0235.3867334

       Đoàn trường THPT Phạm Phú Thứ vừa tổ chức tập huấn kỹ năng công tác Đoàn cho bí thư các chi Đoàn trong toàn trường.
 
 
       Tại buổi tập huấn, các bí thư được thầy Trần Văn Thanh - Bí thư Đoàn trường hướng dẫn kỹ năng công tác Đoàn trong việc chuẩn bị hồ sơ chi đoàn; hướng dẫn viết và nhận xét trong sổ đoàn; kiểm tra hồ sơ, sổ chi đoàn; đồng thời quán triệt tổ công nghệ số và bí thư chi đoàn trong việc thực hiện các thao tác trên phần mềm quản lý đoàn viên với các nội dung: kết nạp đoàn viên mới, chuyển sinh hoạt đoàn về nơi cư trú, đánh giá chương trình rèn luyện đoàn viên, đăng ký và đánh giá chương trình rèn luyện cho đoàn viên mới, đánh giá đoàn viên cuối năm và đoàn viên ưu tú kết nạp đảng.
       Lớp tập huấn đã giúp các thủ lĩnh nắm vững hơn về công tác quản lý hồ sơ, sổ sách và công tác quản lý đoàn viên trên phần mềm công nghệ số.
Mi Ni

       Sáng ngày 3/5, UBMT phường Điện Dương tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Đinh Thị Thảo, khối phố Hà Bản. Dự lễ bàn giao có ông Nguyễn Ngọc Duyên - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND phường; ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBMT phường.
 
 
       Bà Đinh Thị Thảo là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của khối, hiện sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nhưng không có điều kiện để xây mới hoặc sửa chữa lại. Trước hoàn cảnh của gia đình, UBMT phường trích Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ bà 30 triệu đồng để sửa chữa. Sau thời gian thi công, ngôi nhà đã hoàn thành và tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng.
 
 
       Tại buổi lễ bàn giao, lãnh đạo địa phương và khối phố chúc mừng gia đình bà và mong muốn gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời tặng gia đình những món quà ý nghĩa. Đây là một trong những công trình được UBMT phường thực hiện nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. 
Mi Ni

Chị Lại Thị Vi Anh - giáo viên trường THCS Lê Đình Dương, Chủ nhiệm CLB “Nồi cháo yêu thương” là một trong những gương điển hình về hoạt động từ thiện nhân đạo và nuôi dạy con tốt.

         Trên cương vị chủ nhiệm CLB, chị được chị em tin tưởng và tín nhiệm. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, trước những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, người già cả, neo đơn không nơi nương tựa đang rất cần  sự cưu mang, giúp đỡ, động viên và chia sẻ của cộng đồng xã hội, chị Vi Anh luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ họ vượt qua số phận, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Nhận thấy một mình thì không thể giúp đỡ được nhiều người mà cần phải có sự giúp đỡ của cả tập thể, từ đó chị đã vận động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo chị em phụ nữ cùng chung tay làm công tác từ thiện - nhân đạo. Chị đã vận động các thành viên trong Câu lạc bộ tự nguyện tổ chức các bữa cháo từ thiện. Trong suốt 3 năm qua, mỗi tháng 2 lần vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, chị cùng chị em nấu cháo và mang đến từng nhà cho các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần thương người như thể thương thân, chị và các thành viên trong CLB thường xuyên thăm hỏi những chị em lúc ốm đau, bệnh tật, động viên chia sẻ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.

          CLB “Nồi cháo yêu thương” đã hai lần tổ chức thăm Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức, tặng quà và các nhu yếu phẩm cần thiết cho các cụ tổng trị giá trên 20 triệu đồng. Năm 2023, Câu lạc bộ đã kết nối nhóm thiện nguyện tại Hồ Chí Minh trao tặng 6 xe lăn, mỗi xe trị giá 1 triệu bảy trăm ngàn đồng và nhiều hoàn cảnh khác. Những việc làm của CLB “Nồi cháo yêu thương” tuy không lớn lao nhưng mà chị và các thành viên đã cố gắng thực hiện trong khả năng của mình với mong muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

         Ngoài ra, chị là người vợ, người mẹ chăm lo chu toàn cho gia đình. Hai con của chị rất chăm ngoan, học giỏi. Hiện nay một cháu đang học đại học năm thứ nhất ở Đà Nẵng, 1 cháu học lớp 9 trường THCS Lê Đình Dương. Gia đình chị luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, luôn sống hòa đồng với tất cả các chị em, bà con hàng xóm. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo,xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Lê Thị Anh quê khối Quảng Hậu Đông, phường Điện Nam Trung đã không ngại khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thu nhập 200 triệu đồng/năm, đồng thời chị còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN phường Điện Nam Trung, là tấm gương để các chị em học tập và làm theo.

          Những ngày đầu với dự định mở tiệm bánh kem, vợ chồng chị đã gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm cao chị đã vay ngân hàng chính sách xã hội thị xã Điện Bà do Hội LHPN phường nhận ủy thác để  mở cơ sở làm bánh kem. Hai năm sau, chị tiếp tục mở thêm 1 tiệm bánh tại phường Điện Dương, nhờ đó mà kinh tế chị khấm khá hơn, gia đình có điều kiện nuôi 2 cháu ăn học được đầy đủ.

         Không những đảm việc nhà, chị Anh còn là một hội viên phụ nữ tiêu biểu rất tích cực tham gia các phong trào do Hội LHPN phường Điện Nam Trung phát động và còn tích cực vận động phụ nữ trong chi hội tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Hàng tháng chị đều vận động chị em tham gia vệ sinh tuyến đường tự quản của phụ nữ. Bận rộn với công việc phát triển kinh tế gia đình vào ban ngày nhưng tranh thủ buổi tối chị luôn tích cực tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cùng các chị em chi hội, mỗi khi có hội diễn chị đều tham gia đóng góp những tiết mục văn nghệ xuất sắc. Ngoài ra, chị còn đóng góp kinh phí và vận động mạnh thường quân hỗ trợ để đến vùng cao tặng quà, nấu những bữa ăn có thịt cho bà con và trẻ em đồng bào vùng cao, mỗi năm chị tổ chức từ 4 đến 5 chuyến. Chính từ sự năng động, nhiệt tình với các hoạt động của chi hội và Hội LHPN phường mà chị Anh luôn được nhiều người quý mến.

          Tại thôn Thái Cẩm, xã Điện Tiến, chị Nguyễn Thị Linh - chi hội phó phụ nữ rất nhiệt tình với công tác xã hội, trong công tác phụ nữ chị luôn là cán bộ hội xuất sắc. Không những làm cán bộ hội năng nổ, nhiệt tình mà chị còn làm kinh tế giỏi, tiếp cận công nghệ 4.0 bán hàng qua mạng. Tranh thủ thời gian, chị nuôi 3 con bò, 10 con heo và chăm sóc cha mẹ chồng. Với chừng ấy công việc, vợ chồng chị sắp xếp khoa học để dành thời gian chăm sóc cho con. Chị là cánh tay phải đắc lực của chi hội trưởng, góp phần xây dựng phong trào chi hội trong những năm qua đạt kết quả vượt bật, dẫn đầu toàn xã. Chị thường xuyên cùng với chi hội đứng ra vận động, kêu gọi quyên góp để giúp đỡ chị em gặp hoạn nạn. Với số tiền tiết kiệm có được, chị không ngần ngại giúp cho chị em hội viên phụ nữ nghèo khó khăn mượn không lấy lãi để có vốn làm ăn, động viên chị em khó khăn. Ngoài ra, chị còn tham gia tổ hoà giải và đã hoà giải nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn về sống lại với nhau, trong thôn xóm có gia đình nào nợ nần dây dưa chị trực tiếp đến vận động để họ nhận thức được và có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước.

          Với nhiều người ở độ tuổi là lúc được nghỉ ngơi, an dưỡng, vui vầy bên con cháu nhưng với một nữ cựu thanh niên xung phong của một thời thì bà Lê Thị Ánh, tổ phó tổ phụ nữ số 13 thuộc chi hội  phụ nữ khối Hà My Trung, phường Điện Dương dù đã 70 tuổi vẫn sốt sắng tham gia công tác xã hội. Bà sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, là em gái út trong gia đình có 4 anh chị em tham gia kháng chiến, 3 người đã hy dinh, bà sống sót trở về mang trong người không biết bao nhiêu vết tích của chiến tranh.

          Vừa bước sang tuổi 15, bà đã tham gia công tác cơ sở Điện Dương, Quận 3 - Đà Nẵng và ngược lại, làm giao liên, vận chuyển tài liệu từ vùng giải phóng ra vùng địch. Đến năm 1972, bà thoát ly, là đại đội phó đại đội 3 Ban giao vận Quảng Đà. Năm 1977 bà được cử đi học và về công tác tại Ngân hàng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và sau đó chuyển về làm trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Điện Bàn. Năm 1990 bà nghỉ hưu nhưng với tinh thần nhiệt huyết  vẫn tiếp tục tham gia công tác các phong trào ở địa phương. Hiện bà đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong của phường. Ngoài ra, bà còn đảm nhận tổ phó tổ phụ nữ số 13 của chi hội Hà My Trung, luôn quan tâm đến đời sống của hội viên phụ nữ trong khối phố, vận động hỗ trợ những hội viên phụ nữ ốm đau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dịp Tết, bà rà soát những chị em hội viên già yếu, neo đơn không nơi nương tựa, ốm đau thường xuyên để tặng quà từ 10 đến 15 suất, mỗi suất 300.000đ. Ngoài ra bà tích cực tham gia mọi phong trào ở khu dân cư, phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. 

          Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, viên chức Trạm y tế xã Điện Phong là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Gắn bó với nghề hơn 6 năm qua, dù ở đơn vị nào chị luôn thể hiện được phẩm chất đáng quý của một người viên chức, khẳng định được năng lực, uy tín của mình trước tập thể cán bộ, viên chức của Trạm. Chị cùng các bộ, viên chức của Trạm, Ban Chấp hành công đoàn luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, viên chức, xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao chất lượng của Trạm. Dù bận rộn với công việc, nhiệm vụ được giao nhưng chị luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý cho việc chung, việc riêng, có kế hoạch làm việc khoa học. Không chỉ giỏi việc Trạm, chị còn là người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình, luôn đồng hành cùng chồng chăm lo cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc hai con chăm ngoan, học giỏi. Bên cạnh đó, chị còn được nhiều người biết đến bởi sự gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương. Trong sinh hoạt chi hội phụ nữ, chị luôn nhiệt tình và không ngại ngần chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Chị còn là thành viên nòng cốt trong các hoạt động văn hóa- văn nghệ- thể thao của chi hội thôn và của hội phụ nữ xã, tích cực vận động các chị em tham gia tập luyện và đạt kết quả cao trong các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ do cấp trên cũng như Hội Phụ nữ xã tổ chức. Ngoài ra, chị vận động chị em phụ nữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm nơi ở bằng cách cùng chị em trong làng quét dọn đường làng, trồng hoa trên các tuyến đường ở khu dân cư, tích cực hưởng ứng trong xây dựng KDC Nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Ngoài việc ở Trạm, chị còn là một hội viên tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế gia đình. Hằng ngày, mỗi sáng chị thức dậy lúc 3 giờ sáng để cơm cuộn, làm bún mắm. Những ngày cuối tuần, chị còn làm vườn, trồng hoa, bán các loại hàng nông sản, hàng gia dụng, trái cây nên kinh tế của chị khá ổn định.

          Tất cả các cô, các chị đều có một điểm chung là dù thành công đến đâu nhưng bước về nhà là về với những yêu thương, luôn là ngọn lửa sưởi ấm trong từng ngôi nhà.

Huyền Chi

Với nhiều hoạt động thiết thực hướng mạnh về cơ sở, thời gian qua, các cấp công đoàn tại thị xã Điện Bàn đã phát huy hiệu quả vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và người lao động (NLĐ). Qua đó, góp phần giúp đoàn viên công đoàn và NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và địa phương. Các phong trào thi đua được tổ chức công đoàn các cấp trên địa bàn thị xã phát động, triển khai sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, địa phương

        Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp công đoàn thị xã tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Trong đó nổi bật, Công đoàn thị xã đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, chương trình phúc lợi, trao tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn..., góp phần giúp đoàn viên công đoàn, người lao động an tâm lao động, ổn định đời sống, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và địa phương.

      Trong dịp tết nguyên đán Giáp Thìn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã đã hướng dẫn đoàn viên, NLĐ sử dụng thẻ tín dụng của HD SAISON mua hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử trong Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”. Tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ", tại chương trình, LĐLĐ thị xã đã trao 507 suất quà mỗi suất trị giá từ 500.000đ đến 700.000đ cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 30 suất quà cho các cháu con đoàn viên, NLĐ bị bệnh tật có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ là 357 triệu đồng.

         Ngoài các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ thị xã còn tổ chức hiệu quả Tháng Công nhân. Nhân Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023, LĐLĐ thị xã tổ chức Chương trình trao quà cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; bệnh hiểm nghèo; trao kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 6696 của Tổng Liên đoàn cho đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, ngưng việc, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng lao động với tổng số tiền 745,5 triệu đồng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 2 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 80 triệu đồng cho 2 đoàn viên chưa có nhà ở; Thăm và trao 29 suất quà, mỗi xuất 500.000đ cho con của đoàn viên, CNVCLĐ bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Xét và đề nghị LĐLĐ tỉnh trao học bổng cho 10 cháu là con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi xuất 1 triệu đồng. Lập hồ sơ đề nghị LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 31 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền 31 triệu đồng.

        Theo Ban Thường vụ LĐLĐ thị xã, thời gian tới, LĐLĐ thị xã tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao hơn nữa công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; có kế hoạch giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đoàn viên và tăng cường đoàn kết, tập hợp công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Cụ thể, trong Tháng Công nhân năm nay, với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp, LĐLĐ thị xã tập trung tổ chức các hoạt động, như: Các cấp công đoàn cùng tham mưu, đề xuất, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động các cấp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên công đoàn, người lao động … Song song với đó, LĐLĐ thị xã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong ĐVCĐ, công nhân, viên chức, lao động về nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và nghị quyết đại hội công đoàn thị xã nhiệm kỳ 2023 – 2028.

         Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến, Liên đoàn lao động thị xã tiếp tục đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo đời sống của đoàn viên và người lao động; đổi mới việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tổ chức tốt các hoạt động Tháng công nhân; duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào.

Mi Ni

Nhiều người dân khối phố 7B phường Điện Nam Đông chắc hẳn biết chủ Hiệu thuốc tây Hùng Ngân là chị Trần Thị Kim Ngân – một người khuyết tật nhưng đã vươn lên làm kinh tế, tham gia tích cực các hoạt động, phong trào ở địa phương.

        Chị Ngân quê huyện Quế Sơn, theo chồng về sinh sống tại Điện Nam Đông. Dù bản thân khuyết tật (vẹo chân, đi lại rất khó khăn) nhưng bằng nghị lực vượt khó, chị đã chọn cho mình một nghề phù hợp nên khi về nhà chồng chị đã tự lập thuê một quầy nhỏ ven đường để mở quầy thuốc tây lấy bảng hiệu Hùng Ngân - tên của hai vợ chồng. Thời gian đầu rất khó khăn về vốn, hơn nữa chưa quen với cuộc sống mới, nhưng với sự chịu thương chịu khó, thân thiện với mọi người xung quanh kể cả khách vãng lai khi đặt chân đến quầy của chị nên ai cũng yêu thương quý mến, luôn tạo điều kiện cho chị trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ khi Hội LHPN phường tạo điều kiện cho chị vay vay ngân hàng chính sách 20 triệu đồng, chị có thêm vốn phát triển quầy thuốc, có thêm nhiều sản phẩm tại quầy, đa dạng hóa các mặt hàng phù hợp. Với ý chí, nghị lực của chính mình, chị không ngừng học hỏi, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao tay nghề ngày một nâng lên, đến nay quầy thuốc của chị ngày một khang trang hơn, phát triển hơn. Chị là điểm tựa tinh thần vững chắc cho gia đình, chị dành thời gian nuôi dạy con nên các con của chị tuy nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, luôn hiếu thảo với ông bà, ba mẹ, chăm ngoan học giỏi. Kinh tế ngày càng vững, chị mua được đất và xây dựng nhà cửa khang trang hơn, quầy thuốc của chị lớn hơn, không còn thuê đất để mở quầy và đã hoàn trả khoản vay cho ngân hàng chính sách, cùng chồng xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

        Trong những năm qua, Hội LHPN phường Điện Minh luôn tuyên truyền, vận động các chị em phụ nữ phường hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và thực hiện tốt nhiệm vụ “ Vận động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”. Đặc biệt Hội luôn hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho các chị em hội viên phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn muốn vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó xuất hiện nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, chị Lê Thị Khéo, sinh năm 1973 ở khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh là người khuyết tật nhưng trở thành tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do ba mẹ làm nông nên thu nhập không được ổn định, thường xuyên thiếu trước hụt sau. Bản thân chị bị khuyết tật ở chân,việc đi lại rất bất tiện, khó khăn nhưng chị vẫn thường xuyên phụ ba mẹ làm việc nhà, chăm sóc em út nên chị luôn có tính tự lập từ nhỏ. Năm 38 tuổi, trong một dịp tình cờ chị gặp được anh Lê Vấn, cũng là người khuyết tật như chị. Từ đó cả hai nên duyên và kết hôn vào năm 2012.

         Trước đây, công việc của chị là phụ bán băng đĩa với nguồn thu nhập  thấp. Rồi vợ chồng anh chị chào đón được đứa con gái đầu lòng, anh chị phải thuê một căn phòng nhỏ ở khối 4, phường Vĩnh Điện, khó khăn chồng chất khó khăn. Năm 2013, Hội LHPN xã Điện Minh (nay là phường Điện Minh) mời vợ chồng anh chị tham gia CLB “Phụ nữ khuyết tật”. Nhận thấy công việc cuộc sống hiện tại chưa được ổn định, nếu cứ tiếp tục phụ bán, làm công ăn lương thì mức thu nhập lo cho cuộc sống gia đình không đủ. Vì vậy, chị đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp, tự mình làm chủ. Từ đó chị chuyển sang làm nghề vàng mã với mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, mức vốn đầu tư thấp. Thời gian đầu, công việc của chị không được thuận lợi lắm. Do chị mới khởi nghiệp, còn thiếu kinh nghiệm trong nghề  nên chị phải vừa học hỏi kinh nghiệm với những người lành nghề nhiều năm, vừa phải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nhưng nhờ cần cù, chịu khó nên chị học hỏi rất nhanh, đồng thời chị còn được sự quan tâm từ Hội phụ nữ, Hội người khuyết tật phường tạo điều kiện cho vợ chồng anh chị tham gia nhiều lớp tập huấn liên quan đến phát triển kinh tế, chế độ chính sách cho người khuyết tật. Do vậy, chị nhanh chóng học được cách làm hàng đẹp, tinh xảo cũng như cách đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Sau nhiều năm hoạt động, sản phẩm của chị được nhiều người buôn bán tin tưởng và ủng hộ nhờ sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng. Nhờ vậy mà việc kinh doanh của chị ngày càng phát triển và quy mô thị trường được mở rộng hơn. Từ đó kinh tế gia đình chị cũng được cải thiện hơn. Ngoài ra, chị còn làm thêm bánh kẹo mứt gừng để bán trực tiếp và bán online. Được ba mẹ cho đất, vợ chồng chị xin ra ở riêng và đã xây nhà sau bao năm vất vả cố gắng dành dụm. Dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn thường xuyên tham gia các phong trào công tác Hội khuyết tật và Hội phụ nữ ở khối phố, ở phường. Năm 2015, Hội LHPN thị xã Điện Bàn khen tặng Ban chủ nhiệm CLB “ Phụ nữ tự lực” xã Điện Minh đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2010-20150). Năm 2022, vợ chồng anh chị được Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam khen tặng đã có thành tích xuất sắc vượt khó, vươn lên, gìn giữ, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

          Thật đáng trân trọng tấm gương vượt khó của các chị, nếu người bình thường làm kinh tế nỗ lực một thì những phụ nữ khuyết tật phải nỗ lực hơn rất nhiều lần để tư chủ về kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống gia đình và tham gia các phong trào của hội cũng như địa phương.

Huyền Chi

Chùa Ngọc Châu thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ cũng không ngoài lý tưởng phụng sự đạo pháp, sống tốt đời đẹp đạo, chung tay đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế, bảo vệ môi trườngvới phương châm “ Đạo pháp, Dân tộc, Xã hội Chủ nghĩa”.

            Ngoài việc quản lý phát triển tự viện, từ thiện giúp đời là những hoạt động đạo đức mang tính tích cực, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật. Trong đời sống thường nhật, chùa Ngọc Châu luôn luôn tuyên truyền, vận động Đạo hữu, Phật tử nêu cao lòng yêu nước, tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Hằng năm, vào các dịp tết Nguyên đán, lễ Phật đản, lễ Vu lan, hay những lúc thiên tai, bão lụt chùa Ngọc Châu đã đứng ra vận động quyên góp, hỗ trợ nhiều xuất quà chia sẻ cùng bà con có hoàn cảnh khó khăn, những người tàn tật, các cụ già neo đơn ..., chùa cũng đóng góp vào quỹ khuyến học của xã nhà, khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo vượt khó được đến trường, tổ chức lễ hội trăng rằm và phát quà trung thu cho các cháu thiếu nhi tại chùa mỗi năm mùa trung thu đến.

           Với mô hình nuôi heo đất làm từ thiện, trong những năm qua, chùa Ngọc Châu đã chung tay cùng Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam xã Điện Thọ xây dựng 7 ngôi nhà Đại Đoàn Kết và 2 công trình nhà vệ sinh tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, mỗi tháng chùa cũng đang duy trì thực hiện chương trình “Bếp cơm tình thương”chia sẻ cùng bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam. Chùa Ngọc Châu luôn luôn hướng dẫn Đạo hữu, Phật tử tín đồ nếp sống, đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động văn hóa văn nghệđoàn kết các tôn giáo như liên hoa văn nghệ các cơ sở tôn giáo do Ủy Ban MTTQVN xã tổ chức. Hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, tang lễ, thực hiện tốt quy ước khu dân cư, sống hòa thuận đoàn kết trong cộng đồng, chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, lắp đặt hệ thống camera quan sát ... góp phần quan trọng vào thành tựu chung của xã nhà. Là một cơ sở tôn giáo, chùa Ngọc Châu không chỉ tuyên truyền, vận động phật tử “sống tốt đời đẹp đạo”, giáo dục nâng cao nhận thức của Đạo hữu Phật tử, mà còn đóng góp vai trò tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Vì thế, chùa Ngọc Châu tuyên truyền vận động bà con phật tửcủa mình,mỗi người nên bắt tay vào việc chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống bằng những việc làm thiết thực, theo tinh thần tự giác như: phân loại rác thải, không xả rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Cuộc sống sản xuất hằng ngày của từng gia đình Đạo hữu nên thân thiện với môi trường, cải thiện môi trường sống. Nhờ đó, hệ sinh thái được cân bằng, giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.

           Trong thời gian tới, chùa Ngọc Châu tiếp tục chú trọng nâng cao trách nhiệm của một tổ chức Phật giáo đối với đời sống xã hội, sẽ tập trung hưởng ứng nhiều phong trào như: đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ đồng bào nghèo, hỗ trợ quỹ khuyến học, xây dựng nhà Đại đoàn kết … Đồng thời, chùa cũng hướng dẫn, giáo dục, định hướng cho thanh thiếu nhi Phật tử về những giá trị đạo đức truyền thống và lối sống tích cực, lành mạnh, đặc biệt là ý thức, thái độ trong việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quang môi trường.

Mi Ni

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Điện Phong. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong các phong trào tại địa phương, điển hình có chị Nguyễn Thị Xuyến là hội viên chi hội phụ nữ thôn Cẩm Đồng.

       Chị Nguyễn Thị Xuyến được mọi người đều quý mến bởi chị vừa đảm việc nhà lại giỏi giang việc nước. Với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn gương mẫu, nhiệt tình, đi đầu tham gia các phong trào, cương vị nào chị cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, gia đình chị luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, sống đoàn kết, hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, góp phần tích cực cho phong trào xây dựng nếp sống văn hoá tại địa phương. Dù công việc bận rộn, vất vả nhưng chị Xuyến vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Đảm nhận tổ trưởng tổ tiết kiệm vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, vừa làm công tác xã hội vừa tham gia hoạt động lao động sản xuất phát triển kinh tế, chị đều hoàn thành tốt các công việc được giao.

        Với chị, việc học tập và làm theo Bác chỉ có ý nghĩa bằng những việc làm cụ thể đó là phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương. Trong phát triển kinh tế, chị đi đầu trong công tác vận động chị em thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham gia các loại hình tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế. Tổ tiết kiệm vốn vay ngân hàng chính sách xã hội do chị quản lý trên 1,8 tỷ đồng với 46 thành viên giúp cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay để sản xuất chăn nuôi tạo việc làm tăng thu nhập.

        Năm nay đã trên 60 tuổi nhưng chị vẫn luôn nhiệt tình đối với công tác phụ nữ. Với kinh nghiệm của cán bộ hội đi trước, chị luôn truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ cán bộ chi tổ hội vận động, tuyên truyền hội viên phụ nữ tham gia tốt các hoạt động phong trào của hội. Không chỉ nhiệt tình, hăng hái trong mọi hoạt động ở địa phương, đối với gia đình chị Xuyến luôn có ý thức  và trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người bà để xây dựng gia đình mình thật sự ấm no, hoà thuận, bình đẳng và hạnh phúc. Trong nhiều năm liên tục, gia đình chị luôn đạt gia đình văn hoá tiêu biểu. Chị xứng đáng là tấm gương sáng tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Huyền Chi

Ngày đó, chúng tôi cũng chỉ muốn lên tình nguyện vùng cao cho biết và duyên số khi cả hai gặp nhau trên Tây Nguyên. Mỏi rã rời nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ, đen nhẻm vì cuộc sống thiếu thốn của những đứa nhỏ miền núi thì chẳng đành lòng. Và điều đó thôi thúc chúng tôi quay trở lại những mảnh đất núi rừng gian khó:

      Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1994, phường Điện An) hồi tưởng về mối duyên vợ chồng và lý do khởi nguồn cho hành trình thiện nguyện xuyên suốt về sau này. Sau ngày cưới, cả 2 cùng nhiều “đồng đội” trèo đèo lội suối, dấu chân họ in khắp nẻo các nóc làng ở Trà Vinh, Trà Tập, Trà Cang, Trà Don, Trà Nam … huyện Nam Trà My.

      Oanh cho biết, những năm dịch dã đã giãn cách 2 tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, các thành viên xứ Quảng chẳng thể cùng hoạt động với các thành viên ở Đà Nẵng nên họ đành lòng tạm phân chia, thành lập CLB thiện nguyện Điện Bàn để hoạt động trong phạm vi tỉnh Quảng Nam. Khi dịch được dập tắt, CLB hướng mục tiêu giúp đỡ đến các trẻ em vùng cao. Trước mỗi chuyến lên Nam Trà My, Tây Giang …CLB sẽ lên kế hoạch, tổ chức kêu gọi những người quen hỗ trợ xe bán tải, bánh kẹo, áo quần, thực phẩm … Mỗi tháng sẽ có từ 1 đến 2 chuyến đi như vậy để không chậm trễ các món quà của những người hảo tâm. “Khi đã có đủ để hỗ trợ thì chúng tôi lên đường. Điều khó nhất là nhiều nóc làng phải lội bộ nhiều giờ đồng hồ mới tới nhưng đi mải miết và quen. Với nghĩ đến chuyện mình sẽ mang đến điều tốt đẹp cho trẻ em miền núi là quên hết mệt mỏi để bước tiếp”. Ngoài những chuyến đi thiện nguyện, mỗi khi có ai đó hỗ trợ quần áo, sách vở với số lượng nhỏ thì vợ chồng Nguyễn Thị Kim Oanh ngay lập tức kết nối với chính quyền địa phương, các thầy cô giáo ở Nam Trà My để gửi xe chuyển lên. 

       “Chúng tôi chỉ là “shipper” mang các tấm lòng tốt của các nhà hảo tâm lên với trẻ em vùng cao mà thôi. Không có tài chính để đảm đương thì mình dùng tấm lòng chân thật, minh bạch của mình để kêu gọi hỗ trợ. Chỉ mong sao được các nhà hảo tâm gửi gắm để những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi và chân cứng đá mềm để vợ chồng tôi mang đến những điều tốt đẹp cho các cháu nơi núi cao”.

       Lúc chia tay, người phụ nữ phúc hậu Nguyễn Thị Kim Oanh kể thêm, rằng cô ấy đang mang thai nên tạm gác chuyện đi thiện nguyện cùng chồng. “Nhưng khi con cứng cáp, chúng tôi sẽ dắt con theo để mong mỏi khi lớn lên cháu biết yêu thương mọi người và để tiếp nối hành trình làm việc thiện khi vợ chồng tôi không còn đủ sức cho những chuyến lên vùng cao”.

Thu Hằng

       Chi hội CCB khối phố Phong Lục Tây hiện có 39 hội viên;phần đônghội viên trưởng thành từ trong kháng chiến, đến nay đa số các đồng chí tuổi cao, già yếu. Trong thời gian qua, chi Hội đã đoàn kết tập hợp chăm lo xây dựng chi hội trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

       Trong sinh hoạt định kỳ hàng tháng, chi Hội thường xuyên nắm vững tình hình chính trị, chủ động dự báo kịp thời định hướng tư tưởng cho toàn hội viên trước những diễn biến phức tạp, những vấn đề bức xúc của tình hình kinh tế, chính trị xã hội trong và ngoài nước, tạo sự đồng thuận và nhất trí trong toản chi hội. Kiên quyết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình" “ Bạo loạn lật đổ” và các quan điểm, hành động chống phá của các thể lực thù dịch. Chính vì vậy, tình hình chính trị tư tưởng trong toàn chi hội luôn ổn định, 100% hội viên trong chi hội hoàn thành tốt các nghĩa vụ của công dân, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, không có hội viên vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Chi hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng kết nạp mới 15 hội viên. Cùng với việc làm tốt công tác phát triển hội viên, chi hội luôn duy trì nghiêm nề nếp sinh hoạt định kì hàng tháng và đột xuất. Hằng năm, chi Hội có trên 98% hội viên đạt CCB gương mẫu và gia đình văn hóa.

       5 năm qua, thực hiện nghị quyết đại hội Hội CCB phường, toàn chi hội đã luôn giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới khắc phục khó khăn, triển khai nhiệm vụ toàn diện, hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Chi hội vận động hội viên góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện nay chi hội không có hộ nghèo – cận nghèo, làm tốt công tác phát triển hội viên. Xây dựng quỹ hội luôn vượt chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội CCB phường đề ra.  Trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh”, chi hội CCB đã gương mẫu đi đầu trong công tác vận động nhân dân cùng thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên di dời tường rào cổng ngõ để mở rộng đường từ 3m lên 9m, nhân dân đã di dời tường rào cổng ngõ và hiến 1.200m đất mở đường, trong đó hội viên CCB hiến 649m2 đất; Vận động Nhân dân xây dựng lại tường rào cổng ngõ với giá trị ước tính 1 tỷ 585 triệu đồng. Bắt điện đường chiếu sáng giao thông, vận động Hội viên bắt camera giám sát an ninh tại các điểm trọng điểm về ANTT.

       Với những kết quả mà chi hội CCB khối phố Phong Lục Tây đạt được trong thời gian qua đã được BCH Hội CCB phường Điện Thắng Nam xét công nhận chi hội đạt TSVM xuất sắc tiêu biểu 5 năm liên tục và dẫn đầu toàn phường, được Hội CCB thị xã Điện Bàn khen thưởng.

Mi Ni

       Sáng ngày 27/4, tổ y tế CLB Liên thế hệ tự giúp nhau Khối phố 3 phường Vĩnh Điện tổ chức khám bệnh miễn phí và tặng quà cho các người cao tuổi khó khăn, khuyết tật, neo đơn trên địa bàn.
 
Tổ y tế tổ chức khám bệnh miễn phí cho các cụ cao tuổi
 
       Tại đây, hơn 50 cụ cao tuổi được đội ngũ y, bác sỹ là các thầy thuốc tình nguyện của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đo huyết áp, khám các bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Các cụ còn được các y, bác sĩ tư vấn về cách giữ gìn sức khoẻ, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để sức khỏe mau hồi phục, hạn chế được các chứng bệnh thường gặp. Những trường hợp bệnh nặng được các bác sĩ giới thiệu đến bệnh viện để kịp thời chữa trị. 
       Dịp này, CLB đã trao tặng 2 phần quà cho 2 cụ có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn trên địa bàn. 
 
Tổ y tế đến từng nhà các cụ để khám và tư vấn sức khỏe
 
       Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội thiết thực, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi hiện nay.
Yến Nhi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019108114
Hôm nay
Hôm qua
5147
7284