0235.3867334

       Sáng ngày 30.9, Thị ủy Điện Bàn tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã với nội dung "Sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP". Ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ; ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Trần Úc - Phó Bí thư thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã đồng chủ trì hội nghị.

       Dự hội nghị có bà Trần Kim Thoa - UV.BTV thị ủy, Trưởng Ban Dân vận thị ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thị ủy, Văn phòng HĐND & UBND thị xã; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn thị xã.

Hơn 200 đại biểu là hội viên Nông dân, Phụ nữ trên địa bàn thị xã tham gia buổi đối thoại. Ảnh T.H

       Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 73 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, có 35 cơ sở đã được cấp giấy  nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm; 01 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đến cuối năm 2023 trên thị xã Điện Bàn đã có 34 sản phẩm Ocop gồm: 03 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao của 26 chủ thể, trong đó: 19,2% là doanh nghiệp; 27% là hợp tác xã , 53,8% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thị xã Điện Bàn năm 2024thị xã có 8 sản phẩm đăng ký mới. Kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 là trên  1 tỷ đồng…

       Tại chương trình, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của hội viên nông dân, phụ nữ tập trung vào những nội dung cụ thể như: Hiện nay nông dân có nhu cầu mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn để đem lại thu nhập cho gia đình, kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuy nhiên nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, rất mong lãnh đạo thị xã quan tâm tạo quỹ đất để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung; Đề nghị lãnh đạo thị xã tạo điều kiện sản phẩm OCOP cùng đồng hành phát triển cùng với ngành du lịch của địa phương như việc đưa các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP vào các điểm tham quan của ngành du lịch… để tạo kiều kiện các chủ thể có điều kiện giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường;  Thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ nông dân tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, bên cạnh đó do hỗ trợ theo từng giai đoạn và một số yêu cầu kèm theo nên việc tiếp cận được còn bất cập. Đề nghị có các cơ chế hỗ trợ cho nông dân về vốn, kinh phí đầu tư khi xây dựng các mô hình triển kinh tế nông nghiệp, tạo động lực và thúc đẩy nông dân sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đề nghị Lãnh đạo thị xã quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân để ổn định đầu ra, tránh tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay….

Đến cuối năm 2023 trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã có 34 sản phẩm Ocop, trong đó có nhiều sản phẩm do hội viên phụ nữ tham gia. Ảnh T.H

       Hội nghị lần này tạo điều kiện để cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ hiểu rõ hơn, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đồng thời, giải quyết những vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thị xã.

       Các đồng chí lãnh đạo thị xã, các ngành chuyên môn đã giải đáp một số vướng mắc tại chương trình; các ý kiến còn lại, lãnh đạo thị xã tổng hợp và có giải đáp bằng văn bản trong thời gian đến.

Nhiều vấn đề được đông đảo hội viên quan tâm như kinh phí đầu, kêu gọi đầu tư và bao tiêu sản phẩm...Ảnh T.H

       Hội nghị là dịp để lãnh đạo thị xã gặp gỡ, động viên cán bộ, hội viên nông dân và phụ nữ phát huy tinh thần trách nhiệm tham gia trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn, cung ứng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp.

                                                                                                       Thu Hằng

       Sáng ngày 27/9, Đảng uỷ phường Điện Thắng Trung tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn thực hiện các văn bản đại hội chỉ đạo đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2030 và đại hội chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2027 cho cán bộ và toàn thể đảng viên trong đảng bộ. 
       Trước khi đi vào hội nghị, đảng uỷ phường tổ chức lễ trao tặng huy hiệu đảng đợt 2/9 cho 3 đảng viên. Tại buổi lễ, thừa uỷ nhiệm của Ban thường vụ thị uỷ Điện Bàn, ông Nguyễn Hữu Lanh - Bí thư đảng uỷ phường đã trao huy hiệu 45 năm tuổi đảng cho đảng viên Trương Công Đạt - chi bộ khối Thanh Quýt 4 và Nguyễn Hữu Trịnh - chi bộ khối Thanh Quýt 2, trao huy hiệu 40 năm tuổi đảng cho đảng viên Nguyễn Hữu Thơm - chi bộ khối Thanh Quýt 4.
 
Hội nghị đã trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2/9 cho 3 đảng viên trên địa bàn phường. Ảnh M.N
 
       Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt một số nội dung trọng tâm, cốt lõi, những điểm mới trong Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương để các đại biểu và đảng viên nắm. Trong đó, nội dung đại hội tập trung vào xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ qua, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ đến; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu ban chấp hành khoá mới, bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Về nhân sự phải thực hiện chu đáo, bài bản, tuân thủ Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành. 
Mi Ni

          Sáng ngày 24.9, Trường chính trị Quảng Nam phối hợp với Thị uỷ Điện Bàn tổ chức khai giảng Lớp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 22 năm 2024, hệ không tập trung. Dự khai giảng có bà Nguyễn Thị Khuê, Phó hiệu trưởng trường Chính Trị Quảng Nam; ông Trần Hải Vân, PBTTT thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã.

          Lớp học có 59 học viên là cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, giáo viên các trường học trên địa bàn thị xã.

         Trong thời gian từ 12 đến 18 tháng đào tạo theo hình thức không tập trung, các học viên sẽ được học 13 phần học, hoạt động đi thực tế, viết thu hoạch  với tổng cộng 1056 tiết học. Lớp học sẽ trang bị cho học viên kiến thức toàn diện về lý luận gồm: Chủ nghĩa Mác  -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, nhà nước và pháp luật; Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, trang bị cho học viên kỹ năng công tác lãnh đạo, quản lý; vun đắp bản lĩnh chính trị…

 

                                                                    Thu Hằng

 

       Chiều ngày 13/9, UBMT thị xã tổ chức hội nghị tổng kết đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Ông Phan Ngọc Hải – UVBTV, Chủ tịch UBMT thị xã và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch UBMT thị xã đồng chủ trì hội nghị.
 
Có 148 công trình, phần việc, xây dựng mới 26 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 27 nhà chào mừng đại hội Mặt trận các cấp. Ảnh M.N
 
       Đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội Mặt trận các cấp được thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024 và đạt được nhiều kết quả. UBMT thị xã và các xã, phường đã đăng ký và triển khai thực hiện 148 công trình, phần việc, xây dựng mới 26 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 27 nhà chào mừng đại hội Mặt trận các cấp. Trong đó, UBMT thị xã đăng ký hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và đã tiến hành rà soát, thống nhất hỗ trợ xây dựng 2 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 7 nhà với số tiền 330 triệu đồng; tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng, pano ảnh, tuyến đường sáng – xanh - sạch - đẹp; thăm tặng 1 nhà đaj đoàn kết và 60 suất quà cho người nghèo huyện Đông Giang với tổng kinh phí 90 triệu đồng. UBMT các xã, phường đăng ký và xây dựng 24 nhà, sửa chữa 25 nhà, tổ chức 38 hội thi và hơn 60 công trình, phần việc với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng. Các tổ chức thành viên của thị xã đã hỗ trợ xây mới 3 nhà và sửa chữa 2 nhà với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức còn thực hiện nhiều công trình, phần việc với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.
 
Các cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết. Ảnh M.N
 
       Tại hội nghị, UBMT thị xã đã tặng giấy khen cho 9 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đại biểu UBMTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029; đồng thời trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt giải tại các cuộc thi sáng tác biểu trưng, thi pano ảnh “dấu ấn nhiệm kỳ”, tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp.
Mi Ni

       Sáng ngày 13/9, tại nhà văn hoá thôn Xóm Bùng - xã Điện Hoà, UBMT thị xã phối hợp với thị uỷ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền với Nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Điện Hoà. Ông Phan Minh Dũng – Bí thư thị uỷ và ông Trần Úc - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có ông Phan Ngọc Hải - UVBTV, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận thị xã; đại diện lãnh đạo các phòng, ban của thị xã cùng hơn 150 cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
 
Nhiều ý kiến của Nhân dân được trình bày tại buổi đối thoại. Ảnh M.N
 
       Ngoài 6 ý kiến về các lĩnh vực Y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, an ninh trật tự được tổng hợp gởi đến lãnh đạo thị xã, tại hội nghị các đại biểu đã tham gia 13 ý kiến về nước sạch, điện, ô nhiễm môi trường, giao thông nông thôn, bê tông hoá kênh mương nội đồng và giữ chuẩn các trường học trên địa bàn xã. Các đại biểu đề nghị lãnh đạo thị xã quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan sớm giải quyết hồ sơ đất cho các hộ hiến đất mở đường để xây dựng đường giao thông nông thôn; có kế hoạch làm việc với TP Đà Nẵng để cho người dân sống giáp xã Hoà Tiến được sử dụng nước sạch; chỉ đạo ngành điện tháo dỡ các trụ điện ngã, đổ trong khu dân cư và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại  tuyến đường DH3; giải quyết dứt điểm việc gây ô nhiễm môi trường của trại gà Lương Mỹ và khu công nghiệp Trảng Nhật.
 
       Đại diện các ngành chức năng của thị xã đã giải đáp một số ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền. Lãnh đạo thị xã tiếp thu và giải đáp các thắc mắc của người dân, đồng thời giao cho Ban Dân vận, UBMT thị xã tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân tham mưu thị uỷ trả lời thoả đáng cho người dân trong thời gian đến.
Mi Ni

       Sáng ngày 16/9, Ban Chỉ đạo công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát thị xã triển khai chủ trương về công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025. Tham dự có ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ; ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Trần Úc - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã; ông Phan Ngọc Hải – UVBTV, Chủ tịch UBMT thị xã.
 
Thị xã chủ trương vận động 4 nhóm đối tượng tham gia ủng hộ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh M.N
 
       Theo thống kê đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn 10.400 ngôi nhà xuống cấp, dột nát, không đảm bảo an toàn. Tỉnh uỷ Quảng Nam có thư kêu gọi ủng hộ thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2025. Thực hiện chủ trương của tỉnh uỷ Quảng Nam, Ban chỉ đạo công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát thị xã triển khai chủ trương về công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2023 – 2025 bằng hình thức vận động đóng góp từ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn thị xã. Trong đó, nhóm đối tượng 1: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước mỗi năm đóng góp ít nhất một ngày lương (thời gian vận động trong 3 năm, trước mắt vận động trong 2 năm 2023, 2024); nhóm đối tượng 2: công nhân, người lao động mỗi năm ít nhất một ngày thu nhập (thời gian vận động trong 2 năm 2024, 2025, trước mắt vận động trong năm 2024); nhóm đối tượng 3: Đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu niên tiết kiệm đóng góp ít nhất 50.000 đồng; nhóm đối tượng 4: hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên ủng hộ ít nhất 100.000đ (kể cả gia đình có các đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân, người lao động; đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu niên) trên tinh thần tự nguyện. Đối với nhóm đối tượng 1 và 2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã sẽ có công văn phối hợp cùng Liên đoàn lao động thị xã, triển khai vận động và nộp về số tài khoản của Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát thị xã. Đối với nhóm đối tượng 3: giao các Tổ chức chính trị - xã hội và các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ của thị xã triển khai vận động và làm đầu mối nộp về số tài khoản của Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát thị xã. Đối với nhóm đối tượng 4: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã sẽ có văn bản chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam triển khai việc vận động hỗ trợ đối tượng từng hộ gia đình thông qua Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư.
Mi Ni

       Sáng ngày 30.8, Đảng bộ xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn tổ chức lễ phát hành tập sách lịch sử Đảng bộ xã Điện Thọ, giai đoạn 1975 -2020. Dự chương trình có ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ; ông Huỳnh Quang Trung - UVBTV, Trưởng Ban tổ chức thị uỷ; ông Nguyễn Xuân Hà - UVBTV, PCT UBND thị xã; cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thị xã.

Các đại biểu tham dự Lễ phát hành tập sách lịch sử Đảng bộ xã Điện Thọ, giai đoạn 1975 -2020. Ảnh T.H

       Nhằm ghi lại những chặng đường vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trước năm 1975, Đảng bộ xã Điện Thọ đã tổ chức sưu tầm, biên soạn tập “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Điện Thọ (1930-1975) và phát hành vào tháng 1 năm 2008.

       Thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã, Ban Chấp hành đảng bộ xã đã chủ trương tiếp tục thực hiện sưu tầm, biên soạn tập sách “Lịch sử  Đảng bộ xã Điện Thọ (1975-2020). Nội dung tập sách phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ xã trên các lĩnh vực từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Ban chấp hành Đảng bộ xã lần thứ XXIV (2015 - 2020). Trong quá trình thực hiện, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo xã qua các thời kỳ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến, cung cấp những tư liệu quý giá cho việc biên soạn tập sách.

Đồng chí Phan Minh Dũng - Bí thư thị ủy chúc mừng địa phương tại buổi Lễ. Ảnh T.H

       Tập sách dày 270 trang, gồm 4 chương, trong đó: Chương 1: Củng cố chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (1975-1985); Chương 2: Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (1986-1996); Chương 3: Đẩy mạnh thực hiện Công cuộc đổi mới của Đảng theo hướng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1996-2005); Chương 4: Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và xây dựng xã Nông thôn mới (2005 - 2020).

       Đây chính là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, là địa chỉ đỏ để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tự hào về truyền thống và trang bị cho mình niềm tin, trách nhiệm trong tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

                                                                                                           Thu Hằng

       Sáng ngày 30/8/2024, Đảng bộ xã Điện Phong tổ chức Lễ phát hành tập sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Điện Phong giai đoạn 1930-1975. Tham dự lễ có ông Trần Hải Vân, Phó Bí thư thường trực thi ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; bà Trần Kim Thoa, UVBTV, Trưởng ban dân vận thị ủy; đại diện Đại biểu Lãnh đạo thị ủy, HĐND-UBND-UBMT, các ban ngành đoàn thể thị xã; Cán bộ lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo qua các thời kỳ xã Điện Phong, đại diện Lãnh đạo Đảng bộ các xã, phường: Điện Trung, Điện Quang, Điện Phương, Điện Minh, Điện An, Điện Phước; xã Duy Trinh, thị trấn Nam Phước huyện Duy Xuyên; đại diện gia đình mẹ VNAH, gia đình người công cách mạng, Hội đồng hương xã Điện Phong tại TP.HCM; đại diện Lãnh đạo Công ty, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã; Bí thư, phó bí thư Chi bộ thôn và bà con nhân dân ...

 

       Tại buổi lễ, Ông Lê Thành, Bí thư Đảng ủy xã đã ôn lại lịch sử hào hùng và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Phong giai đoạn 1930-1975, tri ân và ghi nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ đi trước đã viết lên trang lịch sử cho xã Điện Phong hôm nay. Sau hơn 20 năm triển khai nghiên cứu, biên soạn, với nhiều lần hội thảo góp ý, tập sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Điện Phong giai đoạn 1930-1975 được phát hành nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Tập sách có 275 trang gồm 5 chương: Chương 1: Khái quát về mảnh đất, con người và truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân xã Điện Phong trước năm 1930. Chương 2: Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thành lập Chi bộ Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, tiến tới dành chính quyền thắng lợi 1930-1945. Chương 3: Xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, cũng cố chính quyền cách mạng, cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược (1945-1954). Chương 4: Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, giữ gìn lực lượng cách mạng, chuyển hướng phong trào cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1954-1965). Chương 5: Phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn (1965-1975).

       Tập sách được biên soạn, biên tập đúng quy trình, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, các sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Điện Phong trong suốt 45 năm qua (1930-1975) được phản ánh chính xác, phong phú, sinh động, kèm hình ảnh phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng Đơn vị anh hùng vũ trang nhân dân xã Điện Phong, hình ảnh các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn và danh sách Lãnh đạo qua các thời kỳ, anh hùng LLVT nhân dân, bà mẹ VNAH và liệt sĩ … . Tập sách còn nêu rõ được vai trò tiếp thu, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Điện Phong đã đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Tập sách ra đời sẽ là tư liệu quý giúp lưu lại lịch sử Đảng bộ xã qua các thời kỳ, tạo động lực mạnh mẻ hơn nữa về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong những giai đoạn tiếp theo; đồng thời góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước tại địa phương.

       Tại buổi lễ, Lãnh đạo Đảng bộ xã Điện Phong cũng đã trao tượng trưng tập sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Điện Phong giai đoạn 1930-1975 cho Ban biên soạn và các đại biểu tham dự lễ.

Chí Thành

       Sáng ngày 27/8, tại 3 xã Gò Nổi, Cụm thi đua số 3 Hội Cựu chiến binh thị xã tổ chức chương trình hành trình địa chỉ đỏ và giao lưu cán bộ hội.
Tại chương trình, hơn 80 cán bộ hội viên cụm thi đua số 3 hội CCB thị xã đã có hành trình về với các địa chỉ đỏ như: khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ 96 liệt sỹ tiểu đoàn 76 Hải Đà (thôn Cẩm Phú 1, Điện Phong), nghĩa trang liệt sỹ xã Điện Quang và Đền thờ Vua Hùng tại xã Điện Trung.
 
Cán bộ Cụm thi đua số 3 Hội Cựu chiến binh thị xã tri ân tại đền thờ 96 liệt sỹ tiểu đoàn 76 Hải Đà. Ảnh T.K
 
       Tại những nơi đến, đoàn đã dành phút tưởng niệm, đặt vòng hoa, dâng hương để thể hiện lòng tri ân đến các anh hùng liệt sỹ, các bậc tiền bối đã không tiếc máu xương vị sự độc lập tự do của dân tộc. 
 
Các đại biểu dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Điện Quang. Ảnh T.K
 
       Thông qua chuyến hành trình, đã nêu cao vai trò, trách nhiệm cho cán bộ CCB, đồng thời tạo điều kiện cho các cán bộ, hội viên cụm thi đua số 3 hội CCB thị xã hiểu thêm về truyền thống, địa danh, mãnh đất Gò Nổi anh hùng; sự đổi thay, nét đẹp của vùng Gò Nổi trong xây dựng NTM; qua đó để cán bộ, hội viên học tập, rút kinh nghiệm, tuyên truyền cho cán bộ hội và các tầng lớp Nhân dân. 
                                                                                  Tào Ka

       Chiều ngày 24.8, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội biên phòng tại thị xã Điện Bàn tổ chức lễ thành lập và ra mắt. Dự lễ có Đại tá Lưu Văn Thiện - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam; Ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ Điện Bàn.

Ban liên lạc truyền thống Bộ đội biên phòng tại thị xã ra mắt tại buổi lễ. Ảnh T.H

       Thị xã Điện Bàn có phường Điện Ngọc, Điện Dương là địa bàn biên giới biển, do Đồn Cửa Đại Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của thị xã Điện Bàn luôn gắn liền với củng cố quốc phòng an ninh, trong đó công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển cực kỳ quan trọng, có sự đóng góp rất to lớn của các thế hệ cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang trước đây, Bộ đội biên phòng ngày nay, các đồng chí là những công dân, những người con ưu tú của quê hương Điện Bàn.

       Ban liên lạc gồm 5 thành viên do Trung tá Trần Minh Thông làm Trưởng ban; Trung tá Nguyễn Hồng Thanh làm Phó Trưởng ban. Tổng số hội viên có 120 người là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Bộ đội biên phòng đã nghỉ chế độ, phục viên, chuyển ngành trên địa bàn tỉnh hoặc đang tại chức.

       Ban liên lạc sẽ vận động hội viên tham gia hiệu quả các hoạt động, giữ vững và phát huy truyền thồng của lực lượng bộ đội biên phòng, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

       Tại lễ ra mắt, hội viên được ôn lại truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là bộ đội biên phòng, thắt chặt mối quan hệ, tình đồng chí, đồng đội sau khi đã nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành.

                                                                                                         Thu Hằng 

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019431776
Hôm nay
Hôm qua
6441
8874