0235.3867334
Vốn là một người yêu thích các loài cây cỏ, khao khát được đưa kiến thức mình đã được học ở trường Đại học áp dụng thiết thực trong cuộc sống, cô giáo Phạm Thị Tường Vy (khối 5 phường Vĩnh Điện- giáo viên dạy môn Hoá học tại trường THPT Nguyễn Khuyến) đã tạo ra những sản phẩm tinh dầu độc đáo từ thảo dược.
Gần 10 năm giảng dạy ở miền núi, cô giáo Tường Vy nhận thấy các xã biên giới Tây Giang có cây sả bản địa người dân thường gọi là sả Lào (sả Java) hàm lượng tinh dầu cao và rất thơm, nhiều công dụng quý. Hay như ở Mỹ Sơn - Duy Xuyên đã có nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu chổi, đây là loại tinh dầu quý có vị cay nồng, mùi thơm, có tính tán phong hàn, khai khiếu giúp tiêu hóa, thông huyết mạch, sát khuẩn. Điện Bàn trước đây cũng là nơi trồng và chiết xuất tinh dầu bạc hà Nam, có hàm lượng Methol cao nhất, với tác dụng dược lý cao. Nhận thấy Quảng Nam là một trong những vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nghề truyền thống chiết xuất tinh dầu từ các cây hương liệu bản địa nhưng chưa được khai thác và đầu tư đúng mức, cô giáo Tường Vy đã học hỏi, nghiên cứu các công thức để tạo ra những sản phẩm tinh dầu thiên nhiên mang năng lượng thuần khiết từ loại thảo dược bản địa ở Quảng Nam.
Là một giáo viên Hoá học và cũng là một người mẹ, cô hiểu được những lợi ích tuyệt vời của tinh dầu thiên nhiên với sức khoẻ như làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp ngủ sâu, hạn chế nấm vi khuẩn phát triển… Mảnh vườn nhỏ của gia đình trồng những loài cây như bạc hà, sả, bưởi… cùng với hiểu biết sâu về chưng cất, chiết xuất thảo dược, cô bắt tay vào việc chiết xuất tinh dầu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, cô chỉ mới có vài loại sản phẩm như tinh dầu bạc hà Nam, tinh dầu sả, tinh dầu Kim Sa Tùng (dầu chổi). Dần dà có kinh nghiệm, cô tìm tòi, nghiên cứu và cho ra thêm nhiều sản phẩm hữu ích, dễ sử dụng và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như nước rửa chén sinh học, tinh dầu đuổi côn trùng, tinh dầu quế, dầu tràm … Những mẻ đầu tiên cô nhận được nhiều lời khen về hương thơm và chất lượng, mọi người ủng hộ cô đưa sản phẩm ra thị trường. Từ động lực đó, cô quyết định sáng lập thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt, với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tinh dầu hoàn toàn nguyên chất. Cô còn tâm niệm rằng khi thương hiệu tinh dầu Anh Kiệt có chỗ đứng, cô sẽ liên kết với nhiều hộ nông dân để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình sang mô hình hợp tác xã nhằm tạo ra cộng đồng khởi nghiệp, cùng phát triển. Cô viết dự án “Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt - Nâng tầm giá trị nguồn hương liệu bản địa Quảng Nam” và tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2023, dự án của cô đạt giải khuyến khích “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Quảng Nam. Từ đó, cô mạnh dạn tham gia các hội chợ, sự kiện do thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng tổ chức và mở rộng thị trường của mình.
Không dừng lại ở những loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà, cô Tường Vy còn tìm kiếm những loại nguyên liệu quý ở vùng núi trong tỉnh. Tranh thủ những ngày nghỉ lên núi thu hoạch nguyên liệu, mê mẩn các loài cỏ cây, đêm về sau khi soạn bài giảng, tìm tòi cách thức chiết xuất tinh dầu sao cho tối ưu nhất để có được những giọt tinh dầu thơm ngát, cô giáo không ngừng học hỏi, không ngừng thử nghiệm. Mảnh vườn gia đình là nơi cho cô cảm giác bình yên và thư giãn, nhìn ngắm vẻ đẹp mộc mạc và tận hưởng hương thơm của cỏ cây, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh về lối sống gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Hiệu quả mô hình khởi nghiệp Anh Kiệt không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng các loài cây dược liệu bản địa cho người dân giúp khôi phục nguồn giống mà còn trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu ổn định tại địa phương. Tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt của cô giáo Tường Vy đã đạt giải nhất trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp của thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, giải khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo do sở KH-CN tỉnh Quảng Nam tổ chức, giải khuyến khích dạy và trưng sản phẩm stem khoa học do sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức.
Không chỉ làm kinh tế, cô giáo Tường Vy còn được nhiều người biết đến bởi các hoạt động thiện nguyện. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô dạy ở một trường THPT thuộc huyện miền núi Đông Giang. Học trò của cô là đồng bào Ca Dong, Cơ Tu, hoàn cảnh cơ cực nhưng rất ham học. Cô không quản ngại cách trở địa hình, khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sống để giúp đỡ các em. Sau 8 năm gắn bó với huyện vùng cao Đông Giang, cô Vy được chuyển về công tác tại trường THPT Nguyễn Khuyến. Mười mấy năm qua, cứ mỗi kỳ tuyển sinh là cô đi nhiều nơi để xin học bổng cho những học trò nghèo, dành thời gian để luyện thi đại học miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên quyên góp quần áo ấm, sách vở để sẻ chia với học trò vùng cao Đông Giang, tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ và trích tiền lãi từ bán tinh dầu giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Điện.
Huyền Chi
Trong hai ngày 22, 23/11/2024, Phòng Giáo dục và đào tạo thị xã tổ chức Hội thi “Bé tài năng – Sáng tạo” cấp học mầm non, năm học 2024 – 2025. Hội thi đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, hình thành năng khiếu và rèn luyện sức khoẻ cho trẻ.
Tham gia hội thi, 36 đội thi đến từ các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thị xã trải qua hai phần thi: bé tài năng và bé sáng tạo. Ở phần thi bé tài năng, trẻ thể hiện phần thi đồng diễn thể dục Aerobic theo nền nhạc phù hợp với độ tuổi của trẻ trong thời gian từ 3 đến 5 phút. Ở phần thi Bé sáng tạo, các bé thi vẽ tranh với chủ đề “Bé yêu biển đảo Việt Nam, Bé với an toàn giao thông, Bé yêu gia đình” trong thời gian từ 40 đến 45 phút.
Các đội thi có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung và hình thức thể hiện. Các tiết mục đặc sắc, dàn dựng công phu; nội dung đúng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi…Hội thi tạo cơ hội cho trẻ được giao lưu, trải nghiệm, bộc lộ hết khả năng của bản thân, góp phần nâng cao kỹ năng sống, mạnh dạn tự tin trong giao tiếp; đồng thời rèn luyện tố chất nhanh nhẹn, vui vẻ, khéo léo, chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ bước vào cấp tiểu học.
Hội thi lần này được phòng giáo dục – đào tạo thị xã tổ chức cho các trường tổng duyệt rồi mới thi chính thức. Các em tham gia hội thi thật sự giỏi tài năng, sáng tạo. Đồng diễn bài erobic đẹp, động tác đều và làm được tháp đẹp mắt. Phần sáng tạo thời gian 45 phút nhưng các bé đã vẽ đảm bảo theo yêu cầu, bố cục tranh hài hòa, tô màu đẹp. Tuy nhiên vẫn còn một vài bé chưa thật sự tự tin, bố mẹ và cô giáo phải theo xuống tận sân khấu. Hội thi rất thành công, Ban giám khảo chấm điểm khách quan công bằng; các trường được giao lưu cùng nhau và qua đó có kế hoạch chuẩn bị cho đơn vị mình ở các hội thi tiếp theo
Nội dung hội thi lần này đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục và phù hợp với đối tượng trẻ; tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các thí sinh tham gia ở các phần thi Bé tài năng, Bé sáng tạo. Trao giải toàn đoàn cho các đơn vị; trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về Trường Mẫu giáo Vĩnh Điện, Trường mẫu giáo Điện Minh và Trường mẫu giáo Điện An.
Thu Hằng – Tào Ka
Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam.
Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hoà bình, hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội chăm lo hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động trong phạm vi cả nước, theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ Hội và 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
Tại thị xã Điện Bàn, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ đã có tổ chức sâu rộng ở 20/20 xã phường, các trường học, bệnh viện nhằm làm cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Các chương trình, hoạt động của Hội ngày càng được đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, với phương châm do Trung ương Hội Chữ thập đỏ đề ra, đó là “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”. Nhiều mô hình hay, cách làm mới được áp dụng nhằm thu hút, tập hợp hội viên, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện công tác nhân đạo. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cá nhân nước ngoài đã liên hệ để thực hiện các chương trình, dự án ngày càng đông, góp phần rất lớn thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn thị xã. Có thể kể đến như Bệnh viện chuyên khoa SC Đà Nẵng đã gắn bó và thông qua Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ cho thị xã Điện Bàn hàng chục năm qua với 43 ngôi nhà nhân ái, hàng ngàn suất quà cho học sinh nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hàng ngàn xe lăn cho người khuyết tật, hằng năm tổ chức các chương trình khám chữa bệnh nhân đạo lên đến hàng trăm triệu đồng. Các dự án phòng chống thiên tai, chăm sóc người khuyết tật, giáo dục hòa nhập cho học sinh với kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm… Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Hội được đẩy mạnh, từ việc quản lý hội viên, tình nguyện viên, quản lý các địa chỉ nhân đạo, các địa chỉ dễ bị tổn thương, các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn do thiên tai… đã được cập nhật quản lý bằng công nghệ số. Các hoạt động huy động nguồn lực cũng được thực hiện với các ứng dụng như Tài khoản nhân đạo, chương trình “Triệu bước chân nhân ái để tích điểm quy đổi thành tiền hỗ trợ công tác nhân đạo”…
Việc huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn được thực hiện khá tốt, các nhà hảo tâm ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội Chữ thập đỏ, sẵn sàng đồng hành, giúp sức, để điều phối nguồn lực đến người dân một cách kịp thời, đúng đối tượng. Các cơ sở Hội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác nhân đạo trên địa bàn, Hội Chữ thập đỏ phường Điện Phương là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt công tác này.
Các chương trình nổi bật của Hội Chữ thập đỏ như “Tết nhân ái”, “Tháng nhân đạo”, công tác “Hiến máu tình nguyện” là những hoạt động tiêu biểu, với kết quả luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Hàng hàng người dân đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, hoạn nạn, hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đã ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân.
Có thể nói rằng, Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện và là điểm tựa để các hoàn cảnh khó khăn vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện nghiêm túc kết luận số 44 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 43 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, trong đó “Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh, tiến bộ xã hội của địa phương, đất nước”.
Thanh Tâm – Tào Ka
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ nào, phong trào ấy”câu nói đó luôn đúng với thực tế, nhất là đối với công tác phong trào tại khu dân cư. Bởi người đứng đầu là người đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi hội. Qua hoạt động của chi hội có thể thấy rõ nhất mối quan hệ giữa cán bộ với phong trào, ở đâu có phong trào mạnh ở đó có cán bộ giỏi. Một trong những cán bộ tiêu biểu, gương mẫu trong phong trào, công tác Hội của phường Điện Ngọc là Chị Đặng Thị Ngãi - chi hội trưởng Phụ Nữ khối phố Viêm Trung.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, chị Đặng Thị Ngãi sinh năm 1956 luôn sống có lý tưởng và nổ lực không ngừng để cống hiến sức mình cho quê hương, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ ông cha, trong đó có người thân trong gia đình.
Tham gia phong trào phụ nữ tại địa phương gần 25 năm nhưng ở cương vị nào chị Đặng Thị Ngãi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong quá trình làm chi hội trưởng Phụ nữ khối phố Viêm Trung chị đã có nhiều đổi mới và tiên phong trong nhiều hoạt động như: phong trào nuôi heo đất, phong trào góp vốn xoay vòng, thành lập CLB dân vũ, chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Mô hình “Ngôi nhà xanh” và gần đây nhất chị đã mạnh dạng vận động chị em tổ chức thành công chương trình Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Chung một tấm lòng” và bán nước gây nguồn quỹ. Tại chương trình đã trao tặng 20 Bảo hiểm An Bình Yên vui, trao thêm 1 em đỡ đầu số tiền 2 triệu, trao 12 suất quà tiếp sức học sinh đến trường, trao tặng 3 gia đình có người bệnh ung thư số tiền 17.900.000đ, tổng kinh phí trao tặng quà trong đêm văn nghệ 24.500.000đ. Đến nay, chi hội đã trao đỡ đầu 7 em mồ côi, trẻ em khó khăn tổng kinh phí 14.000.000đ. Ngoài ra, chị còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa “Nhà tôi đã phân loại rác”, chị vận động trao gần 200 thùng rác văn minh với tổng kinh phí 32.000.000đ, tất cả đã góp phần phát triển phong trào hội phụ nữ phường vững mạnh toàn diện trên tất cả các hoạt động phong trào.
Chị Đặng Thị Ngãi chia sẻ: “Để phong trào chi hội Phụ Nữ ngày một phát triển vững mạnh, chi hội cần bám sát chương trình hoạt động của hội Phụ nữ phường, sự chỉ đạo của Chi ủy, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh thực tế tại địa phương từ đó đề ra kế hoạch hoạt động của chi hội. Đặc biệt, chi hội phải quan tâm đến đời sống hội viên, hiểu rõ hội viên từ đó giúp đỡ kịp thời, tạo niềm tin cho hội viên, cùng hội viên phát triển phong trào”.
Với những cống hiến của mình chị Đặng Thị Ngãi vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung Ương Hội, Hội LHPN tỉnh, UBND thị xã, Hội LHPN thị xã, Hội LHPN Phường và nhiều bằng khen, giấy khen khác…
Chị Đặng Thị Ngãi - Chi hội trưởng phụ nữ khối phố Viêm Trung, phường Điện Ngọc luôn là tấm gương sáng để chị em học hỏi và noi theo.
Huyền Chi
Sáng ngày 15.11, UBND phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao công trình bể bơi phòng chống đuối nước trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống.
Phường Điện Thắng Trung là vùng trũng thấp, hầu hết các tuyến giao thông đều ngập nước khi có lũ về, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của học sinh là rất lớn. Do đó, việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường là vô cùng quan trọng.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí của UBND thị xã, nguồn tài trợ Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ giúp đỡ địa phương xây dựng bể bơi trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống cùng với nguồn đối ứng của ngân sách phường. Trong đó, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ 700 triệu đồng.
Công trình khởi công xây dựng từ tháng 5.2024 với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng 242 m2 với các hạng mục: Bể bơi chính gần 100m2, hệ thống nhà mái vòm, nhà tắm, phòng kỹ thuật, lối đi và sân khởi động.
Công trình hoàn thành góp phần giúp nhà trường có điều kiện rèn luyện thể chất, nâng cao sức khoẻ, trang bị kỹ năng bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh.
Thu Hằng
Hằng năm vào những ngày đầu tháng 11, không khí sôi nổi của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thị xã Điện Bàn được lan tỏa đến 140 thôn, khối phố. Năm nay, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức khoa học, nhiều hoạt động của phần lễ và phần hội đổi mới, đảm bảo thiết thực, ngắn gọn thật sự là dịp để tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay diễn ra từ ngày 3 đến ngày 18/11, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lâp Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và gặp mặt thân mật tại các khu dân cư.
Thời gian qua, công tác Mặt trận ngày càng được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thị xã được tăng cường và phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động và các chương trình phối hợp, liên tịch được triển khai đồng bộ, ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các hoạt động vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo được triển khai, bàn giao hơn 15 ngôi nhà đại đoàn kết, vận động giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hàng ngàn suất quà với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Quỹ người ngheo thị xã vận động được trên 1 tỷ đồng; vận động ủng hộ các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão số 3 trên 3 tỷ đồng.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là dịp để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết trong mỗi địa bàn khu dân cư. Tại thôn, khối phố, tổ đoàn kết, đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam, đánh giá kết quả tự quản của cộng đồng và công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, kịp thời khích lệ, động viên nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng.
Khối phố Tân Mỹ - phường Điện Minh là 1 trong 20 đơn vị được chọn chỉ đạo điểm của thị xã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay. Để Ngày hội được diễn ra thành công tốt đẹp, Ban công tác Mặt trận khối đã lên kế hoạch chuẩn bị cho phần hội và phần lễ chu đáo. Mặc dù thời điểm tổ chức ngày hội thời tiết không thuận lợi, mưa lớn nhưng không làm ảnh hưởng đến không khí của ngày hội, người dân khối phố tham dự đông đúc tạo thêm không khí vui tươi, đầm ấm.
Khu dân cư thôn Phú Văn - xã Điện Quang cũng là 1 trong những khu được chọn làm điểm để tiến hành tổ chức tại các khu dân cư còn lại. Không khí ngày hội càng trở nên khí thế và vui hơn khi thôn đạt nhiều thành tích cao sau 5 năm sáp nhập, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, bộ mặt khu dân cư ngày càng thay đổi và văn minh hơn.
Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết là kết quả của sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác mặt trận ở mỗi địa bàn khu dân cư. Đây là cơ sở huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh. Mỗi năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có nhiều đổi mới, thiết thực, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Những hoạt động cụ thể của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, còn tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân. Để Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng hiệu quả, thiết thực, thời gian tới, Mặt trận các cấp trên địa bàn thị xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng tổ chức. Chú trọng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tự quản, vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Mi Ni