0235.3867334

Bài viết: Nhìn lại chặng đường 80 năm năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Thị xã Điện Bàn

        Là đất “địa linh, nhân kiệt” của xứ Quảng Nam, Điện Bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Nam. Trong 2 thời kỳ kháng chiến Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai luôn tìm mọi cách chiếm lĩnh Điện Bàn để tạo vành đai an toàn bảo vệ căn cứ Đà Nẵng, làm bàn đạp càn quét đánh phá các địa bàn chiến lược khác. Ngược lại, với Cách mạng, Điện Bàn là nơi cung cấp nguồn nhân lực, là bàn đạp, chỗ dựa vững chắc để tấn công vào sào huyệt của địch ở Đà Nẵng. Vì thế, trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây thường diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Để thực hiện những sứ mệnh bảo vệ Đảng, nhân dân và đấu tranh có hiệu quả với những thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Điện Bàn đã ra đời và ngày càng lớn mạnh, trưởng thành đáp ứng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, ngành giao phó, ngày càng được nhân dân tin yêu…

        Ngày 28 tháng 8 năm 1947, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến huyện Điện Bàn quyết định rút du kích nòng cốt  của các xã thành lập đội vũ trang tập trung làm nhiệm vụ cơ động đánh địch, hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh, lấy tên là Đội chiến đấu lưu động, do đồng chí Nguyễn Cửu làm đội trưởng; đồng chí Lê Hy làm đội phó. Đến nay, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn không ngừng lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Điện Bàn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

        Vượt lên những đau thương, người Điện Bàn đã cầm súng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ đất đai xứ sở. Dưới sự đùm bọc, che chở của nhân dân, lực lượng vũ trang Điện Bàn đã lập nên bao chiến công chói lọi, từ những trận đánh Bồ Bồ- một trận Điện Biên Phủ ở khu V thời kháng Pháp, đến phong trào đồng khởi  ở Điện Bàn với mốc son là trận đánh của những dũng sĩ Điện Ngọc ngày 26.4.1962 đã trở thành khúc tráng ca về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; cùng những trận đánh  tiến công đồn Ngũ Giáp xã Điện Thắng năm 1966, trận tiến công tiêu diệt trung đội Mỹ, tại chốt điểm Gò Đinh năm 1967; Đặc biệt là Chiến dịch tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Điện Bàn đã đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên địch, sang bằng hàng chục chốt điểm, khu dồn…góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ Nguỵ tạo ra bước ngoặc quan trọng để quân và dân Điện Bàn tiếp tục tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 29.3.1975.  Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là mốc son kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh, với nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân huyện nhà, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Đà, giải phóng thành phố Đà Nẵng.

        Theo lời kể của anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hiền, Nguyên Huyện uỷ viên, Nguyên Huyện đội phó Huyện đội Điện Bàn, trong giai đoạn ấy, trong mỗi tấc đất, dòng sông ở Điện Bàn thời kỳ ấy đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, xương máu của biết bao người dân yêu nước và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang Điện Bàn. Mặc dù tuổi đã cao, lại mang trong mình bao di chứng do chiến tranh để lại, nhưng khi trò chuyện cùng chúng tôi,  những ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông…

        Đất Điện Bàn – đất anh hùng, bởi trong dặm dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất Điện Bàn đã ngời sáng những tấm gương kiên trung với cách mạng, với vận mệnh đất nước, quê hương. Qua 30 năm trường kỳ kháng chiến, trên mảnh đất Điện Bàn có trên 3150 Bà mẹ đã được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;  21 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 82 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 18.920 liệt sỹ, 4.869 thương binh, 3247 người bị tù đày, 9.028 người có công giúp đỡ cách mạng…

        Hoà bình lập lại, ngày 20.6.1976, Điện Bàn là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã lập được thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Lực lượng vũ trang Điện Bàn kịp thời ổn định tư tưởng, tổ chức biên chế, giảm quân số chủ lực, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở, đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong các nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, hỗ trợ nhân dân trở về quê hương ổn định đời sống, rà phá bom mìn, khai hoang phục hoá, khôi phục sản xuất, là địa phương khá nhất trong mùa tuyển quân đầu tiên sau giải phóng.Tháng 9.1985, tại đại hội thi đua quyết thắng các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh lần thứ 2, Điện Bàn được tặng cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Nguyên phó tham mưu trưởng Quân khu, từng là chiến sỹ đại đội 3, huyện đội Điện Bàn những năm sau giải phóng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời, vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện các nhiệm vụ mới, có những nhiệm vụ chưa từng có kinh nghiệm, đã trao dồi thêm ý chí nghị lực, giữ vững niềm tin với cấp uỷ, chính quyền, gắn kết thêm tình nghĩa quân dân.

        Triển khai đổi mới đường lối của Đảng trên lĩnh vực quốc phòng, quân sự, quân và dân Điện Bàn tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Khi giai đoạn 1986 đến năm 1995 tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang ngày càng hoàn thiện hơn, nhất là sự ra đời của Ban cán sự Quân sự vào năm 1988, tiếp đến là thành lập Đảng bộ quân sự năm 1994, tạo tiền đề để vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Cơ quan quân sự chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội tham mưu thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

        Trong chặng đường đầy vinh quang đó, năm 1987, lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn vinh dự được chủ tịch Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất vì “đạt thành tích xuất sắc trong 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1947- 1987). Kết quả đó, tạo tiền đề quan trọng, là nguồn cổ vũ động viên to lớn để cán bộ, chiến sỹ và toàn thể nhân dân huyện vững bước tiến vào thời kỳ  mới, cùng cả nước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

        Bước vào thời kỳ mới, giai đoạn 1996 – 2005, lực lượng vũ trang thị xã tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Ba năm liền từ năm 1995 đến năm 1997, lực lượng vũ trang Điện Bàn được tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của tỉnh; năm 1998, được Quân khu tặng cờ đơn vị quyết thắng; Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, nhận cờ thi đua xuất sắc UBND tỉnh. Đặc biệt, ngày 28 tháng 2 năm 2005, LLVT Điện Bàn vinh dự được Nhà nước tặng Huân Chương lao động hạng 3 vì có thành tích xuất sắc trong công tác chính sách hậu phương quân đội  và phong trào đền ơn đáp nghĩa giai đoạn 1994  -2004…

        Gần 20 năm trở lại đây, Điện Bàn có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Năm 2005, huyện Điện Bàn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tiếp bước truyền thống quê hương, lực lượng vũ trang Điện Bàn ra sức học tập, huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, phát huy tốt vai trò nòng cốt giúp dân khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xứng đáng là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp uỷ, chính quyền, xứng đáng là lực lượng vũ trang trong lòng nhân dân.

        Đặc biệt, sau 40 năm kể từ ngày giải phóng quê hương, ngày 27.3.2015, Điện Bàn đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì và Công bố Nghị quyết thành lập thị xã Điện Bàn. Đây là niềm vinh dự, tự hào cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm nặng nề cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang  và nhân dân thị xã Điện Bàn. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thị xã Điện Bàn đã nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Thế trận quốc phòng được củng cố vững chắc, 5 năm qua, UBND thị xã đã đầu tư kinh phí trên 6 tỷ đồng xây dựng cơ bản các hạng mục căn cứ chiến đấu mô phỏng, phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang  thị xã; xây dựng chính quy, bảo đảm nơi ăn, ở, nhà kho cho lực lượng vũ trang  thị xã với kinh phí trên 19 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn 2019 – 2024, UBND thị xã đã ban hành 3 đề án hỗ trợ cho lực lượng vũ trang. Thị uỷ, UBND thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức 01 lượt diễn tập khu vực phòng thủ thị xã vào năm 2022 và 25 lượt diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ có chất lượng, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Qua diễn tập đã kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung phương án tác chiến, nâng cao phương pháp lãnh đạo, điều hành, chỉ huy hiệp đồng xử trí tình huống của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang , góp phần xây dựng thế trận phòng thủ ngày càng vững chắc.

        Công tác giao nhận quân luôn được UBND thị xã quan tâm, chú trọng. Hằng năm tổ chức giao quân đạt 100% và vượt chỉ tiêu với 1.428 thanh niên nhập ngũ qua 5 năm; chất lượng công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn thị xã ngày càng được nâng cao.

        Vai trò của lực lượng vũ trang thị xã thể hiện rõ nét trong giai đoạn cả nước oằn mình chống chọi dịch bệnh Covid 19, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang thị xã đã phát huy tinh thần trách nhiệm, kề vai, sát cánh cùng với nhân dân, cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã vượt qua những khó khăn ấy một cách ngoạn mục. Đã có hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang  tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn thị xã; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Ban Chỉ huy quân sự thị xã tình nguyện tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19 tại các huyện trên tuyến biên giới của tỉnh và tăng cường thực hiện nhiệm vụ trên biển…

        Thời gian trôi dần về quá khứ, nhưng những thành tích, chiến công tiêu biểu của lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Điện Bàn luôn trường tồn với thời gian. Kế thừa và phát huy truyền thống 80 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Thị uỷ Điện Bàn, LLVT thị xã sẽ tiếp tục gánh vác sứ mệnh đặc biệt viết nên những trang sử mới oanh liệt, hào hùng, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thị xã; góp phần xây dựng quê hương Điện Bàn ngày càng phát triển.

Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019437069
Hôm nay
Hôm qua
6548
7495