ưu tú tham gia học lớp lý luận kết nạp đảng và có 6 đoàn viên được kết nạp vào đảng.Thực hiện Công trình thanh niên năm học với giàn đèn năng lượng mặt trời trị giá 21.000.000 đồng.
Có thể nói, thời gian qua tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứ luôn nêu cao vai trò xung kích, tình nguyện trên các lĩnh vực. Những công trình, phần việc được Đoàn trường phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực khi thu hút 100% đoàn viên - thanh niên tự nguyện tham gia. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm của đoàn viên - thanh niên đã được nâng cao, các bạn sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội thông qua những hoạt động thường ngày.
Không chỉ sôi nổi, hiệu quả trong các phong trào thanh niên, tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứcòn tham gia tích cực và đạt hiệu quả cao tại các hội thi trong học tập như: chi đoàn giáo viên có 3 đồng chí tham gia viết sáng kiến, 2 sáng kiến được Sở giáo dục công nhận đạt cấp cơ sở, 1 đồng chí tham gia ban cố vấn chương trình “Học trò xứ Quảng”, có 2 học sinh được Đoàn trường khen thưởng danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp trường. Các đoàn viên học sinh tham gia thi khoa học kỹ thuật cấp trường với 5 đề tài và có 2 đề tài được lựa chọn để tham gia thi cấp tỉnh. Kết quả 1 đề tài đạt giải ba, 1 đề tài đạt giải khuyến khích, tham gia thi “Học văn – văn học” cấp tỉnh đạt giải 3.Đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 13 giải 1 giải nhì, 5 giải ba, 7 giải khuyến khích.
Những kết quả đạt được trong thời gian là động lực để tuổi trẻ Trường THPT Phạm Phú Thứ tiếp tục xung kích, sáng tạo, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của nhà trường thời gian đến.
Với những thành tích khá ấn tượng đó, nhiệm kỳ 2024 - 2025, Đoàn trường THPT Phạm Phú Thứ tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội của nhiệm kỳ mới đề ra.
Mi Ni