Bài viết: Bức tranh đô thị Điện Bàn

         Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội thị xã không đứng ngoài sự tác động khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. UBND thị xã đã xây dựng nhiều chương trình thu hút đầu tư, hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và 2045, thành lập 05 phường dọc QL1A, nâng tổng số đơn vị hành chính lên 12 phường, góp phần tăng tỷ lệ đô thị hoá thị xã trên 63%, tăng 21% so với năm 2022. Vừa ổn định nguồn lực lao động khu vực nông thôn hạn chế di dân di cư, vừa thu hút dân cư đến sinh sống ổn định tại các dự án đô thị, Điện Bàn đang là điểm sáng trong thu hút dân cư.

         Bức tranh đô thị Điện Bàn càng hình thành rõ nét với nhiều bước phát triển mới: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 31/3/2023; thành lập 5 phường theo Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của UBTVQH nâng số đơn vị hành chính lên 12 phường, tỷ lệ đô thị hoá trên 63%; tiếp tục hoàn chỉnh nội dung Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045.

         Trong năm qua, thị xã đã tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như: Trung tâm Thể dục - Thể thao Bắc Quảng Nam, Công viên Trung tâm, Công viên Mẹ Thứ, đường ven hồ Trung tâm hành chính, trụ sở Thị ủy, các tuyến ĐH…bên cạnh đó, các công trình trụ sở làm việc, trường lớp học được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công tác, học tập tại thị xã. Một số khu đô thị đã hoàn thiện hạ tầng, cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng cho hộ dân cư, tỷ lệ xây mới ở khu vực này tăng lên: KDC Phong Nhị, KDC Nam Dương, KDC Ân Phú – Điện An... Sự ra đời siêu thị đầu tiên khu vực Bắc Quảng Nam tại khu đô thị Phong Nhị, tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, là điểm sáng thu hút dân cư đến làm việc tại thị xã.

        Trong chương trình phát triển Điện Bàn đến năm 2030, với định hướng trở thành đô thị loại 3, Điện Bàn đang thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Đô thị hoá ở Điện Bàn có xu hướng tăng mạnh do những năm gần đây, cơ sở hạ tầng khu vực thành thị phát triển mạnh, nhiều dự án đầu tư bất động sản, khu dân cư, khu đô thị triển khai và hoàn thiện, tạo tiền đề thu hút dân cư các vùng đến sinh hoạt định cư tại đô thị.

         Trong năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các nơi ngày càng gặp nhiều khó khăn, lượng đơn hàng ít, giản giảm thời gian lao động nên ảnh hưởng chung đến thu nhập người lao động. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn bên cạnh nhiều khó khăn thách thức. Song, kết quảxuất tại KCN tập trung Điện Nam – Điện Ngọc vẫn được duy trì và có sự tăng trưởng, tăng 3%, tình hình sử dụng lao động trong KCN vẫn duy trì ổn định. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc: Thu hút 70 doanh nghiệp, tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2022, giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động. Các cụm công nghiệp thu hút được 84, tăng 01 dự án so với năm 2022 đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.985 lao động.

        Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hàng năm được quan tâm thực hiện thường xuyên, trong năm đã giải quyết việc làm cho 6.220 lao động. Bên cạnh chương trình phát triển đô thị, chương trình xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp địa phương. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ở bất cứ đâu người dân cũng có thể mua bán các sản phẩm. Nhờ vậy, đời sống thu nhập người dân nông thôn được nâng cao, góp phần ổn định nguồn lực lao động tại chỗ, hạn chế dân di cư.

         Với chính sách vừa phát triển đô thị thu hút dân cư, vừa nâng cao đời sống dân cư nông thôn thông qua chương trình MTQG xây dựng NTM hạn chế di cư. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào các Khu, cụm công nghiệp góp phần giải quyết việc làm tại chỗ. Các tiện ích về y tế, văn hoá, giáo dục tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Điện Bàn ngày càng thu hút dân cư đến sinh sống, học tập và làm việc.

         Quá trình đô thị hóa làm cho diện mạo đô thị Điện Bàn ngày càng thay đổi, tỷ lệ lấp đầy công trình nhà ở tại các khu dân cư, khu đô thị ngày càng tăng lên cho thấy mức độ di dân, di cư đến sinh sống học tập tại khu vực thành thị ngày càng nhiều. Bức tranh đô thị Điện Bàn đã hiện hữu rõ nét hơn, hướng tới thành phố trong tương lai không xa.

                                                                                                         Thu Hằng