0235.3867334
Sáng ngày 8.11, Thường trực HĐND thị xã Điện Bàn tổ chức kỳ họp thứ 22, kỳ họp chuyên đề.
Dự kỳ họp có ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ; ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Trần Úc - Phó Bí thư thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; ông Phan Ngọc Hải - UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã.
Ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Ngô Văn Trịnh - UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND thị xã chủ toạ kỳ họp.
Tại kỳ họp, UBND thị xã trình bày các tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khu dân cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam trên địa bàn xã Điện Tiến; dự án Tuyến đường từ HTX 1/5 đến Giáp Hoà Quý, phường Điện Ngọc; quyết định chủ trương đầu tư dự án Cải tạo tường rào, cổng ngõ và các hạng mục khác Ban Chỉ huy quân sự thị xã; dự án Cải tạo, chỉnh trang hệ thống điện trang trí chào mừng năm mới và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; danh mục đầu tư công; danh mục thu hồi đất và một số nội dung khác…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nội dung cụ thể, tính cấp thiết của từng dự án; những vướng mắc, tồn tại; đề xuất đầu tư hiệu quả hơn. Trên tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thống nhất thông qua 10 nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp.
Thu Hằng
Xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Thời gian qua, thị xã Điện Bàn đã triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật; nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân.
UBND thị xã Điện Bàn vừa tổ chức ngày hội tư vấn, hỗ trợ kiến thức pháp luật tại phường Điện Minh. Ngày hội diễn ra khá sôi nổi thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, đoàn viên Thanh niên cùng Tổ trưởng các tổ hòa giải và nhân dân ở các xã, phường tham gia. Thông qua ngày hội, người dân được tuyên truyền những kỹ năng nhận diện, phòng chống lừa đảo trực tuyến; một số quy định pháp luật về hộ tịch. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của thị xã đã trực tiếp tư vấn, tham vấn trên nhiều nội dung ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng; nội dung tuyên truyền thuyết phục, ngắn gọn dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng. Thời gian qua, xã Điện Phong luôn chú trọng việc xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nắm vững pháp luật, có kiến thức pháp lý cần thiết, nhiệt tình, có tâm huyết tích cực tham gia công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.
Năm 2024, là năm có nhiều văn bản Luật quan trọng có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật căn cước, Luật đất đai năm 2024, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng vv….có ý nghĩa quan trọng trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Để những văn bản luật này sớm đi vào cuộc sống, thị xã Điện Bàn đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, toạ đàm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thị xã và cán bộ, công chức xã, phường, thôn, khối phố. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể từ thị xã đến các xã, phường cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền pháp luật hoặc lồng ghép trong các hội thi sân khấu hóa, các hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở, qua đó tuyên truyền pháp luật mới có hiệu lực nhằm tạo hiệu quả sâu rộng trong mọi tầng nhân dân.
Với tinh thần quyết tâm đưa pháp luật đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, UBND thị xã Điện Bàn và Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thị xã, các hội, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn thị xã đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.
Hy vọng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở… Trong thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thị xã Điện Bàn tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, giữ vững an ninh chính, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Phạm Lộc
Chặng đường 10 năm thực hiện nghị quyết, thị xã Điện Bàn đã tập trung triển khai thực hiện toàn diện về mọi mặt, với nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi tốt đẹp của mảnh đất và con người Điện Bàn, tạo nội lực cho sự phát triển bền vững.
Công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng các hình thức đa dạng, phong phú, vận động cán bộ, đảng viên, hội đoàn viên và nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, các chuẩn mực văn hóa mới gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh; triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thị ủy chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua công tác giáo dục tư tưởng đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc; định hướng tư tưởng; khuyến khích tuổi trẻ sáng tạo, tạo động lực hành động tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa xã hội, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 33. Đồng thời, góp phần xây dựng con người Điện Bàn có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
10 năm qua , thông qua các phong trào, các hoạt động văn hóa trên địa bàn thị xã đã hình thành môi trường văn hóa nhân văn, tiến bộ. Thể hiện rõ nhất là từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở thị xã Điện Bàn cụ thể là việc xây dựng cơ quan, gia đình, tộc họ, thôn, khối phố, xã văn hóa, nông thôn mới, phường văn minh đô thị đã có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, khơi dậy sức sáng tạo và xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở. Đến cuối năm 2023, toàn thị xã có trên 93% gia đình văn hoá; 86% thôn, khối phố văn hoá; 100% xã Nông thôn mới, 100% phường đạt phường văn minh đô thị; 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá.
Văn hóa nghệ thuật truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy thông qua việc hàng năm tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan định kỳ như: liên hoan văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân, liên hoan nghệ thuật quần chúng NTM và các phong trào văn nghệ do các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức… Cạnh đó, Các lễ hội dân gian trên địa bàn thị xã như: Lễ hội Thanh Minh- xã Điện Quang, Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại xã Điện Trung, Lễ hội Cầu Ngư ở phường Điện Dương, Lễ hội Tịch điền đình làng Diệm Sơn ở xã Điện Tiến... được duy trì, tổ chức, tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Thời gian qua, Thị ủy Điện Bàn rất quan tâm xây dựng các thể chế về văn hóa, góp phần định hướng, mở đường cho lĩnh vực văn hóa phát triển; đảm bảo người dân được thụ hưởng văn hoá một cách đầy đủ, thiết thực. Liên tục qua các nhiệm kỳ, Thị xã đều ban hành đề án về phát triển một số lĩnh vực văn hoá qua từng giai đoạn. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ, vận động được nguồn lực đóng góp lớn từ bà con Điện Bàn xa quê, chung tay xây dựng quê hương. Với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, các thôn, khối phố đã vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân có nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Đến nay toàn thị xã có 140/140 nhà văn hóa thôn, khối phố có đầy đủ trang thiết bị. Ở một số xã đã vận động hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình như nhà bia tưởng niệm, trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống quê hương.
Xứng danh với mảnh đất có bề dày văn hoá, các địa điểm mang dấu ấn văn hoá lịch sử ở Điện Bàn là những minh chứng sống động. Bảo tàng thị xã Điện Bàn đã thu hút được nhiều lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Công tác sưu tầm hiện vật lịch sử chiến tranh tiếp tục được thực hiện, đã góp phần bổ sung phong phú thêm các hiện vật tại Bảo tàng. Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi, Di tích nhà lưu niệm Mẹ Thứ, khu lưu niệm Chí sĩ Hoàng Diệu thu hút đông đảo bà con nhân dân đến viếng và tham quan. Đặc biệt, năm 2024 này, thị xã Điện Bàn có thêm hai di tích Mộ danh nhân Phạm Phú Thứ (xã Điện Trung,) và Địa điểm Chiến thắng Bồ Bồ (xã Điện Tiến) được Bộ VH-TT&DL ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của người dân Điện Bàn về mạch nguồn văn hoá luôn được bảo tồn và nuôi dưỡng.
Bắt nhịp theo xu hướng hiện nay và phát huy tiềm năng của Điện Bàn, từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án phát triển du lịch Điện Bàn, hằng năm UBND thị xã tập trung công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ các hoạt động lễ hội bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian gắn kết phát triển du lịch thông qua việc tham gia các hoạt động lễ hội Quảng Nam - hành trình di sản, kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm. Liên kết với ngành du lịch thành phố Hội An, huyện Duy Xuyên và thành phố Đà Nẵng để phát triển du lịch văn hoá- lịch sử- cách mạng, du lịch làng nghề truyền thống như Làng nghề truyền thống làng đúc đồng Phước Kiều, chiếu chẽ Triêm Tây, bánh tráng Phú Chiêm, xã Điện Phương. Ngoài ra, các ngành nghề mới và hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thị xã cũng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm như: làng du lịch cộng đồng Triêm Tây- xã Điện Phương, làng du lịch Cẩm Phú – Điện Phong ; gỗ chạm khảm Nguyễn Văn Tiếp, đất nung Lê Đức Hạ, gỗ nghệ thuật Âu Lạc, Lạc Việt... thông qua đó giới thiệu và tuyên truyền về văn hóa lịch sử và truyền thống yêu nước, cách mạng của vùng đất Điện Bàn, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trên địa bàn thị xã.
Quán triệt sâu sắc xây dựng văn hóa từ trong các tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên. Thị ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương phát động rộng rãi các phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, ban hành và quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 06/02/2023 về “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ”. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, các chuẩn mực văn hóa công sở, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua từng chuyên đề cụ thể hàng năm gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các kết luận của Bộ Chính trị, BCHTW Đảng khóa XIII. Đặc biệt, hiện nay yêu cầu nâng cao chất lượng văn hóa trong công tác Đảng như thực hiện văn hóa trong học tập chính trị, chuyên môn, nâng cao trình độ, năng lực, học tập Nghị quyết của cán bộ, đảng viên; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cá nhân; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... đang được quan tâm chỉ đạo triệt để và triển khai rộng khắp đã có tác dụng đến văn hóa trong hệ thống chính trị thị xã, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên...
Thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại thị xã Điện Bàn đã và đang mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm của cả cộng đồng và chính quyền địa phương, chắc chắn rằng văn hóa Điện Bàn sẽ tiếp tục phát triển bền vững, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, tạo dựng một bản sắc văn hóa đậm đà cho thế hệ mai sau; góp phần quan trọng trong xây dựng thị xã Điện Bàn ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, tạo nền tảng để Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030, như Nghị quyết đại hội lần thứ 23 nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Thu Hằng
Sáng ngày 1.11, Thị uỷ Điện Bàn tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 49-KL/TW.
Dự hội nghị có ông Trần Khắc Thắng - Phó Ban Thường trực Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Trần Văn Cận - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Tại thị xã có các đồng chí Uỷ viên BCH Đảng bộ thị xã, lãnh đạo các cơ quan ban ngành thị xã, lãnh đạo 20 xã, phường.
Ông Phan Minh Dũng - Bí thư thị uỷ; ông Trần Hải Vân, Phó Bí thư Thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã đồng chủ trì hội nghị.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thông qua các phong trào, các hoạt động văn hóa trên địa bàn thị xã đã hình thành môi trường văn hóa nhân văn, tiến bộ. Đến cuối năm 2023, toàn thị xã có trên 93% gia đình văn hoá; 86% thôn, khối phố văn hoá; 100% xã Nông thôn mới, 100% phường đạt phường văn minh đô thị; 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá. Đến nay toàn thị xã có 140/140 nhà văn hóa thôn, khối phố có đầy đủ trang thiết bị. Ở một số xã đã vận động hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình như nhà bia tưởng niệm, trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống quê hương. Các lễ hội dân gian trên địa bàn thị xã được duy trì, tổ chức, tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đặc biệt, năm 2024 này, thị xã Điện Bàn có thêm hai di tích Mộ danh nhân Phạm Phú Thứ (xã Điện Trung,) và Địa điểm Chiến thắng Bồ Bồ (xã Điện Tiến) được Bộ VH-TT&DL ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Qua 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã, đến nay, thị xã Điện Bàn đã thành lập 31 Chi hội khuyến học của các cơ quan, tổ chức, nâng tổng số tổ chức hội toàn thị xã lên 811. Tổng số hội viên toàn thị xã: 44.530 hội viên, đạt tỷ lệ 19,3% so với tổng dân số. So với năm 2019 tăng 128 tổ chức và tăng 8.795 hội viên.
Về xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã, có 14/20 xã, phường được kiểm tra công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, đạt tỷ lệ 70%. Từ năm 2019-2023, toàn thị xã đã huy động Quỹ hội trên 43,3 tỷ đồng; cấp học bổng, trợ cấp Học sinh, sinh viên khó khăn và khen thưởng của các cấp hội được 144.935 suất, với số tiền 43 tỷ 461 triệu đồng; UBND thị xã khen thưởng cho 190 học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo đoạt các giải cao trong các cuộc thi, kỳ thi, hội thi thuộc Giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn, với số tiền là 951 triệu đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các tham luận chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện như: Công tác bảo tồn các giá trị di sản và việc phát triển nguồn lực văn hóa của Điện Bàn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiêu chí văn hóa - xã hội trong xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; giải pháp bảo tồn và phát huy vai trò làng nghề trong tình hình hiện nay; Sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác khuyến học…
Dịp này, UBND thị xã khen thưởng 9 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Thu Hằng
Chiều 25/10, Hội đồng Thẩm định Thị ủy Điện Bàn tổ chức hội nghị thẩm định tập sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Điện Bàn (1975 - 2020)”.
Tham dự hội nghị thẩm định có ông Nguyễn Văn Sỹ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Lê Thân - nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn (nay là Thị ủy Điện Bàn); ông Phan Minh Dũng, Bí thư thị uỷ Điện Bàn, các thành viên hội đồng thẩm định và đại diện cơ quan chủ trì, ban biên soạn.
Ông Trần Thế Kế, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ chủ trì hội nghị.
Các thành viên hội đồng đánh giá nội dung bản thảo tập sách đảm bảo tính đảng, tính khoa học; kết cấu bố cục chương, mục, tiểu mục, phân kỳ hết sức khoa học, hợp lý, văn phong diễn đạt rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu; tư liệu phong phú, trích dẫn cụ thể, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao.
Bản thảo tập sách nội dung gồm 165 trang A4, 36 trang phụ lục ảnh. Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung chính được kết cấu làm 4 chương: Chương một: Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn trong 10 năm đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1985); Chương hai: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trên lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương (1986 - 1995); Chương ba: Nâng cao chất lượng tổng hợp của khu vực phòng thủ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời kỳ mới (1996 - 2005); Chương bốn: Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (2005 - 2020).
Tập sách thể hiện quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân thị xã giai đoạn 1975 - 2020, tổng kết bài học kinh nghiệm, phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới.
Qua đó thiết thực tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước và làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục nâng cao lòng tự hào về truyền thống của lực lượng vũ trang thị xã cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Phát biểu kết luận, ông Trần Thế Kế - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Điện Bàn đề nghị cơ quan chủ trì, ban biên soạn tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, hoàn thiện nội dung bản thảo xin ý kiến hội đồng lần cuối trước khi xuất bản.
Dự kiến tập sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Thu Hằng